Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Làng ta ra thế giới

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong - Thứ Năm, 08/02/2024 , 09:30 (GMT+7)

Để nói về cái sự đi ra muôn nơi của dân Thái Bình, trong đó có người làng tôi, có một bài ca dao đã phác ra. Lúc thì trang trọng 'tay nghiên tay bút', lúc thì trào lộng 'tay bị tay gậy' nhưng đều là 'khắp nơi tung hoành' cả.

Ở ngay giữa khu phố cổ Hà Nội, có một con phố, được gọi là “phố đêm không ngủ”, “phố Tây”, là “ngã tư quốc tế”... Con phố chỉ dài 266m, luôn luôn trầm mặc, luôn luôn sôi động. Cái cảm giác trầm mặc có được là do bàn chân ta thong thả bước đi trên mặt đường lát đá tự nhiên đã lâu tự thủa nào. Ngước nhìn sang hai bên thì gặp những mặt nhà phố rất cổ xưa, chỉ cao hai, ba tầng, thấm đẫm hồn cốt kiến trúc thời đầu thế kỷ 20 và cả những mái ngói sẫm nâu, thâm nghiêm. Nhưng giữa trầm mặc ấy là luôn luôn nhộn nhịp những bóng người nhiều quốc tịch khác nhau. Phố sôi động cả ngày dài qua đêm thâu. Ở đây, ta có thể ngồi thư thái bên vại bia hoặc ly cà phê, im lặng lắng nghe đủ các âm sắc nhiều ngôn ngữ trên toàn cầu, hứng chí lên thì nhập vào những bước khiêu vũ theo các ca sỹ Tây hát ngay trên đường phố…

Nét hoài cổ trên phố Tạ Hiện.

Mới đây, nhân được mời dự một sự kiện khá độc đáo, tôi có dịp bước vào khách sạn có cái cửa rất khiêm nhường trên con phố này. Đi sâu vào, theo thang máy lên tới tầng 9, rồi đi bộ lên tầng 10, tầng 11. Chao ôi, thì mở ra mênh mông. Người ta xử lý thiết kế sao đó mà trên ấy có một sân vườn liên hoàn với nhiều cây cối và thú vị nhất là nó như một mặt boong tàu thủy vượt lên, trôi ngang lưng chừng trời. Từ đây có thể nhìn xuống bao quát cả khu phố cổ Hà Nội, nhìn ra sông Hồng, từ cầu Chương Dương, Long Biên lên tới ngã ba với sông Thiên Đức và cây cầu dây văng Nhật Tân kỳ ảo. Nhìn về phía đối diện thì thấy Ba Vì mờ xa trong nắng chiều cuối đông đang rực lên… Tôi đã ở Hà Nội bao năm, bây giờ mới biết, giữa khu phố từ thời Lý Thái Tổ lập ra hơn một ngàn năm nay, lại có một vị trí chứa đựng tầm nhìn khoát hoạt đến như vậy.

Con phố này mang tên Tạ Hiện, một người quê Thái Bình. Đề đốc Tạ Hiện (sinh năm 1841) là một võ quan dưới triều Nguyễn, từng giữ chức Đô thống quân vụ Bắc Kỳ, có công dẹp loạn quân cờ vàng của Hoàng Sùng Anh, sau rồi bất mãn với vua nhà Nguyễn đã ký hòa ước bán nước cho Pháp, ông từ chức, trở thành một lãnh đạo của Phong trào Cần vương chống Pháp ở vùng Thái Bình và Nam Định.

Nhắc đến Tạ Hiện, lại nhớ Bùi Viện, một người cùng thời, cùng quê Thái Bình. Bùi Viện (sinh năm 1839) tham gia dẹp loạn giặc khách là dư đảng Thái Bình Thiên Quốc từ Tàu tràn sang, sau đó là chỉ huy khai hoang lấn biển ở vùng Ninh Hải. Bùi Viện kinh bang tế thế, có công đầu xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra hệ thống thương điếm dọc bờ biển phía Bắc và lập đội Tuần dương quân với 200 chiến thuyền cùng 2.000 quân thiện chiến. Bùi Viện và Phạm Phú Thứ, còn là hai nhà ngoại giao, là hai cái tên xếp đầu trong danh sách những nhân vật có tư tưởng canh tân, cải cách xã hội cuối thế kỷ 19, cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế, Đinh Văn Điền… Một điều lý thú nữa, là tên Bùi Viện cũng được đặt cho một con phố đi bộ, cũng nổi tiếng, thường được gọi là “phố Tây”, “phố đêm không ngủ”, là “ngã tư quốc tế” tại TP Hồ Chí Minh.

