Lắng nghe trong thiên nhiên, một buổi chiều nhạt nắng nào đó trong ký ức, hay tiếng côn trùng sau cơn mưa mùa hạ... Buổi chiều ấy, tiếng côn trùng ấy không dính vào một sự kiện nào của xã hội, nó không có gì đặc sắc để người ta phải nhớ nó. Nhưng với nhà thơ này, tôi muốn nói Nguyễn Thị Hồng ở chặng đầu làm thơ thuộc thế kỉ trước, khi chị viết các bài thơ này, thì hình như cái thời gian, không gian ấy lại chạm vào tâm hồn chị, chạm rất nhẹ nhưng đủ để chị cảm nhận. Thoáng cảm nhận thôi, cảm xúc chưa rõ hình thù nhưng vẫn đủ để không phai không nhạt không nhòa.
Cái thời thơ dại tinh khôi ấy, nhiều thứ quên rồi nhưng cái buổi chiều thi vị với riêng chị hôm ấy thì ở lại và thành thơ vào năm chị bốn mươi tuổi. Còn cái tiếng côn trùng sau mưa cũng là kỷ niệm của riêng chị, nó đánh dấu một thay đổi tâm lý của tuổi mới lớn, khi mọi đổi thay ngoại cảnh dễ chạm vào khoang tâm hồn trong veo còn để ngỏ và gây xao động không thôi. Với chị, thơ bắt đầu từ chính cái vết chạm nhẹ rất mơ hồ nhưng không chịu phai nhạt đó. Nó tồn tại như một “kỷ niệm” (tên bài thơ này) được lưu giữ trong ký ức. Chặng thứ nhất trong lộ trình tìm thơ của Nguyễn Thị Hồng là vậy. Ở chặng này bạn đọc sẽ nhận ra đặc trưng của cách cảm nhận ở từng tác giả, cái mà chúng ta hay gọi là tạng tâm hồn.
Tạng tâm hồn Nguyễn Thị Hồng, ngay từ những bài thơ đầu tiên và vẫn duy trì cho đến nay, là hướng vào lòng mình, lắng nghe mọi cảm nhận của giác quan và lưu giữ chúng tạo nên ấn tượng của nội tâm. Có thể coi thơ chị như một điển hình của thơ hướng nội. Hạn chế của khuynh hướng này là biên độ phản ảnh xã hội, phản ánh những sự kiện đời sống thường bị thu hẹp. Nhưng bù lại nó có nhiều lợi thế khai thác nội tâm, tạo nên phẩm chất trữ tình sâu đậm, dễ tri kỷ tri âm lưu lại những ấn tượng, những cảm xúc sâu bền trong bạn đọc. Đây là những đặc điểm chung nhất, như kiểu phân chia các loại tính cách tâm lý con người kiểu Hypocrate.
Trong thực tế, tùy theo tài năng người viết, nó có thế biến đổi chồng chéo, phong phú hơn và phức tạp hơn. Nhưng với Nguyễn Thị Hồng, tôi thấy chị sở hữu khá đầy đủ những phẩm chất điển hình của dòng thơ hướng nội. Chị đã đánh dấu tâm hồn mình vào không gian thơ của chị. Dù là thơ về một buổi chiều tà hay về tiếng côn trùng sau mưa thì điều ở lại với tâm trí bạn đọc, rõ nhất, bền nhất, lại là tâm hồn tác giả. Buổi chiều ấy, tiếng côn trùng ấy nhập vào kho ký ức chúng ta là nhập trong từ trường tâm hồn Nguyễn Thị Hồng, theo khuôn khổ cảm và nhận của giác quan, của cảm xúc, của tình cảm nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.
Tôi chia lộ trình tìm thơ làm hai chặng. Chặng vừa nói tạm gọi là chặng cảm và nhận. Chặng sau là chuyển những cảm nhận đó thành câu thơ, bài thơ. Chặng này thuộc về bút pháp tác giả. Chia thế cho dễ trò chuyện. Nhiều khi hai chặng xảy ra đồng thời, nhà thơ cảm nhận hiện thực bằng ngay những câu thơ. Ở những bài thơ mang cảm xúc hoài niệm thì rõ ràng có khoảng cách thời gian giữa hai chặng, như ở hai bài chúng ta vừa nói Nhưng khi viết thì không phải tác giả chỉ nhớ lại mà là sống lại những cảm xúc, những tình cảm đã trải nghiệm, để viết..
