Nhà thơ Đinh Nho Tuấn 58 tuổi, quê quán Hương Sơn – Hà Tĩnh, có học vị tiến sĩ Luật. Ông đã xuất bản các tập thơ của các tập thơ “Dan díu với núi sông”, “Ngàn tiếng đời ấp ủ”, “Lời phả hương”, “Năm ngón chưa đặt tên”…
Đến với cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” năm 2024, nhà thơ Đinh Nho Tuấn ứng thí bằng chùm thơ “Khuôn mặt Sài Gòn”, “Thành phố của tôi” và “Lòng ta ở trọ”. Đô thị nhộn nhịp phương Nam được nhà thơ Đinh Nho Tuấn phác thảo bằng những nét chấm phá ấn tượng: “Lòng ta ở trọ/ Vào muôn khóm nắng vàng/ Trọ vào tiếng rao/ Vòng xe lăn ướt mềm hẻm phố/ Ly cà phê nép mình ngõ nhỏ/ Thướt tha áo trắng tinh khôi/ Trọ con đường ban mai/ Người xe trẩy hội/ Gió đồng bào hơi thở áo cơm/ Trọ khuôn mặt Sài Gòn/ Mộc, không phấn son/ Trang điểm bằng những điều tử tế”.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911-1991) từng viết: “Đi giữa vườn nhân, dạ ngẩn ngơ/ Vì thương người lắm, mới say thơ”. Phút giây lãng đãng bùi ngùi ấy của bậc tiền bối, vẫn còn nguyên giá trị với hậu sinh hôm nay, qua hai cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP.HCM đăng cai.
Cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ nhất, diễn ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mà đô thị phương Nam trở thành tâm điểm ngột ngạt của những mất mát và đau thương. Thơ xuất hiện như một niềm san sẻ, như một nỗi xoa dịu. Sự thành công của cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ nhất, đã mở lối cho cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai. Không phải chạy theo phong trào, mà tiếp nối tinh thần của những con người muốn tìm thấy nhau, muốn thấu hiểu nhau, muốn động viên nhau giữa nhịp sống chộn rộn âu lo.
Thơ hôm nay có ý nghĩa gì cho cộng đồng không? Nhiều nhu cầu vật chất, thúc bách hơn. Nhiều phương tiện giải trí, hấp dẫn hơn. Thế nhưng, thơ không co cụm lại, thơ không phai nhạt dần. Thơ đi một con đường lặng lẽ và trầm tĩnh để đến độc giả vẫn tha thiết với giăng mắc ân cần, vẫn sốt ruột với suy tư độ lượng. Bằng chứng là trong khoảng thời gian 7 tháng, từ tháng 2/2024 đến tháng 9/2024, đã có gần 1500 bài thơ được gửi về tham dự cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai. Số lượng không hoàn toàn phản ánh chất lượng, mà thể hiện một lễ hội thi ca chẳng cờ giong trống giục, vẫn được công chúng yêu thơ hưởng ứng nồng nhiệt.
Một cuộc thi thơ có chủ đề, luôn thách thức sự sáng tạo của người viết. Bởi lẽ, phải viết sao cho tránh khỏi lối mòn minh họa và cũng không chìm đắm trong những vần điệu phản ánh sơ sài. Chủ đề có hai vế rõ ràng, “nhân nghĩa” và “đất phương Nam”. Không thể viết về “nhân nghĩa” chung chung, mà lại thiếu vắng bản sắc “đất phương Nam”. Cũng không thể miêu tả cảnh sắc “đất phương Nam” trăm hồng nghìn tía, mà lãng quên chiều sâu “nhân nghĩa”. Khi và chỉ khi, trái tim người viết thổn thức với mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con kênh, mỗi ánh điện thì “nhân nghĩa đất phương Nam” hiển lộ đầy đủ và thuyết phục.
Ban chung khảo gồm các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiếu Nhơn, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc và Bùi Phan Thảo đã cân nhắc từng tác phẩm của 35 tác giả qua vòng sơ khảo, để có kết quả cuối cùng. Ngoài giải nhất trao cho nhà thơ Đinh Nho Tuấn và giải nhì trao cho nhà thơ Đào Phong Lan, cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” cũng vinh danh các nhà thơ Quang Chuyền, Phan Duy, Hoàng Thị Hiền, Xuân Trường, Nguyễn Thánh Ngã, Trần Trí Thông, Trần Thanh Bình, Hoàng Thị Quỳnh Nga, Thanh Hoàng, Minh Đan.
Mang phẩm chất một đại đô thị, Sài Gòn – TP.HCM hội tụ nhiều dòng chảy, hội tụ nhiều tính cách, hội tụ nhiều số phận. Phía sau sự hào nhoáng, phía sau sự nhộn nhịp, phía sau sự tất bật là bao nhiêu câu chuyện cười khóc mưu sinh, bao nhiêu câu chuyện đua chen thành bại. Viết về Sài Gòn – TP.HCM, ngoài sự chân thành quan sát, còn đòi hỏi sự đồng cảm tinh tế. Bởi lẽ, đâu có cao ốc tráng lệ nào che chở được sự cô đơn của con người.
Vì vậy, ở cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần thứ hai, khách thơ lại được thêm cơ hội tương tác với những ngổn ngang và những bề bộn trên hành trình hội nhập văn minh. Đó là bâng khuâng “Tay em đầy dấu nắng khuya/ Lời của em, lời nào cũng gió”. Đó là bồi hồi “Trút lòng một trận mưa sa/ Tôi đi về giữa nghìn hoa mặt cười/ Mai sau lá rụng xuống rồi/ Nhường cho ngàn búp nụ chồi vươn lên”. Đó là hân hoan “mỗi em bé chào đời là một bông hoa/ nói với bạn bè bốn phương không cần mật mã”. Đó là xao xuyến “Một ngày điện thoại lặng câm/ Dường như cây cỏ đã chầm chậm hoa”.
Cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” cả lần thứ nhất và lần thứ hai, đều không có tham vọng kiến tạo một đẳng cấp thi ca mới. Mỗi cuộc thi là một lần nhắc lại sự trìu mến ngã tư đèn đỏ, ánh mắt đã gặp ánh mắt. Mỗi cuộc thi là một lần gợi nhớ sự bao dung bến sông kỷ niệm, bàn tay đã vẫy bàn tay. Thơ bắc nhịp cầu để xa xôi thành gần gũi, để khác biệt thành thương yêu, để từng người đi giữa vườn nhân bỗng say thơ./.