Nhà báo Lưu Đình Triều giải mã băn khoăn ‘đời có yêu tôi’?

Lê Thiếu Nhơn - Thứ Sáu, 21/06/2024 , 01:52 (GMT+7)

Nhà báo Lưu Đình Triều công bố cuốn tự truyện ‘Đời có yêu tôi?”, chia sẻ những năm tháng vượt qua số phận trắc trở để gắn bó với nghề báo.

Nhà báo Lưu Đình Triều.

Nhà báo Lưu Đình Triều là con trai của nhà báo Lưu Quý Kỳ (1919-1982). Lúc sinh thời, nhà báo Lưu Quý Kỳ đảm nhiệm nhiều cương vị trong làng báo như Vụ trưởng Vụ Báo chí hoặc Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Thế nhưng, nhà báo Lưu Đình Triều mãi đến năm 26 tuổi mới theo học đại học báo chí khóa 1979- 1983, để nối nghiệp cha mình. Vì sao như vậy? Vì gia đình nhà báo Lưu Đình Triều mang dấu vết ly tán của một giai đoạn lịch sử cam go.

Nhà báo Lưu Quý Kỳ và vợ tham gia cách mạng từ rất sớm, ở chiến khu 9. Năm 1953, nhà báo Lưu Quý Kỳ đặt tên cho con trai chào đời cùng thời điểm đình chiến ở Triều Tiên, là Lưu Đình Triều.

Năm 1954, nhà báo Lưu Quý Kỳ và vợ tập kết ra Hà Nội, Lưu Đình Triều cùng chị ruột Lưu Lựu Hà được gửi từ Cà Mau lên Biên Hòa, nhờ bà ngoại nuôi dưỡng. Lưu Đình Triều hiển nhiên được xem như trẻ mồ côi, vì khai sinh ghi rõ “cha mất, mẹ mất”.

21 năm, từ 1954 đến 1975, hai miền chia cắt. Hòa bình, nhiều sự trớ trêu phơi bày. Bởi khi đang là sinh viên luật năm thứ hai thì Lưu Đình Triều bị tổng động viên đi lính Việt Nam cộng hòa. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lưu Đình Triều đeo lon thiếu úy, và phải học tập cải tạo. Với địa vị của mình, nhà báo Lưu Quý Kỳ có thể bảo lãnh cho con trai khỏi trại tập trung, nhưng ông muốn Lưu Đình Triều cũng nếm trải công bằng như bao người đồng cảnh ngộ khác.

Hòa nhập môi trường mới, trong mặc cảm “thiếu úy ngụy”, nhà báo Lưu Đình Triều cắn răng chịu đựng bao nhiêu cay đắng. Ông bày tỏ: “Lúc nhỏ thì tôi ít suy nghĩ về chuyện ngang trái, thăng trầm. Nhưng càng lớn, tôi càng chiệm nghiệm mùi đời thì càng thôi thúc ý nghĩ muốn vươn lên, tiến lên trước những khó khăn”.

Đúng nghĩa “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, nhà báo Lưu Đình Triều có 30 năm làm việc ở báo Tuổi Trẻ và góp phần làm nên thương hiệu đơn vị truyền thông này. Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Lưu Đình Triều tiếp tục làm cố vấn cho Trung tâm báo chí TP.HCM và thỉnh giảng bộ môn báo chí cho các trường đại học.

Ở tuổi 70, nhà báo Lưu Đình Triều đã ngồi xuống viết tự truyện “Đời có yêu tôi?”. Ông đã mất đúng 1 năm để hoàn thành cuốn sách dày hơn 400 trang, chia làm 18 chương. Mạch lạc và chân thành, nhà báo Lưu Đình Triều chia sẻ cảm xúc rụt rè ngày bước chân vào Học viện Báo chí Tuyên truyền phải mượn hai câu thơ Hải Như “ta đến muộn, đừng lo, Người vẫn đợi/ Với Bác Hồ, Người thương nhất kẻ đi sau” để tự an ủi mình, cũng như chia sẻ vui buồn những năm giữ vai trò Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ.  

Đặt ra câu hỏi “Đời có yêu tôi?”, nhà báo Lưu Đình Triều đã tìm được đáp án qua cuốn tự truyện. “Đời, có yêu tôi? Có! Vậy mà sao Đời nỡ đặt tôi vào cảnh thiệt thòi, ngang trái. Ngay từ tấm bé, tôi phải sống như trẻ mồ côi. 7, 8 tuổi, tôi đã biết lê la đầu đường xó chợ, trộm cắp vặt. 13 tuổi đã lận bộ bài sau lưng, đi kiếm tiền. Vừa qua tuổi trưởng thành, tôi bị đẩy vào lính, cầm súng chống lại cha mẹ mình.

Đời có yêu tôi? Không! Thế tại sao Đời lại chỉ cho cô, chú tìm thấy tôi đúng lúc, ngăn tôi trở thành một tên du thủ, du thực để bắt đầu học hành đàng hoàng. Đời lại còn cho tôi sự may mắn: bị đẩy ra trận, chỉ dăm ba lần trúng thương mà nhẹ hều. Sau ngày thống nhất đất nước, vừa bị đi học tập cải tạo về, Đời "vẽ đường" cho một người bạn học cũ tìm đến, làm bảo lãnh xóa quản chế, tạo bước ngoặt quan trọng để tôi sớm hòa nhập cuộc sống mới”.

Tự truyện "Đời có yêu tôi?" của nhà báo Lưu Đình Triều.

