Làng quê thời hoang vắng: [Bài 3] Làng có 60 nhà để không, 50 nhà thờ

Dương Đình Tường - Thứ Năm, 08/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Anh Tô Thanh Hùng - tổ trưởng tổ dân phố Văn Phú, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục, Hà Nam) dẫn tôi vào cái ngõ chỉ dài chừng hơn 100m mà có 18 nhà để không.

Chuyện dưới những mái nhà để không

Xóm Dưới gồm 3 ngõ, ngoài ngõ chính có 18 nhà để không, còn 2 ngõ phụ có khoảng 5 - 7 cái nữa, thậm chí là biệt thự, mới xây. Những thân cây phủ đầy địa y, tầm gửi bao quanh xóm nom như một khu rừng thu nhỏ. Vài bụi tre còn sót lại, rụng lá xuống mặt ao, tĩnh đến mức nghe rõ cả tiếng con ong vo ve tìm mật dưới giàn mướp. Khắp không gian sực mùi ẩm mốc.

Văn Phú điển hình cho một làng cổ vùng đồng bằng Bắc bộ, đầu có ngôi đình di tích lịch sử cấp quốc gia với lối kiến trúc điêu khắc kiểu chồng rường hạ chỉ vô cùng tinh xảo và ngôi chùa cổ kính nằm soi bóng xuống giếng nước. Giữa đình và chùa là một công trình hiếm thấy, cái nhà khuyến học xây năm 2001 do ông Nguyễn Ngọc Oánh - Việt kiều Mỹ đầu tư. Quan điểm của ông là muốn thành tài phải có nền tảng từ lớp 1 - 3 nên đã xây nhà khuyến học với đầy đủ bàn ghế, bảng đen rồi mời các cô giáo người cùng thôn đến dạy miễn phí cho học sinh từ lớp 1 - 3 vào thứ bảy, chủ nhật. Việc dạy học này được duy trì tới năm 2015 thì dừng, phần bởi các cô giáo già, yếu đi, phần bởi các học sinh muốn học thêm ở nhà các cô giáo đang dạy mình ở trường.

Anh Tô Thanh Hùng - tổ trưởng tổ dân phố Văn Phú trước cổng một nhà để không. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Tô Thanh Hùng - tổ trưởng tổ dân phố Văn Phú thống kê hiện địa phương có 280 hộ, hơn 820 khẩu. Trong cuộc đô thị hóa như gió thốc, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt, đường làng được mở rộng, bê tông hóa, nước sạch cũng kịp kéo về, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 80 triệu đồng/năm và chỉ còn 7 hộ “nghèo bền vững”, tức những đối tượng già, cô đơn, không có thu nhập gì khác ngoài phần trợ cấp xã hội, không thể thoát được nghèo, trừ khi mất đi. Mặt tiêu cực là khi kinh tế phát triển, tệ nạn xã hội cũng sầm sập kéo theo. Quãng năm 2010 làng có 24 - 25 đối tượng nghiện và nghi nghiện, sau 8 đối tượng chết, 3 đối tượng vẫn còn uống methadone.

Những đối tượng đang uống methadone trước đây đều đi chợ đường sông từ Hòa Bình lên Sơn La, có 5 người thì cả 5 đều nghiện và nghi nghiện, giờ chết 3, còn sót 2. Đó là nghiện thế hệ đầu, từ năm 2006 - 2010. Thế hệ nghiện thứ hai, từ năm 2012 - 2015 là những người chạy xe ba gác, xe tải nhỏ chở vật liệu xây dựng ở TP Hồ Chí Minh và mấy tỉnh trong Nam gồm khoảng 10 đối tượng nghiện và nghi nghiện, giờ đã chết 5.

