| Hotline: 0983.970.780

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Chốn 'Đào Nguyên' của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo

Chốn 'Đào Nguyên' của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhàn đàm về những tài hoa trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của đất nước: Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Cao.

Khác với Văn Cao và Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là người chắm chú cúi xuống hiện hữu, và bằng kinh nghiệm sống của chính bản thân phát hiện hết mọi lẽ bất hạnh của thân phận con người.

Bài liên quan

Sự từ khước hy vọng ảo tưởng; những đam mê vô ích; tâm trạng lưu đầy; nỗi cô đơn không cứu vãn; nỗi lo âu trước vực thẳm; vân vân..., tất cả đó là những vấn đề cốt lõi của triết học hiện sinh châu Âu, cũng cốt lõi như vấn đề sinh lão bệnh tử của Phật giáo châu Á về phận người. Đánh thức bởi sự tan vỡ của thế giới sau Đại chiến, triết hiện sinh trở thành những món ăn hợp gu của con người hiện đại, bỗng nhiên tìm thấy bạn tri kỷ trong thế hệ trẻ các đô thị miền Nam (cũng như Nhật Bản) trong đó có tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn. Đặc biệt là cái chết, một phạm trù “kinh điển” của triết hiện sinh (cái chết là hoàn cảnh giới hạn để nhận biết hiện hữu: “Cái gì vẫn còn là căn bản đối diện với cái chết, là thuộc về hiện hữu”, K.Jaspers), hóa thành ám ảnh có sức hút của hố thẳm trong khát vọng sống của tuổi trẻ một thời bị ném vào lò lửa của cuộc chiến tranh tàn khốc...

Có vài lần tôi tìm đến với Sơn ở Blao, hồi ấy Sơn làm “trưởng giáo” của một ngôi trường ấp chiến lược, chỉ để được hoãn quân dịch. Nơi thị trấn chiến tranh heo hút buồn đó, Sơn và tôi mỗi ngày băng qua một nghĩa trang đầy quạ đen, buổi chiều nghe tiếng chuông báo tử của ngôi giáo đường nhỏ, và đêm ngồi uống cà phê ở quán Le Cap oral nghe lão Tây già nhại tiếng con chim chiến tranh (Oiseau de Eguerre) kêu thê thiết trong đêm sương, nhại theo kiểu vùng quê Normandie của lão trong thế chiến: “Père, mère, Frères - tout est perdu”.

Đêm ở Blao, Sơn thường ra ngoài đi lang thang và để đánh lừa kẻ lạ vô nhà, Sơn dùng chiếc drap trắng trùm kín cây ghi ta trên giường, giả vờ người nằm bệnh. Thế đấy! Từ đây qua suốt thời tuổi trẻ, Sơn vẫn hát về cuộc đời như một “cơn đau vùi”.

Những năm vào đời của một tài năng, Trịnh Công Sơn đã khám phá ra âm hưởng La thứ dịu dàng của dòng sông ở Huế (Ướt Mi, Nắng Thủy Tinh...), nỗi cô đơn ở ghềnh đá eo biển Quy Nhơn (Biển Nhớ, Lời Buồn Thánh...) và ở thị trấn cao nguyên kia, là chiến tranhcái chết (Phúc Âm Buồn, Gọi Tên Bốn Mùa, và tất cả trong Kinh Việt Nam).

Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh quá dữ dằn và kéo dài, nỗi chết là một ám ảnh không rời trong tâm cảm quê hương của Trịnh công Sơn, như trong “Tình ca của người mất trí" chẳng hạn: “Chết thật tình cờ, chết không hẹn hò, nằm chết như mơ…”. Chính điều này đã khiến Sơn trở thành thần tượng nghệ thuật của tuổi trẻ một thời lửa đạn, và tên tuổi Trịnh Công Sơn được biết đến giữa những nghệ sĩ phản chiến của thế giới, đối diện với chính sách Mỹ ở Việt Nam.

Còn xa hơn nữa, nỗi ám ảnh kia đã hằn sâu trong khát vọng sống của tâm hồn Sơn, như vết máu không tẩy xóa được trên chiếc chìa khóa mở cửa vào lâu đài kinh dị trong cổ tích Con Yêu Râu Xanh. “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời (Bên Đời Hiu Quạnh) – Mệt quá thân ta này nằm xuống với đất muôn đời (Ngẫu Nhiên)… Rất nhiều lần Sơn “nói dại miệng” theo kiểu đó, kể cả khi đang thiết tha cùng em, “Thí dụ bây giờ tôi phải đi. Tôi phải đi tay chia ly cùng đời sống” (Rơi Lệ Ru Người)… Sự nhạy cảm thường trực về tính hữu hạn của đời người đã thúc đẩy trầm tư âm nhạc của Trịnh Công Sơn tiếp cận với ý thức Cát Bụi, với tâm thức lãng du qua cõi đời vô thường (Mội Cõi Đi Về), nỗi hoài niệm về nơi “nguyên quán” vĩnh hằng (Bên Đời Hiu Quạnh); từ đó, vào cuối cuộc hành trình của phận người, Sơn rẽ hướng tìm về cội nguồn minh triết của phương Đông, níu lấy cái Tâm của mình để sống với đồng loại.

