Câu chuyện sau đây tôi được biết, khi xem chương trình “Bước cùng với voi”, của Animal Planet, một kênh truyền hình về động vật nổi tiếng của Mỹ (vì là xem truyền hình, ghi lại theo trí nhớ, cho nên tôi biết sẽ rất khó để chính xác từng chi tiết, từng lời nói, xin được lượng thứ trước).
Chuyện như sau:
Một nhà động vật học người Anh cùng cộng sự đã đi bộ hơn 1.000km trên lãnh thổ Botswana với khí hậu khắc nghiệt, để cho khán giả được tận mắt thấy những chú voi châu Phi đẹp đẽ, to lớn, đồng thời hiểu sâu về đời sống, tập quán di cư của chúng. Chương trình muốn đưa ra một thông điệp: Voi là loài động vật thông minh, thân thiện, rất cần được bảo vệ khẩn cấp trước nạn săn bắn lấy ngà và tàn phá rừng khiến chúng mất dần môi trường sống. Hiện tại cần điều đó. Tương lai càng cần điều đó. Trên mỗi chặng dừng nghỉ, họ luôn tìm mọi cách để tuyên truyền với dân chúng, phần lớn là đói rách, về vai trò của loài vật không chỉ to lớn, tuyệt đẹp mà còn có trí tuệ, có đời sống xã hội cũng như ý nghĩa nhân văn của việc bảo vệ chúng.
Tại một trạm dừng chân, họ gặp một đoàn các nhà khoa học đang thực hiện chương trình gắn vòng cổ có máy phát tín hiệu cho voi, một chương trình được đánh giá là khá hiệu quả trong việc chống nạn săn bắt trái phép (do vòng cổ có máy định vị nên bọn săn bắt trộm rất sợ bị phát hiện, chúng thường chừa những con voi đó ra), đồng thời kiểm soát được quá trình di chuyển của đàn voi. Con voi mà họ cùng tham gia đeo vòng cổ, là con voi thứ một trăm bảy mươi.
Đó đương nhiên là một chương trình tốn kém, cần đến cả máy bay trực thăng, xe địa hình, máy vô tuyến và rất nhiều nhân lực. Mỗi con voi sau khi đeo vòng cổ luôn được giám sát từng li từng tí qua hệ thống vệ tinh, bởi những chuyên gia được đào tạo bài bản, cẩn trọng với công việc, vì thế tất cả những con voi ấy, cho đến thời điểm chuyện được kể lại, đều an toàn và khỏe mạnh.
Tận mắt chứng kiến công việc gắn vòng cổ định vị voi và hiệu quả nhãn tiền của nó, nhà động vật học và cộng sự rất phấn khích. Họ cảm thấy những gì họ đang làm không chỉ hữu ích mà còn vô cùng cần thiết. Trước khi tiếp tục lên đường trong tâm trạng cực kỳ hạnh phúc, họ bèn đến gặp một già làng kiêm thầy bói. Danh nghĩa cuộc gặp là để hỏi ông ta xem hành trình sắp tới liệu có thành công như họ mong muốn, nhưng thực chất họ muốn lan tỏa thứ tình yêu voi của họ, của nhân loại văn minh ra cả cộng đồng dân cư họ gặp, thông qua bậc trưởng lão có uy tín. Và chắc chắn họ cũng muốn tiện thể “khoe” với ông, về công việc mình đang làm!
Già làng là một người da đen, khuôn mặt khắc khổ nhưng vẫn toát lên vẻ hiền triết. Ông cố che giấu đi nỗi buồn nào đó để thể hiện sự hiếu khách. Ông nhận lời theo yêu cầu của khách, không hào hứng nhưng cũng đủ thân thiện. Muốn xem bói, khách phải ấp ba cái thẻ, do ông thầy đưa cho, trong hai lòng bàn tay úp vào nhau, nói lời ước, rồi ném ba cái thẻ ấy xuống đất, nơi đã được linh thiêng hóa bằng một thứ nước thần nào đó.
Và đây là lời ước của nhà động vật học kiêm dẫn chương trình:
- Tôi ước sao cho mọi con voi của đất nước Botswana và châu Phi cũng như trên toàn thế giới đều được sống an toàn, được con người tôn trọng, yêu thương, chăm sóc bảo vệ, không con voi nào còn bị giết nữa.
Dứt lời trong trạng thái ngây ngất vì cảm xúc, anh ta ném xuống đất ba cái thẻ, theo đúng yêu cầu của thầy bói. Sau đó họ háo hức nhìn ba cái thẻ nằm trên cát, háo hức chờ một lời tốt đẹp từ miệng ông thầy bói, gương mặt anh ta và người dẫn đường lộ ra niềm hạnh phúc không thể che giấu của những kẻ đến để mang theo phước lành cho dân địa phương. Tất cả những biểu hiện đó, đều không lọt qua mắt vị già làng. Vô cùng điềm đạm và với một nỗi u buồn sâu kín, nhìn thẳng vào mặt khách, ông bảo:
- Trước hết, để tôi nói với anh sự thật này: Với hầu hết người dân chúng tôi ở đây, voi là kẻ thù, là những kẻ sát nhân. Chúng không ngừng gây họa cho chúng tôi. Chỉ riêng cái làng này, đã có ba người bị chúng giết. Còn cả vùng thì số người chết bởi lũ voi, không đếm hết được. Chúng tôi căm ghét voi!