Dự sự kiện xong rồi, tôi thong thả đi xuống, cứ chậm rãi bước dọc con phố xưa, rồi ngồi mãi ở một góc cà phê, ngẫm nghĩ về hai danh nhân Tạ Hiện, Bùi Viện, cùng quê Thái Bình, rồi lan man sang chuyện người quê mình, làng mình…

*

*     *

Tôi làm văn làm báo, đã đi đến hầu như khắp nơi trên đất nước. Trong những chuyến ấy, thi thoảng có gặp những người cùng làng quê của mình một cách tình cờ, thú vị. Những dịp về làng, ngồi chuyện trò với các cụ, các bác, kể ra là đã đi đến đâu, thì hay được hỏi, thế anh có gặp người ấy, họ ấy ở nơi ấy không. Rồi được nghe kể về những người làng đang ở đấy. Vậy là biết, những người mình từng gặp thi thoảng tình cờ kia chỉ là một phần nhỏ trong số những người làng đã ra đi công tác, làm ăn, sinh sống ở khắp nước mình. Để nói về cái sự đi ra muôn nơi của dân Thái Bình, trong đó có người làng tôi, có một bài ca dao đã phác ra. Lúc thì trang trọng “tay nghiên tay bút”, lúc thì trào lộng “tay bị tay gậy” nhưng đều là “khắp nơi tung hoành” cả.

Tìm hiểu vì sao mà người Thái Bình lại luôn luôn sẵn sàng đi xa và lập nghiệp, thì phải trở về với nguồn mạch vùng đất này. Thái Bình nguyên ủy như một cù lao, ba mặt giáp sông một mặt giáp biển, là vùng đất bãi bồi phù sa màu mỡ, có lịch sử từ lâu đời, chừng vài nghìn năm. Nơi thành phố thủ phủ tỉnh đứng chân bây giờ gọi là đất Kẻ Bo. Kẻ là tên thời cổ chỉ làng, nơi tập trung sinh sống, có tính chất hành chính sơ khai nhà nước thời Hùng Vương. Kẻ Sặt, Kẻ Me, Kẻ Mơ, Kẻ Chợ cũng giống như Kẻ Bo. Từ Kẻ Bo, Hán tự hóa thành Kẻ Bố, Bố Hải, Kỳ Bố, Kỳ Bá, thành tỉnh lỵ phủ Bo của tỉnh thành lập thời thuộc Pháp đến trước năm 1945. Chữ Bo giờ vẫn còn trong các tên gọi, như làng Bo, đình Bo, chợ Bo, còn ổi Bo và chợ Bo thì càng quen thuộc hơn.

Tường gạch, rặng tre - những hình ảnh gần gũi mà cũng xa xôi. Ảnh: Vũ Ngọc Thiện.

Lưu dân Thái Bình tập hợp từ nhiều nguồn, các vùng đồng bằng kéo ra, trung du đi xuống trong các cuộc khai phá, khẩn hoang hoặc là do hậu quả các cuộc xung đột, cát cứ, chiến tranh, phải lưu tán, rời đi, tìm đến vùng đất mới mà an cư. Thêm nữa, có những khanh tướng, công hầu được phong lộc điền, đưa gia nhân tới mở mang thành thái ấp, điền trang. Sau nữa, khi đã thành vùng đất an lành, những người có đầu óc cởi mở, giàu khát vọng, tìm đến để tạo lập đất làm nghề, sản xuất và buôn bán. Thậm chí, có những dòng họ vốn ở nơi khác cũng tìm đến để phát triển, như dòng họ Trần nay đây mai đó trên thuyền đánh cá từ ngoài biển đi vào, rồi trụ lại, mấy đời sau đã dựng nên cơ nghiệp, phát đế phát vương…

Chỉ lướt qua như thế trong lịch sử hình thành cộng đồng dân cư, đã thấy cái khí chất sẵn sàng thay đổi, rời đi, sẵn sàng đối mặt với gian khó, giàu ý chí luôn chảy trong máu huyết của người Thái Bình. Lại nữa, khi nơi đây đã giàu có, nhiều người tìm về chung sống, thành đất chật người đông, thì những người ưu tú trong dân cư vùng này lại tiếp tục tỏa đi mà phát triển. Cái phẩm chất hòa đồng, cởi mở, thoáng đạt, dám nghĩ dám làm, thích nghi thích ứng nhanh chóng, lại càng được nhân rộng ra…

