| Hotline: 0983.970.780

Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin

Thứ Năm 05/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

Người dân thu hái chè tại huyện Thuận Châu. Ảnh: Đức Bình.

Người dân thu hái chè tại huyện Thuận Châu. Ảnh: Đức Bình.

Bám rễ, bền gốc hàng chục năm

Đi qua TP Sơn La khoảng một tiếng chạy xe về hướng đèo Pha Đin, bỗng thấy nhà cửa, bản làng lùi cả lại. Một khoảng không thoáng đãng hiện ra trước mắt, ẩn hiện phía sau làn sương mờ là những rặng núi xanh ngát.

Được xem là cái nôi của văn hóa Thái cổ xưa nhất, với các tác phẩm văn học thuộc dạng điển hình, được ghi vào sách giáo khoa như tập truyện thơ tình Khun Lú - Nàng Ủa dài 2.000 câu; hay Xống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu) có hơn 1.800 câu thơ trữ tình, nhưng Thuận Châu cũng là nơi khô hạn bậc nhất của tỉnh Sơn La. Trước năm 2010, người dân tại một số bản vùng cao, vùng xa của Thuận Châu vẫn phải bỏ tiền đi mua nước sinh hoạt, với giá khoảng 300.000 đồng cho 1 xe 6 khối nước.

Nhắc tới nước, chị Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái lại cười ngất. Là con thứ 8 trong gia đình có 9 anh chị em, chủ thương hiệu chè Trọng Nguyên bảo, ngày bé được bố mẹ ưu tiên không phải đi gánh nước, nhưng rất nhiều lần bị đánh thức bởi tiếng quang, gánh, thùng, chậu va nhau loảng xoảng từ lúc trời còn nhập nhoạng. Mấy anh chị lớn được bố mẹ huy động cùng lên mó nước, cách nhà 2 - 3 quả đồi. Mỗi lần gồng gánh như vậy cũng chỉ đủ lấp 2/3 lu nước cỡ lớn để trước nhà, thứ được gia đình chị coi như bảo vật.

Nguồn sống của gia đình mười mấy con người trông cả vào chiếc lu ấy. Từ lúc chưa cắp sách đến trường, chị Bình đã được chỉ dạy phải dùng nước hết sức tiết kiệm. Thế mới có chuyện, căn nhà nhỏ đầy ắp xoong, nồi, chậu… những vật dụng có thể chứa được nước. Ngoài phần nước được trữ riêng, chỉ dùng để ăn, uống, số còn lại sẽ “tuần hoàn” nhiều lần, chẳng hạn chậu nước sau khi vo gạo, rửa rau sẽ được dùng để rửa chân tay, cuối cùng mới là tưới rau. Vì nhà giữa khe núi, tương đối mát và giữ được độ ẩm nhất định, nên gia đình chị trồng khá nhiều rau, những vụ nước nhiều, rau có thể được mấy anh chị em mang đi bán.

Nói như vậy nhưng kể cả tới lúc lập gia đình vào năm 1993, rồi sau đó bươn chải kiểm sống suốt những năm 2000, chị Bình không mảy may nghĩ đến việc đi lên bằng nông nghiệp. Đó cũng là tâm sự của hàng trăm hộ dân bản Kiến Xương (tên bản được lấy theo một huyện ở Thái Bình, cùng đi lên làm kinh tế mới). Họ e dè cũng là dễ hiểu, bởi nước ăn có khi còn thiếu thì lấy đâu ra để tưới cây, chứ chưa nói đến sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Bình (ngoài cùng bên trái) thăm vùng liên kết sản xuất chè của người dân. Ảnh: NVCC.

Chị Nguyễn Thị Bình (ngoài cùng bên trái) thăm vùng liên kết sản xuất chè của người dân. Ảnh: NVCC.

Nhớ lại những ngày tháng gian khó ấy, anh Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La thừa nhận, nước ở nhiều vùng tại Sơn La có đặc tính đá vôi. Nếu hệ thống dẫn nước không được kiểm tra, bảo trì thường xuyên, có thể bị cặn ở ngay đầu vòi, hoặc giảm áp sau một thời gian sử dụng. Vì lý do này, mà cây chè, với đặc điểm cần ít nước tưới, có khả năng chống chịu với khô hạn thời gian dài, bám trụ với đất Thuận Châu như một lẽ tự nhiên.

Chè mọc tại Thuận Châu đã từ lâu lắm, theo lời chị Bình, bắt nguồn từ chính những người Thái Bình lên vùng cao lập nghiệp thập niên 1960. Họ trồng chè một phần vì nhớ quê hương, nhớ kiểu uống “chè cắm tăm” thời ở chốn cũ. Dù kinh tế khó khăn, mỗi hộ gia đình đều tự trồng được mấy luống chè, phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Cái ăn, cái mặc có thể bớt đi một chút, nhưng tuyệt nhiên sau bữa cơm không thể thiếu ngụm chè mà ngay khi nhấp môi đã thấy đắng đầu lưỡi. Vị chè từ từ lan khắp khoang miệng tới lúc đến cổ họng thì răng lưỡi xít hết lại.

