Nhà thơ Trần Quang Quý, có sợi khói thắt tôi không nút buộc...

Ngô Đức Hành - Thứ Hai, 12/09/2022 , 09:36 (GMT+7)

Nhà thơ Trần Quang Quý, nổi danh trên thi đàn, không chỉ ở thành tựu văn chương, giải thưởng danh giá về văn học nghệ thuật, mà còn vì 'bản sắc Trần Quang Quý'.

Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, Phú Thọ; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã qua đời vào lúc 11 giờ sáng 10/9 tại nhà riêng, do bị mắc bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 67 tuổi.

Dẫu là mảng thơ tình yêu quê hương, đất nước, hay thơ thân phận, ông đều thể hiện là một giọng điệu thơ khác biệt, khó lẫn.

Nhà thơ Trần Quang Quý lớn lên và tham gia quân đội tháng 12/1971. Sau khi ra quân, học Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và làm báo. Ông đã xuất bản 14 tập thơ và nhận được 13 giải thưởng văn học, trong đó Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 3 giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Trần Quang Quý.

Nhà thơ Trần Quang Quý.

“Dấn thân và trải nghiệm là đặc điểm bao trùm toàn bộ quá trình sáng tác của ông. Thơ ông gân guốc và gai góc nhưng là gai góc của hoa hồng. Ông đi tìm hồn chữ chứ nhất quyết không siêu hình trong bóng chữ”, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải từng nhận xét về thơ Trần Quang Quý. Đúng vậy, Trần Quang Quý người đi tìm “hồn chữ”, trở thành gương mặt ấn tượng.

Là nhà báo, Trần Quang Quý được đi nhiều nơi trong và ngoài nước. Trần Quang Quý từng là Tổng biên tập báo Gia đình và xã hội, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam. Là nhà thơ, hồn thơ ông bay lên cùng nhiều vùng quê. Điều đặt biệt là, ông viết khá nhiều về miền Trung, về xứ Nghệ. Có thể kể đến “Đến khi nào được trở lại miền Trung”, “Nắng Nghệ”, “Ngày Vinh”, “Gửi Vinh”, “Mưa Tiên Điền”...

Chắc ông đã đi xứ Nghệ nhiều lần, cơ quan ông nhân viên là người Nghệ không ít, đặc biệt có "nhiều Nghệ và gốc Nghệ" từ “đàn anh” như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đến những người “cùng vai phải lứa” và đàn em nặng tình, sâu nghĩa. Nhưng chắc chắn, phải có điều gì đó đặc biệt nữa nằm trong “trái tim thơ” Trần Quang Quý?

...

Tôi không Nghệ mà nẻo tôi vẫn Nghệ

Nghệ ở em, Nghệ ở Diễn Châu, Nghệ về cửa Hội

một chiếc ô che cả vòm trời

trong chiếc ô một dịu dàng cười

em thu nắng đôi môi

nhốt tôi

miền nắng Nghệ

(Nắng Nghệ)

Nhà thơ Trần Quang Quý tặng tác giả bài báo tập thơ 'Nguồn'.

Nhà thơ Trần Quang Quý tặng tác giả bài báo tập thơ “Nguồn”.

Trần Quang Quý xác quyết như vậy và đúng, ông là người hạnh phúc khi gặp “chiếc ô che cả vòm trời”, trong đó có “dịu dàng cười”, “nắng đôi môi”. Trần Quang Quý đã bị “nhốt” ở “miền nằng Nghệ”, đó đích thị là “nẻo tôi” của nhà thơ. Ở nẻo ấy, dù nắng, gió, bão, giông; dẫu đất cằn, sỏi đá vì vẫn là “nẻo tôi”.

...

Ngày Vinh nhão mưa

lá vàng rụng những vòm cây sũng ướt

trên tay anh ẩm ngực thu tròn

mắt em vừa đánh thức những đôi mắt già nua ngủ gật

...

góc phố nào em “gió đã khóa môi chiều”

cái mùa thu đeo đẳng trẻ trai ta

còn treo dưới vòm duối Nghi Phong cổ thụ

bài hát cũ đã thổ ẩm khói sương

(Ngày Vinh)

Dẫu rời quê ra phố hơn nửa cuộc đời nhưng tâm hồn Trần Quang Quý luôn “đầm đìa hồn quê”. Quê luôn nặng lòng. Đã có lần ông “tuyên ngôn”: Không ai bứng mình ra được khỏi cố hương. Quê xưa dù nghèo rỗng ruột làng nhưng là nguồn, luôn giày vò, ám ảnh, bám riết lấy ông. Càng xa quê ông càng dành tình cảm cho quê hương nhiều hơn, sâu nặng hơn. Với con người thế, tâm hồn thế, ông dễ bị “nhốt” với Nghệ, bởi quê hương Nghệ có nhiều thứ để “đánh thức” trái tim nhà thơ.