Trong lịch sử, Thái Bình đã sinh ra rất nhiều danh tướng, danh nhân, khoa bảng vào loại kiệt hiệt, kể mãi không hết. Thái Bình còn là vùng đất nuôi dưỡng, bồi tụ bản lĩnh và tài năng cho nhiều nhân vật lịch sử, mở ra những triều đại hoặc lập những công tích lớn với giang sơn. Lý Bí tập hợp lực lượng khởi nghĩa chống nhà Lương phương Bắc ở Thái Bình thành công, lên ngôi Lý Nam Đế, là người xưng đế đầu tiên của nước ta với quốc hiệu Vạn Xuân. Đinh Hoàn, người vùng Hoa Lư, được tướng quân Trần Lãm nhận làm con, trao cho chức vụ mà thành Đinh Bộ Lĩnh, tiếp quản lực lượng Bố Hải Khẩu rồi trở nên nhất thống, dẹp được loạn 12 sứ quân, lên ngôi vua Đinh Tiên Hoàng, mở ra quốc hiệu Đại Cồ Việt. Thái tử Lý Hạo Sảm tránh giặc cướp Quách Bốc về Thái Bình được nhà Trần nuôi ăn. Nhà Trần đã nhân cớ ấy mà dựng lấy quân đội, dần dần mạnh lên, nhận gánh sứ mệnh với non sông, mở ra thời đại của Hào khí Đông A rực rỡ. Những nhân vật lịch sử và văn hóa nổi trội của nước Việt như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ… đã từng sống, được sinh ra hoặc là giai tế của Thái Bình. Họ đã viết về vùng đất này với nhiều ân tình, là tri ân đất và người Thái Bình đã vun đắp cho họ nhiều phẩm chất và khí tiết.

Ngồi với các cụ trong làng từng đi công tác, cống hiến ở nhiều nơi, nay về hưu trí, tôi được kể thêm cho nghe về làng xã mình. Vùng này từ xa xưa là nơi Điện tiền Đô chỉ huy sứ Đặng Thiện Thành về chiêu tập binh sỹ, tích góp lương thảo, rèn tập quân mã để đi đánh giặc Chiêm Thành, là nơi tướng quân Nguyễn Phục nghênh đón giặc phương Bắc xâm lược vào theo đường biển, cho đến thời chống Pháp thì thành căn cứ nuôi giấu cán bộ chỉ huy kháng chiến. Làng đã được vinh danh qua nhiều sắc phong của các triều vua, đến thời mới, thì được phong tặng danh hiệu Anh hùng...

*

*     *

Tháng 9/2023, lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam gặp nhau, cùng ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ hai nước lên mức hữu nghị và hợp tác cao nhất. Đây chính là thời điểm kết trái của một hành trình gieo hạt toàn cầu kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay với mở đầu bằng những bước chân của một người Thái Bình, là nhà ngoại giao Bùi Viện. Từ tháng 8/1873, Bùi Viện bắt đầu hành trình vượt biển sang Mỹ mở hướng kết giao. Ông mất hai tháng ở Hương Cảng, là nhượng địa của Anh, tìm được người giới thiệu, rồi về tâu với vua Tự Đức, lại lộn sang Trung Quốc, ngược lên Yokohama, Nhật Bản, đáp tàu đi San Francisco. Ông ở lại Mỹ đến một năm và đã tiếp kiến Tổng thống Ulysses Grant để bày tỏ ý nguyện. Hai năm sau, vào năm 1875, ông lại xuất dương sang Mỹ một lần nữa… Bùi Viện là sứ giả chính thức đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ và gặp gỡ Tổng thống nước này. Hai chuyến vượt biển gian nan của ông, dù việc lớn không thành do những hạn chế về thời thế thế giới, trong đó có cả những sơ xuất về ngoại giao như không mang theo quốc thư, nhưng cần phải được nhắc đến như một dấu mốc mở đầu cho mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Hoa Kỳ thời nay.

Đất nước Việt Nam bây giờ đã thành một phần ổn định, thân thiện, tham gia năng động, được chào đón trên bình diện toàn cầu. Có nhiều góc nhìn và những cứ liệu để bình luận về điều này. Nhưng góc nhìn thú vị nhất, với tôi, lại là nhìn từ làng mình. Không chỉ có mặt ở khắp nơi trên đất nước, người làng tôi còn hiện diện ở nhiều quốc gia. Họ đang sống, gắn bó, làm việc và thành công giữa nhiều cộng đồng nước ngoài. Ngay trong nhà tôi thôi, đã có người chị gái cùng gia đình định cư ở một quốc gia vùng Nam Thái Bình Dương, con trai thứ hai thì đang sống và làm việc tốt ở châu Mỹ…

