Tập trung giai đoạn ra hoa
Là người có hàng chục năm kinh nghiệm trong sản xuất nhãn, anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết, chu kỳ khai thác và chăm sóc cây nhãn rất dài. Bắt đầu từ năm thứ 3, nhãn có thể bói quả. Do đó, thời gian này bà con nên tích cực thăm vườn, nhất là giai đoạn ra hoa, đậu quả. Bên cạnh việc bón thúc dinh dưỡng, công đoạn cắt tỉa cũng rất quan trọng để cây “dồn sức” nuôi quả, cho quả to đều, mã đẹp, cùi dày và nước ngọt sắc.
“Thông thường tôi chỉ để lại khoảng 50 - 70% số lượng chùm”, anh Mười chia sẻ bí quyết. Theo lời người nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2024, trước đây các hộ dân trên địa bàn Sông Mã có thói quen canh tác với giống nhãn cỏ (nhãn địa phương). Do không chú trọng việc tỉa cành, tạo tán, quả khi thu hoạch thường to, nhỏ không đều. Hàm lượng chất dinh dưỡng, độ ngọt, cũng như phần cùi khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Làm như vậy, khó bảo đảm sức khỏe cây, cũng như tốn nhiều chi phí phân bón, thuốc BVTV hơn.
Trong thời gian cây nhãn ra hoa, cây cần nhiều nước để giúp hoa ra đồng loạt và phát triển tốt. Vào giai đoạn hoa nở, nếu gặp trời mưa, cần rung cây để nước trên chùm hoa và cánh hoa đã tàn rụng xuống, tạo điều kiện cho chùm hoa nhanh khô, tăng cường khả năng tung phấn của hoa, tránh tạo môi trường thuận lợi cho nấm bệnh gây hại.
Đến giai đoạn mang quả, thiếu nước, quả sẽ không lớn được. Năng suất, phẩm chất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, anh Mười luôn đảm bảo công tác tưới nước, duy trì độ ẩm cho cây. Đặc biệt, khi bước vào lúc chín, quả đã sinh trưởng tương đối đầy đủ và chuyển sang giai đoạn tích lũy, chuyển hóa các chất trong quả. Bấy giờ, người dân tuyệt đối tránh tưới nhiều nước, bởi thừa nước cộng với điều kiện nắng nóng trong những tháng hè có thể gây ra hiện tượng nứt quả, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển, gây hại.
Nhãn có thể chín vào nhiều thời điểm khác nhau, vì vậy cần thu hoạch vào những ngày trời tạnh ráo. Nên thu hoạch vào buổi sáng hoặc buổi chiều muộn, tránh thu hoạch vào giữa trưa khi trời quá nóng vừa đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, vừa giữ sức khỏe cho người thu hái.
Trước khi thu hoạch, người dân nên quan sát và chọn những khu vực có quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu vàng, vỏ quả xù xì hơi dày chuyển sang mỏng và nhẵn. Quả nhãn lúc “ăn được” thường mềm, cùi có vị thơm, độ Brix khi ấy sẽ đạt khoảng 20% (tùy giống). Nếu sử dụng để làm long nhãn, bà con có thể tập trung thu hái sớm hơn, khi quả đạt khoảng 80 - 90% độ chín so với ăn tươi.
Anh Lường Văn Mười tiết lộ, những biện pháp chăm sóc sau thu hoạch cũng rất quan trọng, giúp cây mau chóng phục hồi sức sinh trưởng, làm cơ sở cho việc tích lũy dinh dưỡng phục vụ ra hoa, đậu quả vụ tiếp theo. Thời kỳ này, nếu thiếu nước sẽ làm cây không hấp thu được dinh dưỡng trong đất, chậm phát sinh các đợt lộc. Lộc sinh trưởng còi cọc. Nếu nghiêm trọng hơn, lộc sẽ bị héo, lá già chuyển sang vàng và có thể rụng một phần hoặc rụng toàn bộ lá.
Nhờ những kinh nghiệm của người nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2024, các thành viên và hộ tham gia liên kết sản xuất ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười có khoảng 20ha nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời được Chi cục Trồng trọt - BVTV Sơn La cấp 10 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Australia, Trung Quốc, EU.