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người

(Một Cõi Đi Về)

Đây là sự dịu dàng của tâm hồn Trịnh Công Sơn; sự dịu dàng thuộc về bản chất đã khiến cho con người này trở thành người Mẹ và người kia là nghệ sĩ.

Tôi vẫn giữ một hình ảnh rất xúc động về Sơn hồi trẻ; thời Sơn còn dạy học ở Blao, nghỉ hè về Huế, chúng tôi thường ngồi quán cà phê Thành Nội. Hôm ấy, em bé gái bưng bàn lỡ tay đánh vỡ tách cà phê, làm bẩn luôn áo Sơn. Bà chủ quán chạy đến, hoảng hốt, giận dữ, con bé rúm người vì sợ hãi. Sơn đứng dậy che đòn cho con bé, ôn tồn nói với chủ quán: “Chính tôi làm vỡ, không phải lỗi của nó”. Và Sơn thản nhiên rút túi bù tiền, cười nháy mắt với con bé rồi đi… Nhiều năm sau, tôi gặp lại cô bé trên rừng, nay đã lớn làm giao liên nội thành, đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua ở Khu. Bé nhắc lại với tôi kỷ niệm đầy trìu mến về anh Sơn của bé, và hát lại bài hát thiếu nhi anh Sơn đã tập cho bé hồi ở quán: “Ông tiên vui, ông thường hay nói dối - Chốn thiên đường không có tháng ngày trôi”.

Lòng nhân ái nhu mì và sự bao dung không mặc cả là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn, như là một giải pháp cứu vãn, để đối diện với chiến tranh, thù hận, và nỗi gay gắt của thân phận con người:

Sống trong đời sống

Cần có một tấm lòng

Để làm gì em biết không

- Để gió cuốn đi!

(Để Gió Cuốn Đi)

*        *

*

Điều rất lạ, toàn những ý tưởng triết học đa đoan kia, Trịnh Công Sơn chỉ chọn một người để nói với là Người Tình. Dù nói về điều gì đi nữa, kể cả về Cái Chết, mọi bài hát của Trịnh Công Sơn đều là Tình Ca, với giai điệu dịu dàng và thành thực kỳ lạ, và với chất liệu của nụ hoa tầm xuân mà chàng thi sĩ trong ca dao đã một lần hái và dâng tặng. Không có gì để nghi ngờ, chính Trịnh Công Sơn đã khẳng định về điều này: “Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời”. Tôi đã nghe Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn từ những ngày nàng còn là Lệ Mai ở phòng trà Đà Lạt. Cho tới bây giờ, gần suốt một đời “nghe hát” - Theo nghĩa của Nguyễn Công Trứ - cảm nhận của tôi vẫn là thế, rằng với Sơn, Khánh Ly luôn luôn là giọng hát của Người Tình.

Tại sao trong từng khoảnh khắc của đời mình, Trịnh Công Sơn lại chọn Người Tình để nói lại mọi điều? Có lẽ thế, bởi em sinh ra là để nuôi nấng nỗi buồn của đời tôi. Cũng bởi em là loài phù-du-tóc-dài để hiểu tôi trong mọi nỗi phù du, như thơ Ngô Kha: “Ngày xưa tôi lỡ làm người tương tri”.

Với Sơn, Người Tình là người đối thoại cần thiết, và vì thế trong Tình Ca Trịnh Công Sơn, người nói không là “Anh” mà là “Tôi và Em”. Hai tiếng Anh - Em ngọt ngào đó hình như không thích hợp với những điều cay đắng. Không thích hợp với nhiều thứ gai góc cuộc đời, như thân phận, cái chết, và nỗi tuyệt vọng: “Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng tuyệt vọng” (TCS - Tuyển Tập Những Bài Ca Không Năm Tháng - 1995).

