Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nhàn đàm đặc sắc Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhàn đàm đặc sắc Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa qua đời ở tuổi 86. Tiếc nuối sự ra đi của nhà văn, không hành động nào ý nghĩa bằng đọc lại tác phẩm của ông.

 

Thơ Đường nói về trai thời loạn, có câu: “Ninh vi bách phu trưởng - Thắng tác nhất thư sinh”. Xin tạm dịch câu thơ chữ Hán này bằng ngôn từ hiện đại là: “Thà làm đội trưởng của một trăm thanh niên xung phong - Còn hơn là một anh chàng sinh viên mọt sách”.

Và như vậy thì đúng với hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ, cách đây đúng 25 năm. Khi tôi phải kéo cờ Mặt trận ở phía Nam cầu Bến Hải. Khác một điều là không phải một trăm người, đơn vị tôi gồm tất cả 13 người từ rừng về, phải đảm nhiệm hết công việc cờ đèn kèn trống ở một tỉnh giải phóng của miền Nam, nơi đó Chính phủ Cách mạng lâm thời đang tổ chức đại lễ ngoại giao tiếp nhận quốc thư của mười bảy vị đại sứ vào ngày 1/5/1973, sau Hiệp định Paris.

Bài liên quan

 Ấn tượng mạnh nhất đối với các vị đại sứ và giới truyền thông quốc tế vào thời điểm này là lá cờ, và đó là nhiệm vụ của tôi. Tôi phải kéo lên bốn lá cờ Mặt trận Giải phóng ở những địa điểm quan trọng, là cảng Cửa Việt (vừa đánh bại cuộc hành quân Tango City của Lữ đoàn Đặc nhiệm Sài Gòn), thị xã Đông Hà (trung tâm chính trị của Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam), đầu cầu Bắc Thạch Hãn (đối diện với cờ Việt Nam Cộng hòa ở bên kia sông) và đầu cầu Nam Bến Hải (để phân biệt với cờ đỏ sao vàng ở phía Bắc vĩ tuyến, theo đúng Hiệp định Paris). Chạy cho ra bốn lá cờ cỡ 8m x 12m ở vùng giải phóng Quảng Trị vào thời buổi ấy đâu phải là chuyện dễ! Cuối cùng tôi nhận được ủy nhiệm thư của cụ Chủ tịch Ủy ban (Cách mạng lâm thời) ra đặt may cờ ở một cơ sở thương nghiệp miền Bắc, gọi là Công ty Nam Thắng đóng trên đất Vĩnh Linh.

Đúng ngày hẹn tôi tới nhận cờ, người của công ty đưa ra một hóa đơn bắt tôi thanh toán. Nhìn món tiền trên hóa đơn, tôi thất kinh, vì lúc này trong túi tôi chỉ có vài chục đồng “tiền ngụy” vẫn đang lưu hành ở Đông Hà, bèn hỏi:

- Tiền gì mà nhiều dữ vậy?

Người Công ty Nam Thắng trả lời tỉnh bơ:

- Tiền may cờ.

- Cờ cũng phải mua?

- Ở đây cái gì cũng phải trả tiền. Cờ cũng vậy.

Tôi nổi sùng:

- Ở miền Nam không có chuyện mua cờ bằng tiền. Cờ phải mua bằng máu!

Người kia mới vỡ lẽ ra rằng tôi là một “Việt cộng” chính cống, chưa hề có khái niệm gì về chế độ tem phiếu ở miền Bắc cả. Cuối cùng, thủ trưởng công ty cũng thu xếp một giải pháp tạm thời, để khỏi cà kê với một gã nhứt định không chịu hiểu rằng để cắm cờ Tổ quốc, người ta vẫn phải bỏ tiền ra để “mua cờ”.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu trong 'Người Kéo Cờ'.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu trong "Người Kéo Cờ".

