Đó có thể là câu hỏi báo hiệu rằng tôi đã về già. Già thường hay nghĩ, nhiều khi chả vì duyên cớ gì. Già nên mới lẩn thẩn và tự cho mình quyền lẩn thẩn. Giống như mẹ tôi ngày trước thường bảo: Mẹ già nên lẩn thẩn rồi. Mẹ nói bằng ngữ điệu của người đang hãnh diện, chứ chả có tí gì buồn tủi. Hóa ra lẩn thẩn cũng là một thứ có thể đem khoe.
Nhưng mà dù bị ai bảo là lẩn thẩn, thì tôi vẫn cứ phải nhắc lại câu hỏi: Chúng ta đang đi về đâu? Câu hỏi này không vô cớ bám lấy tâm trí tôi. Nó được khơi lên từ một cô bạn rất xinh đẹp, làm nghề giáo viên, đang theo đuổi một luận văn về không gian sống của người nhà quê. Đây là vài trong số mấy chục câu hỏi mà cô đặt cho tôi, kèm theo những gì tôi trả lời.
Hỏi: Thưa nhà văn, theo nhà văn, nhức nhối nhất trong đời sống của người nông dân hiện nay là gì?
Đáp: Điều này có vẻ trái ngược, vô lý nhưng lại là sự thực. Bức bối nhất với họ là không gian sinh tồn. Nó đang bị thu hẹp, bị nhiễm bẩn và nhiễm độc trầm trọng. Đô thị phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, đang góp phần tàn phá sự cân bằng sinh thái. Lòng tham, lợi ích nhóm đang gặm dần nông thôn, lấy đi những gì phải mất hàng triệu năm mới có được và đẩy người nông dân ra vỉa hè, khiến họ đánh mất căn cước, căn tính của họ.
Chúng ta chắc chắn phải công nghiệp hóa thì mới mong giàu có. Đó là thực tế phát triển. Nhưng thực tế này còn quan trọng hơn: Hàng triệu ha đất trồng, hàng triệu héc ta mặt nước không chỉ để trồng trọt, chăn thả, nuôi thủy sản, mà còn là môi sinh cho sự sống, vì thế không thể chuyển đổi mục đích sử dụng bằng mọi giá và không chỉ cứ chuyển đổi là xong. Khi hàng triệu ha ấy bị nhiễm độc, mất khả năng canh tác, nuôi trồng, cũng có nghĩa là nó tạo ra sự chết của một phần thiên nhiên. Nếu không cẩn trọng, không tính toán hết nhẽ, có thể chúng ta đang đem vàng đổi lấy ngói. Tôi thì lo sợ rằng, đồ phế thải sẽ nuốt sống nông thôn, biến nông dân thành con tin của công nghiệp tiêu dùng quá đà. Thảm họa cá chết ở miền Trung, xứng đáng là bài học đắt giá không chỉ cho hiện tại, mà cho cả tương lai.
Hỏi: Thưa nhà văn, theo nhà văn, trong tương quan với thành thị, ở nông thôn, điều gì cần thay đổi, điều gì cần bảo lưu?
Đáp: Theo tôi, trong tương quan với phát triển thành thị, nông thôn phải cố gắng giữ bằng được không gian sống trong lành, là môi sinh của những giá trị mang tính nhân bản cố hữu cho cả khu vực thành thị, nếu còn có cơ hội. Kinh tế thì có thể nhờ thành thị kéo lên, như kiểu nước nổi, bèo nổi, nhưng không gian sinh tồn, bao gồm cả khí thở và văn hóa, truyền thống… thì nông thôn sẽ phải tự bảo vệ, không ai làm thay được. Hệ thống luật pháp, nền giáo dục dù tiến bộ mấy cũng chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ mà thôi. Nếu để mất những mối quan hệ cộng đồng bền chắc và sự yên tĩnh trong tâm hồn, đánh mất truyền thống nhường nhịn, thì nông thôn càng phát triển càng xa văn minh và chắc chắn là đáng sợ.
Hỏi: Vậy thì nhà văn lạc quan hay bi quan về những gì đang xảy ra ở nông thôn như mô tả của nhà văn?
Đáp: Một thực tế là, sức sống mãnh liệt của dân tộc này được bắt rễ từ làng mạc. Điều đó cho thấy, dù có nhiều hủ tục, nhiều hạn chế, nhưng mặt ưu việt vẫn rất lớn. Chẳng hạn như khả năng vượt qua hoạn nạn, thích nghi với cảnh ngộ, tạo các mối quan hệ bền chặt để nuôi dưỡng những nguồn gen (sinh học và văn hóa) cho tương lai. Nếu không có những mặt trội đó, thì chúng ta khó mà vẫn là người Việt như bây giờ sau ngần ấy tai họa do chiến tranh xâm lược, chiến tranh đồng hóa và thiên tai. Lạc quan là nét mạnh của ý chí người Việt. Tôi chắc chắn mình cũng có phẩm chất ấy, ngay cả khi tỏ ra bi quan.
Cuộc đối thoại của chúng tôi diễn ra trong một quán café, nơi các bạn trẻ vừa ngồi giải khát vừa làm việc (hoặc chơi) qua Internet. Chưa khi nào tốc độ sống, tốc độ thay đổi lại diễn ra nhanh như bây giờ. Quá khứ bị bỏ lại chỉ sau một cái chớp mắt. Về mặt vật lý, khi cái gì bị bỏ lại phía sau, là cái đã lỗi thời. Nghĩa là chúng ta đang vùn vụt lao về phía trước. Đôi khi nó lao nhanh đến mức không có cơ hội dừng lại, chỉ để nêu một câu hỏi hoài nghi: “Liệu như thế có phải là phát triển không”? Hoặc: “Cứ thế này thì thực chất chúng ta đang đi về đâu”?
Tôi đã nặn óc suy nghĩ, để tìm câu trả lời, ít nhất cho riêng mình. Tức là chỉ cần mình thỏa mãn, còn lại đúng hay sai cũng mặc. Nhưng kể từ khi chia tay cô tiến sĩ tương lai (giờ thì cô đã là tiến sĩ), có hàng trăm câu trả lời giả định được tôi đưa ra, vẫn không khiến tôi yên tâm. Bởi vì mỗi khi tôi cố tỏ ra lạc quan, thì cảm giác tràn ngập tâm hồn tôi lại cứ ngoan cố thể hiện điều ngược lại.
Chúng ta vẫn đang tiến về phía trước, tôi tự an ủi và quả thực đó là cảm giác hoàn toàn rõ ràng. GDP của chúng ta vẫn tăng ở mức thế giới mơ ước. Các nhà máy, khu chế xuất, resort năm sao, sân gôn, nhà cao tầng vẫn ùn ùn mọc lên. Nhưng sao thế nhỉ, ngay cả những hiện thực tốt đẹp sờ sờ ra ấy vẫn không khiến tôi (và có thể cả bạn) giảm đi cảm giác bất an, lo lắng. Bởi vì vẫn cứ có điều phải nghĩ tiếp: Liệu những thứ đó là gì so với thứ mà muốn có nó, phải mất hàng triệu năm? Hóa ra trả lời câu hỏi: Chúng ta đang đi về đâu, dù đã khó, vẫn còn dễ gấp trăm lần câu hỏi: Chúng ta nên đi về đâu?
Vì nó quá khó, nên tôi đành cậy nhờ vào bạn đọc. Mà tôi cũng xin phép dừng lại ở đây. Bởi vì nếu tôi nói thêm có thể bạn sẽ nghĩ, đúng là ông ấy già thật rồi.