Thời cao điểm nghiện, trộm cắp xảy ra như cơm bữa ở làng, từ con gà con chó trong chuồng, buồng cau, buồng chuối trên cây, đến cái xoong, cái nồi đang đun trên bếp, cái máy bơm đang hút nước dưới ao cũng bị mất. Làng để điện sáng thông đêm. Hội cựu chiến binh thành lập tổ an ninh tự quản 8 người, không đủ một kèm một với nghiện nên phải phân theo xóm, hễ phát hiện đối tượng vào nhà nào trộm cắp thì cấp báo cho nhau để cùng vây bắt. Giờ tình hình an ninh trật tự ở Văn Phú đã tương đối ổn định, phần bởi nhiều đối tượng nghiện đã chết, phần bởi số còn lại vẫn nhúc nhắc đi làm kiếm tiền tự mua thuốc được.

Làng rất vắng vẻ. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Khoảng 20 năm trước, làng lúc nào cũng đông vì 95% ở nhà chẳng có việc gì làm ngoài nghề nông, tụ tập ngồi uống chè, hút thuốc, chuyện trò. Giờ chỉ còn khoảng 60% người ở làng, đặc biệt là vào ban ngày, đi từ đầu làng đến cuối làng chỉ gặp vài người già và trẻ con. Số học sinh trong lớp cũng giảm đi trông thấy. So ngay đâu xa, con thứ hai nhà tôi đang học lớp 9, trong lớp chỉ có 27 đứa, trong khi đứa lớn mấy năm về trước, hồi học lớp 9 lớp có hơn 40 đứa.

Làng có khoảng 30 hộ đi làm ăn xa, khóa cửa nhà để đấy, nếu ở Hà Nội thì tháng về một lần, nếu ở TP Hồ Chí Minh thì năm về một lần. Làng cũng có khoảng 30 hộ bố mẹ chết, con cái đóng cửa nhà đi các nơi sinh sống mỗi năm chỉ về dịp giỗ, Tết. Còn lại, những người dưới 50 tuổi hều hết làm công nhân ở các cụm công nghiệp trong huyện, sáng đi tối về. Nhà văn hóa buổi tối chỉ có câu lạc bộ dân vũ toàn người già ra, còn thanh niên làm 8 - 9 giờ mới về, mệt chỉ ăn rồi ngủ. Bình thường làng vắng nhưng khi có việc như đám cưới hay đám ma thì lại đông, tình làng nghĩa xóm lại trỗi dậy, người ta đang đi làm vẫn xin nghỉ để giúp đỡ, chia vui hay chia buồn”, anh Hùng chia sẻ.

Ngồi ở sân đình, tôi chỉ cho bà Trần Thị Tam - Bí thư tổ dân phố mấy bức ảnh những nhà để không ở làng, bà nhận ra ngay căn cấp bốn của bà Vờ (đã đổi tên - PV), người đã xa quê hơn 10 năm nay. Chồng bà trước đây thuộc vào dạng nghiện rượu nặng, đầu óc lúc tỉnh, lúc mê, lắm khi còn đối thoại với chính mình. Một buổi dân làng phát hiện ông treo cổ chết ngay trong nhà. Sau khi chồng chết, bà Vờ khóa cửa nhà, đi vào Nam cùng con. Làng còn có ông Xờ (đã đổi tên - PV) nghiện rượu đến nỗi đầu óc thường mụ mị. Có lần người ta thấy ông xuống ao trước đình trẫm mình nhưng nông quá, không chết, lại lóp ngóp bò lên. Một buổi dân làng phát hiện ông chết ở trong chính bể nước nhà mình…

Ngay cả ngôi biệt thự to như thế này cũng thường xuyên vắng người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dịch vụ ly hôn phát triển  

