Hồi ức nhà văn Thái Vũ

Người tu hành khổ hạnh

Nhà văn Thái Vũ - Thứ Sáu, 30/06/2023 , 05:40 (GMT+7)

Đó chính là thời gian triết gia Trần Đức Thảo được chuyển lên khu tập thể Kim Liên ở nhà B6, 'xóm giáo sư'...

Chân dung GS Trần Đức Thảo qua nét vẽ hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc. Ảnh: Tư liệu nhà văn Thái Vũ.

Nghĩa là triết gia Trần Đức Thảo chưa hiểu được thấu đáo sau trên 20 năm ở Pháp trở về Việt Nam, cũng là 2 năm chân ướt chân ráo về Hà Nội, lại ở ngay trong khuôn viên trường đại học, chỉ gần gũi với các đồng nghiệp và sinh viên Đại học Sư phạm. Như thế, hẳn sinh hoạt Paris đâu có phai mờ, nhất là những cuộc tranh luận về triết học với nhà văn triết gia J. P. Sartre. Bao trùm toàn bộ mọi mặt sinh hoạt của thầy hẳn vẫn là không khí Paris “tự do và dân chủ” và những suy nghĩ của thầy “thực chất chỉ là những suy nghĩ tìm tòi rất tự nhiên, chân thành” theo dòng suy tư quen thuộc của thầy trong định hướng triết học mà thầy hằng ấp ủ.

Tại nạn Nhân văn - Giai phẩm mà sau này người ta tránh né gọi là “tai nạn nghề nghiệp”, đúng ra chỉ đối với các nhà văn, nhà thơ bên nhóm Hội Nhà văn Việt Nam, còn bên nhóm đại học thì như “vết thương đầu đời”. Nhưng không ngờ nó lại bị khoét sâu thêm, khiến những dây “bìm bìm” thừa cơ xuyên tạc, chụp mũ khi xẩy ra hai sự kiện “đổi tiền qua thuế công thương nghiệp” và “đấu tranh cải tạo tư sản (mại bản)” trong các năm 1958 - 1960. Song chính trong mấy năm này, nội bộ phe xã hội chủ nghĩa, “Anh Cả” Liên Xô và “Chị Hai” Trung Quốc đã có bất đồng trong thế chiến lược nước lớn, với Trung Quốc khi kế hoạch 5 năm đầu tiên thắng lợi, muốn thoát khỏi sự kìm chế của Liên Xô qua “sự phân công xã hội chủ nghĩa”.

Cuộc luận chiến đó càng trở nên gay gắt khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev nối quan hệ với Mỹ. Nếu ở Việt Nam luận điểm “hồng và chuyên”, với những phong trào “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba Nhất”… của phía Trung Quốc từ năm 1958 được các cơ quan Trung ương cho phổ biến thì bên Trung Quốc, đưa ra mô hình “nông thôn bao vây thành thị” hay đúng ra là “nông thôn thế giới bao vây thành thị thế giới”, nghĩa là chống hiện đại hoá, không chỉ riêng với Mỹ mà cả với Liên Xô.

Sau Đại hội 20, Đảng Cộng sản Liên Xô chủ trương “chung sống hoà bình” với Mỹ. Trung Quốc đối đầu gay gắt với Liên Xô bằng luận điệu chống chủ nghĩa xét lại, khi Liên Xô tung ra luận điệu chống chủ nghĩa giáo điều, chống sùng bái cá nhân.

Đúng là “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Ở Việt Nam, chống “chủ nghĩa xét lại” đánh dấu từ sau đám tang Dương Bạch Mai - nguyên Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Xô, người bị cho là “chủ bài” của “chủ nghĩa xét lại” ở Việt Nam. Đây chính là lúc triết gia Trần Đức Thảo “lâm nạn” đi chu du lên Sơn Tây, thời điểm mà một số giáo viên nắm quyền lên chức tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội ở Cầu Giấy đấu tố chụp mũ để lập công và một số giáo viên khoá đại học 1956 vốn đã bị quy là có dính dáng đến vụ Đất mới, nay lại thêm tội “theo chủ nghĩa xét lại”, nên đã “được” đi lao động cải tạo, lên Phú Thọ trồng chè một thời gian…

Đúng là dây bìm bìm đâu có dứt, người bị “chụp mũ” mà không hề biết mình có tội gì, cứ bị quy có dính dáng đến “chủ nghĩa xét lại” là OK! Gần đây đâu có hết, cái đám dây bìm bìm đó vẫn tồn tại. Thời gian ngắn sau đó, trên báo Nhân dân có tin đăng “học đại học” thì được gọi là “học sinh đại học”, bỏ từ “sinh viên”. May sao, chuyện đó sớm bị bãi bỏ.

Đó chính là thời gian triết gia Trần Đức Thảo được chuyển lên khu tập thể Kim Liên ở nhà B6, “xóm giáo sư”, thời gian mà tác giả Phạm Thành Hưng nêu ở trang 44 báo Văn nghệ số 17-18 đầu năm 2006, khi vợ chồng triết gia chia tay và triết gia “trở thành người đàn ông độc thân, nổi tiếng thêm bởi sự đãng trí, hồn nhiên, cơ hàn trong sinh hoạt”.

