Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) sáng tác đa dạng thể loại, từ thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn học đến kịch, kịch bản phim... Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn ở thể loại truyện ngắn, với “Tướng về hưu”, “Muối của rừng”, “Không có vua”, “Con gái thủy thần”…
Các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã được tái bản rất nhiều lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới, giúp nhà văn nhận được những giải thưởng cao quý như Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007), Giải Premio Nonino, Italia (2008), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2022).
Trước khi trở thành người viết, Nguyễn Huy Thiệp đã có 10 năm là một thầy giáo ở Sơn La. Lựa chọn con đường văn chương giống như một ngã rẽ khác thường, một cú đẩy tay của số phận, đưa Nguyễn Huy Thiệp trở thành một nhà văn độc đáo của Việt Nam thế kỷ 20.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không còn nữa, nhưng tên tuổi, sự nghiệp và các tác phẩm của ông vẫn được nhắc mãi bởi những người từng sống trải thời đoạn gây choáng váng của hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn, lẫn những người chỉ mới bắt đầu sự đọc.
Tên tập di cảo “Anh hùng còn chi” được lấy từ đoạn thơ trong truyện “Chảy đi sông ơi” của chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi”. Di cảo chia làm 3 phần. Phần thứ nhất gồm những bài thơ, các truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn; kịch bản phim truyện chưa công bố của tác giả. Phần thứ hai là ký họa trên gốm, gồm các ký họa chân dung người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ và tự họa, cũng như các ký họa về tác giả, tác phẩm và sự kiện văn chương. Phần thứ ba là tư liệu ảnh về Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm một số ảnh chụp qua các mốc cuộc đời của nhà văn, ảnh chụp bản thảo và bài đăng trên báo được gia đình, bạn bè lưu giữ.
Nguyễn Huy Thiệp sớm làm thơ, và tập thơ đầu tiên “Những vần thơ chua xót” được ông hoàn thành lúc 27 tuổi. Cho dù đó chỉ giống như lối ghi nhật ký, thỏa cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng đọc lại, chúng ta vẫn thấy chất giọng, cái nhìn khá riêng. Tập thơ thứ hai được chọn lựa từ những vần thơ viết sau khi lâm bệnh nặng giúp Nguyễn Huy Thiệp giãi bày cảm xúc.
Trong ba truyện ngắn được chọn lựa đưa vào di cảo, có “Cô My” và “Vết trượt” là hai tác phẩm được sáng tác cùng thời gian với “Tướng về hưu”. Còn “Những bài hát” là tác phẩm được viết giữa giai đoạn “cập thời vũ” gây náo động văn đàn của Nguyễn Huy Thiệp.
“Anh hùng còn chi” cũng giới thiệu hai kịch bản phim do chính Nguyễn Huy Thiệp viết là “Tướng về hưu” (hoàn thành và được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi sử dụng làm thành phim cùng tên năm 1988) và “Không còn vua”, viết xong năm 2002.
Những bài tiểu luận, tạp văn phần lớn lần đầu được in của Nguyễn Huy Thiệp cũng giúp bạn đọc hiểu thêm những suy tư trăn trở của nhà văn về cuộc sống và văn chương. Trong tiểu luận “Văn học là cuộc sống”, Nguyễn Huy Thiệp đặt ra câu hỏi, rằng văn chương có sức mạnh không? Theo ông, “văn học là cuộc sống”, mà cuộc sống thì “chỉ nên tìm hiểu, nghiên cứu chứ đừng giải thích nó”. Tài năng văn học, theo ông, phải nằm ở việc thể hiện “chính xác cuộc sống” với điều kiện là “thể hiện chính xác ngôn từ”.