Tôi không biết những bài thơ đầu tiên của Nguyễn Thị Hồng, từ lúc chị còn học phổ thông chuyên văn, rồi học đại học tổng hợp văn (tốt nghiệp năm 1970). Chị định hướng vào nghề văn khá sớm. Nhưng tập thơ đầu xuất hiện lại muộn (năm 1990, ở tuổi 42). Muộn, mà vừa kịp để nhận giải Thăng Long cho 5 năm thơ Hà Nội (1985-1990). Trước đó Nguyễn Thị Hồng đã được Văn Nghệ Quân Đội trao giải về bài thơ hay (1984) và năm 2003 chị được Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải tập thơ hay: Cuộc bàn giao vĩnh cửu - Hồn khèn. Khi tôi được đọc những “Lời tượng nhà mồ”, “Bình dị”, “Thu cảm”... thì chị đã là một biên tập viên văn học xuất sắc của nhà xuất bản Phụ nữ. Bạn đọc nhanh chóng nhận ra ở thơ chị một phẩm chất trữ tình lắng sâu, thấm thía - vốn đang thiếu trong nền thơ chúng ta lúc đó.
Chị đăng ít, lại giao du không nhiều với giới viết trẻ. Nhưng với ba bài thơ vừa dẫn, ai đọc một lần rồi đều nhớ. Nhớ “Lời tượng nhà mồ”, cái không gian tâm linh mờ tối, nhập nhoang giọng người âm u với hình hài các pho tượng đẽo gọt thô sơ, chưa thành nhân dạng ấp úng một thứ ngôn ngữ vô thanh ma quái. Ma quái nhưng sâu nặng tình đời. Cái liên từ “nhưng” mà tôi vừa viết đậm ấy là một từ thường phải dùng khi bình luận ý và tứ thơ Nguyễn Thị Hồng. Chị tinh tế một cách hồn nhiên hay cứ hồn nhiên mà đầy tinh tế, phát hiện ra đồng thời những mặt đối lập trong cùng một sự vật, một hiện tượng.
Cách sống bình dị, ứng xử bình dị, chân tình của người dân Tây Nguyên chứa trong lòng nó một ý chí chiến đấu phi thường khi đánh giặc. Hết giặc lại bình dị, hiền lành như đất. Âm điệu trong câu thơ diễn đạt vẻ bình dị ấy cũng rất hiền với những thanh bằng thoáng, rộng, vang trong câu thơ điệp khúc ở cuối mỗi khổ thơ như gió cao nguyên này rất gợi cảm, cho thấy sự không đổi trong lòng người sau mỗi đổi thay dữ dội của đời sống. Bản thân hình thức góp vào nội dung ở bài thơ này còn là cách dùng những cặp câu đồng dạng về văn phạm nhưng có đối ý hoặc điệp ý đan đi đan lại trong bài để nói cái biến và cái không biến của đề tài Câu thơ cộng hưởng nhau, đọc lên có cảm giác bài thơ ít chữ mà nhiều ý. Nhiều ý mà mạch lạc, khiêm nhường. Nguyễn Thị Hồng cứ lặng lẽ làm giàu tâm hồn bạn đọc như vậy.
Nguyễn Thị Hồng có một ưu thế kép hồn nhiên như trời cho là giản dị song sinh với tinh tế, trí tuệ kết tinh từ cảm xúc. Quả thật tôi thích thú đến sửng sốt khi đọc được trong bài “Thu cảm” hai câu lục bát câu chữ trong veo mà chứa nhiều phát hiện, ý tưởng trùng điệp mà thể hiện mạch lạc. Sau mấy câu về thiên nhiên, đây là về con người hôm đẹp trời ấy: “Người thì nửa tỉnh nửa say/ Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời”.
Phải có phần tỉnh thì mới biết lo giá chợ vào cái năm kinh tế khó khăn. Nỗi lo cỏn con nhưng bà nhà thơ kiêm nội trợ toàn quyền và duy nhất của cái gia đình cán bộ này không thể không lo. Chất thơ ở đây, là sự cân bằng: bên nỗi lo tỉnh táo kia thì bà nội trợ kiêm thi sĩ này lại cảm được vẻ đẹp của trời thu Bắc Bộ. Đấy là cái nửa say của bà. Mắt vừa chạm vòm cao đã ngây người. Cái say này không tốn tiền nhưng muốn hưởng nó, chí ít phải biết ngẩng đầu. Câu thơ đẹp, đã đành. Còn dạt dào lãng mạn. Lãng mạn mà lại chứa đầy yếu tố hiện thực. Hiện thực thời cuộc, hiện thực lòng người và cả tầm văn hóa đáng nể của đời sống eo hẹp ấy. Chưa kể đây còn là câu thơ ca ngợi và đấu tranh cho nữ quyền rất ôn hòa và thuyết phục.