Trong những lần đoàn tụ ít ỏi giữa cha và con, nhà báo Lưu Quý Kỳ từng căn dặn nhà báo Lưu Đình Triều: “Nghề báo không đơn giản chút nào. Làm báo phải dám lăn lộn để có vốn sống, có thực tế. Phải có nhận thức, biết cái nào đúng, cái nào sai”. Nhà báo Lưu Đình Triều luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy ấy. Đến độ tóc bạc cổ lai hy, nhà báo Lưu Đình Triều bày tỏ: “Nhìn lại số phận gập ghềnh của mình, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc vì cuối cùng tôi cũng đi được vào con người làm báo như ba tôi. Nói một cách văn chương thì tôi đã được đoàn tụ phần hồn với ba tôi”.

Nhà báo Lưu Đình Triều có hai lần đám cưới. Người vợ đầu sinh cho ông một con gái Lưu Nguyễn Hà Vy. Người vợ sau có dạo làm MC rất nổi tiếng, sinh cho ông hai con, con gái Lưu Nguyễn Hà Châu và con trai Lưu Triều Nam. Trong cuốn tự truyện, nhà báo Lưu Đình Triều viết rất ít về tổ ấm riêng tư, vì “đến giờ tôi là kẻ sống cô đơn trong một căn hộ như mấy chục năm trước đơn thân độc mã. Đôi lần tôi đùa với bạn bè rằng cuộc sống của mình từa tựa như thuở nhỏ. Có khác chăng, trước là “trẻ mồ côi”, giờ là “già neo đơn” mà thôi”.

Tuy nhiên, ở cuốn tự truyện “Đời có yêu tôi?”, thông qua câu chuyện của nhà báo Lưu Đình Triều, độc giả có thể hiểu thêm về sự phát triển của báo chí Việt Nam với ba thập niên sôi động, từ thời đổi mới mở cửa đến thời báo in thoái trào.

Thực trạng báo chí hôm nay, nhiều người băn khoăn “Đời có yêu báo?”, thì có lẽ cũng có tâm trạng tương tự nhà báo Lưu Đình Triều: “Đời, có yêu tôi? Có có! Không, không! Dù đời lúc này lúc khác, yêu hoặc không yêu thì chính tôi vẫn phải làm chủ đường đi, lối rẽ của mình”. 

Lê Thiếu Nhơn
Tin khác
GS Andrea Hoa Pham: Ngôn ngữ học lịch sử và giọng Quảng Nam
GS Andrea Hoa Pham: Ngôn ngữ học lịch sử và giọng Quảng Nam

Trong bài này, chúng tôi chỉ bàn về phương pháp nghiên cứu và chất liệu nghiên cứu của Ngôn ngữ học Lịch sử trong nỗ lực đi tìm nguồn gốc những âm và vần lạ trong giọng Quảng Nam.

Từ đề thi tuyển sinh lớp 10 của Thanh Hóa: Bất ổn và âu lo
Từ đề thi tuyển sinh lớp 10 của Thanh Hóa: Bất ổn và âu lo8

Về một số điểm không ổn của đề thi Ngữ văn, tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Nhà báo Lý Sinh Sự và dấu ấn thể loại tiểu phẩm
Nhà báo Lý Sinh Sự và dấu ấn thể loại tiểu phẩm

Nhà báo Lý Sinh Sự được đồng nghiệp thế hệ sau tôn vinh xứng đáng trong buổi ra mắt cuốn sách ‘Nói hay đừng’ vừa tổ chức tại Hà Nội sáng 18/6.

‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt
‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt

‘Tình ca tiếng nước ta’ của tác giả Dương Thành Truyền góp thêm một góc nhìn về tiếng Việt đa dạng và phong phú trong tâm hồn và trong đời sống người Việt.

Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ
Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ

Đã có nhiều ngày dài tôi băn khoăn tự hỏi khi nào và vì sao người ta là tri kỷ của nhau.

Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên
Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên

Trái tim trìu mến của một cô giáo nghỉ hưu, đã giúp nhà thơ Trần Hà Yên tìm được ánh mắt hồn nhiên trong thế giới trẻ em nhiều sắc màu ngộ nghĩnh.

Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái
Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái

Phỏng vấn phụ huynh có con học lớp 1 không có suất ăn trong buổi liên hoan của lớp. Trong môi trường giáo dục quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái, thiếu hai điều này sẽ không thể hoàn thành sứ mạng giáo dục thế hệ trẻ được.

Phan Kế Bính - người có công với học giới nước nhà
Phan Kế Bính - người có công với học giới nước nhà

Ngày 31/5/1921 là ngày cụ cử Phan Kế Bính tạ thế cõi trần. Cũng trong hôm đó, báo Thực nghiệp số 177 đăng bài 'Một cái tang chung cho báo giới nước nhà'.

Người mở cõi và kẻ bám đất hội tụ ở ‘rừng mắm’
Người mở cõi và kẻ bám đất hội tụ ở ‘rừng mắm’

Người mở cõi và kẻ bám đất là hai đối tượng làm nên sức sống ‘rừng mắm”, được nhà văn Bình Nguyên Lộc phác thảo bằng vẻ đẹp độc đáo phương Nam.

Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?
Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?

Nhà văn, nhà báo, dịch giả Phan Kế Bính sinh năm 1875, mất ngày 31 tháng 5 năm 1921, hưởng thọ 46 tuổi.

Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'
Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'

Nhà thơ Hà Phương sau mấy chục năm lặng lẽ đứng sau người chồng nổi tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, vừa tái ngộ công chúng bằng tập thơ ‘Tình yêu mạnh như nước’.