Đồng bào Xơ Đăng đi học làm du lịch cộng đồng
Ở mỗi địa phương tại các tỉnh Bắc Tây Nguyên đều có tiềm năng, thế mạnh riêng trong việc phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) là một điển hình khi xác định du lịch cộng đồng gắn với dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh vốn được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam.
Nhận thức được những lợi thế trong việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, huyện Tu Mơ Rông đã chọn những cá nhân, chủ yếu là người đồng bào Xơ Đăng đi đào tạo về nghiệp vụ du lịch tại TP.HCM.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, muốn phát triển được du lịch cộng đồng thì phải có nguồn nhân lực đạt chuẩn về lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, huyện đã cử một số người dân xuống TP.HCM học cách thức làm du lịch cộng đồng sao cho hiệu quả, về nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, quản lý nhà hàng, khu nghỉ dưỡng… Chương trình đào tạo diễn ra trong 6 tháng, hiện tại người dân đang được đưa về khu du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông) để thực tập trước khi hoàn thành khóa học.
Xuất thân với nghề nghiệp tự do, anh A Tạo (thôn Pu Tá, xã Măng Ri) đã xuống TP.HCM học về du lịch cộng đồng với chuyên ngành phục vụ nhà hàng, khách sạn. Anh Tạo cho biết: “Sau khi được đào tạo tại TP.HCM, bản thân tôi và nhiều thành viên trong nhóm đã hiểu được quy trình phát triển du lịch cộng đồng, từ cách nói chuyện, ứng xử cho đến việc phục vụ du khách sao cho tốt nhất”.
Theo anh Tạo, xã Măng Ri nơi anh sinh sống đã hình thành các mô hình du lịch cộng đồng gắn với cây sâm Ngọc Linh. Rất nhiều du khách đến đây để tham quan, trải nghiệm với “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, đây là cơ hội rất tốt để phát triển du lịch trong tương lai.
“Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình thực tập, sau khi kết thúc khóa học hy vọng sẽ có những đóng góp tích cực cho hoạt động du lịch cộng đồng tại đại phương để du khách có thể hiểu rõ hơn về cây sâm Ngọc Linh cũng như văn hóa của người dân nơi đây”, anh Tạo chia sẻ.
Tương tự, chị Y Thoát (thôn Tu Thó, xã Tê Xăng) cũng được đưa đi đào tạo về du lịch cộng đồng với chuyên ngành phục vụ nhà hàng, khách sạn. Chị Y Thoát cho biết, thôn Tu Thó được biết đến với nhiều loại hình du lịch cộng đồng, bên cạnh những cây dược liệu, du khách có thể tìm hiểu về văn hóa của người dân bản địa cũng như phong cảnh hùng vĩ nơi đây. “Việc được đi học tập kinh nghiệm dưới TP.HCM là cơ hội trải nghiệm tuyệt vời để phục vụ du khách khi đến địa phương du lịch”, chị Y Thoát chia sẻ.
Ông Võ Trung Mạnh cho biết, đồng bào Xơ Đăng được cử đi học vốn ở những ngôi làng đã được định hình về du lịch cộng đồng như thôn Tu Thó, Lê Văng, Đăk Chum 1, Pu Tá… Những nơi này dù chưa được công nhận về du lịch nhưng đã có nhiều du khách đến tham quan. Khi đó, những người được đưa đi học sẽ về phục vụ khách du lịch ngay tại quê hương mình.
“Sau khóa học đầu tiên, chúng tôi sẽ có những đánh giá rút kinh nghiệm. Nếu hiệu quả và giúp du lịch phát triển, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người dân. Hiện tại, một số công ty du lịch và Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam đã có kế hoạch tài trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực để từng bước giúp du lịch Tu Mơ Rông có điều kiện phục vụ du khách tốt hơn”, ông Mạnh chia sẻ.
Theo ông Mạnh, đầu năm 2024, làng du lịch cộng đồng thôn Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được xây dựng hoàn thiện để tổ chức Hội thi ẩm thực Quốc tế với chủ đề: Ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh. Tại đây đã hàng nghìn du khách tham quan và xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ đẳng sâm (sâm dây).
Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
Đến năm 2025, ngành du lịch tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu sẽ đón 1,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động trực tiếp.
Tỉnh sẽ tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Định hướng, bố trí các khu du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương. Đồng thời, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh. Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm…
Nhằm hiện thực hóa điều này, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là hết sức quan trọng. Nhận thực được điều đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã mời các chuyên gia về bồi dưỡng kiến thức xây dựng mô hình du lịch nông thôn cho 8 huyện, thị xã trong tỉnh. Đối tượng là cán bộ phụ trách phòng chuyên môn cấp huyện, xã, thôn, làng và HTX, hộ gia đình có liên quan đến sản phẩm OCOP, nông nghiệp. Mục tiêu mỗi địa phương sẽ có 50 học viên được đào tạo về nghiệp vụ du lịch cộng đồng.
Tại buổi hội thảo về phát triển du lịch mới đây, Thạc sĩ Lê Thị Tình, Giảng viên trường Chính trị tỉnh Gia Lai cho biết, muốn phát triển loại hình du lịch cộng đồng, phải giúp nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho dân làng đi học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Đặc biệt, khi quy hoạch các làng du lịch cộng đồng cần tôn trọng các yếu tố văn hóa từ kiến trúc, không gian làng... không được bê tông hóa, làm phá vỡ cảnh quan vì sẽ đánh mất cảm xúc của du khách.
Cũng theo bà Tình, phần lớn người dân ở các thôn làng chưa có kỹ năng làm du lịch, nhất là kiến thức tài chính để quản lý hoạt động thu chi khi có du khách đến tham quan. Chính vì vậy, cần được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, có chương trình tập huấn, bày cách cho người dân làm du lịch.
Trong thời gian qua, Câu lạc bộ du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam là đơn vị đã có nhiều hỗ trợ về đạo tạo nhân lực cho ngành du lịch ở các tỉnh tây Nguyên. Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, chúng tôi mong muốn sau khi được đào tạo, học viên sẽ trở về địa phương ngoài việc trực tiếp phụ trách còn truyền đạt lại kiến thức cho mọi người trong thôn, bản của mình. Từ đó, nguồn nhân lực du lịch các địa phương sẽ được nhân rộng và có đà phát triển. Khi đó, cách làm du lịch ở những nơi đây sẽ chuyên nghiệp và bền vững góp phần làm hài lòng du khách khi đến với vùng đất Tây Nguyên.
Tại hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch ở Gia Lai mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, tổ chức các khóa bồi dưỡng du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại các địa phương, hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để ứng xử, phục vụ khách du lịch…