Cũng xin cám ơn và trích đoạn sau đây của tác giả Phạm Thành Hưng về thời gian trên của triết gia Trần Đức Thảo: ông “vẫn ung dung tự tại chấp nhận hình thức cải tạo tư tưởng… một thời gian đúng với tư chất của một hiền nhân Đông phương rồi lại say sưa với công việc mới, công tác biên dịch tại nhà xuất bản Sự Thật”.

Chao ôi, đẹp thay và bình lặng thay một câu chữ đối với trường hợp một trí thức bậc thầy, một triết gia lặn lội từ bên trời Tây về với đất mẹ Việt Nam của phương Đông. Nghĩa là viết như thế chỉ có thể đúng với một anh chăn bò vô tư và an phận, với vợ hiền con thảo khi được trở về Hà Nội, từ đất cằn Sơn Tây…

Vậy thì lý giải làm sao đối với trường hợp một triết gia đã từng bao năm suy tư và giảng dạy trên giảng đường đại học về “cái hạt nhân duy lý” mà Hégel đề xuất, về cái “hình thức ý thức và hoạt động khác nhau của con người” dẫn đến thành quả trong phép biện chứng hiện tượng học để rồi chính ông, triết gia Trần Đức Thảo đã đảo ngược lại trong Hiện tượng học và phép biện chứng chủ nghĩa Mác?

Rõ ràng là trong thời gian chu du với mấy con bò, “kẻ lữ hành” đâu có “ung dung tự tại” để suy nghĩ về công trình Logic của cái hiện tại sống động “của một hiền nhân phương Đông khi làm biên dịch ở nhà xuất bản Sự Thật”?

Sách về GS Trần Đức Thảo của TS Cù Huy Chử và Luật sư Cù Huy Song Hà. Ảnh: Tư liệu KMS.

Mất mát mọi thứ trong cuộc sống, trong sinh hoạt đời thường, bơ vơ chỉ biết mình với mình mà cái câu ám ảnh triết gia hẳn luôn vẫn là theo cách suy tư của mình bằng tiếng Pháp: “Ce qui a raison, existe, ce qui existe, a raison”. Rõ ràng là thế thầy mới “mơ mộng” chuyện được qua nước Pháp, nơi sản sinh ra cái “tư duy kiểu Trần Đức Thảo”, để được viết nốt tác phẩm của mình.

Người tu hành thường chịu khổ hạnh để mong lên được Niết bàn, triết gia Trần Đức Thảo cũng thế. Dù có đói khát cơ hàn trong sinh hoạt, mất mát trong tình cảm, thầy cũng mong qua được nước Pháp để hoàn tất công trình triết học của mình, như nhà văn nhà thơ quên đời khi thai nghén để hoàn chỉnh tác phẩm…

Nhưng buồn thay, lần trở về nước thứ hai này từ đất Pháp lại là đống tro tàn “cát bụi trở về cát bụi”… Vậy, hẳn ai đâu có quên cái câu chữ của Descartes: “Je pense, donc je suis”!

Ở phần hai bài viết nói trên của Phạm Thành Hưng là về sinh hoạt đời thường của triết gia Trần Đức Thảo, như chuyện mà bà hàng nước ở Kim Liên kể lại, chuyện tự đi chợ mua rau mua củi “hỏi giá hàng rồi trả giá”, chuyện “nằm ngủ” ở nhà tang lễ Phùng Hưng Hà Nội mà nhà thơ Phùng Quán đã kể khá tỉ mỉ. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện kể của những người ngoài cuộc, những người xa lạ, những người “không hề biết tên Trần Đức Thảo là ai”!

Xin nói rõ rằng những dây bìm bìm có leo và bịa chuyện này nọ để mong thăng quan tiến chức chứ ai đâu xa lánh thầy khi thầy về nhận công tác ở nhà xuất bản Sự Thật, vì có trong biên chế mới có lương để sống. Thưa rằng, thầy chỉ có mấy người học trò, ít thôi, vẫn âm thầm tìm cách giúp đỡ thầy trong cơn hoạn nạn và người duy nhất tôi xin được nêu tên và thắp nén hương tưởng nhớ hương hồn là anh bạn học khoá hai Đại học Sư phạm, tốt nghiệp năm 1957, anh Đoàn Mai Thi.

Mỗi lần cần mua cái gì trong sinh hoạt thường ngày, nhất là mật ong khó kiếm thời bao cấp, thầy cũng chậm chạp trên chiếc xe đạp “mini” kiểu Liên Xô cũ, đến lối ngã 5 đường Lò Đúc Phan Chu Trinh, dừng xe đứng chờ anh Đoàn Mai Thi vì nhà anh ở gần đó…

Thời gian từ 1965 sơ tán chống Mỹ cứu nước, hẳn thầy gặp rất nhiều khó khăn, còn chúng tôi thì bận việc gia đình con cái nên không thể gặp được thầy....

