Duy trì dịch vụ cho vay nội bộ
Chúng tôi đến Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (gọi tắt Hợp tác xã Hòa Phong) thuộc xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên), khi ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc hợp tác xã này đang bận rộn duyệt dịch vụ vay nội bộ cho các thành viên. Đây là dịch vụ mà hiện rất hiếm hợp tác xã trên địa tỉnh còn duy trì hoặc nếu có thì vốn đầu tư cho vay cũng không nhiều như tại đây vì khó thực hiện thu hồi vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, hằng năm, hợp tác xã dành gần 5 tỷ đồng cho vay vốn nội bộ nhằm giúp thành viên đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển triển đa ngành nghề, giải quyết được nhu cầu lao động, có việc làm ổn định, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.
Dịch vụ này được hợp tác xã duy trì từ khi ra đời vào năm 1995 cho đến nay. Mỗi năm có đến 400 - 500 thành viên được vay vốn nội bộ, thời gian vay 12 tháng, với lãi suất như ngân hàng nông nghiệp, còn từ 1/7/2024 như ngân hàng chính sách xã hội, chỉ 0,75%/tháng. Năm 2023, Hợp tác xã Hòa Phong cho vay nội bộ khoảng 4,4 tỷ đồng.
Nông dân Nguyễn Văn Thanh, một xã viên ở thôn Mỹ Thạnh Trung 2 cho biết, hợp tác xã như là “bà đỡ” của nông dân bởi ai thiếu vốn đều đến vay với thủ tục cũng đơn giản, chỉ cần có sổ đỏ nông nghiệp. Dù vay tối đa chỉ được 20 triệu đồng song đã giúp nhiều bà con có thể mua thêm con bò, thức ăn phục vụ chăn nuôi để phát triển kinh tế, cũng như vượt qua lúc khó khăn.
6 dịch vụ khép kín trong sản xuất lúa
Tại Hợp tác xã Hòa Phong, lúa là cây trồng chủ lực với diện tích 577ha. Theo ông Đông, để giúp các thành viên sản xuất giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng, hợp tác xã triển khai 5 dịch vụ từ khâu làm đất, cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV, thủy lợi nội đồng cho đến thu hoạch.
Nhờ đó, mỗi vụ, khâu làm đất bằng máy tại địa phương đạt trên 90% diện tích, phục vụ đúng thời gian gieo sạ cho thành viên. Còn diện tích sử dụng lúa giống cấp xác nhận của thành viên để gieo sạ trên 85%. Hợp tác xã quản lý hơn 64km kênh mương, với đội thủy nông gồm 24 người, thường xuyên trực tiếp trên đồng ruộng để điều tiết nước tưới tiêu chủ động 577ha, diện tích canh tác 2 vụ lúa/năm.
Về dịch vụ phân bón, thuốc BVTV, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Phong cho hay, đã có đại lý tại các thôn. Hợp tác xã đầu tư ứng trước các loại vật tư phân bón để các thành viên sản xuất, đến cuối vụ thu hoạch mới thu tiền. Hợp tác xã chịu trách nhiệm về chất lượng và số lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên. Còn đại lý có nhiệm vụ vận chuyển vật tư từ kho đến từng hộ nông dân bán với giá theo đúng thông báo của hợp tác xã, cùng với đó có trách nhiệm thu tiền giao nộp cho hợp tác xã sau khi thu hoạch lúa.
“Chúng tôi sẽ trả tiền hoa hồng cho đại lý theo số lượng vật tư đã bán được theo từng chủng loại và có chiết khấu thêm 60.000 đồng/tấn nếu bán vượt trên 10 tấn”, ông Đông chia sẻ.
Ông Lê Chí Tâm, một đại lý ở thôn Mỹ Thạnh Trung 2 cho biết, những năm qua nông dân trong thôn rất hài lòng dịch vụ cho ứng vật tư trước trả tiền sau của hợp tác xã. Vì vậy có đến 90% nông dân sử dụng dịch vụ này, trong khi giá bán nợ cũng hợp lý, chỉ tăng thêm từ 8-10 ngàn đồng/bao (tùy loại). Riêng đại lý mỗi năm cung ứng cho nông dân trung bình khoảng 40 tấn các loại.
Đặc biệt, tại hợp tác xã này còn có dịch vụ khuyến nông, hiện có câu lạc bộ khuyến nông gồm 70 thành viên, tổ chức họp định kỳ theo quý để trao đổi trong công tác sản xuất nông nghiệp và các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, “1phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, sạ hàng sạ thưa được thành viên nắm bắt để canh tác, giúp giảm sâu bệnh, đạt năng suất và không ảnh hưởng môi trường.
Quyết tâm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm
Dâu tằm cũng là cây trồng chủ lực ở xã Hòa Phong. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã này đã tồn tại hơn 30 năm và duy nhất tại tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, những năm gần đây khi thời tiết thay đổi, giá cả thị trường biến động đã khiến kén tằm không còn mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con ở đây. Nhiều hộ buộc phải bỏ nghề, tìm tới các loại cây trồng khác. Đứng trước thực trạng đó, từ tháng 8/2023, Hợp tác xã Hòa Phong quyết tâm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm cho các thành viên.
Ông Đông cho biết, để vực dậy làng nghề, Hợp tác xã đang phát triển trồng giống dâu mới với diện tích 1,1ha. Dự kiến thu hoạch lá nuôi tằm vụ đầu tiên vào cuối tháng này. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã tổ chức cho 30 lượt người tham quan học tập ngành dâu tằm. Bốn cán bộ của hợp tác xã cũng đã ra tỉnh Bình Định để học kinh nghiệm nơi nuôi tằm hiệu quả.
“Sau khi học tập xong, chúng tôi sẽ làm mô hình điểm ngay tại hợp tác xã để bà con tham quan học tập. Đây là mô hình nuôi theo phương pháp mới, cho năng suất kén cao gấp đôi so với trước đây. Hơn nữa, tằm nuôi khỏe, ít dịch bệnh, tiết kiệm thời gian chăm sóc, giúp bà con thu nhập cao hơn 3 - 4 lần so với cây lúa”, ông Đông nói.
Vui mừng hơn là Hội đồng nhân dân huyện Tây Hòa đã phê chuẩn hỗ trợ hợp tác xã đầu tư nhà nuôi tằm tập trung với diện tích 200m2, kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2025 - 2026, khi việc nuôi tằm theo phương pháp mới ổn định, hợp tác xã sẽ nhân rộng mô hình ra toàn xã, khi đó hợp tác xã sẽ tự chủ về việc cung cấp giống tằm con, cũng như liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Hợp tác xã Hòa Phong còn có dịch vụ như bán lẻ xăng dầu, nhớt các loại; thu hộ phí rác thải; đại lý bảo hiểm y tế; rượu tằm và tằm khô và dịch vụ cho thuê tài sản, thanh lý tài sản và thu khác. Hiện hợp tác xã có trên 2.000 thành viên, doanh thu từ 24 - 25 tỷ đồng/năm; chi trả cổ tức cho các thành viên mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, hợp tác xã lãi 600 - 700 triệu đồng/năm.