Theo đó, răng nanh từ hà mã, cá voi sát thủ và hải tượng cũng sẽ bị cấm theo luật mới để bảo vệ những loài động vật quý hiếm khỏi bị săn bắt.
Đạo luật về ngà được thông qua từ năm 2018 nhằm bảo vệ ngà voi, song đạo luật này vẫn tồn tại một lỗ hổng, trên thực tế, các con vật như hà mã cũng trở thành mục tiêu săn bắt để lấy răng - chất liệu cứng như ngà voi.
Sau một buổi tham vấn, các bộ trưởng của Anh đã quyết định thắt chặt lệnh cấm, áp dụng với tất cả các loài có răng nanh, ngà và sừng quý để bảo vệ chúng khỏi nạn săn bắt và lấp lỗ hổng trong lệnh cấm hoạt động buôn bán ngà.
Các bộ trưởng cho biết hà mã là loài có nguy cơ bị buôn bán răng cao nhất sau voi, trong khi các loài động vật khác đã và đang bị đe dọa bởi khủng hoảng khí hậu. Giới chức Anh cũng cho biết việc tiếp tục buôn bán ngà, răng, sừng của các con vật có thể khiến mối đe dọa về sự tiệt chủng của các loài này ngày càng nghiêm trọng.
Lệnh cấm ngà voi tại Anh vấp phải nhiều thách thức trước làn sóng phản đối lớn từ các nhà buôn đồ cổ.
Trudy Harrison, quan chức về đa dạng sinh học thuộc Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra), cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng trong việc thực hiện một trong những cam kết quan trọng của chúng tôi về bảo tồn quốc tế.
Đạo luật về ngà là một trong những lệnh cấm cứng rắn nhất trong các loại lệnh cấm liên quan đến động vật trên thế giới. Với việc mở rộng đối tượng bảo vệ pháp lý đối với 5 loài khác, chúng tôi đang gửi đi một thông điệp rõ ràng tới thế giới rằng việc buôn bán ngà, răng, sừng động vật vì mục đích thương mại là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
“Vương quốc Anh từ lâu đã là quốc gia đi đầu trong việc bảo tồn và lệnh cấm của chúng tôi thể hiện quyết tâm không ngừng nghỉ trong việc làm tất cả những gì có thể để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới”, Trudy Harrison nói.
Ngà voi được sử dụng làm đồ trang trí, nhạc cụ và đồ trang sức, và các mặt hàng khác. Loài vật này bị săn trộm trên toàn cầu để kiếm lời từ các thị trường có nhu cầu lớn.
Các tổ chức từ thiện hoan nghênh lệnh cấm. Frances Goodrum, người đứng đầu các chiến dịch và chương trình tại Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật Vương quốc Anh, cho biết: “Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy lệnh cấm có tác động tới hoạt động buôn bán ngà voi đã khích lệ chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, các loài vật khác như hà mã, cá voi sát thủ, hải mã, kỳ lân biển, cá nhà táng vẫn đang bị buôn bán cho nhu cầu không cần thiết về các sản phẩm liên quan đến ngà, răng, sừng. Chúng tôi rất hoan nghênh quyết định mới của Defra trong việc mở rộng lệnh cấm này và tin tưởng rằng về lâu dài, lệnh cấm sẽ có hiệu quả trong việc quản lý hoạt động buôn bán động vật. Đây là một bước tiến mới trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ thế giới tự nhiên”.