Những cách đơn giản để giảm phát thải

Bảo Thắng - Thứ Tư, 02/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

Thay vì để phế phụ phẩm nông nghiệp phát thải tự nhiên vào môi trường, người dân có thể tiến hành xử lý nhiệt để chuyển hóa, từ đó giảm tác động tới môi trường.

Rừng cao su - một đối tượng có thể tạo ra tín chỉ carbon. Ảnh: TL.

Còn một loại “tín chỉ carbon” khác

Đầu năm 2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 01/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ danh mục các lĩnh vực và gần 2.000 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê (tiêu thụ 3.000 tấn CO2e trở lên). Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 06/NĐ-CP về việc mở cửa sàn giao dịch carbon vào năm 2028, vận hành thử vào năm 2025.

Là một loại hàng hóa đi kèm với nỗ lực kiểm soát, giảm nhẹ lượng phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon đã được biết đến ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vấn đề chỉ thực sự nóng lên sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có những cam kết mạnh mẽ về Net Zero tại COP26 (năm 2021).

1 tín chỉ carbon tương đương 1 tấn CO2e giảm, hấp thụ. Chẳng hạn, doanh nghiệp trong 1 năm giảm khoảng 350kg dầu diesel tiêu thụ và được tổ chức có thẩm quyền chứng nhận việc này, tương đương họ đã tạo ra 1 tín chỉ carbon và có thể giao dịch.

Tuy nhiên, còn một dạng “hàng hóa” nữa có thể trao đổi trên thị trường hàng hóa toàn cầu, là I-REC, được dùng để đo đếm điện năng tái tạo. 1 chứng chỉ REC tương đương 1MWh điện năng (1.000 số điện) từ năng lượng tái tạo, và được tính cho cả năng lượng hạt nhân.

Trong khi tín chỉ carbon được cấp cho các dự án giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính, thì chứng chỉ REC được cấp cho những dự án năng lượng tái tạo tạo ra điện (bao gồm cả điện hạt nhân). Đối với việc kiểm kê và báo cáo khí nhà kính của các doanh nghiệp, chứng chỉ REC có thể giúp giảm lượng phát thải gián tiếp từ việc sử dụng năng lượng mua từ các nguồn bên ngoài.

Ví dụ, trong 1 năm, doanh nghiệp tiêu thụ 2 triệu kWh điện, 50 tấn dầu diesel phục vụ vận tải, 10.000m3 nước và 90% lượng thải ra phải xử lý. Tổng lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp này được kiểm kê là hơn 1.600 tấn CO2e. Nhưng nhờ doanh nghiệp này có 1 hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới ở vùng có cường độ bức xạ trung bình 5 kWh/kWp/ngày nên khi kiểm kê giảm được hơn 1.300 tấn CO2e. Kết quả, doanh nghiệp được xác định chỉ phát thải khoảng 300 tấn CO2e.

Thị trường giao dịch chứng chỉ REC hoạt động sôi nổi tại Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng tương đối xa lạ với Việt Nam. Một phần nguyên nhân là năng lượng tái tạo mới được xác định ưu tiên đầu tư trọng điểm trong Quy hoạch Điện VIII.

Bất chấp điều ấy, nhu cầu kiểm kê khí nhà kính vẫn luôn hiện hữu ở tất cả các ngành, trong đó ngành năng lượng hướng tới việc giảm phát thải, còn lâm nghiệp đặt mục tiêu tăng cường hấp thụ.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) hướng dẫn có 3 cấp độ thực hiện kiểm kê. Bậc 1, phương pháp đơn giản và cơ bản nhất, sử dụng hệ số phát thải mặc định theo IPCC hoặc cơ sở dữ liệu toàn cầu.

IPCC luôn khuyến khích các quốc gia, các tổ chức, cá nhân sử dụng phương pháp bậc 2, bậc 3 trong kiểm kê khí nhà kính. Ở đó, mỗi đơn vị cố gắng tự thực nghiệm để có kết quả phù hợp, đặc trưng cho cơ sở.

TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT). Ảnh: Bảo Thắng.

Trên cơ sở đó, phương pháp bậc 2 sử dụng công thức tính giống bậc 1 nhưng áp dụng hệ số phát thải đặc trưng quốc gia. Cách này thường cho kết quả có độ chính xác cao hơn bậc 1. Tuy nhiên, nhược điểm là phải áp dụng cho những nước có bộ dữ liệu đủ lớn, bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do thiếu dữ liệu này, Việt Nam gặp nhiều thách thức khi áp dụng phương pháp bậc 2.

Với phương pháp bậc 3, đơn vị kiểm kê khí nhà kính sẽ xây dựng các mô hình tính toán chi tiết hoặc hệ thống đo đếm lượng khí thải phát ra trực tiếp từ các nhà máy, địa điểm. Dựa trên việc lặp lại theo thời gian và được hỗ trợ bởi dữ liệu không gian có độ phân giải cao, chi tiết hóa đến cấp địa phương hoặc vùng sinh thái, phương pháp này có độ chính xác cao nhất, nhưng cũng khó triển khai nhất do vấn đề chi phí, nguồn lực.

Đo đếm lượng CO2 hấp thụ/phát thải

Sau khi Việt Nam chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon vào năm 2023, nhiệm vụ tính trữ lượng carbon trong sinh khối (carbon rừng) trở nên cấp bách.

TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT) cho biết, dựa trên phương pháp bậc 1 do IPCC hướng dẫn, lượng CO2 hấp thụ xấp xỉ khối lượng của sinh khối tươi với cây thân gỗ. Ví dụ, 1 cây có sinh khối tươi (tổng khối lượng của thân, vỏ, rễ, lá) khoảng 500kg thì lượng khí nhà kính cây hấp thụ khoảng 500kg CO2.

