Trong nhiều thế kỷ, nông dân Thụy Sĩ luôn đưa gia súc, dê và cừu của họ lên núi để chăn thả trong những tháng ấm áp rồi đưa chúng quay trở về nhà vào đầu mùa thu. Được nghĩ ra từ thời Trung Cổ để tiết kiệm cỏ trong các thung lũng nhằm dự trữ cho mùa đông, truyền thống chăn thả trên núi mùa hè đã biến vùng nông thôn thành một vùng đồng cỏ tươi tốt đến mức việc duy trì diện mạo của nó đã được ghi vào Hiến pháp Thụy Sĩ như một nhiệm vụ thiết yếu với ngành nông nghiệp.
Tháng 12 năm ngoái, UNESCO đã đưa truyền thống này của Thụy Sĩ vào danh sách “di sản văn hóa phi vật thể”.
Nhưng biến đổi khí hậu có nguy cơ làm mất đi những truyền thống đó. Nhiệt độ ấm lên, mất sông băng, ít tuyết hơn và tuyết tan sớm hơn đang buộc nông dân trên khắp Thụy Sĩ phải thích nghi.
Không phải tất cả đều cảm nhận được những thay đổi giống nhau ở một quốc gia nơi dãy Alps tạo ra nhiều kiểu khí hậu. Một số đang tận hưởng sản lượng lớn hơn trên đồng cỏ mùa hè, cho phép họ kéo dài mùa chăn thả trên núi cao. Những người khác lại gặp hạn hán thường xuyên và dữ dội hơn buộc phải đưa đàn trở về sớm hơn.
Tác động lên Thụy Sĩ càng rõ ràng thì rắc rối tiềm tàng với toàn bộ châu Âu càng lớn.
Thụy Sĩ từ lâu đã được coi là tháp nước của châu Âu, nơi tuyết mùa đông dày sẽ tích tụ và tan nhẹ trong những tháng ấm hơn, làm tăng dòng chảy nhỏ giọt từ các sông băng, giúp duy trì nhiều con sông ở châu Âu.
Ngày nay, dãy Alps đang nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu, theo Hội đồng Liên chính phủ Thụy Sĩ về Biến đổi Khí hậu. Chỉ trong hai năm qua, các sông băng ở Thụy Sĩ đã mất đi 10% lượng nước, bằng lượng nước tan chảy trong ba thập kỷ, từ 1960 đến 1990.
Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu sông băng Rhône vào năm 2007, Daniel Farinotti, một trong những nhà khoa học về sông băng hàng đầu châu Âu, đã chứng kiến nó rút đi khoảng nửa km và mỏng đi, tạo thành một ao băng lớn ở đáy.
Ông cũng đã nhìn thấy sông băng, trải dài khoảng 9km, trên dãy Alps gần Realp, chuyển sang màu đen khi tuyết mùa đông tan chảy, để lộ bằng chứng tích tụ của những năm ô nhiễm trước đó.
“Bề mặt càng tối thì càng hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời và tạo ra nhiều băng tan hơn”, ông giải thích.
Chính phủ đang cố gắng giải quyết những thay đổi và bảo tồn truyền thống chăn thả núi cao của Thụy Sĩ, trong đó có các dự án cơ sở hạ tầng lớn để đưa nước lên đỉnh núi cho gia súc trong những tháng mùa hè.
Công việc chăn thả gia súc núi cao khá vất vả và có thu nhập khiêm tốn, nhưng ở địa phương, tham gia vào một truyền thống, được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1830, là một vinh dự.
“Trở thành người chăn gia súc cho bạn cảm giác về nguồn cội”, Charly Jossen, 45 tuổi, cho hay. “Bạn biết nơi mình thuộc về”. Năm nay, ông đưa cậu con trai 10 tuổi của mình, Michael, đi cùng lần đầu tiên.
Trong lịch sử, người chăn gia súc sẽ đưa đàn đi qua sông băng Oberaletsch. Nhưng sông bị tan chảy từ lâu đã khiến tuyến đường đó trở nên quá bất ổn và nguy hiểm. Vào năm 1972, cộng đồng Naters đã cho xây dựng một con đường giúp những người chăn nuôi và đàn gia súc có một con đường khác về nhà.