...

Nào em, nào em, xích lại gần hơn

anh sợ tuột em vào cơn mưa lạnh

sợ bàn tay vướng

mắt hờ hững

sợ Giang Đình lạc bến gió liêu xiêu

...

Trong Nguyễn Du đâu chỉ một nàng Kiều

cơn mưa dắt cộng ngả Kiều cộng lại

máu rỏ hồn Người trên ngọn bút

mỗi câu thơ chắt cạn nhân gian

chắt tâm sự một tâm hồn lớn

hóa cơn mưa tưới ngọt Tiên Điền

(Mưa Tiên Điền)

Trần Quang Quý viết bài thơ “Mưa Tiên Điền” vào lúc 2 giờ 15 phút sáng năm 2015 lúc ông vào Hà Tĩnh dự kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Có lẽ vì “mưa như rượu/ tưới lòng nhân ái/ mưa như chan nước mắt nàng Kiều/ hay nước mắt Nguyễn Du cũng không biết nữa/ hay nước mắt trời ứa nhân gian?” nên thi nhân không ngủ được. Có mặt trên quê hương Nguyễn Du, trái tim Trần Quang Quý dạt từ bờ cảm xúc sang bờ tư duy.

Trần Quang Quý luôn vậy, luôn là tiếng thơ của những nỗi niềm tâm trạng nhiều trắc ẩn, đau buồn đến phẫn nộ. Chính vì thế mà ông luôn khát tình người, trân quý nghĩa người. Năm 2020, Hà Tĩnh chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, lúc đó đọc lại bài thơ “Mưa Tiên Điền” của Trần Quang Quý càng dễ nhận ra “nước mắt trời ứa nhân gian”.

Miền Trung đến khi nào trở lại

bão thả lên trời gian truân thì còn đấy

ta sẽ lặn với nhau tận đáy sông Lam

lặn với nhau một lần trên cát

uống với nhau một trận cho mềm

....

Tôi chẳng muốn làm ngọn gió lang thang kỷ niệm

tôi tan lẫn miền Trung một phía cuộc đời.

(Đến khi nào trở lại miền Trung)

Đặc sắc, mới mẻ của thơ Trần Quang Quý là góc nhìn mới và kiểu tư duy ngôn ngữ mới làm cho thơ ông, dẫu viết tình yêu quen thuộc, hay thân phận... luôn có sức gây ấn tượng với người đọc. “Mưa Tiên Điền” không ngoại lệ.

Bài thơ này Trần Quang Quý viết năm 1984, trước đổi mới 2 năm, cho đến nay tuổi bài thơ này đã ngót 40 năm. Nói điều này để thấy, Trần Quang Quý đã dấn thân, đổi mới về thi pháp thơ ông, tạo nên một “phong cách thi ca” Trần Quang Quý trước cả ngày đất nước đổi mới. Ngày đó, cả đất nước và xứ Nghệ nói chung còn gian truân, đói khổ. Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn nằm trong một “thực thể hành chính” Nghệ Tĩnh. Cám ơn ông đã đến với xứ Nghệ từ rất sớm và bị “nhốt” từ đó đến nay, và xác định đó là “nẻo tôi”.

Những ngày nằm trên giường bệnh, Trần Quang Quý vẫn dồn hết năng lượng sống cho thơ, kịp ra mắt hai tập “Những nẻo người” và “Miền tỏa bóng” (NXB Hội Nhà văn, 2022); trong đó “Những nẻo người” là cảm xúc thơ của ông đối với các vùng, miền đất nước, nơi ông từng đến. “Gửi Vinh” là bài thơ nằm trong tập này, ông dành cho xứ Nghệ. “Sao cứ dùng dằng Vinh/ Vinh một chấm mà tôi đầy nắng”; “Tôi nhập đồng Vinh từ một vòm cao/ mênh mang núi sông /treo cong dải ngân hà / nghe vòm đêm rúc rích cất tiếng...” (Gửi Vinh).

Trái tim nhà thơ Trần Quang Quý đã ngừng đập. Ông đã sống trọn tình với đời, với thơ, trong đó có tình cảm dành cho xứ Nghệ.

Hà Nội, ngày 11/9/2022

Ngô Đức Hành
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại2

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.