| Hotline: 0983.970.780

Mù Cang Chải: Phát triển nhân lực du lịch tại chỗ để phát triển kinh tế

Thứ Tư 01/11/2023 , 21:41 (GMT+7)

Yên Bái Dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền và người dân Mù Cang Chải đang cố gắng nâng cao năng lực trong lĩnh vực du lịch để đáp ứng được yêu cầu của du khách.

Anh Giàng A Dê (giữa) và khách du lịch quốc tế khi đến thăm Mù Cang Chải. Ảnh: Hello Mù Cang Chải.

Anh Giàng A Dê (giữa) và khách du lịch quốc tế khi đến thăm Mù Cang Chải. Ảnh: Hello Mù Cang Chải.

Là một người con của quê hương Mù Cang Chải (Yên Bái), chàng trai người Mông Giàng A Dê - Giám đốc Công ty du lịch Hello Mù Cang Chải - đã từng bước khai thác được tiềm năng du lịch địa phương, giúp nhiều người dân trong vùng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

“Sinh ra và lớn lên ở Mù Cang Chải, tôi hiểu rằng quê hương mình có nhiều tiềm năng về du lịch với cảnh quan thiên nhiên, ruộng bậc thang và hệ động thực vật đa dạng”, Giàng A Dê chia sẻ và nói thêm từ những tiềm năng này có thể phát triển nhiều sản phẩm như du lịch cộng đồng, du lịch khám phám và du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, vị Giám đốc 8x này cũng nhấn mạnh về sức hấp dẫn của văn hóa bản địa của đồng bào người Mông với nhiều nét truyền thống độc đáo và tiềm năng.

Mày mò từ những ngày đầu, anh Dê tự tìm hiểu trên mạng để xây dựng homestay đầu tiên của mình rồi mới đi học hỏi kinh nghiệm ở những nơi có du lịch cộng đồng phát triển mạnh như Sapa (Lào Cai), Vân Hồ (Sơn La)…

“Khi đến nơi tìm hiểu những mô hình này, tôi nhận ra không thể áp dụng toàn bộ cho Mù Cang Chải, thay vào đó là chắt lọc những yếu tố phù hợp để đem về cho homestay của mình”, chàng trai người Mông chia sẻ và nhấn mạnh điều lớn nhất mà anh học được là cách phục vụ, cung cấp dịch vụ cho du khách.

Cụ thể, anh đã tập huấn cho các thành viên tổ xe du lịch cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp để phục vụ du khách. Ngoài ra, Dê còn biết cách tạo ấn tượng cho du khách bằng việc gắn mỗi địa điểm du lịch với một câu chuyện của con người, vùng đất đó và để cho lái xe kể cho khách trên đường đi.

“Mục tiêu của chúng tôi là mỗi du khách khi đến với Mù Cang Chải không chỉ ngắm nhìn được vẻ đẹp thiên nhiên mà còn hiểu được văn hóa, truyền thống của địa phương”, Giàng A Dê nhấn mạnh thêm.

Phong cảnh ruộng bậc thang là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải. Ảnh: Hello Mù Cang Chải.

Phong cảnh ruộng bậc thang là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải. Ảnh: Hello Mù Cang Chải.

Chính quyền cùng vào cuộc

Ở góc độ chính quyền, bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, để phát triển nhuồn nhân lực và tạo thêm nhiều việc làm trong ngành du lịch cho người dân địa phương, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức với chủ trương khi phát triển du lịch, chủ thể phải là người dân và họ cũng là người hưởng lợi.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn cho bà con hoạt động một cách khoa học và đúng pháp luật. Trên cơ sở đó, bà Xuyến cho biết huyện đã thành lập các tổ hợp tác, các hợp tác xã và doanh nghiệp để các thanh niên người Mông có thể tự quản lý và hoạt động.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, để có thể hoạt động hiệu quả, người dân địa phương cũng phải tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn du khách.

“Để tăng độ hấp dẫn cho du lịch Mù Cang Chải, bà con địa phương sẽ tìm những địa điểm cảnh quan mới, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp để khách du lịch có thể sử dụng hoặc mua về làm quà”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải phân tích thêm. Và từ những hoạt động này, ngày càng có thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, nhất là lao động trong nông nghiệp.

Về vấn đề lưu trú và ăn uống, các nhà hàng, khách sạn, homestay cũng có nhu cầu nhân lực chất lượng cao. Chưa kể, khi du lịch phát triển nhu cầu của du khách về vận tải cũng tạo ra được nhiều việc làm cho người dân, đơn giản nhất là lực lượng xe ôm, đưa khách từ các tuyến đường chính vào điểm tham quan.

Hiện nay, do đặc điểm vùng cao nên một trong những khó khăn để phát triển nhân lực phục vụ du lịch ở Mù Cang Chải là người dân tộc, cao tuổi nên không thông thạo tiếng phổ thông. Tiếng phổ thông đã khó, tiếng Anh còn khó hơn, người dân ở Mù Cang Chải gặp nhiều trở ngại khi giao tiếp với khách quốc tế.

Nghiệp vụ du lịch cũng là điểm hạn chế cần phải nhắc đến đối với nguồn nhân lực địa phương. Có thể nói, chất lượng nhân lực phục vụ các đoàn khách du lịch đến với Mù Cang Chải hiện nay nhiều khi không được như kỳ vọng.

Để cải thiện vấn đề này, cần tiếp tục có thêm thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao sự hiểu biết của người dân địa phương về tiềm năng du lịch Mù Cang Chải. Từ đó tạo động lực cho bà con phát triển kỹ năng du lịch và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống giúp hướng đi này ngày càng hiệu quả, bền vững hơn.

Xem thêm
Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm trong sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp

Trong sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, khó khăn ở cấp nào, cấp đó phải đứng ra xử lý; không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.