Lần cuối cùng Ken Kato ăn thịt cá voi là khoảng 30 năm trước và ông cũng không thích thú với trải nghiệm này. Kato biết nó chứa hàm lượng thủy ngân cao cùng các kim loại nặng độc hại khác và ngành đánh bắt cá voi Nhật Bản từ lâu đã không sinh lời, phải nhận trợ cấp từ chính phủ.
Tuy nhiên, ông khẳng định rằng săn cá voi là một phần quan trọng trong lịch sử cũng như văn hóa ẩm thực Nhật Bản và truyền thống này phải tiếp tục bất chấp phản đối từ các quốc gia khác.
"Nhiều người cảm thấy những lời chỉ trích như vậy là một kiểu phân biệt chủng tộc đối với Nhật Bản", Kato, doanh nhân đến từ Tokyo, giải thích.
Nhật Bản rời khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế vào tháng 12/2018, quay trở lại hoạt động săn cá voi không lâu sau đó. Hạn ngạch 379 con cá voi năm ngoái do Cơ quan Thủy sản đặt ra chỉ được đáp ứng một phần.
Cơ quan này đã khơi dậy cuộc tranh luận về ngành săn bắt cá voi của Nhật Bản khi công bố kế hoạch hôm 9/5 bổ sung cá voi vây, loài động vật lớn thứ hai trên trái đất, vào danh sách săn bắt thương mại.
Theo Patrick Ramage, giám đốc cấp cao của Quỹ phúc lợi Động vật Quốc tế, đây là một “chính sách sai lầm” bởi nhu cầu đối với thịt cá voi đang suy giảm.
Mức tiêu thụ thịt cá voi hàng năm tại Nhật Bản đạt đỉnh điểm vào năm 1962 với khoảng 233.000 tấn, nhưng giảm xuống còn 3.000 tấn hoặc ít hơn trong những năm gần đây.
Suốt nhiều thập kỷ Nhật Bản là thành viên của Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế, nước này đã khai thác lỗ hổng về quy định để tiếp tục săn bắt với lý do “nghiên cứu khoa học”. Nhưng nhu cầu hạn chế đến mức phần lớn thịt cá voi đánh bắt chỉ được dùng làm bữa trưa ở trường học trong các cộng đồng chuyên săn bắt cá voi, dùng làm thức ăn cho vật nuôi hoặc lưu trữ kho lạnh.
Năm 2019, chính phủ Nhật Bản đã trợ cấp khoảng 5,1 tỷ yên cho ngành đánh bắt cá voi, nhưng khoản hỗ trợ này sau đó bị cắt và được chuyển thành khoản vay có giá trị khoảng 340 triệu yên (2,2 triệu USD) vào năm 2022.
Chính phủ không giải thích lý do cắt giảm trợ cấp, nhưng động thái này có thể phản ánh những thách thức kinh tế mà Nhật Bản phải đối mặt, như nợ cao và nhu cầu chi tiêu lớn. Nó cũng có thể báo hiệu một nỗ lực nhằm loại bỏ hỗ trợ đối với một ngành đang suy thoái và đối mặt chỉ trích từ quốc tế.
"Việc mở rộng một tập quán săn bắt thất bại trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng đang giảm nhanh chóng là vô nghĩa”, nhà hoạt động Ramage cho biết. “Thật vô lý khi theo đuổi thứ không thể bán được”.
Quỹ Phúc lợi Động vật Quốc tế cũng kêu gọi Nhật Bản không cho phép săn bắt cá voi vây vì mục đích thương mại.
Ren Yabuki, người sáng lập tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật có tên Cơ quan Điều tra Sự sống ở Nhật Bản, cũng phẫn nộ tương tự trước việc mở rộng hoạt động săn bắt.
“Nhu cầu thịt cá voi ở Nhật Bản đã giảm mạnh. Hoàn toàn không thể hiểu được tại sao chính phủ Nhật Bản lại đưa loài mới vào danh sách khai thác thương mại”, ông nói. “Rõ ràng cá voi là không thể thay thế đối với hành tinh và đóng một vai trò quan trọng trong việc cô lập carbon”.
“Xét đến tình trạng hiện tại của trái đất, chính phủ Nhật Bản đang hành động đi ngược lại sự đồng thuận toàn cầu và gây tổn hại đến môi trường mà tất cả chúng ta đang sống. Thế giới cần lên án hành động của chính phủ Nhật Bản”, Yabuki nhấn mạnh
Kato, 54 tuổi, người đam mê săn bắt cá voi, gọi những lời lên án của các chính phủ nước ngoài và các nhóm sinh thái là đạo đức giả “khi việc săn bắt cá voi trước đây được chấp nhận nhưng giờ lại trở thành điều sai trái”.
“Đối với nhiều người, vấn đề không phải là thực phẩm… Tôi không nghĩ nhiều người Nhật thích ăn thịt cá voi, nhưng họ chỉ không thích bị bảo phải làm gì”, ông nói.
“Nếu chúng tôi thỏa hiệp về vấn đề này thì có thể trong tương lai, chúng tôi sẽ phải nhận thông báo rằng mình không được phép ăn sushi nữa. Chúng tôi không thể nhượng bộ trước áp lực bên ngoài đối với những gì là nền tảng cho nền văn hóa của mình”, Kato tuyên bố.
Izumi Tsuji, nhà xã hội học kiêm giáo sư tại Đại học Chuo ở Tokyo, cho hay cuộc tranh luận về thịt cá voi phần lớn bị chia rẽ theo thế hệ ở Nhật Bản.
Trong khi người lớn tuổi có thể mang những “hoài niệm” nhất định về hương vị thì “người trẻ không biết gì về thịt cá voi và cũng không mấy hứng thú”.
Tsuji, người thường xuyên ăn thịt cá voi, nhớ lại khi còn nhỏ đã đọc về món này trong bộ truyện tranh nấu ăn Nhật Bản Oishinbo.
“Bộ truyện này nói rằng chiến dịch chống săn bắt cá voi đặc biệt đến từ Mỹ và là một phần của cuộc tấn công rộng rãi hơn vào văn hóa công nghiệp Nhật Bản, chẳng hạn như việc ô tô Nhật Bản trở nên phổ biến ở Mỹ. Chúng tôi tin rằng tất cả đều là một phần của các cuộc tấn công tương tự nhằm vào Nhật Bản”, ông giải thích.
“Vì vậy, đây không còn là vấn đề thực phẩm nữa mà là vấn đề chính trị và Nhật Bản không thích phần còn lại của thế giới bảo chúng tôi phải làm gì”, Tsuji nói.