Xúc cảm sâu thì thành trí tuệ là vậy. Nhưng đã có lúc, không nhiều lắm, Nguyễn Thị Hồng đi đến trí tuệ bằng một cánh cửa khác: tứ thơ. Tứ là một cách khái quát bằng hình tượng, quen được dùng trong thơ. Nhưng với cách viết Nguyễn Thị Hồng thì lại là món đổi bữa: Lá cỏ, bài thơ không đề năm sáng tác, nên tôi không biết nó đến với chị vào chặng viết nào. Nhưng lúc này, khi tôi đang được đọc bản thảo tuyển tập của chị thì tôi lại thấy chị nên mở thêm nữa những cánh cửa sáng tạo khác. Chị dư sức mở thêm. Khuynh hướng nội tâm, tìm thơ từ nguồn nguyên khởi trong tâm hồn mình, như chị đã làm và đã có thành tựu, là một khuynh hướng hay, rất bản lĩnh. Chị yêu thơ Exenhin, có tới bốn bài thơ tặng nhà thơ Nga này, cũng do nguồn mạch ấy. Nhưng tự hạn chế mình vào phương thức độc canh, thiệt năng suất lắm.
Tôi cũng đã thấy, chị tìm cách mở rộng để tài, nới rộng cả dung lượng bài thơ, đụng đến cả trường ca và bút pháp tự sự... nhưng tạng tâm hồn cảm thụ chất thơ thì chưa thật sự rộng. Tôi nhắc đến Lá cỏ vì thấy ở đó một lộ trình tìm thơ có khác với thói quen của chị nhưng vẫn tận dụng được những thao tác nghệ thuật vốn kín đáo và hàm xúc: Cái lá cỏ theo cô gái về nhà sau buổi hẹn hò để chia ly mãi mãi ấy, cô đã bỏ nó đi, vì có giữ, nó cũng tàn héo. Nhưng cái màu xanh cỏ thắm thiết tươi non từng chứng kiến tình yêu của cô thì cô không quên.
Tôi nghĩ bài thơ “lạ kiểu” này vẫn là Nguyễn Thị Hồng trong phát hiện tâm lý, nhưng còn thêm ở đấy một cách giải quyết việc đời mà không chỉ là chuyện tình yêu. Hình như có cả một phương án chọn lựa giữa “thể phách” và “tinh anh” (mượn chữ trong Truyện Kiều). Bài Búp cũng là một cách mở vào hiện thực. Hiện thực không cách điệu vào thẳng tấm lòng chị mà thành bài thơ này. Xin trích một đoạn đối thoại “kẻ bán người mua” trong bài thơ: Tôi hỏi/ “Bao nhiêu con”/ “Dạ, năm ngàn”/ Tôi lại hỏi/ “Dạ ba ngàn”
Đối thoại chỉ có thế nhưng người mua nhận ra ngay tâm lý thơ ngây của cô bé bán hàng, khách mua chỉ hỏi lại giá, có thế chưa nghe rõ, nhưng cô bé đã hoảng, sợ khách bỏ đi, xuống giá ngay gần một nửa, Trong cuộc thi gan nói thách cô bé thua ngay ở hiệp đầu. Và nhà thơ, thì đến đó, khống nén mình được nữa: “Búp ơi/ Búp sinh ra từ đất/ Búp lấm lem cùng đất lẽ thường/ Nhưng đau xót búp chẳng còn là búp/ Mới lên năm búp tiếp thị kiếm tiền”
Văn chương gì đâu, mấy câu thơ quá thật thà, những sự đời nó chứa, thương quá. Đứa trẻ muốn khôn trước tuổi, nhưng nét thơ ngây, cháu không giấu được. Trực giác Nguyễn Thị Hồng nhận ra cùng lúc với nỗi xót xa thấm thía.
Vẫn rõ nhãn hiệu Nguyễn Thị Hồng trong cái trực giác ấy nhưng có khác trong quy trình sản xuất thơ. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến việc mở rộng phương cách tìm thơ, cách mở nhiều cánh cửa cho đời tràn vào mình... Rõ ràng chị đã có cách đi khác và vẫn đến được chỗ phải đến. Đấy là lời khuyên do chính thơ chị gợi nên. Vượt qua những thành tựu đã có để phong phú hơn, nhất là để cập nhật hơn trong cảm và nhận hiện thực. Ngoài các thứ chức năng như người ta đã nói, thơ còn cần trả lời, trả lời đúng và kịp thời, những câu hỏi mới mà đời vừa đặt ra nữa chứ.