André Summermatter, 36 tuổi, trưởng nhóm chăn cừu núi cao, cho biết mùa này, họ dự định đưa đàn về muộn hơn hai tuần.
“Do biến đổi khí hậu, thời kỳ cỏ mọc kéo dài hơn, cừu có thể ở lại lâu hơn”, anh nói khi đứng trong chuồng đá cổ xưa, nơi những con cừu được quây vào mỗi cuối ngày.
Truyền thống chăn thả trên núi cao lan rộng khắp dãy Alps, đến cả Áo, Italy và Đức.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học chính phủ vào năm 2014, gần nửa số trang trại chăn nuôi ở Thụy Sĩ đưa dê, cừu và bò đến đồng cỏ núi cao vào mùa hè. Hơn 80% thu nhập của họ đến từ các khoản trợ cấp chính phủ, nhiều khoản nhằm giữ cho vùng đồng cỏ không bị cây xâm chiếm.
Điều này khiến Thụy Sĩ trở thành quốc gia hiếm hoi không coi việc che phủ cây xanh là giải pháp cho biến đổi khí hậu.
“Sẽ chỉ có bụi rậm và rừng cây nếu chúng tôi không ở đây”, Andrea Herger nói khi đang lùa đàn bò qua một quán trọ dành cho người đi bộ đường dài để vào chuồng vắt sữa của gia đình cô ở lưng chừng ngọn núi Alps. “Sẽ không còn những cảnh quan đẹp đẽ, vút tầm mắt để đi bộ đường dài”.
Chồng cô, Josef Herger, là thế hệ thứ ba trong gia đình điều hành trang trại mùa hè trên núi cao. Họ chăn thả 7 con bò từ trang trại riêng và 33 con bò từ hàng xóm, những người trả thù lao cho cặp vợ chồng bằng sữa bò mà họ dùng để làm pho mát.
Xa hơn về phía tây, gia đình Mottier lùa 45 con bò men theo đám cỏ mới mọc lên trên đỉnh cao 2.030m của dãy Alps, rồi sau vài tuần quay xuống để tận hưởng những đám cỏ mọc trở lại sau lần càn quét đầu tiên. Bắt đầu từ tháng 5, họ thực hiện 5 chuyến như vậy.
Gần đỉnh núi, Benoît Mottier, 24 tuổi, trèo lên một mỏm đá vôi, được trang trí bằng tên viết tắt của những người chăn gia súc nhàn rỗi và năm họ khắc chúng. Dòng chữ cổ nhất mà anh có thể tìm thấy được để lại vào những năm 1700 bởi một người có tên viết tắt là B.M.
Benoît là thế hệ thứ 5 trong gia đình chăn bò ở đây.
Mottiers là một trong 70 gia đình trong khu vực sản xuất loại pho mát truyền thống của Thụy Sĩ có tên là L’Etivaz. Họ tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, đun nóng sữa tươi từ từ trong một chiếc vạc đồng khổng lồ trên ngọn lửa gỗ vân sam. Sau khi phô mai được ép, họ mang nó đến một hợp tác xã địa phương, nơi nó được ủ và bán.
L’Etivaz chỉ có thể được sản xuất ở sườn núi địa phương 6 tháng một năm. Truyền thống này rất quan trọng, trẻ em từ các gia đình nông dân trong vùng có thể nghỉ học sớm vài tuần trước kỳ nghỉ hè để giúp đỡ gia đình.
“Vào đầu mùa, chúng tôi rất vui khi bắt đầu. Đến cuối mùa, chúng tôi vui vì nó kết thúc”, Isabelle Mottier, mẹ của Benoît cho biết. “Với chúng tôi, đó là vòng lặp cuộc sống”.
Trang trại mùa hè của nhà Mottier lấy nước từ một con suối. Hạn hán những năm gần đây buộc gia đình phải thích nghi.
“Một con bò uống 80-100 lít nước mỗi ngày. “Chúng tôi có hơn 40 con bò. Chúng tôi cần một lượng nước khổng lồ”, bà Isabelle giải thích.