Chè bám sâu rễ, bền gốc tại huyện vùng cao nhưng diện tích tương đối thưa vào thập niên 1990. Đa số phát triển tự phát, theo kiểu tự cung tự cấp là chính. Thỉnh thoảng cũng có người từ dưới xuôi lên thu mua số lượng lớn, nhưng cây chè ở Phổng Lái nói riêng và Thuận Châu nói chung đối với bà con thuộc dạng “không biết trồng gì thì đi trồng chè”.

Bước ngoặt cho cây chè

Cây chè lay lắt ở bản Kiến Xương thế nào, chị Trần Thị Tuyết là người nắm rõ bậc nhất. Tính đến nay, chị có ngót nghét 20 năm gắn bó với loại cây công nghiệp này và đã thử đủ cách để kiên gan với những nương chè. Lúc thì trồng chè dưới tán bưởi để tăng gia, khi thì hoãn chăm vài vụ để chè mọc tự nhiên rồi đầu tư thử nghiệm sang giống vật nuôi khác. Ấy vậy mà vẫn không ăn thua, rồi lại quay về với chè.

Nỗi niềm của chị Tuyết càng trở thành căn bệnh trầm kha vào thời điểm năm 2012, khi ấy chè Phổng Lái rơi vào khủng hoảng, năng suất, chất lượng, giá thành... giảm sút, nhiều hộ dân đã nghĩ đến việc phá bỏ cây chè để chuyển hẳn sang loại cây trồng khác. Trùng hợp là chị Bình, người cũng đã lăn lộn, bươn chải bằng nhiều ngành nghề khác nhau, cũng quyết tâm trở về làm giàu trên mảnh đất quê hương, để không đánh mất cây chè.

Sau bao nhiêu năm, cây chè đã bám chắc rễ tại huyện Thuận Châu. Ảnh: Đức Bình.

Sau bao nhiêu năm, cây chè đã bám chắc rễ tại huyện Thuận Châu. Ảnh: Đức Bình.

Gắn bó với chè từ nhỏ nên chị Bình nhanh chóng nhận ra, yếu tố quan trọng là phải thay đổi tư duy sản xuất, canh tác của người dân, nhất là sau một thời gian dài không áp dụng tiến bộ kỹ thuật, việc sản xuất hoàn toàn bằng thủ công nên năng suất thấp. Sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2013, chị cùng với một số hộ dân cùng ý tưởng quyết tâm xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, từ đó HTX Bình Thuận được thành lập. Mục tiêu trước mắt của HTX là nâng cao chất lượng, năng suất cho chè Phổng Lái, đủ sức cung cấp ra thị trường. Chị cũng được tín nhiệm bầu làm Phó Giám đốc HTX.

Song song với cải thiện quy trình sản xuất, HTX còn tích cực khảo sát thị trường. So với thời bao cấp, người tiêu dùng giờ cần cả chất lượng, lẫn sản phẩm xuất bán phải đảm bảo về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tất cả những đòi hỏi đó buộc chị Bình cùng thành viên HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt. Đặc biệt, chị Bình còn phân vùng sản xuất thành 2 nửa, một bên chuyên sản xuất chè đặc sản (hiện được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao - chè Trọng Nguyên), và bên còn lại chế biến chè cân, làm hương liệu và xuất khẩu đi Đài Loan.

Từng chút một, HTX Bình Thuận tạo thu nhập ổn định cho các thành viên, đồng thời liên kết sản xuất với khoảng 500 hộ nông dân ở các xã lân cận như Chiềng Pha, Mường É, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Mục tiêu lớn nhất của tôi là bao tiêu sản phẩm cho người dân, giữ vững được thương hiệu”, chị Bình trải lòng và nói thêm, rằng chị thấy vui khi giá trị trên một đơn vị diện tích chè ngày càng tăng.

Nhờ những người như chị Bình, đồng bào dân tộc thiểu số ở Thuận Châu có thêm nguồn thu. Bà Lò Thị Kim ở bản Nà Khoang, xã Chiềng Pha năm nay đã ngoài 60 tuổi thừa nhận, hồi đầu được thuê mướn đi hái chè cũng lo lắm. “Người ta hái 1 buổi được cả tạ, mình không biết nổi một nửa không”, bà Kim thật thà nói. Nhưng do vụ thu chính rơi vào những tháng hè, thời điểm đang nông nhàn nên bà cùng mấy người trong bản rủ nhau đi hái chè thuê để có thêm thu nhập.

Ngoài chè, người dân Thuận Châu giờ đã đa dạng các loại cây trồng khác. Ảnh: Đức Bình.