“Hà Nam là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có nhiều khu công nghiệp lớn thu hút rất nhiều công nhân từ các nơi đến. Vậy nên tình trạng hôn nhân cũng phức tạp và là tỉnh có tỷ lệ ly hôn khá cao, chính vì thế mà luật sư hôn nhân gia đình, luật sư ly hôn, dịch vụ ly hôn ở Hà Nam cũng phát triển mạnh. Công ty luật V cung cấp các dịch vụ ly hôn tại Hà Nam, cụ thể: 1. Dịch vụ ly hôn thuận tình; 2. Dịch vụ ly hôn đơn phương; 3. Dịch vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài; Dịch vụ giải quyết tranh chấp về tài sản sau ly hôn; Dịch vụ giải quyết tranh chấp về con cái, sau ly hôn…”. Đó là dòng quảng cáo trên mạng của một công ty luật ở Hà Nam. Theo thống kê tòa án 2 cấp tại Hà Nam, năm 2023 xử 724 trường hợp ly hôn, 6 tháng đầu năm 2024 xử 312 trường hợp ly hôn.

Một góc tổ dân phố Văn Phú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở thị trấn Bình Mỹ huyện Bình Lục từ năm 2021 - 2023 có 278 trường hợp kết hôn và 46 trường hợp ly hôn. Bà Trần Thị Tam - Bí thư tổ dân phố Văn Phú cắt nghĩa: Trẻ yêu nhanh, cưới vội, tìm hiểu không kỹ càng, ngộ nhận, cưới về mới bộc lộ hết bản chất, quan điểm không phù hợp, kinh tế khó khăn sinh ra mâu thuẫn nên lại đòi bỏ như trường hợp con của bà Nguyễn (đã đổi tên - PV) chẳng hạn. Lúc nhỏ, nó nghiện game đến nỗi suốt ngày bỏ học để chơi.

Thời điểm đó còn chưa có điện thoại di động nên suốt ngày bà phải tất tả đến các quán điện tử để tìm con. Được vài năm như thế, bà sợ nó cứ đi như thế thì nghiện ma túy nhưng nó trả lời rằng: “Con nghiện game hơn nghiện ma túy, giờ mà có cái máy tính thì con cứ ngồi ở nhà, mẹ khỏi phải lo”. Mừng quá bà mới đem số tiền dành dụm ra mua bộ máy tính để giữ con ở nhà. Đánh game được một thời gian thì nó chán tự bỏ, xin đi làm công nhân được mấy năm thì lấy một cô vợ mới 19 tuổi.

Một lao động nhiều tuổi đi làm thuê cho khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói về nguyên nhân vợ chồng con trai bỏ nhau, bà Nguyễn kể: “Vợ nó một hôm đi liên hoan họp lớp về muộn, chồng nói rồi sinh cãi nhau, mang quần áo bỏ về nhà ngoại. Thỉnh thoảng nó vẫn về, lại cãi nhau, ra khỏi còn đẩy mạnh vào cổng, thằng con tôi tức quá mới chạy theo tát một cái nó liền kêu toáng lên. Tôi đã xuống nói chuyện với ông bà thông gia nhưng họ không khuyên được, nó vẫn đòi ly dị.

Cũng giai đoạn đó làng có 6 cặp làm đơn xin ly dị thì nay 5 cặp đã bỏ nhau, 1 cặp hòa giải được. Chuyện chúng nó đòi ly hôn cũng có một phần bởi kinh tế, gia đình tôi vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ đã mất nay thành nhà thờ gia đình. Một số gia đình khi bố mẹ mất thì biến nhà ở thành nhà thờ, chỉ một đoạn ngõ thôi mà đã có 8 cái như vậy. Nhà tôi còn có người ở, đa số để không. Dần thành phong trào, đua nhau xây nhà thờ gia đình, dù có phải vay mượn đi chăng nữa. Làng có khoảng 50 nhà thờ gia đình, các con bổ đầu ra đóng tiền để phá nhà ở của bố mẹ đã mất, xây thành nhà thờ rồi đóng cửa để đấy, Tết giỗ mới về”.

Dương Đình Tường
Tin khác
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh

Có câu rằng: “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”.

Lễ nghi Tết chốn cung đình
Lễ nghi Tết chốn cung đình

Huế đẹp không chỉ từ Quần thể di tích Cố đô mà đẹp từ trong ý thức của mỗi người về văn hóa lễ hội.