Nhà thơ làm thầy cúng 12 đèn

Thái Sinh - Thứ Ba, 06/09/2022 , 06:40 (GMT+7)

Là cấp bậc cao nhất trong giới thầy cúng của dân tộc Cao Lan, được mọi người vô cùng nể trọng, thầy cúng 12 đèn có thể cúng suốt 12 đêm không nghỉ.

Chân dung nhà thơ Lâm Quý in trong cuốn "Kó Lau Slam". 

Nhà thơ Lâm Quý sinh ra trong một gia đình trí thức dân tộc Cao Lan. Sau khi nghỉ hưu anh làm thầy cúng được cấp sắc thầy cúng 12 đèn.

Tôi biết anh khi anh được cử lên Yên Bái làm phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam. Anh đưa vợ không công ăn việc làm và ba đứa con nhỏ lên theo ở trong căn phòng chật hẹp dưới gầm cầu thang, vợ anh làm lao công cho cơ quan để nhận một số tiền phụ cấp ít ỏi, rồi bán vài thứ nhì nhằng thuốc lá, kẹo lạc và mấy chén nước chè cho những ông khách xe ôm và những người đợi xe.

Cuộc sống túng bấn và nghèo khổ, nhưng trong nhà anh thì đầy ắp sách vở, tôi chú ý những cuốn sách in bằng giấy dó đã vàng ố, mủn nát, bìa đen bóng màu thời gian. Tôi mượn mấy cuốn về đọc, cuốn thì in bằng chữ Hán, cuốn in bằng chữ viết đã phiên sang tiếng Cao Lan. Quả thật tôi chẳng hiểu gì, hỏi thì anh bảo: Những cuốn sách này của cha tôi để lại, đây là cuốn nói về mùa màng, cấy cày gặt hái và phong tục tập quán, thờ cúng tổ tiên, dựng vợ gả chồng, làm nhà mới… Cuốn này nói về các thần linh… Tôi đề nghị anh đọc một đoạn cho nghe, sau khi rít một hơi thuốc thật sâu, phả khói mù mịt, lật qua vài trang rồi lim dim đôi mắt không cần nhìn vào sách cứ thế đọc bằng tiếng Cao Lan líu ríu như chim hót, lúc trầm lúc bổng. Hình như anh đã đọc nó cả trăm lần nên thuộc lòng tự khi nào. Bởi thế, thơ của anh ảnh hưởng dân ca Cao Lan rất nhiều, vô cùng ám ảnh: "Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ - Quả chuối dù ngọt phải bỏ vỏ đi…".

Trước đó tôi chú ý tới thơ Lâm Quý giàu chất dân ca, bắt đầu từ bài "Điều có thật từ câu dân ca" đăng trên báo Văn nghệ đã lâu lắm rồi, một bài thơ rất lạ đậm chất dân ca, sau này là đọc "Núi đá", tôi nhớ những câu "Yêu em, anh bổ hòn đá núi - Lấy nước nguồn trong lõi đá nuôi em - Thương em, anh chòi vầng trăng tỏ - Lấy lửa mặt trời nướng chín em ăn…".

Dân tộc Cao Lan, hay gọi là người Sán Chay, có khoảng gần 200.000 người sống rải rác ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, nhưng họ có một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc và quý giá.

Lâm Quý là con thứ tư của ông Lâm Văn Thảo, sinh ngày 18/4/1947 tại bản Mọ, xã Quang Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Thảo biết chữ Hán, giỏi bấm số và cúng lễ, năm 1945 tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp Đảng năm 1947, từng làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Sơn Dương. Sau kháng chiến ông trở về quê làm ruộng và tiếp tục làm thầy cúng.

Nhà thơ Lâm Quý tự hào: "Nhà tôi mấy đời làm thầy cúng, năm 1993 khi tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thì cũng là lúc dòng họ bắt buộc tôi làm thầy cúng, bởi dòng họ không còn ai biết chữ Hán để đọc thạo sách cúng…".

Ấy là bởi từ khi lẫm chẫm biết đi Lâm Quý đã theo ông nội, rồi sau này là cha đi khắp các làng của người Sán Chay để cúng lễ và bốc thuốc chữa bệnh cho bà con dân bản. Những bài cúng đọc lên như những bài văn vần về đất trời, cây cỏ, thần linh, sông núi… cứ thấm dần vào anh tự ấu thơ. Lớn lên Lâm Quý được cha cho đi học chữ phổ thông, đêm về lại dạy thêm chữ Hán. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp lớp 10 Trường nội trú tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Quý thi và đỗ vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp khóa 1968 - 1972. Bài thơ đầu tiên đánh dấu sự nghiệp văn chương của Lâm Quý đấy là khi anh nghe tin Bác Hồ mất, tự trong sâu thẳm của lòng mình anh bật khóc "Ké Hồ ơi" và cứ thế những dòng thơ tuôn trào một mạch trên trang giấy. Bài thơ in trên báo Nhân Dân được bạn đọc cả nước đón nhận như tấm lòng của dân tộc Cao Lan đối với Bác.