Ngoài chè, người dân Thuận Châu giờ đã đa dạng các loại cây trồng khác. Ảnh: Đức Bình.

Từng một thời nghĩ, rằng cây chè không ăn được nên không để tâm, nhưng tới khi bắt tay vào các kỹ thuật hái như một tôm hai lá, hay vừa hái búp còn vừa phải vặt bỏ ngọn chè quá lứa để tạo tán cho luống chè, bà Kim mới thấy mọi chuyện không đơn giản. Thường thì nhóm của bà lên nương chè từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa mọc, để có thể xong việc trong ngày. Cả đồi chè được hái cùng lúc, cũng là một cách để sản phẩm cuối đồng đều về chất lượng.

Thuở mới hái, hai bàn tay với ngón cái và ngón trỏ nứt nẻ, đen nhẻm, thậm chí chảy máu. Nhưng vì có thêm thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng mỗi buổi, mức không phải ai ở Thuận Châu cũng có, nhất là với người cao tuổi, nên bà Kim lại bấm bụng cố gắng, cần mẫn hái hết đồi này sang đồi khác. Dần dà, bà tranh thủ làm 2 ca/ngày, trưa mang cơm nếp lên tận nương chè để ăn sớm, chiều tranh thủ làm tiếp.

Cây chè ở Phổng Lái cứ thế lan rộng mãi ra, đến giờ đã chiếm hơn 2/3 trong tổng số 1.000ha của toàn huyện Thuận Châu. Bà con nơi đây, nhất là người Mông, đã bỏ hẳn các phong tục tập quán lạc hậu, sống định canh, định cư và sung túc hơn hẳn. Cây chè cũng giúp khuôn mặt nông thôn Phổng Lái khang trang hơn, và trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện vào năm 2017.

Nhìn về Thuận Châu, về Phổng Lái bây giờ không chỉ còn là những rặng núi xanh thẫm, mà bên cạnh đó còn là màu xanh hy vọng của những nương chè trải dài bát ngát, mọc thẳng hàng, thẳng lối. Nếu một ai đó ngủ quên trong chuyến hành trình từ Hà Nội, hẳn có thể nhầm lẫn nghĩ rằng bản thân đang ở một xứ chè trung du nào đó như Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang khi nhìn những nương chè.

Hẹn ước cho tương lai

Thăm Phổng Lái của năm 2024, du khách không còn cảm nhận thấy sự hiu hắt như quãng 20 năm về trước, thay vào đấy là bừng bừng khí thế tăng gia, sản xuất nông nghiệp trải khắp địa bàn. Ngoài màu xanh của chè, xã giờ còn được phủ xanh bởi dòng nước mát lành, được trữ trong hồ thủy lợi Lái Bay. Nếu như trước đây toàn bộ nguồn nước dùng cho sinh hoạt của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên thì nay, hơn 1 triệu m3 của hồ đã đủ sức tưới ẩm cho gần 500ha chè, cà phê, 30ha lúa và khoảng 7ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Được đưa vào sử dụng từ năm 2013, hồ Lái Bay giúp nhiều người dân Phổng Lái tự tin phát triển cây ăn quả, trồng rau, chăn nuôi lợn, trâu bò... Đã không còn cảnh một chậu nước dùng 3 - 4 lần như thời chị Bình 30 năm về trước. Thay vào đó, xuất hiện những hộ dân như chị Bạc Thị Thiên ở bản Quỳnh Châu. Từ 3ha đất chỉ chuyên canh ngô, sắn, chị mạnh dạn tái canh, chuyển hướng sang trồng các cây kinh tế cao như bơ, xoài, nhãn, mận, thu nhập mỗi năm lên tới hơn 100 triệu đồng riêng từ cây ăn quả.

Những công trình thủy lợi như hồ Lái Bay giúp bộ mặt Thuận Châu đổi khác. Ảnh: Trung Quân.

Những công trình thủy lợi như hồ Lái Bay giúp bộ mặt Thuận Châu đổi khác. Ảnh: Trung Quân.

Hay như lão nông Bùi Xuân Xã, nhận thấy điều kiện khí hậu tại Phổng Lái mát mẻ nên ông đa dạng các loại cây từ đầu, chủ động sử dụng phân chuồng, phân ủ hoại mục… để sản phẩm cuối được canh tác theo hướng hữu cơ. Tiếng lành đồn xa, vườn cây của ông mùa nào thức nấy. Mùa thu hồng, mùa vặt nhãn, mùa hái ổi, cứ thế luân phiên giúp gia đình ông thu lời đều đặn hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Huyện Thuận Châu còn nghèo, giao thông về nhiều xã còn gập ghềnh, khó đi, nhưng chừng đó không đủ quật ngã tinh thần vươn lên của người dân nơi đây. Chẳng thế mà dù được cung cấp tương đối đầy đủ nguồn nước sinh hoạt, nhiều hộ nơi đây vẫn duy trì thói quen đào ao, lót bạt để tích nước vào mùa mưa. Họ cũng nhắc nhau lắp khóa nước, giảm thiểu thất thoát trên đường ống, đồng thời chuyển từ phương pháp tưới tràn (trên ruộng lúa) sang tưới tiết kiệm, dẫn nước về tận ruộng, vườn.