Đến đây thì mọi sự đã ngã ngũ, rằng Tình Ca Trịnh Công Sơn chính là siêu hình học, và vì thế không bao giờ cũ. Năm tháng trôi đi, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân những cây cầu những người yêu nhau đã đi qua. Những Người Đẹp một thời đã thành thiếu phụ. Và những cô bé đã lớn lên thành thiếu nữ. Và tất cả vẫn hát Trịnh Công Sơn như là Tình Ca của hôm nay, vẫn nhìn thấy ở Trịnh Công Sơn một gương mặt Hoàng tử sầu muộn và dịu dàng không hề xa lạ.

                                                                Huế, 20-4-1995

 
Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái) và Nguyễn Trọng Tạo, 1986. Ảnh: Lê Đình Liên.

Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái) và Nguyễn Trọng Tạo, 1986. Ảnh: Lê Đình Liên.

Thế giới hiện đại ưa chuộng một gã người có bộ mặt bông đùa dễ thương, gọi là Homo ludus, Người Ham Chơi. Khác với những tiền bối của nó là Người Làm (Homo fabien)Người Biết (Homo sapien) vốn đã có mặt từ văn hóa nhân loại cổ xưa. Người Ham Chơi cũng Làm, cũng Biết thông thái mọi điều. Nhưng gã lại là một tay giang hồ khí cốt, nhìn đời như một khu vườn hoan lạc; nơi đó gã sa đà theo những cuộc vui với một tâm thức cóc cần nhẹ nhõm.

Cũng có người nhăn nhó khi nói đến gã, nhưng gã không bận tâm về điều ấy: Người Ham Chơi lãng đãng giữa cõi đời cũng là để làm nhẹ bớt căn bệnh hay cau mặt của những kẻ thích tỏ ra nghiêm nghị. ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN, theo cảm nhận của tôi, là tiếng hát ngu ngơ của con người Ham Chơi. Đồng dao lũ giang hồ đàng đúm đông hơn họp, đồng dao đêm cộng cảm nhảy múa với ma, đồng dao tượng mồ khoe Âm khoe Dương, cánh cửa phòng mở ra khép lại, cuộc tình bên miệng núi lửa, hoặc tiếng mèo rên lạnh buốt linh hồn. Đồng dao lang thang. Đồng dao rượu. Đồng dao em. Và đồng dao chợt nhiên cánh hoa đào rơi lặng im trong giấc ngủ...

Người Ham Chơi ta bà qua bao nhiêu nẻo đường không tên của trần gian, đi xuyên đá để tới bên vực thẳm của phế tích, và đến cùng kiệt gã theo tờ lịch mỏng manh nhảy vào kiếp luân hồi. Cuộc phiêu du của tâm linh tự do trước những ngã ba ngã tư bất ngờ được Nguyễn Trọng Tạo thuật lại bằng giọng lịch lãm bẩm sinh của con người Ham Chơi với nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn tinh nghịch và những ý tưởng ngu ngơ nhưng thông minh lạ thường. Ừ thì vậy, “chia cho em một đời say - một cây si/với/một cây bồ đề”. Đừng hỏi ta sao đem chia cây cối cho em làm gì, ta đâu có biết, có thể nhiều đêm say ta đã ngủ bên đường…

Nhớ lại mười lăm năm trước, tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo trên báo Văn Nghệ, qua một bài thơ rất hay với điệp khúc nhắc lại nhiều lần về một điều:

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi

Câu trả lời thật không dễ dàng chi.

Bài thơ đó làm nhiều người khác khó chịu, bởi nó đã đụng tới nhiều thứ ngụy tín dầm dề của một thời. Riêng tôi, tôi thích thú giọng bông đùa tưởng như rất dễ dàng của nhà thơ lính hơn chục năm chiến trận này, để nói những điều nghiêm trọng thường khiến những người không thích đùa phải cau mặt. Nhớ một câu của Tùng Thiện Vương khen thơ Nguyễn Hàm Ninh rằng: “Cười một hơi mà thành ra bài thơ, không hề thấy dấu chạm trổ đẽo gọt ở chỗ nào”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Trọng Tạo ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên năm 1986.

Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Trọng Tạo ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên năm 1986.

Đọc lại Nguyễn Trọng Tạo qua những bài ĐỒNG DAO đây, tôi nhận ra rằng quả thực mười lăm năm qua, nhà thơ vẫn không đổi giọng chỉ thêm là bây giờ tôi đã gọi đúng tên chàng, Người Ham Chơi.

Nhưng không ai có thể dông dài suốt cuộc đời mình và Người Ham Chơi có lúc cũng phải quay về.

Ngác ngơ giữa phố

Một thằng nhà quê

Nhớ thương Mộ Tổ

Biết bao giờ về...

