Mùi cơm mới

. - Thứ Sáu, 03/06/2022 , 18:54 (GMT+7)

Cơm mới, cái mùi hương ấy đã mấy chục năm đằng đẵng trôi qua giữa bao bề bộn nổi chìm nhưng đến hôm nay như còn lẩn quất chưa tan…

Tôi không có ấn tượng gì nhiều lắm về Tết Đoan Ngọ, chỉ nhớ rõ nhất là hai món vịt và chè đậu đen gần như không thể thiếu trong ngày mồng 5 tháng Năm.
Nhưng cũng đúng vào thời điểm này, dù không liên quan chi đến Tết Đoan Ngọ, lòng luôn thức một hương vị đặc biệt: Mùi cơm mới.

Lễ cúng cơm mới thì thấy có ở nhiều nơi, đặc biệt là miền núi. Quê tôi không có “lễ”. Không rõ xa xưa thì thế nào, nhưng đến thời chúng tôi thì đơn sơ lắm. Chỉ nấu cơm, bới một bát đầu tiên, đặt lên bàn thờ, và đốt nhang. Dường như không làm thêm nghi lễ gì nữa.

Tháng Năm, ngày mùa, khi lúa trên đồng đã chín, mẹ đi gặt về giữa cái nắng chói chang. Lúa được trục hoặc đập, hoặc vò bằng chân cho rụng hết, rồi phơi. Lúc tôi còn bé tẹo thì thấy người lớn giã gạo, sau này mới có máy xát chạy bằng dầu. Giã gạo, lúa được bỏ vào cối, người đứng trên chày ráng sức nhún, giã thật lâu cho đến khi trấu bong ra hết, rồi sàng, sảy. Cám, tấm, gạo được phân loại. Những hạt gạo tròn béo ngậy, được mang đi thổi cơm.

Mùi thơm đã bốc lên từ khi cơm sôi, rồi nồng nàn lúc cơm chín. Mẹ cẩn thận bới ra một bát thật đầy, đơm cẩn thận, đặt lên bàn thờ. Mùi cơm mới quyện với mùi nhang và cái không khí ngày mùa của thóc vàng, rơm vàng làm thành cả một tiết trời đọng mãi trong trí nhớ tuổi thơ.

Cơm mới, cái mùi hương ấy đã mấy chục năm đằng đẵng trôi qua giữa bao bề bộn nổi chìm nhưng đến hôm nay như còn lẩn quất chưa tan. Quê nghèo, không có đồ ăn gì đáng kể, và cũng không thèm thuồng gì nữa những thức ấy trước nồi cơm mới nấu bằng lửa rơm. Nhớ, cái bùi bùi, ngọt lịm và hương thơm thuần khiết của lúa gạo mưa nắng quê nhà đến nay còn như đọng trong miệng.

Cơm mới, đó là những bữa ăn ngon nhất trong cuộc đời còn nhớ mãi. Ngày nay cơm trắng, đồ ăn thì chẳng còn thiếu thốn thức gì nữa, nhưng không sao tìm lại được hương vị của những thuở xưa rơm rạ ấy nữa.

Lúa bây giờ được máy xát công nghiệp chà trắng tinh, hạt gạo to và trong suốt, nhưng nhạt nhẽo. Lớp cám nâu vàng không còn nữa, vị bùi cũng mất theo, và vị ngọt đằm sâu cũng không còn. Tôi nhớ cái mùi của ngày xưa ấy, có lẽ đó còn là cái hương vị của nghèo đói nhưng nguyên sơ tinh khiết. Khi con người đủ đầy quá, sự hưởng thụ cũng thành nhọc nhằn chăng...

Không nhớ rõ đã từ bao giờ mẹ không còn cúng cơm mới nữa. Xưa, có lẽ vì năng suất lúa thấp, quanh năm đói kém nên hạt thóc thành hạt vàng. Mùa màng đến, người nông dân mang lúa về nhà như mang một báu vật vô giá mà trời đất vời vợi đã ban cho. Lòng biết ơn, sự trân quý vô ngần hòa vào cuộc mưu sinh cơ cực đã khiến lòng người thuần hậu, rưng rưng. Cái Thiêng cũng ra đời từ đó.

Cái Thiêng, đúng rồi, cái thiêng liêng cũng dần biến mất. Sự kỳ diệu của đất trời bao la, linh hồn bí ẩn của mùa màng rưng rức, và sự sống nhiệm màu trong dáng hình của hạt thóc cũng dần phôi pha. Chúng ta lướt qua, lượt qua tất cả và không kịp đứng lại để nhìn một hạt thóc im lìm đang nằm ngó trời xanh.

Những trầm tích văn hóa đã lắng đọng nơi nào để hôm nay tìm lại không còn thấy vị trà xanh nhuần thấm, không còn thấy mùi gạo thơm và hương cơm ngọt. Người nông dân xưa suốt đời cúi mặt, họ chẳng biết gì đến những thứ cao siêu nhưng dường như đã có những lúc họ sống rất Thiền. Thiền trong chén nước, Thiền trong bát cơm, vị Thiền thấm đẫm trong miệng khi mùa đến.

Cái cuộc sống nhọc nhằn nhưng thẳm sâu ấy đang dần mất đi. Ngày mùa đã mất đi, chỉ còn lúc thu hoạch. Vui một nửa, cái nửa của gian khó lùi xa; buồn một nửa, cái nửa của vội vàng cuống quýt…

Thái Hạo

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.