Nguyên nhân là lượng nước đến từng hộ không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều gia đình ở đầu nguồn không sử dụng tiết kiệm dẫn tới thiếu công bằng giữa đầu nguồn và cuối nguồn vì không có thiết bị đo đếm. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý không thu được tiền nước của các hộ sử dụng nên không có kinh phí để duy tu, sửa chữa thường xuyên, dẫn đến hệ thống ống dẫn bị xuống cấp, không phát huy hết năng lực.

Nhiều đợt nắng nóng, hạn hán xảy ra ở các địa phương trong tỉnh, song người dân trong khu vực vẫn có nước tưới đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng. Phổng Lái từ miền đất “khát” đã trở thành một khu vực phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp đứng đầu huyện Thuận Châu. Bên cạnh thế mạnh cây chè vốn có, cây ăn quả, rau xanh cứ thế mọc lên, như một lời khẳng định chắc nịch về miền quê xưa nay đã thay da đổi thịt.

Chị Nguyễn Thị Bình (trái) trải lòng về nhiều dự định mới với cây chè. Ảnh: Đức Bình.

Chị Nguyễn Thị Bình (trái) trải lòng về nhiều dự định mới với cây chè. Ảnh: Đức Bình.

Bên chén chè xanh thơm ngát, đượm vị núi rừng Tây Bắc, chị Nguyễn Thị Bình lại trải lòng về cây chè Phổng Lái. Chị bảo, mấy năm nay giá chè lên xuống thất thường, cộng thêm yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu (Đài Loan) nên thu nhập của bà con bị ảnh hưởng. "Nếu người dân chỉ sản xuất chè để bán thì vẫn bấp bênh", chị tâm sự.

Chính suy nghĩ này, nên từ năm 2020, HTX Bình Thuận đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để "tích hợp đa giá trị" cho cây chè. Trên diện tích khoảng 9ha, HTX cải tạo làm khu du lịch trải nghiệm, với tên gọi “Bình Thuận farm”. Du khách khi đến đây có thể vừa chụp ảnh, check-in những đồi chè xanh mướt, vừa có thể được hòa mình vào thực tế sản xuất của người nông dân. Họ cũng được hướng dẫn đủ các công đoạn trong quy trình chế biến chè, từ hái, vò chè, cho đến khi lên men. 

Nằm ngay chân đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc - nên khu vực đỉnh đồi của "Bình Thuận farm" vừa có nét hùng vĩ của núi rừng, vừa có khí hậu mát mẻ gần như quanh năm. Chị Bình kể, các thành viên HTX đang tiếp tục cải tạo cảnh quan, nhất là việc trang trí, trồng đủ các loại hoa nở 4 mùa, đồng thời xây dựng hệ thống vui chơi, giải trí và 2 khu nghỉ dưỡng là các mẫu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Thái, nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ lại của khách.

Đến nay, dù chưa được quảng bá nhiều, nhưng mô hình du lịch của HTX đón khách ngày càng tăng qua từng năm, nhất là người dân khu vực phía Nam đến tham quan. Chị Bình cũng đang liên hệ, phối hợp với một số đơn vị để nghiên cứu lịch trình đi kéo dài khoảng 3 ngày, 2 đêm, tính từ Hà Nội, trong đó từng ngày sẽ có hoạt động cụ thể đi đâu, làm gì. Đặc biệt, chị cũng dự tính tổ chức cho các hộ trồng chè đã liên kết với HTX làm những món ăn ngon, đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Bắc để mời thực khách.

Nhiều năm về trước, cây chè như lẻ bóng, trơ trọi giữa những ngọn đồi lộng gió. Nhờ bàn tay nâng niu, chăm bón của con người, chè bừng bừng khí thế mới. Nó không còn ngán ngại những con đèo cao vút, chạm tầng mây. Tiếng gió mơn man qua kẽ lá như reo vui vì một tương lai nhiều nụ cười phía trước.

Xem thêm
Lào xem xét một số chính sách đặc thù với doanh nghiệp Việt Nam

Chính phủ Lào đã xem xét áp dụng một số chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Chuyện của những chuyến xe 0 đồng đong đầy yêu thương

QUẢNG NINH Hơn 1 năm nay, CLB “Chuyến xe thiện nguyện 0 đồng” đã đồng hành với hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình giành lại sự sống.