Nhiệm vụ treo cờ của tôi đến đây xem như hoàn tất nếu không có một sự kiện chết người chợt xảy ra, là... gió Nam! Nói tóm gọn, không có lá cờ nào cỡ gần 100m2 chịu nổi sức hoành hành của gió Lào vào thời điểm này. Chỉ trong một buổi sáng, gió đã xé tan của tôi hai lá cờ mà với tôi lúc này quý hơn sinh mạng. Tôi nhảy nhờ xe ra cầu Bến Hải, thấy lá cờ Giải phóng đang phần phật như sóng biển trên cột cờ Nam vĩ tuyến bèn hối hả hạ lá cờ xuống để tránh gió, và nhờ đồn biên phòng ở phía Bắc ra hiệu, tôi sẽ kéo cờ lên mỗi lúc có đoàn xe quan trọng sắp tiến qua cầu. Trừ một vài V.I.P của phía ta, như Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, còn tất cả nhân vật khác tôi đều xin “thông cảm”, để giành cờ cho ngoại giao đoàn. Cứ kéo lên kéo xuống lia lịa như vậy, mệt thật, nhưng cũng không có cách nào khác.

Còi hiệu rít lên, và điện thoại báo đoàn xe ngoại giao sắp đến. Tôi vội vã kéo cờ lên. Bất ngờ gió Nam bỗng giật như cơn bão. Dù tôi ráng hết sức, lá cờ vẫn chỉ nhích lên từng chút một, có lúc nó nặng như một tảng đá, có lúc tôi thấy chân mình bị nhấc khỏi mặt đất. Đúng vào lúc nguy kịch ấy bỗng một ai đó đứng sau tôi vươn tay tới, nắm lấy dây cờ và cùng tôi kéo lên, kéo lên. Lá cờ lên rất nhanh, bay đĩnh đạc trên trụ cờ vừa khi đoàn xe quốc khách hiện ra xa xa bên kia cầu.

Tôi quay lại nhìn vị “ân nhân” đã giúp tôi lúc ngặt nghèo: một gương mặt vuông dáng trượng phu, đôi mày rậm, nụ cười nhân hậu dưới chiếc mũ bộ đội bỏ quai vòng xuống cằm. Anh nhìn tôi bằng cái nhìn thật ân cần, nói giọng Nghệ pha Bắc:

- Chào anh Hoàng Phủ. Tôi là Nguyễn Minh Châu!

Đúng là Nguyễn Minh Châu của Dấu chân người lính và của nhiều truyện ngắn trên những số Văn Nghệ Quân Đội mà tôi đã đọc bằng tất cả niềm ngưỡng mộ những năm ở rừng; chính người ấy đã cùng tôi kéo cờ lên trong cơn gió. Ôi, Nguyễn Minh Châu yêu quý, bây giờ anh không còn nữa!

   Hà Nội, kỷ niệm 30.4.1998

Chúng ta đã có nghìn cuốn sách để dạy cho thế hệ sau biết tổ tiên ông bà đánh giặc như thế nào, chống thiên tai như thế nào, đã đoàn kết, hy sinh, hiếu trung, chung thủy như thế nào... Toàn những vấn đề trọng đại thuộc lĩnh vực LÀM của đời người.

Thế nhưng có một vấn đề trọng đại khác trước nay vẫn bị coi thường; ấy là thử xem các cụ ông cụ bà chúng ta từ xưa đã CHƠI như thế nào. Chính Tản Đà đã có nhận thức đầy đủ về văn hóa - chơi, khi ông dám vỗ ngực giữa đời rằng: “Chơi cho biết mặt sơn hà - Cho sơn hà biết đâu là mặt chơi”. Vậy chơi đầu phải chuyện đùa!

Người Ham Chơi đã tồn tại suốt 2.000 năm tiền sử, làm ra món đồ chơi chói lọi Rạng Đông, ấy là chiếc Trống Đồng. Còn ở di chỉ Tràng Kênh, ngoài chiếc rìu đá là dụng cụ thô sơ để làm, còn lại là đồ trang sức đủ loại (vòng, nhẫn, khuyên tai…) dành để tôn vinh đàn bà. Hóa ra các cụ thủy tổ nòi giống từ thời thượng cổ đã “máu me” đến thế!