Hơn chín năm dạy học, và kế đó, nhiều năm vật lộn mưu sinh, làm công chức, kế toán, vẽ tranh, làm gốm, buôn bán, nấu ăn, mở nhà hàng “trải qua và chứng kiến nhiều cảnh ngộ cuộc đời, cả vinh quang lẫn cay đắng”, Nguyễn Huy Thiệp quá hiểu bản thân cũng chỉ là “nhân dân lao động” và đã “chán ngấy những cuốn sách thuyết giảng thứ đạo đức giả”.
Ông viết: “Nhân dân đang cần những cuốn sách tự vấn, những cuốn sách giúp họ tự nhận thức lại mình” (“Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn”). Nhân dân chẳng cần nhà văn phải chỉ bảo “hướng tiến lên” cho họ như thế nào, ông lưu ý thêm, nhân dân kỳ vọng được nhà văn dẫn dắt và bênh vực khi họ bị đẩy vào các tình huống trớ trêu nào đấy.
Như thế, với Nguyễn Huy Thiệp, sức mạnh của văn học chỉ nảy nở trong điều kiện nó thuộc về nhân dân lao động, trở thành thang thuốc hồi sức sau khi nhân dân lao động, bao gồm cả nhà văn, đã cật lực để sinh tồn trong vô vàn tình huống đời sống phức tạp.
Khi được công chúng trao danh hiệu nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp thừa hiểu nó “vừa hữu ích lại vừa phù phiếm”. Bởi thế, ông vẫn phải làm những việc rất “thường”, dù chưa đến mức “vinh thân phì gia” thì chí ít ở mức “trung dung, phong lưu, tri túc”. Tổ chức được cuộc đời như thế dĩ nhiên cần cả tiền bạc, tri thức lẫn đạo đức. Cho nên, trong khi văn đàn vẫn mơ mộng, đòi hỏi tác phẩm đỉnh cao thì người ta lại thấy Nguyễn Huy Thiệp viết kịch bản phim và tiểu thuyết “ba xu”. Khi công chúng tưởng như ông đã cạn sức viết thì ông vẫn ngồi ký họa gốm hằng ngày.
Thời trẻ, Nguyễn Huy Thiệp thích vẽ và đã từng theo học vẽ và minh họa báo, nhưng ông vẽ nhiều và thường xuyên nhất là ký họa trên gốm. Trong các bức ký họa gốm ở phần hai cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều hình ảnh gia đình, văn nhân, bạn hữu thân sơ và những cá tính văn chương lớn mà nhà văn yêu thích như Puskin, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Tô Hoài, Lê Lựu… Ông cũng vẽ lại bìa, nhân vật trong tác phẩm của mình nhân các dịp đặc biệt.
Huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp có thể ngây ngất với bất cứ nhà văn Việt Nam nào nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, như ông chia sẻ, thì cần phải hỏi rõ “huân chương có tiền không?”. Bạn đọc sẽ bắt gặp ở di cảo này một Nguyễn Huy Thiệp tự nhận mình “ăn may”, tự cảm thán “nay ta già rồi, tóc bạc rồi, ê chề nơi giang hồ”, và tự trào “Tôi đấy ư?/ Ừ, tôi đấy ư?/ Đến già vẫn còn nét suy tư/ Mẹ khỉ, thương cho cả đời bạc/ Nào có căm đâu bạn với thù”.
Có thể bắt gặp trong “Anh hùng còn chi” đôi ba bài “vần vè”, những nét “hí hoáy” cuối đời của Nguyễn Huy Thiệp khi lâm trọng bệnh. Tất cả những việc “thường” ấy, trước hay sau, đều vận vào danh vị nhà văn của ông như một lẽ thường mà ông chẳng thoái thác hay làm quan trọng hóa. Ở trạng thái chấp thuận lẽ thường của cuộc đời, kể cả ốm đau bệnh tật, dường như Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra bình tâm và nhẹ nhõm: “Đời sách đời người chung một phận/ Tìm đạo nào đâu chốn cao siêu/ Giữ được chữ “thường” không phải dễ/ Sáng tinh khôi, thoắt đã bóng chiều”.