Nâng cao năng lực cạnh tranh từ thích ứng sớm với cơ chế CBAM

Bảo Thắng - Thứ Năm, 19/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Dù nông sản chưa trong danh sách điều chỉnh của CBAM từ 1/1/2026, chuyên gia cho rằng, việc đón đầu xu thế sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, trọng điểm.

Mặt hàng nông sản chưa phải chịu điều chỉnh theo cơ chế CBAM từ 1/1/2026, nhưng khó khả năng cao trong tương lai gần.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa phải lo lắng

Chỉ còn hơn 1 năm nữa, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được vận hành chính thức. Bên cạnh những thời cơ như thúc đẩy mạnh mẽ các quyết tâm và nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tăng cường phát triển xanh, CBAM đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi thích ứng. 

Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM điểm mặt vấn đề đầu tiên là xây dựng và hoàn hiện khung khổ pháp lý. Do đây là vấn đề mới trên thế giới nên rất khó cho Việt Nam trong việc nghiên cứu các mô hình thực tiễn.

Cơ chế CBAM được dự báo sẽ tạo ra áp lực rất lớn về chi phí sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu sang EU. Theo ước tính, giá giấy phép carbon chiếm khoảng 5 - 10% tổng chi phí sản xuất thép và tỷ lệ này còn cao hơn đối với sản xuất xi măng.

"Nhận thức về CBAM của đại bộ phận doanh nghiệp và nhà sản xuất tại Việt Nam còn hạn chế. Theo khảo sát đầu năm 2023, trên 60% doanh nghiệp nghe nói đến CBAM nhưng phần lớn không biết hoặc chỉ biết sơ bộ về cơ chế này. Khoảng 1/3 doanh nghiệp không cho rằng CBAM ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và chỉ có 4% doanh nghiệp đã có kế hoạch ứng phó", bà Loan thông tin.

Theo bà Loan, nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng phải phát thải vượt ngưỡng EU quy định mới chịu tác động của CBAM. Hoặc một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đồ nhựa... đã liên hệ, đề nghị hỗ trợ về khung pháp lý. Số khác thì cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu giá carbon tương đương châu Âu.

Đây là những nội dung mà doanh nghiệp hiểu chưa chính xác, bà Loan nhấn mạnh.

Vị chuyên gia về CBAM cũng cho rằng, cái thiếu nhất hiện nay là chưa có một kênh thông tin chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về CBAM. Chẳng hạn, nếu không thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính cho sản phẩm, doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang châu Âu. Nhưng nếu tự nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ lạc trong "ma trận" vì có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau.

Nhiều công ty tổ chức trong và ngoài nước đang tiến hành các hoạt động tuyên truyền, kể cả đào tạo doanh nghiệp về CBAM nhưng chủ yếu mang tính tự phát, chưa được kiểm chứng về chất lượng thông tin. Điều này khiến cho một bộ phận doanh nghiệp hiểu sai, hiểu chưa đúng thậm chí triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của CBAM.

Ngay cả một số quốc gia phát triển như Vương quốc Anh, hiện cũng băn khoăn về việc có áp dụng tiêu chuẩn châu Âu hay tự xây dựng một chính sách riêng.

Bà Nguyễn Hồng Loan: 'Nhận thức về CBAM của đại bộ phận doanh nghiệp, nhà sản xuất tại Việt Nam còn hạn chế'.

Dù CBAM được triển khai rất nhanh, bà Loan khuyến cáo doanh nghiệp "giữ bình tĩnh" bởi việc thực hiện sẽ theo lộ trình. Trước mắt, doanh nghiệp cần bám sát mốc thời gian đến cuối năm 2025 để hoàn thành nghĩa vụ liên quan đến báo cáo phát thải, trước khi bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ liên quan đến chi trả từ năm 2026. Nghĩa vụ này không cố định mà tăng dần.

Cùng với đó, doanh nghiệp nên quan tâm, đầu tư xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho các sản phẩm của mình, đồng thời đánh giá hiện trạng phát thải, từ đó đưa ra ưu tiên cho những hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

"Nếu suy nghĩ, rằng áp dụng CBAM sẽ giúp giảm tiêu thụ nguyên nhiên, vật liệu và tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn dài hơn, vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa tăng cường năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu", bà Loan phân tích và gọi đây là lợi ích kép. Bà cũng khẳng định, không có một lộ trình duy nhất cho tất cả các doanh nghiệp ứng phó với CBAM. 

Nông sản cần sẵn sàng từ bây giờ

Nhất trí với quan điểm phải có một đầu mối chính thức hướng dẫn CBAM, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) lưu ý thêm các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phát thải carbon ít hơn, hoặc tạo ra các nguồn tài chính xanh để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất.

Ở đó, tài chính xanh là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho những dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Nói một cách đơn giản, tài chính xanh là "tiền cho tương lai xanh".

Về phía Bộ Công thương, cơ quan đang đề nghị phía EU làm rõ sự tương thích của CBAM với những quy định WTO, với Hiệp định EVFTA. 

"EU phải xác định những cơ quan, tổ chức được chấp nhận kết quả tư vấn liên quan đến CBAM", ông Khanh nói. Ngoài ra, Vụ Chính sách thương mại đa biên đang tham mưu cho Bộ Công thương và Chính phủ đề xuất lùi thời điểm chuyển đổi, dự kiến năm 2026.

Hiện nhiều cuộc trao đổi, đàm phán với các đối tác như Hoa Kỳ, Anh... đã được xúc tiến. Nguyên nhân bởi nhiều thành viên WTO cũng bày tỏ quan ngại với CBAM, bao gồm cả những đối tác lớn như Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi, Ấn Độ.

