Nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn sinh ngày 15/6/ 1932 tại Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ông gia nhập quân đội và chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên – Nam Trung Bộ từ năm 1950. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và theo học khoa Văn của Trường Đại học tổng hợp Hà Nội, rồi bắt đầu con đường làm báo chuyên nghiệp với tư cách một phóng viên mặt trận và đạo diễn phim tài liệu.
Sau năm 1975, nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn từng đảm nhiệm cương vị Trưởng ban biên tập của Đài Truyền hình TP.HCM, Tổng Biên tập tạp chí Toàn Cảnh.
Hoạt động ở cả ba lĩnh vực báo chí, xuất bản và văn chương, tên tuổi Đoàn Minh Tuấn gắn liền với tác phẩm “Bác Hồ cây đại thọ” đã in hơn 20 lần từ năm 1989 đến nay.
Trên hành trình cầm bút, nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều nhân vật nổi tiếng. Cuộc sống của họ, cống hiến của họ và nhân cách của họ, luôn khiến ông thán phục và yêu mến. Vì vậy, từ những ký ức rời rạc, nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn đã viết những bút ký chân dung bằng tất cả sự trân trọng.
Cuốn sách “Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, khi nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn đã tròn 92 tuổi. Đây có thể xem như một trường hợp hiếm hoi về một gương mặt đam mê cầm bút suốt đời.
Trải qua kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ rồi tiếp tục thao thức với hòa bình, nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn có những tư liệu độc đáo về chính khách Phạm Văn Đồng, nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng, danh họa Nguyễn Phan Chánh, danh họa Nguyễn Sáng, nhà báo Xích Điểu, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyên Hồng, nữ sĩ Mộng Tuyết, nhà viết kịch Xuân Trình…
Tất cả 15 chân dung nhân vật được nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn phác họa trong cuốn sách “Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng” giúp công chúng hiểu thêm một thế hệ đã góp phần làm nên lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Bằng lối ghi chép giản dị, nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn không cố tình dùng ngôn ngữ bay bổng để thêu hoa lên gấm, mà chú trọng những chi tiết đời thường của họ. Vì vậy, mỗi nhân vật hiện ra gần gũi và ấm áp.
Trong cuốn sách “Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng” có một tư liệu rất quý giá, đó là đề cương tiểu thuyết “Núi cả mây ngàn” của nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989). Rời quê nhà Nam bộ đi theo cách mạng, từng có tác phẩm “Đất rừng phương Nam” nổi tiếng, nhưng vẫn nhà văn Đoàn Giỏi vẫn còn thấy mắc nợ với chốn kênh rạch chôn nhau cắt rốn. Tiểu thuyết “Núi cả mây ngàn” gồm 10 chương, nhà văn Đoàn Giỏi mong muốn tái dựng bối cảnh Nam bộ thời khai hoang.
Đề cương tiểu thuyết “Núi cả mây ngàn” được nhà văn Đoàn Giỏi gửi gắm cho nhà báo lão thành Đoàn Minh Tuấn cất giữ. Và nhà văn Đoàn Giỏi đã giã từ nhân gian, khi chưa kịp hoàn thành tiểu thuyết này. Dẫu chỉ ở dạng đề cương, “Núi cả mây ngàn” được công bố trong cuốn sách “Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng” cũng giúp ích cho những nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về nhà văn Đoàn Giỏi.