Năm 2015, trong một đợt nắng nóng, suối cạn nước. Ba năm sau, một đợt nắng nóng và hạn hán khác lại ập đến. Và sau đó một lần nữa vào năm 2022.
Trong thời kỳ hạn hán, quân đội Thụy Sĩ đã cung cấp nước cho đồng cỏ trên núi cao bằng trực thăng. Tuy nhiên, nhà Mottier không có xe bồn để chứa nước. Vì vậy, họ đã lắp đặt một máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời để hút nước từ một con suối thấp hơn và mua một bồn chứa nước lớn để chứa tuyết tan vào đầu mùa.
Tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các sông băng bị thu hẹp dần. Những sông băng lớn nhất đất nước, gồm Aletsch và Rhône, được dự đoán sẽ bị thu hẹp ít nhất 68% vào cuối thế kỷ này.
Để ứng phó, chính phủ Thụy Sĩ đã tăng gấp 4 lần nguồn tài trợ cho các dự án nước trên núi cao. Vào năm 2022, họ đã phê duyệt 40 dự án.
Gần làng Jaun, một đội xây dựng đang lắp đặt cơ sở hạ tầng để cung cấp điện và nước từ một bể chứa mới đến 6 trang trại địa phương. Năm 2022, một số gia đình phải đưa đàn bò xuống núi sớm hơn một tháng vì hạn hán, nắng nóng.
Theo Manuel Schneider, nhà khoa học tại Viện Agroscope của chính Thụy Sĩ, người đang dẫn đầu một nghiên cứu kéo dài 5 năm về đa dạng sinh học và năng suất đồng cỏ trên núi cao, ở các khu vực khác, nhiệt độ ấm hơn đang khiến những cánh đồng cỏ cho năng suất cao hơn.
Những nông dân có trạm vắt sữa di động có thể tận dụng “tính không đồng nhất ở quy mô nhỏ” này bằng cách đưa bò và máy vắt sữa đến những khu vực đồng cỏ như vậy.
“Khi khí hậu thay đổi, bạn cần phải linh hoạt”, Schneider nói.
Nhưng đây không phải giải pháp bền vững cho vấn đề. Ở vùng núi Alps của Italy, gia đình Thomas Comploi đã trúng xổ số nhờ biến đổi khí hậu.
Giống như nhiều nông dân vùng núi cao này, ông chỉ sử dụng một phần đất của mình để sản xuất cỏ khô. Nó quá dốc để gia súc có thể gặm cỏ. Ngày nay, những cánh đồng của ông trồng cỏ nhiều gấp đôi so với 15 năm trước.
Comploi cho biết chính quyền tỉnh Bolzano-South Tyrol đã trả tiền trợ cấp cho ông để phòng chống tuyết lở cũng như quản lý đất đai. “Tất cả những thứ này sẽ biến mất nếu không có nông dân, đồng cỏ sẽ bị bao phủ bởi rừng” ông nói. “Chúng tôi đang giữ gìn truyền thống, niềm đam mê và lối sống”.
Trong các cộng đồng Thụy Sĩ ở Alps, cuộc xuống núi cuối cùng vào cuối mùa hè là dịp kỷ niệm truyền thống hàng thế kỷ đó. Các gia đình thay những chiếc chuông nhỏ trên lưng đàn gia súc của mình bằng những chiếc chuông khổng lồ để báo trước sự kiện.
“Khi bạn đeo những chiếc chuông lớn lên, mọi người biết rằng chúng tôi đang đi xuống”, Eliane Maurer, một người chăn gia súc núi cao, cho hay. Gia đình cô là một trong số hàng chục gia đình đưa khoảng 450 gia súc lên đồng cỏ trên núi trong mùa này. Họ thay phiên nhau đi xuống để không gây tắc nghẽn.
Maurer và gia đình là những người thứ hai rời đi trước khi mặt trời mọc. Họ bước đi dưới ánh trăng tròn. Tiếng chuông bò vọng lại từ những ngọn núi xung quanh vang rền như sấm.