Sông Hương huyền nhiệm

Hồ Đăng Thanh Ngọc - Thứ Bảy, 15/10/2022 , 12:56 (GMT+7)

Nếu có một cuộc bình chọn dòng sông đẹp nhất thế giới, hẳn trong nhiều người, sông Hương phải được xướng danh đầu tiên.

Khoảng năm 1990, cuộc thi “Duyên dáng Cố đô” dành cho nữ sinh ở Huế có một câu hỏi đầy cảm xúc: “Nếu sau một đêm ngủ dậy, bỗng nhiên sông Hương chảy ngang thành phố Huế không còn nữa, em sẽ như thế nào?”. Cô nữ sinh nghe xong câu hỏi đã không chần chừ đưa ngay bàn tay đặt lên ngực và nói: “Lúc đó trái tim em sẽ vỡ mất!”. Cả khán phòng ồ lên, Ban giám khảo lúc đó gồm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bửu Chỉ, nhà văn Trần Thùy Mai cũng đứng lên vỗ tay tán thưởng…

Câu trả lời cho thấy rằng bao nhiêu thế hệ người Huế đã tiếp nối yêu quý “con sông dùng dằng, con sông không chảy” này biết bao nhiêu. Mà đâu phải chỉ người Huế mới yêu mến sông Hương!

Nếu có một cuộc bình chọn dòng sông đẹp nhất thế giới, hẳn trong nhiều người, sông Hương phải được xướng danh đầu tiên.Ảnh: Phongnhaexplorer.

Từ xa xưa, sông Hương không chỉ đẹp trong mắt người lữ khách, nó dường như đã in sâu vào tâm cảm bao người; sông ấy không chỉ đẹp qua bao biến thiên thăng trầm lịch sử, nó còn đẹp trong tâm hồn bao thế hệ; sông ấy không chỉ là món quà của thiên nhiên ban tặng, sông ấy còn là một dòng sông tâm thức… Ta đến với sông Hương xứ Huế như đến với một cuộc đời kỳ lạ, một dòng huyền nhiệm giữa đất trời. Đó là một đời sông mãnh liệt thác ghềnh song lại rất đỗi hiền hòa cho con người soi bóng, vừa hoành tráng vừa diễm lệ, vừa thơ mộng song cũng đầy minh triết... Sông Hương do vậy, ngoài cảnh quan tuyệt bích do thiên nhiên ban tặng, còn là dòng sông tâm linh, dòng sông lịch sử, dòng sông di sản…

Sông Hương có từ bao giờ? Đến nay chưa ai đoan chắc được tuổi của nó. Những ngày “người đọc sử dưới đáy sông Hương” - Hồ Tấn Phan còn sống, ông khoe với tôi những mẩu gốm cổ đại ông thu được dưới lòng sông Hương và quả quyết, sông Hương thuộc vào danh sách những con sông già nhất thế giới.

Một câu hỏi khác: “Tên sông từ đâu mà có?”. Ô, đây là một câu hỏi cắc cớ đã hàng trăm năm qua có quá nhiều cách trả lời.

Theo sách xưa, trước khi mang tên “Hương”, con sông theo thời gian có những tên gọi khác nhau. Sách "Dư địa chí"của Nguyễn Trãi (năm 1435) viết tên sông Linh. Sách "Ô châu cận lục" do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, viết tên sông là Kim Trà đại giang. Sách "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn viết năm 1776, gọi tên sông là Hương Trà. Nhiều tài liệu khác cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Linh Giang, Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục...

Có nhiều giai thoại kể về tên sông. Chuyện giấc mơ người đàn bà nhà trời trao cho Chúa Nguyễn Hoàng nén hương khi tuần du trên sông Hương tìm đất định đô năm 1601, bóng gió tên sông Hương là chỉ nén hương huyền thoại đó. Một dã sử khác chưa được kiểm chứng: Năm 1792, trong chuyến tuần du, Vua Quang Trung hỏi cận thần sông đang đi tên gì? Cận thần đáp rằng đoạn vừa đi qua tên Đan Điền, đoạn này tên Hương Trà, trước đây lại có tên Kim Trà. Vua không hài lòng, bảo sao lại lấy địa danh hữu hạn, thường thay đổi đặt tên cho sông là muôn thưở, bèn phán rằng từ nay thống nhất gọi là Hương Giang từ nguồn cho đến biển.

Thoát khỏi cách lý giải tên sông Hương gắn liền với lịch sử, dân gian cũng có những cách lý giải thú vị của riêng mình: Trên nguồn sông, hai bên bờ tả, hữu trạch có giống cỏ thạch xương bồ là một vị thuốc trường sinh, có mùi thơm, người ở hai bờ đã nấu nước cỏ thạch xương bồ cùng trăm hoa đổ xuống lòng sông, dòng nước nhờ thế đã thơm tho mãi mãi. Hương Giang tức sông thơm bởi đó mà có danh vậy.

