Thay đổi từ nhận thức
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Những năm qua, nhiều mô hình du lịch ở các vùng nông thôn của tỉnh này đã dần hình thành và mang lại những tính hiệu tích cực.
Nằm ở vùng trung du của tỉnh Quảng Ngãi, thôn Bình Thành (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho điều kiện khí hậu, thổ những phù hợp để phát triển các loại cây ăn trái. Ngoài ra, nơi đây còn có các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa và các di tích lịch sử. Đây là lợi thế lớn để địa phương phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Để giúp người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kết hợp với du lịch, thời gian qua, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương đã mở các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong vùng. Nhờ vậy mà giờ đây, khi đến xã Hành Nhân, không khó để bắt gặp những ánh mắt niềm nở, nhiệt tình chào đón du khách gần xa với với sự thân thiện, hồn hậu.
Anh Nguyễn Đức Hiền (trú xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) cho biết, xưa kia, bà con ở đây làm nông chỉ chú trọng đến việc làm ra rồi bán sản phẩm, giá cả phụ thuộc vào thị trường. Qua thời gian làm du lịch, họ còn nhận thấy được rằng, các sản phẩm nông nghiệp mà mình làm ra còn có giá trị về dịch vụ.
“Qua nhiều đợt tham quan ở các nơi, bà con càng thấy được tiềm năng của quê hương mình. Từ đó, họ về nhà, cải tạo lại vườn tược, dọn dẹp vệ sinh giúp làng quê xanh, sạch đẹp để thu hút, đón khách. Người này hưởng ứng theo người khác đã tạo ra một làn gió mới, giúp làng quê ngày một văn minh”, anh Hiền chia sẻ.
Còn tại xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), với đặc trưng là rừng dưa nước rộng lớn, sau khi thành lập vào tháng 4/2023, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê đã vận động được hàng chục thành viên tham gia để phát triển du lịch.
Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê cho hay, hầu hết các thành viên tham gia vào HTX đều là người dân gốc ở địa phương. Trước đây, mọi người chủ yếu làm các nghề sản xuất nông nghiệp truyền thống nên lúc mới chuyển qua dịch vụ du lịch, các thành viên đều rất bỡ ngỡ, e ngại.
“Ngay cả những bộ áo quần đồng phục họ cũng ngại mặc. Thế nhưng, qua tập huấn, tuyên truyền thì bây giờ các tổ, nhóm của HTX đã quen dần và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Điều dễ dàng nhìn thấy nhất là cách giao tiếp, thuyết minh, kể những câu chuyện về văn hóa, lịch sử của địa phương cho du khách để tăng sự hấp dẫn cho chuyến tham quan, trải nghiệm”.
Cộng đồng cùng hưởng lợi
Thôn An Mô (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) có nghề trồng rau truyền thống từ lâu đời. Đi dọc từ đầu đến cuối thôn, đâu đâu cũng bắt gặp những cánh đồng rau xanh mướt với đầy đủ các loại như rau muống, mồng tơi, cải, xà lách, rau dền… Tất cả tạo nên khung cảnh của một làng quê thanh bình. Từ lợi thế sẵn có này, những năm gần đây, người dân cùng với chính quyền địa phương triển khai mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Theo người dân địa phương, nhờ việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nên giờ đây, làng quê thêm phần đông vui, nhộn nhịp. Quan trọng hơn nữa là sản phẩm nông nghiệp của họ làm ra mang lại giá trị cao hơn. Hiện nay, hơn 20 hộ dân xây dựng vườn mẫu phục vụ du lịch ở An Mô đều trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau sạch, chất lượng nên khách tham quan đều ưa thích và sẵn sàng mua về với giá cao hơn thị trường để tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Dung (thôn An Mô) cho biết, trước đây khi chưa phát triển du lịch, bà con canh tác rau theo phương pháp truyền thống, sản phẩm làm ra sẽ được đem xuống chợ bán, giá cả bấp bênh nên thu nhập không ổn định.
“Đến nay, khách du lịch đến vườn trực tiếp mua rau nên người dân đỡ tốn công sức hơn mà lại còn có thêm nguồn thu nhập.
Mỗi vườn rau khi có khách vào thì ngoài mua rau, chủ vườn còn nhận thêm được 1 khoản chi phí tham quan. Không chỉ ở những vườn mẫu mà các vườn rau khác trồng theo hướng hữu cơ, rau sạch cũng bán được với giá cao hơn nhiều so với thị trường. Khi cả cộng đồng cùng nhau canh tác rau sạch thì mọi người đều hưởng lợi không chỉ về kinh tế mà còn tạo được môi trường sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe”, bà Dung chia sẻ.
Không chỉ nâng cao giá trị truyền thống, du lịch cộng đồng còn tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương. Điển hình có thể kể đến điểm du lịch rừng dừa nước Tịnh Khê. Tham gia vào HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê hầu hết là những người lớn tuổi, quanh năm làm công việc đồng áng hoặc khai thác thủy, hải sản, thu nhập không đáng kể. Hiện nay, khi địa phương phát triển du lịch, họ có thêm công việc để kiếm thêm những lúc nhàn rỗi là chèo ghe đón khách.
Bà Nguyễn Thị Tía (69 tuổi, trú Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cho biết, do tuổi đã cao nên công việc chính của bà là đan tàu lá dừa bán cho khách dùng để lợp nhà hoặc quán cà phê với thu nhập khoảng từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. Sau khi tham gia hợp tác xã du lịch, bà Tía là thành viên đội chèo ghe của HTX để chở khách tham quan.
Mỗi chuyến đi như vậy kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng, bà cũng kiếm thêm được 80.000 đồng để trang trải cuộc sống. “Công việc chèo ghe chở khách cũng nhẹ nhàng, ngoài tiền công cố định thì nhiều khi khách du lịch họ còn cho chúng tôi thêm tiền nữa. Những dịp lễ, khách đông thì mỗi người cũng chèo được 7 - 8 chuyến. Giờ già rồi, có thêm công việc vừa kiếm được tiền vừa vui, thoải mái”, bà Tía tâm sự.
Theo anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê, khi địa phương phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ tạo được việc làm cho người dân, thành viên HTX mà còn giúp cho cộng đồng người dân trong vùng cùng hưởng lợi. Theo đó, nhiều hộ gia đình sống gần điểm du lịch đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hàng quán ăn uống, giải khát để kiếm thêm thu nhập. Đồng thời, khi khách du lịch đến thì các sản phẩm nông nghiệp của địa phương cũng dễ dàng tiêu thụ hơn.
“Nếu như khu vực này trước đây hoang vắng thì bây giờ có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, hai bên tuyến đường các quán hàng lần lượt mọc lên, sầm uất hơn hẳn. Khi dịch vụ tốt thì lại càng thu hút được thêm khách du lịch tới tham quan. Thời gian tới, chúng tôi dự định xây dựng thêm các loại hình dịch vụ khác để níu chân khách tham quan ở lại trải nghiệm, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, anh Nguyễn Văn Dũng thông tin.