Xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của Ban Thường trực uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, năm 2020 tỉnh đã triển khai mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”. Đây là một trong những bước tiến quan trọng nhằm nâng cao năng lực cho nông dân, gắn sản xuất với phát triển kinh tế bền vững.
Khởi đầu, mô hình được triển khai thí điểm tại 5 huyện, mỗi địa phương chọn một xã làm điểm. Tại đây, bà con nông dân được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; học cách quản trị, tự chủ, tự quản trong hoạt động kinh tế cũng như đời sống cộng đồng. Đồng thời, bà con được tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đến tháng 8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã chuyển giao mô hình cho Hội Nông dân tỉnh, biến nó thành một cuộc vận động quy mô lớn trong toàn tỉnh. Từ đây, các mô hình đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của hàng nghìn hội viên, góp phần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp hiện đại.
Theo ông Lý Văn Giàu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, mô hình “Người nông dân chuyên nghiệp” không chỉ giúp thay đổi nhận thức mà còn mang lại những kết quả tích cực. Cụ thể, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 121.000 hội viên nông dân đăng ký tham gia mô hình, trong đó trên 42.000 người đã được công nhận là “nông dân chuyên nghiệp”.
“Đây là một mô hình điển hình, cho thấy sự sáng tạo và hiệu quả trong việc xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn với ứng dụng công nghệ và bảo vệ môi trường”, ông Giàu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã ký kết nhiều chương trình hợp tác với các sở ngành và doanh nghiệp, nhằm triển khai các lớp tập huấn giúp bà con ứng dụng công nghệ số và nâng cao kiến thức. Các buổi tuyên truyền đảm bảo được tính chất: ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Đặc biệt, hơn 40.000 nông dân đã cài đặt ứng dụng “Nông dân Việt Nam” và 2.500 người tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử thông qua sự hợp tác Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm Felix. Nhờ đó, hội viên, hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh có thể kết nối giao thương với các địa phương trong và ngoài nước. Cũng như tiếp cận cách thức quản trị gian hàng, đăng bán sản phẩm và quản lý các khâu vận chuyển, thanh toán.
Ngoài ra, các cấp hội trong tỉnh cũng hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình sản xuất sạch, tuần hoàn, có trách nhiệm với môi trường. Tiêu biểu là mô hình tái sử dụng rác thải hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất chế phẩm sinh học. Mô hình này không chỉ giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao giá trị sản phẩm nông sản nhờ chất lượng và tính bền vững.
Ông Giàu nhận định, hiện nay công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều kênh như sinh hoạt định kỳ tại các chi hội, tập huấn trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, tại các hội quán là địa điểm “lý tưởng” để Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền các chủ trương, chính sách cũng như vận động bà con ứng dụng các công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Mặt khác, Hội Nông dân tỉnh cũng xây dựng trang thông tin điện tử, duy trì các nhóm Zalo và kênh truyền thông của cán bộ hội để cung cấp thông tin nhanh chóng, hiệu quả đến bà con. Qua đây, những gương điển hình trong sản xuất cũng được giới thiệu để tạo động lực giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức và kỹ năng tổ chức sản xuất nông nghiệp.