Theo ông Ngô Chung Khanh, cơ chế CBAM sẽ không dừng ở 6 mặt hàng nên nhóm hàng nông sản cần chủ động chuẩn bị trước để nhanh thích ứng.

Dù kiên trì đấu tranh, Phó vụ trưởng Ngô Chung Khanh thừa nhận, số lượng mặt hàng bị điều chỉnh bởi CBAM sẽ không dừng lại ở con số 6. Trong tương lai, rất có thể những ngành hàng đang xuất khẩu có giá trị tốt như nông sản, dệt may, da giày... sẽ phải áp dụng.

Để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, hiệu quả trong việc ứng phó, ông Khanh đề xuất xây dựng, thành lập cổng thông tin về CBAM. Đồng thời, xây dựng các bộ tài liệu cẩm nang hướng dẫn chính thống. Các Bộ, ngành liên quan CBAM cũng cần phối hợp chặt chẽ để tìm ra những phương án phù hợp, giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, ứng phó hiệu quả thời gian tới.

Coi thích ứng với CBAM là cơ hội tổ chức lại sản xuất, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương) tin, rằng CBAM sẽ khuyến khích doanh nghiệp, nhà máy trong các lĩnh vực có nhiều phát thải carbon đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa hướng đến tiêu chuẩn xanh, bền vững.

Về lâu dài, CBAM sẽ mở ra cơ hội xây dựng và thị trường mua, bán tín chỉ carbon và các dự án thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon tại Việt Nam.

Đặc biệt, việc thích ứng với các tiêu chuẩn xanh sẽ góp phần giúp Việt Nam nổi bật hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường thu hút FDI. 

Xu hướng ban hành và triển khai các chính sách thuế xuyên biên giới tương tự CBAM sẽ được các nước phát triển chú trọng tiến tới thiết lập các tiêu chuẩn xanh. Do đó, việc thích ứng sớm, đón đầu xu hướng trên có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản sang các thị trường lớn, trọng điểm.

Cơ chế CBAM chính thức có hiệu lực từ 1/10/2023, trước mắt áp dụng với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen. Từ 1/1/2026, CBAM bước vào giai đoạn vận hành và sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Đây là một cơ chế mới, trong đó có những quy định, hướng dẫn để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU tuân thủ quy trình kiểm đếm lượng phát thải CO2, khí nhà kính trong hàng hóa, sản phẩm.

Bảo Thắng
Tin khác
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác

Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã, để hướng tới môi trường xuất khẩu lành mạnh.

Đắk Lắk bán thành công gần 17 tấn carbon trên cây lúa
Đắk Lắk bán thành công gần 17 tấn carbon trên cây lúa

Doanh nghiệp đã thu mua gần 17 tấn carbon trên cây lúa với giá 20 USD/tấn, trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam bán được tín chỉ carbon.

Cà phê dừa độc đáo ở vùng quê xứ Hậu
Cà phê dừa độc đáo ở vùng quê xứ Hậu

Hậu Giang Cà phê dừa với hương vị dịu nhẹ, thơm béo, nhận được sự yêu thích của nhiều thực khách, sản phẩm tạo nên làn gió mới trong phong trào khởi nghiệp ở nông thôn.

Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao
Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao

Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam hợp tác phát triển và thương mại các công nghệ và giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt. IRRI có ngân hàng gen khổng lồ trên 127.000 nguồn gen lúa khác nhau.

Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao
Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Unifarm là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao và tham gia thí điểm mô hình trường học nông nghiệp gắn với du lịch.

Nối dài hành trình 'Môi trường sạch - Cuộc sống xanh'
Nối dài hành trình 'Môi trường sạch - Cuộc sống xanh'

ĐBSCL Sau 10 năm tổ chức, chương trình đã tổ chức thu gom và tiêu hủy trên 130 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV, trồng hơn 3.550 cây xanh, tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cho hơn 30.000 nông dân tại 15 tỉnh thành trên cả nước.

Thủ tướng xuống đồng, cùng nông dân Doveco tìm giải pháp phát triển
Thủ tướng xuống đồng, cùng nông dân Doveco tìm giải pháp phát triển

Chiều 28/5, thăm cánh đồng dứa nguyên liệu của Doveco ở thành phố Tam Điệp (Ninh Bình), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những trao đổi với bà con nông dân.

Doveco là hình mẫu chuyển đổi thành công từ nông trường sang công ty cổ phần
Doveco là hình mẫu chuyển đổi thành công từ nông trường sang công ty cổ phần

Chiều 28/5, thăm và làm việc tại Doveco (Ninh Bình), Thủ tướng nhấn mạnh đây là hình mẫu chuyển đổi thành công từ nông trường quốc doanh sang công ty cổ phần.

Syngenta Việt Nam ra mắt lúa lai 3 dòng thế hệ mới SYN8
Syngenta Việt Nam ra mắt lúa lai 3 dòng thế hệ mới SYN81

Giống lúa lai 3 dòng thế hệ mới Syn8 được Syngenta đưa về Việt Nam từ năm 2020, qua nhiều cuộc khảo nghiệm, đánh giá đã thể hiện được các ưu thế vượt trội.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản
Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Ra mắt giống ngô lai mới kháng sâu keo mùa thu và sâu đục thân
Ra mắt giống ngô lai mới kháng sâu keo mùa thu và sâu đục thân2

Syngenta Việt Nam ra mắt giống ngô NK6101BGT kháng sâu đục thân và sâu keo mùa thu, bộ rễ khỏe, cây xanh từ gốc đến ngọn, chịu hạn tốt, năng suất vượt trội.