Làm đến đâu chuẩn đến đấy
Nhãn trồng tại Sông Mã hiện nay chủ yếu được lai ghép với nhãn Miền Thiết hoặc T6. Từng ghép hàng nghìn gốc nhãn cho bà con và thành viên HTX, Giám đốc Lường Văn Mười nhận thấy, đối với cây nhân giống bằng phương pháp ghép, cần tiến hành bấm ngọn để tạo cành cấp 1 hoặc cành cấp 2 ngay khi cây có chiều cao 0,8 - 1m. Khi cành cấp 1 hoặc cấp 2 phát sinh và sinh trưởng được thêm 50 - 70cm, tiếp tục bấm ngọn để tạo các cành cấp 2 hoặc cấp 3, cứ như vậy đến khi cây có bộ khung đến cành cấp 3 phân bố đều.
Đối với cành chiết, chọn để lại 2 - 3 cành cấp 1 phân bố đều về các hướng. Khi cành cấp 1 dài 50 - 70cm tiến hành bấm ngọn để tạo cấp cành tiếp theo như đối với cây nhân giống bằng phương pháp ghép.
Sau khi trồng xong, cây nhãn cần được tưới đậm nước để giữ ẩm. Ngoài ra, bà con phải hạn chế cỏ dại xung quanh gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô. Trong tháng đầu tiên, cứ 2 ngày tưới nước bổ sung một lần. Các tháng tiếp theo, chu kỳ tưới thưa dần và phụ thuộc vào thời tiết. Nếu nắng trời nắng to cần phải tưới liên tục và có biện pháp che nắng cho cây.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 20.000ha nhãn, trong đó 1/3 diện tích nằm tại huyện Sông Mã. Vài năm trở lại đây, huyện phối hợp Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN-PTNT) đẩy mạnh trồng nhãn chín sớm (đến nay có khoảng 500ha), với giá bán cao hơn gấp 2 - 3 lần so với nhãn chính vụ.
Do không phải người dân nào cũng đủ vốn, nhân lực để một vụ trồng mấy hecta nhãn, nên anh Mười khuyên “làm đến đâu chuẩn đến đấy”, bắt đầu ngay từ việc đào hố. Công đoạn tưởng như đơn giản này cũng dựa trên nguyên tắc: Đất xấu đào hố to, đất tốt đào hố nhỏ. Mục đích đào hố là cải tạo hóa tính và lý tính của vùng đất nơi trồng cây bằng cách làm cho đất tơi xốp, bổ sung dinh dưỡng cũng như cải tạo độ pH của đất trồng.
Thông thường kích thước hố dài x rộng x sâu là 0,8x0,8x0,6m, vùng đồi đất xấu cần đào hố to hơn, kích thước tương ứng là 1x1x0,8m. Tại những vùng nông nghiệp trọng điểm như Sơn La, nơi có lượng phân chuồng tương đối nhiều, bà con nên bón lót mỗi hố khoảng 30 - 50kg phân chuồng. Cùng với vôi bột và một số loại phân bón khác, toàn bộ lượng phân được trộn đều với lớp đất đào từ hố lên, sau đó lấp lại. Công việc chuẩn bị hố trồng, bón lót nên được tiến hành trước khi trồng khoảng 1 tháng.
Cây nhãn có thể trồng trên nhiều loại đất từ vùng nước ngọt quanh năm đến vùng nhiễm mặn, nhưng phù hợp nhất là đất cát, cát pha và phù sa ven sông, đất có độ pH từ 5,5 - 6,5. Nhãn không thích hợp trên đất sét nặng và quá ẩm ướt. Vì vậy, những nơi thường bị ngập nước vào mùa mưa cần đào mương, lên liếp hoặc đắp ụ để tránh ngập úng. Vùng đồi núi thấp như tại Sông Mã, người dân có thể trồng theo đường đồng mức. Lưu ý với những vườn trồng mới diện tích hơn 5ha thì cần chia lô, quy hoạch đường giao thông nội đồng và thiết kế hàng cây chắn gió.
Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, thường là 2 năm đầu, người dân cần chú ý đào rãnh quanh cây theo hình chiếu tán, rãnh rộng 20 - 30cm, sâu 20 - 25cm, đồng thời rải phân hữu cơ xuống trước, sau đó mới lấp đất và tưới nước.
Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Sơn La khuyến cáo, thời vụ tốt nhất để trồng nhãn trên địa bàn là vào đầu mùa mưa, khoảng từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Nếu có thể chủ động được nguồn nước tưới, bà con chủ động lịch thời vụ để trồng sớm hoặc muộn hơn, tùy theo điều kiện cụ thể cũng như vật tư nông nghiệp sẵn có.