Cuối năm 1972, sau khi tốt nghiệp đại học, Lâm Quý xung phong vào chiến trường làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, bàn chân anh đi khắp chiến trường Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Với công việc chính của nhà báo là đưa tin chiến trường, nhưng Lâm Quý vẫn làm thơ, những bài thơ được anh viết trong khi hành quân, những lúc nghỉ giải lao trên các đỉnh đèo, để sau này anh tập hợp thành tập "Hát về nguồn".

Tác phẩm "Chuyện tình thơ Cao Lan. ".

Thơ của Lâm Quý là sự tiếp nối và phát triển từ nguồn mạch "Tình ca Cao Lan". Đó là dòng chảy không ngừng trong cảm hứng nghệ thuật ở mỗi bài thơ của anh. Bởi ngay trang đầu của "Truyện tình thơ Cao Lan" - bản tình ca bất hủ về bà chúa thơ của dân tộc Cao Lan có tên là Kó Lau SLam được Lâm Quý dịch và phóng tác sang tiếng phổ thông: "Tạ lòng ơn kính người xưa - Cho tôi có những vần thơ dâng đời - Chúa thơ nhắn bảo một lời - Yêu nhau dù cách ngàn đời vẫn yêu".

Phần lớn gia sản thơ của Lâm Quý là thơ tình, không giống như nhiều nhà thơ dân tộc khác chỉ có ý mà thiếu chất nhạc, thơ của Lâm Quý vừa giàu ý tưởng lại giàu chất nhạc: "Bản tôi có thần ca hát - Nhập vào đâu cũng cất nên lời", "Truyện cổ tích bản tôi xa xôi - Có anh chàng rượu say nhầm ngựa", "Có cô gái bỏ chồng đi hội - Lội qua suối ướt đầm tất cả - Lũ cuốn trôi theo ngàn tảng đá - Vẫn địu trên lưng tiếng hát tình người…".

Lâm Quý tự bạch lòng mình với tôi rằng: "Anh hỏi vì sao tôi nhận lời dòng họ làm thầy cúng ngay trong lúc mình còn đương công tác? Nhiều người vẫn quan niệm rằng cúng bái là sự mê tín dị đoan, thầy mo, thầy cúng là sự lừa gạt. Thực tế ở dân tộc tôi việc thờ cúng là nhu cầu của đời sống tâm linh. Những bài văn cổ trong sách cúng ý tứ rất sâu sắc, đó chính là thi ca của dân tộc, đó là sự giải thích về nguồn cội của đất trời, con người và sông núi, đó là lời tỏ bày sự tôn kính đối với thần linh và với cha ông, đó là thái độ ứng xử của con người với vạn vật và chính với con người…".

Nói đến đây Lâm Quý trở nên trầm ngâm: "Sự nghiệp văn chương của tôi được tiếp thu rất nhiều từ nguồn chảy văn hóa dân gian của dân tộc mình…". 5 tập thơ của Lâm Quý đã xuất bản gồm "Hát về nguồn", "Điều có thật từ câu dân ca", "Kó Sau Slam", "Tình thơ Cao Lan" được tiếp tục từ mạch chảy văn hóa đó. Ngoài các tập thơ, Lâm Quý còn sưu tầm và giới thiệu "Truyện cổ Sán Chay", "Văn hóa Cao Lan", (lúc đó) anh cũng cho biết đang dịch "Dân ca đám cưới và dân ca tình yêu Cao Lan", đã sưu tầm và dịch "Xịnh ca Cao Lan" với 9 tập, dự kiến khoảng 5.000 trang in. Anh tự hào là nhà thơ duy nhất của dân tộc Cao Lan.

Tôi biết hai văn nhân người dân tộc, đó là nhà văn Hoàng Hạc, trước khi trở thành nhà văn ông là thầy cúng, còn Lâm Quý nhận làm thầy cúng khi được kết nạp vào hội nhà văn. Họ chính là trí thức bản địa của dân tộc mình.

Lễ cấp sắc cho thầy cúng 12 đèn của người Dao ở Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Thái Sinh.

"Vì muốn hiểu được thấu đáo dân tộc mình nên tôi đã nhận lời làm thầy cúng. Làm thầy cúng phải có nhiều tiêu chuẩn, ví như phải có trình độ Hán ngữ. Đó là đọc thông viết thạo chữ Hán, nhớ được bài cúng, gia đình vợ chồng hòa hợp… Tôi đã được Hội đồng thầy cúng của dân tộc Cao Lan quê tôi cấp sắc. Hiện nay mỗi lần được mời về quê cúng, nếu cúng 3 đêm tôi không cần giở sách, còn nếu cúng 5 đêm thì mới phải giở sách", nhà thơ Lâm Quý chia sẻ.

Lâm Quý xin nghỉ hưu trước tuổi, anh chuyển nhà về quê Vĩnh Phúc để làm thầy cúng theo di nguyện của cha anh và yêu cầu của dòng họ, hơn nữa anh muốn tiếp tục công việc sưu tầm, dịch và giới thiệu những viên ngọc văn hóa dân gian vô cùng độc đáo của dân tộc mình cho công chúng.

Nhà thơ Lâm Quý đã mất cách nay cả chục năm, nay nhớ lại những ngày tháng sống cùng nên tôi viết mấy dòng này để tưởng nhớ anh.

Thái Sinh
Tin khác
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.