Một nghiên cứu trên cây keo lai tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Đại học Lâm nghiệp thực hiện năm 2019 củng cố nhận xét này. Lâm phần rừng keo lai từ 2 - 6 tuổi có tổng sinh khối tươi từ 28,8 - 259,5 tấn/ha. Tổng trữ lượng carbon của rừng keo biến động trong khoảng từ 6,3 - 65,61 tấn/ha. Lượng CO2 hấp thụ hàng năm của rừng keo lai tại khu vực nghiên cứu dao động từ 11,7 - 40,1 tấn/ha/năm.

Phương pháp đo của nhóm nghiên cứu là lập các ô tiêu chuẩn trên các rừng trồng keo, mỗi ô diện tích khoảng 500m2. Trên mỗi ô, nhóm sẽ đo đếm đường kính ngang ngực, chiều cao vút ngọn và mật độ cây. Tại mỗi ô tiêu chuẩn, nhóm chọn 1 cây, có các chỉ số tương đương với trung bình của ô. Tiến hành chặt cây, sau đó tách riêng từng bộ phận thân, cành, lá và cân tại hiện trường để xác định sinh khối tươi.

Từ sinh khối tươi, nhóm tiến hành tách nước ở cả thân, cành và lá bằng phương pháp sấy ở nhiệt độ từ 80 - 105 độ C trong 6 - 8 tiếng, đến khi trọng lượng mẫu không thay đổi. Hàm lượng carbon trong sinh khối khô được xác định thông qua hệ số mặc định 0,5 của IPCC nhân với tổng khối lượng thân, cành, lá.

Ủ rơm rạ là một biện pháp đơn giản giúp giảm phát thải. Ảnh: TL.

Tại nhiều quốc gia phát triển về khoa học kỹ thuật, việc đo trữ lượng CO2 hấp thụ được xác định bằng phương tiện viễn thám và có thể triển khai trên khu vực rộng lớn. Cách này đặc biệt hữu hiệu với rừng trồng, khi các cây khá đồng đều về chủng loại, kích thước.

Việc tính toán lượng CO2 hấp thụ của rừng có thể thực hiện theo phương pháp bậc 3 của IPCC, đó là than hóa sinh khối toàn bộ cây, sau đó cân, đo khối lượng carbon. Lượng CO2 hấp thụ được tính bằng phương pháp bảo toàn hóa học (dựa trên nguyên tử khối). Phương pháp này chính xác hơn việc chọn ô cơ sở, nhưng cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và thiết bị hiện đại hơn.

Bên cạnh tính toán trữ lượng carbon rừng, các nhà khoa học còn mong muốn xác định hàm lượng CH4 và N2O phát thải trong canh tác lúa nước. Cách làm phổ biến hiện nay là sử dụng những hộp trong suốt, bên trong đặt các cảm biến. Khi CH4 và N2O thoát ra sẽ được lưu giữ trong hộp. Do áp suất bên trong và ngoài hộp như nhau, nên lượng khí phát thải gần như được bảo toàn. Sau khi kiểm kê lượng khí trong hộp, lấy trung bình trong khu vực cần tính toán sẽ ra giá trị cuối cùng.

TS Lê Hải Hưng cũng lưu ý thêm một vấn đề, là hệ số phát thải của các chất sinh khối (vỏ trấu, vụn gỗ...) khá cao. Do đó, để giảm phát thải, người dân có thể áp dụng nguyên lý nông nghiệp tuần hoàn, dưa trên một biện pháp đơn giản là ủ các phế phụ phẩm nông nghiệp này.

Lấy ví dụ với khí CH4 (metan), nếu không qua xử lý nhiệt, 1 tấn CH4 phát thải thẳng vào bầu khí quyển sẽ tương đương với 28 tấn CO2 (theo IPCC). Tuy nhiên, nếu ủ các chất sinh khối, phản ứng oxy hóa (cháy) xảy ra. CH4 sẽ tác dụng với oxy, tạo thành CO2 và hơi nước. Phân tử khối của CH4 là 16, của CO2 là 44, nghĩa là 1 tấn CH4 khi cháy hoàn toàn sẽ tạo thành 44/16=2,75 tấn CO2. So với việc để phát thải tự nhiên, chúng ta đã giảm được 28 - 2,75 = 25,25 tấn CO2.

Bảo Thắng
Tin khác
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học

Bà Rịa - Vũng Tàu Nhờ làm phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đang chứng minh được hiệu quả kinh tế và sự đúng đắn trong triết lý nông nghiệp tuần hoàn.

Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô
Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô

Than dừa được làm chủ yếu từ gáo dừa - một phụ phẩm của ngành dừa. Xuất khẩu than dừa nói chung đang ngày càng tăng, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao
Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao

Từ xơ mướp, những bạn trẻ Đồng Tháp đã sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được thị trường đón nhận, đã xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật, Hàn, Mỹ, EU...

Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột
Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột

Từ một phế phẩm tưởng chừng vô giá trị, bã sắn tại Tây Ninh đã trở thành nguồn thu quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến tinh bột.

Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Chuỗi sự kiện Ngày Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản 2024 với slogan 'Chung tầm nhìn, chia sẻ thành công' đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình

Tiềm năng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu.

Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thuận Tân Hội Quán còn thành lập điểm du lịch nông nghiệp, tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước.

Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản
Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản

151 hội quán với hàng ngàn thành viên, nông dân Đồng Tháp không chỉ hỗ trợ sản xuất mà còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.

Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn
Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn

Không chỉ nâng cao giá trị nông sản, các hội quán còn đồng lòng, không ngừng đổi mới, biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.