Mùa hè vừa rồi, hai vợ chồng tôi làm một chuyến du lịch tự túc, tự đi đến mấy nước châu Âu. Đến đâu thì có người quen ở đấy đón và hướng dẫn thăm thú. Cứ thế tưng bừng mà post ảnh lên phây búc. Khi về, trong một cuộc rượu hàn huyên, ông anh trưởng họ ngoại, là đại tá về hưu, nói anh xem trên mạng, thấy cô chú đi vui thế, nhưng tiếc là không nói trước để anh báo người làng ta ở các nước ấy đón, thì còn vui hơn nữa. Anh mở điện thoại, gọi video qua zalo cho chúng tôi nói chuyện với các người làng đang ở Pháp, ở Bỉ, Thụy Sĩ… Rộn rã cả lên, lại hẹn đi tiếp chuyến nữa. Xong rồi tôi bảo, thế ra làng ta không chỉ đi ra đất nước, mà còn đi ra thế giới, cũng hoành tráng nhỉ? Ông anh họ ngoại cười vui, bảo hẳn là như thế đấy…

*

*     *

Làng ta đi ra thế giới, không chỉ làm ăn thành đạt, chung sống tươi vui, mà nhiều người trẻ còn tìm thấy ấm áp cả những hạnh phúc riêng. Làng tôi đã có nhiều cuộc hôn nhân đẹp đẽ xuyên quốc gia với các làng khác ở các nước khác.

Năm ngoái, con gái ông chú họ xa của tôi, là một doanh nhân có tiếng trong ngành nông nghiệp, lấy một chàng trai người New Zealand. Đúng dịp Tết Nguyên đán, ông bố và chàng rể đã sang Việt Nam và ở lại làng tôi chơi với gia đình thông gia suốt cả tuần. Tôi đến uống rượu mừng, ngồi nói chuyện với họ bằng vốn võ vẽ tiếng Anh của mình, thì biết họ cũng ở một làng nơi đồng bằng đất nước rộng mênh mông ấy. Tôi hỏi cảm nhận của họ về cuộc sống ở làng tôi. Ông bố mau mắn nói rằng ông rất thích thú với sự gần gũi, cởi mở của con người nơi đây, rằng ông quen nhanh với những món ăn và cách uống rượu ở làng tôi. Tôi nói với chàng rể về làng mình, với nếp văn hóa và lịch sử lâu đời, con gái làng tôi chịu thương chịu khó, tận tụy chiều chồng và đảm việc nuôi dạy con. Tôi hỏi, cậu có thấy may mắn khi lấy được cô gái ở làng này không? Chàng rể ngoại cười to, mắt sáng bừng nói ngay, may mắn, thật là may mắn!

Lại ngay vừa rồi, một đám cưới xuyên quốc gia nữa diễn ra ở làng. Cô em gái con út của dì ruột tôi lấy chồng người Philippines. Chàng trai từ một ngôi làng miền núi phía Bắc cách thủ đô Manila 200 cây số, là giáo viên tiếng Anh tại một trường quốc tế ở Hà Nội. Em gái họ tôi cũng là giáo viên. Họ sẽ sống cùng nhau ở Hà Nội. Hôm đám cưới, một đoàn nhà trai gần chục người từ Philippines kéo sang, rồi các thầy cô người nước ngoài đồng nghiệp dạy tiếng Anh, cả học sinh và phụ huynh ở Hà Nội đánh xe về dự. Làng bỗng nhiên được chứng kiến một đám cưới có nhiều người nước ngoài tham dự như thế. Không khí tưng bừng nhưng lại bỗng bớt đi những giản tiện xuề xòa của kiểu đám cưới ở làng. Đám trai trẻ tiếp khách nước ngoài cũng mạnh dạn nói được vài câu tiếng Anh. Như vậy là cả văn hóa và những thúc giục học tập giao lưu sẽ càng được tiếp thêm nhiều cảm hứng.

Dịp này, tôi cũng vừa gặp lại ông chú họ doanh nhân nông nghiệp vừa cùng vợ đi sang chơi bên New Zealand kết hợp thăm chăm con gái mới sinh cháu, trở về. Tôi thấy ông vui vẻ, hào hứng lắm. Ông kể rằng bên ấy đất rộng mênh mông, lại màu mỡ nữa, người ta trồng cây nhưng không sát sao chuyện thu hái như bên ta. Về chuyện gia đình thì họ quan tâm đến con cái không theo kiểu chằm bặp như mình mà tôn trọng để con cái tự lập, tự lo lấy cuộc sống của mình. Ông nhận xét, đấy là thứ văn hóa mà mình phải theo. Tôi lại hỏi, thế sang đấy, chú có “truyền bá được gì” về văn hóa của ta không, kiểu như làm cái món gỏi sụn trứ danh ẩm thực của làng Phú La ta cho họ ăn thử ấy. Ông chú họ tôi cười khoái chí, nói có chứ, có chứ và nhắc con gái phải nhớ lấy cách làm những món ăn ngon của làng để làm cho nhà chồng họ ăn. Thế có được gọi là lan tỏa, là giao thoa văn hóa mà vẫn gìn giữ bản sắc của mình không nhỉ?

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.