Tôm và cá ngừ là 2 trong số những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, 2 mặt hàng này đã được xuất khẩu sang thị trường UAE.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), UAE hiện nằm trong số 20 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, với kim ngạch trên dưới 20 triệu USD/năm. Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, UAE đứng thứ 16 trong những thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đi các thị trường.
Sau khi sụt giảm trong năm 2023, xuất khẩu tôm sang UAE trong năm nay đã tăng trưởng mạnh trở lại. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 7,4 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm.
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho biết, các sản phẩm tôm xuất khẩu chính sang thị trường UAE gồm tôm sú tươi đông lạnh, tôm chân trắng PDTO hấp đông lạnh, tôm EZP tươi đông lạnh, tôm sú nguyên con đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh, tôm PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng tươi đông lạnh, tôm chân trắng Nobashi tươi đông lạnh...
Tại thị trường UAE, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh với 2 đối thủ mạnh là Ấn Độ và Ecuador. Hiện Ấn Độ đang chiếm tới 60 - 70% thị phần tôm nhập khẩu của UAE nhờ tận dụng tốt lợi thế về thuế quan. Tôm Ecuador mới xâm nhập thị trường UAE mấy năm gần đây và đang chiếm thị phần 15%.
So với 2 nguồn cung nói trên, tôm Việt Nam gặp bất lợi hơn trên thị trường thế giới cũng như ở UAE do giá thành sản xuất cao hơn. Trong khi đó, 2 yếu tố quan trọng nhất để cạnh tranh trên thị trường tôm UAE là giá và chất lượng. Tôm Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng do gặp bất lợi về giá nên hiện chỉ mới chiếm 5 - 7% tại thị trường này.
Tuy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường UAE vẫn còn khiêm tốn, nhưng đây vẫn được coi là thị trường tiềm năng cho tôm Việt Nam. Trước hết, UAE là cửa ngõ quan trọng, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có tôm, tiếp cận và mở rộng ra các thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Với Hiệp định CEPA mới được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất, qua đó có thể tăng thị phần tại thị trường UAE.
Không chỉ tôm, một mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam là cá ngừ cũng sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu vào thị trường UAE nhờ Hiệp định CEPA. Cũng theo VASEP, từ năm 2021 đến nay, xuất khẩu cá ngừ sang UAE liên tục tăng trưởng. năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang UAE đạt gần 4 triệu USD, tăng 139% so với năm 2019.
Việt Nam hiện đang là một trong ba thị trường cung cấp cá ngừ lớn nhất cho UAE. Cá ngừ Việt Nam nhập khẩu vào UAE chủ yếu là các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh, ngoài ra còn có cá ngừ đóng hộp.
Hiện nay, cá ngừ nhập khẩu vào UAE đang phải chịu thuế 5%. Vì vậy, với Hiệp định CEPA, khi thuế nhập khẩu với thủy sản từ Việt Nam về 0%, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn hơn cho cá ngừ Việt Nam trước các nguồn cung khác tại thị trường này. Đây là cơ hội để cá ngừ Việt Nam có thể mở rộng thị trường tại UAE trong thời gian tới.
Tuy có lợi thế từ Hiệp định CEPA, nhưng theo VASEP, tôm hay cá ngừ Việt Nam muốn xuất khẩu vào UAE một cách thuận lợi hơn, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho sản phẩm tôm hay sản phẩm cá ngừ xuất khẩu vào thị trường này.
Tiêu thụ thủy sản ở UAE đang có xu hướng tăng lên do sự gia tăng dân số, tăng thu nhập và người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ, ngày càng quan tâm hơn tới protein thủy sản. Hiện tại, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở UAE cao hơn mức trung bình của thế giới. Mặt khác, trong cơ cấu kinh tế của UAE, nông nghiệp chiếm chưa tới 1%, do đó 90% lượng thủy sản tiêu thụ của quốc gia này là thủy sản nhập khẩu. Nền kinh tế của UAE lại rất ổn định. Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm, cá ngừ và các thủy sản khác sang UAE sau khi Hiệp định CEPA chính thức có hiệu lực.