Trước vẻ mặt đờ đẫn của nhà “ái tượng”, ông thầy bói nhẹ nhàng hỏi:
- Ở nơi đất nước Nữ hoàng Elizabet cai trị, có voi không?
- Không, không có.
Ông già làng kiêm thầy bói nói, vẫn vô cùng nhẹ nhàng:
- Vậy là các anh may mắn đấy. Ở đây chúng tôi luôn được nhắc nhở, yêu cầu rằng, kể cả trong trường hợp bị voi tấn công, bị chúng giết chết, chúng tôi vẫn có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng... Trong khi đó thì chả ai bảo vệ chúng tôi?
Nói đến đây ông hơi cúi xuống, giấu đi nỗi cay đắng ngấm vào từng nếp nhăn khắc khổ của ông. Anh chàng yêu voi bèn vớt vát nhưng không thể che giấu sự bẽ bàng:
- Cảm ơn ông đã thẳng thắn với tôi. Nhưng tôi nghĩ, nếu giữ được đàn voi, khách du lịch khắp thế giới sẽ đến đây nhiều hơn, sẽ đem đến công ăn việc làm cho lớp trẻ, tức là đem tiền bạc đến cho các ông, khi đó đời sống sẽ khá hơn, sự thịnh vượng sẽ đến với các ông và lũ voi cũng không bị giết nữa.
Có vẻ anh ta còn muốn nói thêm điều gì đó, nhưng vấp phải vẻ mặt giễu cợt và cam chịu của ông già, bèn ngồi im.
- Anh nói hay lắm, nhưng khi nào và ai sẽ đến? Ngoài anh ra, ngần này tuổi, tôi chưa thấy khách du lịch nào đến đây và đem theo thứ anh nói. Con em chúng tôi thì vẫn đói dài và vẫn bị voi giết…
Ngừng một lát như để nuốt xuống cái gì đó không thể chia sẻ, ông già nói tiếp:
- Còn về chuyến đi sắp tới của các anh, để tôi xem nào - ông già nhìn ba quân bài vẫn nằm dưới đất: Tôi nghĩ sẽ rất thành công.
Câu chuyện dừng lại ở đó, với cận cảnh khuôn mặt kẻ đến từ thế giới văn minh bỗng trở nên vô hồn. May mà nó dừng lại ở đó sau khi giới thiệu khái quát về những nơi mà họ sắp đến, cốt để khỏa lấp đi những điều phải đối mặt. Và tôi tin chắc chắn rằng, không chỉ tôi, hàng triệu người xem chương trình, đều có chung cảm giác ấy.
Về phần mình, suốt đêm tôi cứ trằn trọc, với những câu hỏi không thể trả lời. Có lẽ mọi thứ đều vượt quá tầm nhìn ngắn ngủi vốn dĩ của mình! - Tôi tự an ủi. Mọi thứ hẳn đều có cái lý của nó - Tôi lại chỉ biết an ủi bằng cách tự dìm mình xuống thêm một cấp. Không phải lần đầu tôi rơi vào trạng thái hỗn loạn này. Hình ảnh những con khỉ con đáng thương, y như những đứa trẻ, được các nhân viên cứu hộ chăm sóc bằng cách cho chúng bú bình sữa một cách từ từ, trong sự yêu thương, thật đáng để ta an lòng. Nhưng giá như nó không lập tức gọi dậy trong tôi hình ảnh đứa trẻ gầy dơ xương sắp chết đói trước mắt con kền kền, với xung quanh là xác xơ sự sống? Bức ảnh được giải báo chí lớn, nhưng kết cục tác giả của nó đã tự sát, mới thực sự là điều khoan sâu vào tâm can của mỗi con người. Và đứa trẻ đó chỉ là một, trong hàng triệu đứa trẻ khác tiếp tục bị bỏ đói, vô gia cư, thiếu quần áo, tệ hơn, tiếp tục bị giết, bị hành hạ dã man, trong đó có cả những đứa trẻ của đất nước tôi?
Tôi yêu động vật, tôi căm ghét những kẻ săn bắt voi chỉ để cưa của chúng hai cái ngà. Nhưng tôi là con người, chắc chắn tôi phải thiên vị với đồng loại của mình. Bởi với tôi, từ bất cứ góc độ nào, thì con người vẫn cứ là/phải là bộ phận tinh túy, quý giá nhất của thiên nhiên và cần phải được bảo tồn đầu tiên.
Thiên vị như vậy thì đúng hay sai?
Tôi hoàn toàn bất lực.
Và đây là một trong vài suy nghĩ lan man của tôi sau khi xem chương trình truyền hình vừa kể:
- Xét cho cùng, khi con người bị coi rẻ, khi con người không được coi là con người, khi con người không phải là mục tiêu quan trọng nhất của sinh tồn, thì chả có thứ gì trên đời còn đáng giá. Triết học, tư tưởng, thơ ca, âm nhạc cùng hàng trăm hàng ngàn giải thưởng lớn nhỏ vinh danh chúng… những thứ rõ ràng là mang tính trang trí, thì lại càng chả đáng nhắc đến.
Nhưng nếu không có những thứ vừa kể, liệu thế giới, dù tan nát và vẫn đầy rẫy bất công, đầy rẫy tội ác, tràn ngập sự man rợ… có được như ngày hôm nay?
Thành thực là tôi không tìm ra câu trả lời cho mình.