Sông Hương của 'Người Ham Chơi'.

Sông Hương của "Người Ham Chơi".

Hoàng Phủ Ngọc Tường qua nét vẽ Đinh Cường.

Hoàng Phủ Ngọc Tường qua nét vẽ Đinh Cường.

Về thăm một vài địa bàn văn hóa gốc của người Việt, tôi thấy hiện rõ mồn một cái khái niệm triết học vui này, là “làm để sống; sống để chơi”. Nếu kể công với dân tộc, thì Hà Bắc là mảnh đất gánh vác; nơi đã diễn ra những trận chiến quyết định vận mệnh của Tổ quốc, từ thời vua Hùng đến tận Nguyễn Huệ. Dành toàn bộ pho sử thi oai hùng đó của quê hương mình, dân Hà Bắc chỉ dựng lên một hình tượng thần thiêng của Thánh Gióng, đánh giặc xong bay về trời. Còn lại cho con người, là cuộc chơi la đà năm tháng: quan họ hội Lim, rượu làng Vân, tranh làng Hồ, gốm Bát Tràng, có cả đền thờ Thị Mầu và kỷ niệm Lá Diêu Bông. Chao ôi, đất sao mê chơi đến quá độ tài tình, khiến nhiều khi mỏi mệt phong trần, tôi lại cứ muốn theo chân anh Hoàng Cầm “cúi lạy mẹ, con trở về Kinh Bắc”.

Nghệ Tĩnh là một dạng bản gốc khác của văn hóa Việt, con người làm lụng cực nhọc đến thế mà cũng chơi đào hoa tới số, các lễ hội phường vải, phường nón, hát ghẹo, hát ả đào vui nhộn khắp xóm thôn. Nguyễn Huy Tự, Hồ Xuân Hương, cả Phan Bội Châu là những Người Ham Chơi nổi tiếng đương thời.

Truyện Kiều là một thiên tụng ca bất tử về nghề chơi và dân chơi; bản thân Nguyễn Du còn làm “văn tế Trường Lưu Nhị Nữ” để dỗ dành hai người đẹp của cuộc chơi. Còn Nguyễn Công Trứ thì... hết nói! Tao nhân mặc khách đã viết về Huế nghìn bài thơ, riêng cái điều “Huế nhất” thì chính là bài thơ này của Nguyễn Công Trứ:

“Lênh đênh một chiếc thuyền nan

Một cô gái Huế, một quan đại thần.

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan lớn tần mần như ma.

Ban ngày quan lớn như cha

Ban đêm quan lớn rầy rà như con”.

Người Huế từ vua quan sĩ thứ, cha truyền con nối đều mang dòng máu ham chơi. Bày đủ trò đủ cuộc, đàn hát, thả diều, uốn cây, xào nấu; lại còn thương ai anh phải đi đêm; té năm bảy trận đất êm hơn giường! Hết cách, mệ lại chơi ngành ăn ớt, lấy sự cay điếc óc làm điều hả hê; đó là cơm Hến. Lý do chơi, như Tuy Lý Vương đã nói:

"Đời người ngoảnh lại chừng bao ná

Mà cứ lu thu... cất củ khoai!".

Người Nam Bộ “làm hết mình - chơi hết ga“, đi đâu cầm theo hai báu vật cuộc sống là chai rượu và cây đờn. Điều này ai cũng biết, khỏi cần nói dông dài. Nhớ năm xưa cùng Hoài Vũ rong chơi ở miền Đông, tôi rất ấn tượng về một hình ảnh cứ hiện ra nhiều lần ở Vàm Cỏ Đông: một chiếc thuyền nhỏ cắm sào dưới rặng cây giang đầu, người đẹp ngồi hong tóc và ca, và chàng tư mã đánh trần ngồi đệm đàn. Hỏi mới biết, tuần trăng mật ven sông Vàm Cỏ kéo dài suốt một năm, chàng và nàng khỏi phải làm lụng gì hết, cứ tha hồ lênh đênh sông nước:

“Rày doi mai vịnh vui vầy

Ngày kia hóng gió đêm này chơi trăng”.