Ở thời điểm khuya khoắt đó, thi sĩ chợt khám phá ra nỗi cô đơn nguyên ủy của con người, rằng Người Ham Chơi bao giờ cũng giữ riêng cho mình một Cõi Nhớ, nhớ về một cái gì đã mất, và lầm lũi đi tìm. Dù đấy chỉ là chiếc trâm Cỏ Thi em đã cài tóc thuở lòng còn đầy khát vọng, và dù ta “rồi cũng khóc như em, khóc cho điều đã mất”. Chính giọt nước mắt rơi xuống cỏ giống như hạt ngọc hiếm hoi rốt cuộc đã bộc lộ một chút gì trong trẻo của niềm tin ẩn giấu đằng sau bộ mặt đã phong trần, sự trong trẻo muôn đời vẫn thuộc về căn cốt của giống nòi thi sĩ:

Nhưng tôi người cầm bút, than ôi

Không thể không tin gì mà viết...

Huế, Mùa Hạ 1994

 
Văn Cao qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh.

Văn Cao qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh.

Không chỉ có một Văn Cao, mà nhiều Văn Cao trong một con người. Văn Cao âm nhạc, Văn Cao hội họa, Văn Cao thơ, có Văn Cao mơ mộng và Văn Cao bắn súng; và ngay trong âm nhạc, có một Văn Cao của Thiên Thai và một Văn Cao của Tiến Quân Ca... hoặc nhìn từ phía khác có một Văn Cao nổi giận và một Văn Cao rất đỗi dịu dàng trước cuộc đời. Ông như cây A leo dichotoma trên núi đá Vọng Phu ở Lạng Sơn, cứ tự chia hai đến cùng trong hành động sống, hay nói cách khác, trong quá trình từ thể hiện chính bản thân mình nhằm đạt tới nhiều chiều hướng khác nhau giữa những giới hạn vốn dĩ chật chội của một đời người và ở khắp mọi nẻo của hiện hữu, Văn Cao là một con người luôn luôn tìm cách phá vỡ Giới Hạn.

Anh Văn có một cử chỉ trìu mến dành riêng cho người mà anh yêu thương, (như Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thái Bá Vân và một vài người khác nữa như Phùng Quán), là để dành rượu ngon rồi chờ bạn đến, ngày này qua ngày khác.

Mỗi lần ra Hà Nội tôi đều đến với anh trong những cuộc "rượu chờ" như vậy, và mỗi lần ông đều khiến tôi phải lạ lùng trước những Văn Cao khác nhau trong một người nghệ sĩ minh triết bậc thầy đang đối diện với tôi. Tôi nghĩ rằng dù trong một từ điển nghiêm chỉnh nào đó dành cho những tên tuổi đã làm sáng danh con người trong mọi hành vi của nó, thật cũng khó để tìm thấy đầy đủ một định nghĩa về Văn Cao.

Mọi người đều biết, Văn Cao là nhà tiên phong trong cuộc tìm kiếm cái Mới bằng hành động sáng tạo, là người đạt tới sự cao sang của tiếng Việt giữa ngôn ngữ văn minh của nhân loại, và là người nghệ sĩ không bao giờ nguôi đi những khát vọng cao lớn của con người. Trong bài thơ gửi những người da đen, Văn Cao đã từng nói:

Chúng ta là một

Ước mơ được trồng cây và hát

Nhưng vẫn còn là một cái gì khác hơn nữa mà tôi vẫn bắt gặp ở ông, trong những giờ ông ngồi yên trên chiếc ghế cũ kỹ để nghe tiếng nói im lặng của thế giới.

Bây giờ không còn những tiếng nổ to

Nhưng còn những tiếng rạn vỡ

(Anh có nghe không - Thơ Văn Cao)

Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo.

Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo.

Từ trái qua: Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, nhạc sỹ Văn Cao, giáo sư Văn Như Cương, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - 1992. (Ảnh sách Thái Bá Vân - Tiếp xúc với nghệ thuật).

Từ trái qua: Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, nhạc sỹ Văn Cao, giáo sư Văn Như Cương, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - 1992. (Ảnh sách Thái Bá Vân - Tiếp xúc với nghệ thuật).

Ông đã ngồi im lặng như thế mấy chục năm trời trong căn phòng nhỏ của ông ở phố Yết Kiêu, trong tư thế tĩnh tại của Bồ Đề Đạt Ma nơi hang núi, để thấu suốt tất cả, và từ đó, đã cưu mang hết số phận của dân tộc mình và báo trước những nguy cơ đang đến trước với con người.

Huế, 12-7-1995

 

.
Xem thêm