Sông Hương luôn hiện hữu trong trái tim của biết bao thế hệ người Huế. Ảnh: WWK.

Hệ thống sông Hương dài 104km, độ cao đầu nguồn là 900m, diện tích lưu vực là 2.830km2. Nguồn sông có hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch lắm thác nhiều ghềnh. Nhánh Tả Trạch xuất phát từ Động Dài, chảy qua 55 ngọn thác lớn đến ngã ba Bằng Lãng. Nhánh Hữu Trạch bắt đầu từ phía đông núi Chấn Sơn, chảy qua 14 ngọn thác lớn rồi đến nhập với Tả Trạch ở ngã ba Bằng Lãng.

Nhưng từ trên đầu nguồn, đã có những đời sông với những tên khác. Ví như ở thôn A Rí, xã Hương Nguyên (A Lưới) thì gọi sông Hương nơi đầu nguồn là sông A Rí. Phía trên dòng Tả Trạch có những bộ tộc Ka Tu, Tà Ôi hàng trăm trăm năm trước đã gọi sông Hương nơi đầu nguồn là sông A Moong, xem đây là sông thiêng của chung tất cả mọi người. Khi ai có buồn phiền, đau khổ gì thì cứ đắm mình xuống sông, dòng nước sẽ tẩy rửa mọi ngọn nguồn đau khổ.

Nơi đại ngàn sông Hương ngày xưa cũng đã từng tồn tại một hủ tục rùng rợn: “Săn đầu người”. Những người đàn ông Katu thuở đó đã tiến hành các cuộc tiến công để săn đầu người hay máu của các bộ tộc khác để tránh bị mất mùa, dịch bệnh hoặc để trả thù khi người trong bản làng bị xúc phạm. Hủ tục này giờ chỉ còn trong câu chuyện huyền thoại bập bùng bên bếp lửa. Phía đại ngàn có một cái thác nổi tiếng gọi là thác Cọp, đây là ngọn thác hùng vĩ cao gần 100m. Từ hàng trăm năm qua, con trai các bộ tộc dọc sông A Moong đều xem việc đến được thác Cọp như là một chứng nhận cho việc mình đã trưởng thành.

Hành trình sông Hương từ nguồn cho đến biển chính là hành trình của cái đẹp, đầy cam go nhưng vô cùng thánh thiện. Nơi đầu nguồn, rừng già đã hun đúc cho sông Hương một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do, trong sáng và phóng khoáng. Rồi ngay từ khi vừa ra khỏi vùng núi, sông chuyển dòng một cách liên tục, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Sông Hương vui tươi hẳn lên khi chảy về giữa những bãi biền xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét hiền hòa về với cầu Trường Tiền in những vành trăng non lên nền trời bát ngát.

Ở đoạn chảy qua đô thị Huế, sông Hương có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên hệ thống thủy đạo trong Kinh thành cố đô. Người xưa đã tận dụng các chi lưu sông Bạch Yến, sông Kim Long để cải tạo thành Ngự Hà (sông Vua). Các chi lưu và sông đào như sông Lợi Nông, sông Thiên Lộc, sông Kẻ Vạn, sông Đông Ba... đều bắt nguồn từ sông Hương và gắn bó với đời sống người dân xứ Huế. Ai lớn lên nơi xứ Huế mà không nghe những câu "sông An Cựu nắng đục mưa trong". Những chuyến đò dọc chở sản vật từ các miền quê lên Huế hay từ Huế đi muôn phương đều bắt đầu từ bến đò sông Đông Ba, gắn với câu ca dao xưa thật là xưa: “Con đi đò dọc mẹ liều con hư”… Ở hạ lưu, sông Hương hội nhập với sông Bồ tạo nên một Ngã Ba Sình mênh mông bát ngát. Sông Hương cùng với sông Bồ và sông Ô Lâu tạo thành phá Tam Giang trong hệ phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á.

Hành trình sông Hương từ nguồn cho đến biển chính là hành trình của cái đẹp, đầy cam go nhưng vô cùng thánh thiện. Ảnh: Mia.

Cùng tồn sinh và khát vọng cùng sông Hương qua bao năm tháng, là những làng quê ven sông, nơi nuôi dưỡng và ôm ấp cho nền văn hóa Huế sinh sôi này nở. Đó là “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương”; là miền hoa thơm trái ngọt Kim Long; vườn thanh trà Lương Quán - Nguyệt Biều; là phường Đúc mà từ mảnh đất này, người dân đã sản sinh ra những Cửu đỉnh, những Cửu vị Thần công… Xuôi về là Vỹ Dạ tre trúc, những “hàng cau nắng mới lên” trong thơ Hàn Mặc Tử. Dọc hai bên hạ lưu sông, là những miền phủ đệ của con vua cháu chúa, các quan lại với nếp sống quý tộc nay vẫn còn phảng phất. Xuôi về nữa là Địa Linh, làng quê có nghề làm bài tới, hô bài chòi, để nay góp phần làm nên di sản thế giới. Về nữa là Ngã Ba Sình với nền văn hóa tranh dân gian làng Sình nổi tiếng. Làng hoa giấy Thanh Tiên với những chuyến đò qua sông Hương bao giờ cũng chở theo bao nhiêu là sắc xuân khát vọng…