Ôi, con sông đã một thời nhắn nhe trong lửa đạn, “ở tận sông Hồng anh có biết”. Thưa em, anh có biết; ở sông Hồng có anh Trương Chi vẫn hát theo em, “tiếng hát anh ngàn xưa còn rung”, anh Văn Cao bảo thế.

Như thế là trong mỗi người Việt chúng ta có một người - làm (homo fabien), một người - nghĩ (homo sapien) và có thêm một người - ham - chơi (homo ludus). Người Ham Chơi này Tây rất thèm nhưng không đạt nổi. Đây là điều cay đắng mà nhà thông thái Will Durant đã phát hiện ra khi nhìn về phương Đông: phương Đông, mọi công việc hoặc hầu hết, đều làm bằng tay mà người ta lúc nào cũng rảnh rang nhàn hạ; còn ở phương Tây trái lại, vô số máy móc làm thay công việc cho ta được, mà chúng ta lúc nào cũng bận rộn”.

Đúng thôi. Bởi vì Ham Chơi đâu phải là do lười biếng. Ham Chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản chất phù hư của thế giới, hiểu rõ rằng những giá trị vật chất có khả năng đến đâu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho con người.

    Huế, 7.8.1995

 
 

Nếu có một sinh vật nào có khả năng hội nhập với môi trường kỳ diệu đến mức đánh mất luôn cả bản thân mình, thì theo tôi, đấy là con chim bách thanh.

Tôi tiếp xúc nhiều với chim bách thanh thời sống trên rừng, đặc biệt ở những cánh rừng thưa đầy tiếng chim vào sớm mai nắng lên; nơi đó tôi có thể ngồi im trên cỏ quan sát hình dáng những con chim trong giọng hót riêng của chúng. Qua những lần tiếp cận với nó, con bách thanh lưu lại trong tôi hình ảnh kỳ lạ của một hội viên Câu Lạc Bộ Hoàn Vũ, giao lưu với mọi người bằng ngôn ngữ riêng của xứ sở họ trong những lễ hội nhiều dân tộc.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại Bệnh viện Huế năm 2000.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại Bệnh viện Huế năm 2000.

Sau này, nhân tới chơi nhà vườn một người bạn ở vùng đồi, tôi có dịp biết sâu hơn tài nghệ phi thường của chim bách thanh. Vườn bạn tôi nuôi nhiều chim, hầu đủ các giống người ta nuôi chơi trong lồng; ông ta hiểu biết rành rẽ tính nết của từng con chim. Thí dụ, con chích chòe lửa dân dã này có lần sổ lồng bay mất, làm ông tiếc ngẩn ngơ. Tối hôm ấy, dưới ánh điện sáng trong vườn, ông chợt nhìn thấy con chim chích chòe trở về đậu trên giàn hoa, bèn mở cửa lồng thử xem. Nào ngờ, con chích chòe nhảy tót ngay vào lồng, cắm cúi mổ thức ăn. Chắc là nó quen khẩu vị, trong thiên nhiên làm gì có thức ăn ngon như vậy! Còn con chim yến trông mã quý tộc thế kia, cũng một lần ông vô ý để sổng, và chúng một đi không trở lại.

Buổi sáng mặt trời lên, khu vườn tưng bừng tiếng chim, quả là loài chim thích tranh đua giọng hót từ trong dòng máu. Con chim bách thanh luôn có mặt vào lúc này, đứng hót trên cây ngọc lan bằng đủ giọng chim trong vườn: sáo, họa mi, vàng anh, sơn ca, gầm ghì... Nó hót đúng giọng và hay hơn con chim chủ; và dù nó đậu xa, tôi vẫn nghe rõ giọng nó trong trẻo, vang lừng, giống như giọng lĩnh xướng của một giàn đồng ca. Và lạ lùng đối với tôi, khi lũ ve sầu gióng giả cất tiếng, con bách thanh liền cảm hứng chơi luôn một khúc nhạc ve sầu. Tôi phục sát đất, không ngờ thiên nhiên lại sản sinh ra một hiện tượng kỳ tài đến như vậy. Tiếng hót của mỗi loại chim đều được di truyền từ bố mẹ của chúng. Đọc báo, tôi gặp một câu chuyện lạ: con chim sẻ đất của Mozart nuôi có thể hót nhiều đoạn dài của bản Concerto số 17 cung sol trưởng của Mozart! Chuyện thực hay thần thoại, hay ngụ ngôn? Dù có thực đi nữa, thì đấy vẫn là một ca sĩ ngôi sao hát bằng giọng chuẩn của nòi giống chim sẻ. Còn con chim bách thanh, trông như nó bất chấp luật di truyền sinh học. Tôi thấy bí, bèn hỏi ông bạn:

- Thế bách thanh có giọng hót riêng của nó không?

- Bách thanh hót giọng của muôn loài, nhưng chưa ai nghe điệu hót của nó bao giờ. Có lẽ nó không có giọng hót riêng.

Tôi thất kinh. Hóa ra ông trời vẫn công bằng, dẫu cho người ta có cả thế gian vẫn phải trừ đi một cái. Với chim bách thanh, cái nó không có, oái oăm thay, lại là... chính nó!

Chuyến vào Sài Gòn vừa rồi, tôi đến thăm nhà chú em ở xóm hẻm Phú Nhuận. Chú vừa mãn công vụ, về nhà bày cây cảnh chim cá để thư giãn cuộc đời. Thấy con bách thanh, tôi reo lên:

- Ô, nuôi một bách thanh cũng bằng có cả sân chim trong nhà!

Chú em cười hì hì:

- Con chim ni quái chiêu hơn là anh tưởng. Chờ chút nữa anh sẽ thấy nó!

Tôi ngồi xuống chơi khoảng tiếng đồng hồ, trong mớ tiếng ồn riêng của xóm nghèo. Và tôi được nghe con bách thanh lần lượt “hót” những điệu như thế này: tiếng mèo kêo ngoao ngoao, tiếng tèn tèn còi xe máy, tiếng rệch rệch từ chiếc ti vi cũ, tiếng chóc chóc của đồ chơi điện tử… Chú em lôi ra chiếc máy ghi âm mở tiếng hót họa mi, chích chòe để tập cho con bách thanh. Nhưng nó tỏ vẻ bỏ ngoài tai, tuồng có ý chê những giọng chim kia là “đồ dởm”! Chú em thở dài:

- Nó kéo cả ngõ hẻm vô nhà, suốt ngày điếc tai nhức óc với nó. Mà thả đi thì tiếc.

- Sao không nuôi một con bách thanh già tuổi hơn. Có thể nó vẫn nhớ những giọng hót đã quen của nó?

- Bách thanh già rất khó nuôi. Nó phá lồng, đập cánh tới bươu đầu bể trán, vật vã cho tới chết. Tôi có ông bạn đã từng nuôi bách thanh già, đúng như thế. Trước khi chết nó kêu lên một tràng những tiếng rất bí ẩn, nghe như suối reo thác đổ. Có thể đó là giọng hót riêng của chim bách thanh, lúc nó mới tiếp xúc với thiên nhiên.

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của Đinh Hùng: “Lòng đã khác, ta trở về đô thị - Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa”, bèn tới bên lồng nói với con bách thanh:

- Hỡi con chim tội nghiệp. Té ra trời sinh mi để hót bằng cái lưỡi của Ơ - dốp!

Con chim nghiêng nghiêng đầu, dõi theo một tiếng động mới xuất hiện ngoài hẻm. Nó đáp lại nỗi u hoài của tôi bằng một chuỗi tiếng hót bất ngờ: “Hủ tíu bò kho! Hủ tíu bò kho!”.

      Huế, 4-1997

 
.

Tin khác

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/01/2025
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/01/2025
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/01/2025
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/01/2025
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/01/2025
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/01/2025
Có một người tu hành như thế

Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/01/2025
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/01/2025
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/12/2024
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/12/2024
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/12/2024
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/12/2024