Riêng tôi thời gian này cũng rất bận vì cuốn Ba Đình được nhà xuất bản Quân đội “bảo vệ và giúp đỡ”, song từ năm 1973 vì tình hình viện trợ cách mạng miền Nam nên đến năm 1976 mới in xong. Từ đó, tôi vào Huế cuối năm 1980, trở thành nhà văn được nhiều nhà xuất bản xin bản thảo, nên tôi không ra Hà Nội gặp thầy được. Đúng ra tôi đã lầm nghĩ là thầy đã an bài làm công tác dịch thuật ở nhà xuất bản Sự Thật, cũng như tác giả Phạm Thành Hưng mới chỉ hiểu được một mức độ nhất định khi ông viết về Trần Đức Thảo.

Phạm Thành Hưng không phải là học trò của triết gia Trần Đức Thảo, nên khó hiểu nổi “tư duy kiểu Trần Đức Thảo”, tuy bài của ông ta có công tâm, khách quan. Thầy từ nước Pháp về Việt Nam theo “đường zigzag” bằng tiền túi, nhưng nay muốn qua Pháp để hoàn tất công trình triết học của mình thì chẳng qua như “nước đại dương kết giọt chốn không bờ”, như “giữa mênh mông sa mạc mà mây trời không ánh”.

Cho nên khi được Chính phủ ta trợ cấp cho qua Pháp 3 tháng để viết “công trình triết học” như vậy, thầy đâu có “ung dung, tự tại”. Vì 3 tháng là thời gian quá hạn chế cho một công trình triết học đòi hỏi thời gian một năm, có khi đến vài năm…

Khi thầy từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi đâu có biết vì đó là thời gian tôi đang ở Huế, viết mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử, có tiền nhuận bút tôi mới về lại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đến Viện Khoa học Xã hội gặp Nguyễn Công Bình, đại diện cho các tỉnh phía Nam (anh là bạn cũ từ Hà Nội), tình cờ thấy cuốn Vấn đề con người và Chủ nghĩa “Lý luận không có con người” với tên tác giả: Giáo sư Trần Đức Thảo, mới biết hiện thầy đang ở khách sạn Bến Nghé, đường Nguyễn Trung Trực. Tôi định tìm mua một cuốn, mừng thầy được in sách thì Nguyễn Công Bình cho biết ngoài Hà Nội đã có lệnh vào là phải thu hồi cuốn đó lại. Nhưng khó khăn là sách đợt một đã bán hết sạch, sách tái bản lại vừa in xong, có cả phần Kết luận bổ sung, nên trước “lệnh” từ Hà Nội, Nguyễn Công Bình đành bất lực. Nghe cái “lệnh” thu hồi cuốn Vấn đề con người và Chủ nghĩa “Lý luận không có con người” tôi đã buồn, nhưng tin sách đã lỡ tái bản, tôi chợt hiểu mặt sau của vấn đề và lại thấy vui vui, nên sáng đó tôi vội vã đến ngay khách sạn Bến Nghé…

Cuốn sách hấp dẫn chẳng những đối với giới trí thức thành phố Hồ Chí Minh mà cả với các nhà giáo và sinh viên, vì thời gian từ năm 1980 người đọc dễ liên hệ tình hình diệt chủng dã man của bọn Pol Pot –Ieng Sary bên Kampuchia. Nhưng tác phẩm của thầy lại không hề nói mảy may đến vấn đề đó. Triết gia chỉ nêu những quan điểm triết học chung quanh những vấn đề con người, xã hội, giai cấp và lịch sử cũng như các vấn đề về quan điểm con người dưới góc độ triết học trong dân chủ hoá và đấu tranh chống tiêu cực mà tác giả đã từng quan tâm. Đây là một phương pháp luận của vấn đề Con Người.

Nhà văn Thái Vũ
Tin khác
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh

Có câu rằng: “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”.

Lễ nghi Tết chốn cung đình
Lễ nghi Tết chốn cung đình

Huế đẹp không chỉ từ Quần thể di tích Cố đô mà đẹp từ trong ý thức của mỗi người về văn hóa lễ hội.

Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'
Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'

Cuộc đời làm quan của Bùi Sĩ Tiêm sẽ còn thăng tiến nếu ông không nói lời ngay thẳng để vạch ra những nguyên nhân khiến xã hội lúc đó rối ren, hỗn loạn.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời

Non tháng nữa là Tết nhưng nắng cứ vàng rờ rỡ cả ngày, còn may trời vẫn se se lạnh lúc cuối chiều nên cữ đạp xe thể thao thường nhật của ông Cả Ngưỡng xem ra nhàn nhã khác hẳn ngày hè nóng nực hay tiết thu thất thường khi oi nồng lúc mát mẻ.

Giao thừa bâng khuâng những hương vị hoài niệm xa xưa
Giao thừa bâng khuâng những hương vị hoài niệm xa xưa

Giao thừa bâng khuâng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, như réo gọi những thanh âm một thời xa xưa từ ký ức vọng về từng đợt nôn nao.

'Trời đã mới người càng nên đổi mới'
'Trời đã mới người càng nên đổi mới'

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ta hãy cùng đọc, cùng ngẫm để cùng thấm tư tưởng sống này của Phan Bội Châu.