Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi năm đều đặn tung ra một tác phẩm vào dịp cuối năm với con số phát hành kỷ lục. Trước thềm Giáng sinh 2024, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại có “Tiệm sách của nàng” in đợt đầu 80 nghìn bản, bao gồm 60 nghìn bản bìa mềm với giá bán 125.000 đồng/ cuốn và 20 nghìn bản bìa cứng với giá bán 225.000 đồng/ cuốn. Tính toán chi li, sau khi trừ thuế, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bỏ túi hơn một tỷ đồng nhuận bút.
Truyện dài “Tiệm sách của nàng” có kết cấu “truyện trong truyện”, với 3 câu chuyện cùng được kể “Tiệm sách của nàng”, “Trước tuổi mười lăm” và “Bên kia đồi Quạ”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Cấu trúc “truyện trong truyện” tôi từng thử sức trong các tác phẩm trước đây như “Lá nằm trong lá” hay “Cảm ơn người lớn”. Ở tác phẩm thứ nhất, tôi đã lồng câu chuyện “Chàng chăn ngựa của nhà vua” trong mạch truyện chính. Ở tác phẩm thứ hai, tôi kể chuyện “Con dê Tuyết Trắng và con cọp Tai Tròn” song song với truyện “Cảm ơn người lớn”. Nhưng cấu trúc “ba trong một” phức tạp hơn “hai trong một”, chưa kể ở tác phẩm này, nhân vật Quyến tham dự trong cả ba câu chuyện, như một chất keo dán để kết nối cả ba tuyến lại với nhau trong một mạch thống nhất“.
Tác phẩm “Tiệm sách của nàng” mở đầu với bối cảnh là một tiệm sách tại thành phố hiện đại. Nhân vật "anh" và “nàng” xuất hiện bên nhau trong bối cảnh lãng mạn, có sách, có nắng ấm êm, có những ngày mưa thành dòng để thả thuyền giấy, có những câu thoại vu vơ chỉ hai người mới hiểu, với “một chút hân hoan, một chút dỗi hờn”
Trong 272 trang sách còn ngập tràn ký ức về tuổi thơ ở một vùng quê miền Trung, cũng chính là bối cảnh sở trường của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh . Miền quê không phải lúc nào cũng êm ả, tuổi thơ không phải lúc nào cũng tươi vui. Có những chuyện khốc liệt, vô trách nhiệm, ích kỷ của chính người lớn đã bắt trẻ con phải gánh chịu. Sự vô tình của con người nhiều khi mang tính ác, nhất là khi dưới vỏ những câu chọc ghẹo trêu đùa dai dẳng, mà có thể khiến cả cuộc đời một con người rơi vào bóng tối.
Những đoạn về tổn thương tuổi thơ được đề cập đến trong tác phẩm lần này cũng chính là những đoạn gây day dứt cho độc giả. Có những đứa trẻ đã trở nên ưa gây gổ, ương bướng, bất cần khi cuộc đời chúng sa vào bi thương, bất hạnh. May mắn thay, đến cuối cùng, sự tử tế và tình yêu thương kỳ diệu đã hóa giải lòng hận khô cứng, cuốn trôi đi sự ngạo ngược, chỉ còn lại sự mạnh mẽ với tâm hồn trong sạch, lòng tin vào nhân ái và sự bao dung dịu dàng. Đó cũng là nét nhân văn thấm đẫm hy vọng rất đặc trưng trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh.
Theo thổ lộ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, về thao tác văn chương, đây là cuốn sách đã lấy đi của ông nhiều sức lực. Tác phẩm này không chỉ thử thách thói quen viết của ông mà còn thử thách thói quen đọc của người đọc. Đây là tác phẩm “ba trong một” mà ông đã muốn thực hiện từ lâu, mặc dù biết cấu trúc kiểu này dễ ngắt mạch cảm xúc của người thưởng thức, giống như đang xem một vở kịch “gián cách” so với thể loại kịch “giao cảm” quen thuộc. Nếu đã vượt qua được trở ngại đó rồi, sẽ nhận ra mình đang trải nghiệm một tác phẩm thú vị. Tuy vậy, ông vẫn cố gắng dung hoà cả hai lối viết và bạn đọc vẫn có thể nhận ra dấu tay của tác giả trên từng trang sách.
“Tiệm sách của nàng” nhắc đến những tuần báo, tạp chí văn chương, vốn gắn với kỷ niệm một thời của bạn đọc yêu thích văn thơ. Thời đó, bút danh của nhiều tác giả đậm chất lãng mạn, nghe rất “kêu”: Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân, Lãnh Nguyệt Hàn – là bút nhóm học trò từng được đề cập trong tác phẩm “Lá nằm trong lá” của cùng tác giả.
“Tiệm sách của nàng” cũng khắc họa vẻ đẹp từ tình tri kỷ giữa những người yêu sách và thơ văn. Một thời, sách là một món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người. Khi gặp nhau, tình cờ nhắc đến một tác giả hay tác phẩm nổi tiếng nào đó là người kia hiểu ngay, không phải giải thích gì thêm, thì đó là cảm giác “tri kỷ” mà người yêu sách rất thấu hiểu.
Tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm thông điệp về sự lựa chọn trong hành động, mà hậu quả có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của cả đời mình lẫn nhiều người xung quanh. Tha thứ hay thù hận, nghe theo sự rung động của trái tim hay lý trí, hy sinh và chấp nhận cái giá của sự hy sinh. Việc lý giải bản thân với người đời đôi khi không quan trọng bằng sự lý giải trước chính bản thân mình.
Một trong những điểm hấp dẫn ở “Tiệm sách của nàng” là tác phẩm không chỉ xoay quanh những nhân vật chính. Đằng sau mỗi nhân vật đều có một câu chuyện, và tùy theo trải nghiệm sống, bạn đọc sẽ cảm thấy rung động nhiều nhất với câu chuyện nào. Đặc biệt là nhân vật Quyến, cậu bé có tuổi thơ bị đánh cắp và chịu nhiều tổn thương nhưng khi nhận ra tình thương của người chú, sự hy sinh của người mẹ, sự hối lỗi của người cô.
Tương tự là sự vô tư của cậu bạn tên Khai luôn bị mình hà hiếp, đã từ một cậu bé ngỗ nghịch trở thành một người khác biệt đến không ngờ: “Một thời gian dài anh nhận ra anh đang loay hoay vất vả thu xếp lòng mình. Đôi lúc anh tự hỏi không biết anh có bạc đãi bản thân mình quá không. Trái tim anh những ngày này giống như bị xẻ làm hai nửa. Có cái gì đó trộn lẫn giữa cao cả và thấp hèn, giữa bao dung và tính ích kỷ, giữa thực tế hiển nhiên và phập phồng chập chờn mộng mị. Một chút này, một chút kia. Một chút nắng, một chút mưa. Một chút hân hoan, một chút dỗi hờn. Một chút bình yên, một chút bão giông. Một chút, một chút và một chút.”
Hâm nóng thị trường xuất bản cuối năm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: “Cũng như những tác phẩm trước đây, “Tiệm sách của nàng” vẫn đề cao sự tử tế. Các nhân vật trong cuốn sách này, như chị Xuân không màng thanh danh để bảo vệ cho gia đình chồng, như cô Băng “nữ thánh” cuối cùng vẫn biết nghĩ cho người khác bằng cách sẵn sàng bước xuống khỏi chiếc bục thiêng mà dân tình dựng lên cho mình để minh oan cho cô em dâu, dù muộn màng. Như anh chàng Quyến biết nghĩ cho cô bạn mới quen, dù anh không chắc mình có nên hành động như thế hay không”.