Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263 phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh 11 nội dung thành phần, giai đoạn này có 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đây là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Bộ NN-PTNT đã triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đến tất cả các tỉnh, thành phố; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. Đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn.
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương và sự đa dạng các sản phẩm du lịch. Hiện cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng các mô hình phát triển, tiêu chí để đánh giá chất lượng, năng lực quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay, Việt Nam là một nước nông nghiệp, với gần 65% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM là xu thế tất yếu. Có nhiều loại hình du lịch nông thôn, ở Việt Nam có 3 loại hình cơ bản là: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái.
Năm 2023 trên cơ sở thừa kế những kết quả đã đạt được từ trước, tập chung xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình thí điểm, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu và kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn... Mở những lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông thôn cho người dân. Để người dân nhận thấy được du lịch là một ngành nghề có lợi thế phát triển tại địa phương và đem lại thu nhập ổn định và bền vững.
Với 29 di sản được UNESCO ghi danh, 119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.742 di tích quốc gia, khoảng 10.000 di tích cấp tỉnh/thành, 69.000 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh thành. Đó là những giá trị văn hóa ngàn đời ông cha để lại, không chỉ là tài sản vô giá mà còn là sản phẩm du lịch - văn hóa thiết thực.
Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, khẳng định: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có nhiều thế mạnh và được ưu tiên phát triển tại tỉnh Yên Bái.
Nhiều chính sách đặc thù nhằm ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phát triển du lịch; đồng thời, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó tập trung khai thác lợi thế để phát triển du lịch.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, du lịch Yên Bái đã từng bước được tạo điểm nhấn và thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước, quốc tế.
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triến du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: Phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, bên cạnh các chính sách của Trung ương, Yên Bái đã ban hành các cơ chế chính sách linh hoạt và định hướng mang tính dài hơi, chiến lược, kết hợp tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch canh nông.