Triều Nguyễn xây dựng Kinh thành Huế với trục chính Ngự Bình - Hương Giang, tuân thủ nguyên tắc phong thủy Đông phương. Kinh thành Huế lấy núi Ngự Bình làm bình phong che chắn cho Kinh thành, sông Hương làm yếu tố minh đường; cồn Hến, cồn Dã viên trên sông làm tả thanh long, hữu bạch hổ; có hệ thống sông Kẻ Vạn, An Hoà, Đông Ba và sông Hương làm Hộ Thành Hà. Nghĩa là đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết cho một đô thành của một vị vua Á đông...

Trong con mắt các nhà kiến trúc thời Nguyễn, sông Hương có một vai trò đặc biệt quan trọng về nhiều mặt: Trục quy hoạch chính nối liền Kinh thành với vùng đền miếu lăng tẩm ở phía Tây và các khu vực thương nghiệp, cảng thị ở phía Đông...

Tất cả những sự kiện trọng đại trong dòng chảy lịch sử của đất nước đều soi bóng xuống dòng Hương. Và dù bao biến động, sông Hương vẫn thủy chung một dòng cho đất trời xứ Huế. Ảnh: Phongnhaexplorer.

Những năm gần đây, thành phố Huế đã phong quang những con đường, cây cầu đi bộ ven sông Hương cho người dân và du khách tiệm cận dòng sông, có dịp soi bóng mình trên dòng sông quá đỗi hiền hòa. Ở đó, con người có thể đắm mình cùng không gian sông Hương - “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Cao Bá Quát). Một ngày đẹp nắng, những phản quang mây trời xứ Huế sẽ cho ta thấy cách chuyển màu của sông Hương: “sáng xanh, trưa tím, chiều vàng”.

Tím Huế, như một thi nhân đứng bên bờ sông Hương và thảng thốt: “Chao ơi, nhân loại tím!”. Quả thật sông Hương có những chiều tím ngát, tím như từ chân núi tím ra, tím như theo gió biển khơi lan ngược lên nguồn, tím như một niềm hoài vọng, tím như thể ánh sáng chân trời chỉ có thể là màu ấy, lúc ấy, giờ ấy, khoảng khắc ấy, như ai đó chờ ai…

Không gian Huế, cùng với màu trời tạo nên một cảm giác bình yên kỳ lạ, như là triết lý sống của người Huế. Để hiểu thêm màu thiền chốn Thần kinh, buổi chiều nên nhìn sông Hương từ Đồi Vọng Cảnh, sẽ thấy màu thiền trôi dần từ đại ngàn về biển khơi xanh thẳm, như tính cách người Huế muốn dòng đời trôi bình thản như những chiếc thuyền rẽ sóng dưới kia.

Và đêm xuống, sông Hương thao thiết chảy vào lòng Huế như chảy về miền cổ tích với những câu chuyện huyền thoại. Tiếng mái chèo khoả nước trong đêm cũng mang những nỗi niềm thẳm sâu khác lạ. Trên con sông này, từ xưa đến nay có bao nhiêu câu chuyện thế thái nhân tình lúc màn đêm buông xuống, lúc ánh trăng lên. Nhưng câu chuyện nhân hậu cuối cùng bao giờ cũng được kết thúc bằng một ánh hoa đăng chở theo niềm hy vọng… Chợt nhớ ba trăm năm trước trên chiếc thuyền nan, Đại thi hào Nguyễn Du đã viết câu thơ ngang trời xứ Huế: “Hương Giang nhất phiến nguyệt/ kim cổ hứa đa sầu”…

Trong dòng lịch sử, sông Hương chảy qua một vùng đất có nhiều biến động gắn với vận mệnh đất nước. Năm 1636, Huế là trị sở của Đàng Trong. Năm 1687 là chính dinh Phú Xuân. Năm 1788 là nơi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Năm 1802, Nguyễn Ánh đặt Phú Xuân làm kinh đô triều Nguyễn. Trước năm 1945, Huế là tỉnh lỵ Thừa Thiên và thủ phủ Trung kỳ. Ngày 23/8/1945, Huế là nơi diễn ra lễ thoái vị và trao ấn kiếm của Vua Bảo Đại cho chính quyền cách mạng, chính thức cáo chung chế độ phong kiến ở Việt Nam…

Hồ Đăng Thanh Ngọc
Tin khác
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.