Nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu là một hành trình kiến tạo trong thời đại số. Chuyên gia Lại Thị Hạnh đã nhiều năm giảng dạy về phân tích dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu tại Trường Đại học khoa học Tự nhiên TP.HCM, đã khái quát nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu qua mấy vần điệu đáng nhớ: “Dữ liệu chẳng ở đâu xa/ Có trong giao dịch vào ra mỗi ngày/ Có trong báo cáo trình bày/ Có trong quyết định sẽ cày tháng năm”.
Ngày nay, dữ liệu là “huyết mạch” của xã hội và cũng là “kho báu” của rất nhiều người. Đây là nguồn tài nguyên giá trị cho những ai biết cách khai thác và sử dụng hiệu quả. Với các tổ chức thuộc mọi ngành nghề, những câu chuyện sâu sắc từ dữ liệu không chỉ giúp họ ra các quyết định thông minh và truyền đạt ý tưởng hiệu quả hơn, mà còn có thể giúp họ tồn tại được trong thời đại số. Với từng cá nhân, nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu sẽ giúp họ phát hiện thông tin có nhiều ý nghĩa đằng sau các con số, từ đó có thể sử dụng chúng một cách sáng tạo và hiệu quả để kể chuyện, gây ảnh hưởng đến quyết định và hành động của người nghe.
Khi bắt tay viết cuốn sách “Kể chuyện bằng dữ liệu”, chuyên gia Lại Thị Hạnh bày tỏ: “Tôi rất thích dữ liệu và mê mẩn các câu chuyện được kể bằng dữ liệu. Có dữ liệu là có chuyện để kể. Ai cũng kể được câu chuyện hay trên tập dữ liệu mình đang sở hữu”.
Nói đơn giản, nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu là kỹ năng biến những kiến thức và những thông tin khô khan thành những câu chuyện hấp dẫn. Trong kỷ nguyên mà mọi dữ liệu đều có thể được thu thập chỉ bằng một cú nhấp chuột, mọi biểu đồ đều dễ dàng có được chỉ bằng một số thao tác đơn giản trên phần mềm, thì điều làm nên giá trị của nhà phân tích dữ liệu chính là cách giao tiếp, truyền tải được thông điệp ý nghĩa của dữ liệu đến người xem.
Nhờ có nội dung, các số liệu thống kê trở nên gần gũi, các “nhân vật” biểu đồ trở nên dễ hiểu và gắn kết hơn trong câu chuyện dữ liệu. Nội dung diễn giải nếu được dùng đúng sẽ giúp giải thích, làm sáng tỏ, củng cố thêm ý cho số liệu, hình ảnh trực quan và thu hút sự quan tâm, chú ý của người xem. Nhưng nếu dùng sai có thể làm người xem mất tập trung, gây cho người xem cảm giác rối, khó hiểu và cảm thấy khó chịu.
Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều dữ liệu, nhưng không phải ai cũng biết cách nhìn ra "câu chuyện" ẩn giấu trong đó. Những ai nhìn ra sẽ có cơ hội thành công lớn hơn. Trong cuốn sách “Kể chuyện bằng dữ liệu”, chuyên gia Lại Thị Hạnh dùng rất nhiều ví dụ từ các công ty lớn như Netflix, Apple... cho đến các sự kiện trên báo chí, để giúp độc giả rút ra câu chuyện từ dữ liệu.
Cách mạng 4.0 đánh dấu sự xuất hiện của hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, blockchain, robot… Giai đoạn mà ranh giới giữa các ngành vật lý, sinh học, hóa học và công nghệ thông tin ngày một mờ dần. Một môi trường có sự liên kết chặt chẽ giữa máy móc, dữ liệu và con người, giữa thế giới thực và thế giới ảo, giữa nền tảng lý thuyết bền vững và những tiến bộ công nghệ mới. Giai đoạn các nhà khoa học khai thác sức mạnh của máy tính lên một tầm cao hơn, để có thể linh hoạt và tự động hóa nhiều hơn trong các tác vụ xử lý.
Dữ liệu trở thành tài sản quý giá, giúp các doanh nghiệp và tổ chức có cơ sở để đưa ra những quyết định chính xác và hiệu quả hơn. Amazon là một trong những công ty tiên phong trong việc sử dụng dữ liệu để cải thiện hoạt động kinh doanh. Hệ thống gợi ý mua hàng (recommendation System) là yếu tố quan trọng giúp công ty có doanh thu tăng trưởng vượt bậc. Hệ thống này thu thập dữ liệu về hành vi, sở thích và lịch sử mua hàng từ khách hàng, từ đó tạo ra các tiện ích để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng. Amazon cũng sử dụng dữ liệu về địa điểm giao hàng và kích cỡ gói hàng để tối ưu các tuyến giao hàng, giảm thời gian vận chuyển, cải thiện hiệu quả của mạng lưới giao nhận.
Trong lĩnh vực tiếp thị số, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi thời gian ta sử dụng internet đều để lại những “dấu vết số”, đó chính là kho dữ liệu quý giá giúp các nhà tiếp thị hiểu hơn về khách hàng tiềm năng, đối tượng mục tiêu, thói quen, sở thích và những điều khách hàng quan tâm. Và còn vô vàn ví dụ khác về việc dữ liệu đóng góp giá trị vào hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy kỹ năng dữ liệu (đọc hiểu, phân tích, và giao tiếp với dữ liệu) trở thành đòi hỏi mới đối với người lao động.
Kể chuyện bằng dữ liệu là một trong những kỹ năng quan trọng. Trong một môi trường cạnh tranh thu hút sự chú ý, thì làm thế nào để câu chuyện về thương hiệu, về nội dung muốn thuyết trình, hay thậm chí về năng lực chính mỗi người được cộng đồng lắng nghe? Nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu là con đường chinh phục đám đông
Nghệ thuật kể chuyện bằng dữ liệu giúp thêm ngữ cảnh cho những con số, buộc người nghe phải lưu ý. Ví dụ nếu nói “Trọng lượng một con voi trưởng thành khoảng 6 tấn” thì đó là dữ liệu “xám xịt”. Ngược lại, nếu nói “Trọng lượng một con voi trưởng thành xấp xỉ trọng lượng của 100 người trưởng thành” thì lập tức người nghe sẽ hình dung được ngay.