| Hotline: 0983.970.780

Đem hoa quả xứ người lên đất dốc

Thứ Tư 04/12/2024 , 13:45 (GMT+7)

Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ông Lê Bình Thanh (thứ hai từ phải sang) luôn rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Ảnh: NVCC.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ông Lê Bình Thanh (thứ hai từ phải sang) luôn rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Ảnh: NVCC.

Món quà ân tình từ Gia Lai

Gần 30 năm trôi qua nhưng ký ức của ông Trần Hưởng, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Sơn La vẫn còn vẹn nguyên. Giai đoạn những năm 1990, Sơn La chật vật thoát nghèo. Ngày ấy, thị xã (nay là thành phố) chỉ có một số ít dãy nhà 3 - 4 tầng, còn lại phần lớn cơ quan công sở trong tỉnh phải làm việc trong các dãy nhà cấp 4. Hai trục đường chính, được đánh giá thuộc diện đẹp là Tô Hiệu và Lô Văn Giá, mới được trải nhựa, còn các đường nhánh đa phần chỉ rải cấp phối. Ô tô chạy ngược chiều phải loay hoay một lúc mới tìm được chỗ tránh.

Ngày ấy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cơ bản xác định được vùng kinh tế động lực là các huyện, thị dọc quốc lộ 6 như Mai Sơn, Mộc Châu… nhưng còn giải pháp cụ thể, căn cơ thì mới dừng ở việc lấy nông nghiệp làm chủ đạo. Thực tế là cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Sơn La ngày ấy không có nhiều. Cây cà phê trồng lâu năm nhưng năng suất, sản lượng chưa đủ thành quy mô hàng hóa. Xí nghiệp dâu tằm tơ hoạt động cầm chừng, còn cơ sở chế biến sữa thì cũng leo lắt, với khoảng vài nghìn bò ở Nông trường Mộc Châu.

Xuất thân là một người con quê lúa, nên đầu những năm 2000, đi đến đâu nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Bình Thanh (sau là Bí thư Tỉnh ủy) cũng “mạnh dạn” đề xuất việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp. Trong số đó, đáng nhớ nhất là hành trình đưa cây bơ vượt hàng nghìn kilomet từ Tây Nguyên.

Năm ấy, Sơn La đang nghiên cứu, xây dựng phương án và cơ chế tái định cư cho người dân phải di dời để xây nhà máy thủy điện Sơn La. Số hộ dân phải tái định cư là khoảng 10.000 hộ với 60.000 nhân khẩu. Đoàn công tác 18 người do ông Thanh dẫn đầu vào làm việc với tỉnh Gia Lai, nhằm học hỏi kinh nghiệm tái định cư tại thủy điện Ialy. Trao đổi nhiều ngày, đến khi công việc hòm hòm và còn tương đối sớm, ông Thanh mới cùng một số thành viên trong đoàn tản bộ thăm chợ TP Pleiku.

Nhãn hiệu 'Bơ Sơn La' giờ gần như lan ra khắp cả tỉnh, tập trung nhiều tại khu vực thành phố, huyện mộc Châu, Mai Sơn và Thuận Châu. Ảnh: Sở NN-PTNT Sơn La.

Nhãn hiệu "Bơ Sơn La" giờ gần như lan ra khắp cả tỉnh, tập trung nhiều tại khu vực thành phố, huyện mộc Châu, Mai Sơn và Thuận Châu. Ảnh: Sở NN-PTNT Sơn La.

“Vì Sơn La là tỉnh thuần nông, nên đến địa phương nào công tác, anh Thanh cũng rất chú trọng nghiên cứu về giống cây, con, nếu phù hợp thì đưa về Sơn La thử nghiệm”, ông Hưởng nhớ lại. Ở chuyến đi mang tính lịch sử ấy, sau khi xem các sạp hàng quần áo, đồ điện tử, đồ gia dụng... đến các quầy hàng bán hoa quả, ngoài những trái cây vùng miền như xoài, chôm chôm, vú sữa, măng cụt, đoàn tỉnh Sơn La thấy tràn lan các loại quả mà họ chưa biết tên.

Theo lời ông Hưởng, loại quả này to chừng bằng trái cam, da xanh, có quả hanh hanh vàng, có quả tròn như trái cam, có quả chum chum như trái đu đủ nhỏ, có quả lại dài và cong cong như trái bầu. Thấy trái cây lạ, anh Thanh dừng lại hỏi kỹ về đặc điểm, cách thức gieo trồng, chăm sóc loại trái cây chưa biết tên.

Khi về nhà nghỉ, ngồi uống nước trước lúc ăn cơm, nguyên Bí thư Lê Bình Thanh lại hỏi thêm về trái cây vừa gặp. Lúc ấy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mới thông tin, rằng đó là quả bơ, vừa được du nhập từ Bắc Mỹ về Việt Nam. Đây là loại cây lưỡng dụng, cây thân gỗ, lá xanh tốt quanh năm, cây dễ trồng, ít phải chăm bón, có thể trồng cây để lấy bóng mát, thậm chí có thể dùng làm cây phủ xanh đất trống đồi trọc. Đặc biệt, bơ có năng suất cao, giàu dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, nhất là với người bị cao huyết áp và người tiểu đường.

Hiểu ý lãnh đạo tỉnh Sơn La, nên sáng hôm sau, trước khi tạm biệt đoàn công tác, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai đã đem tặng đoàn 1 thùng carton quả bơ giống để đem về trồng thử. Về tới nơi, người đứng đầu tỉnh Sơn La lập tức giao Giám đốc Sở NN-PTNT đem số bơ giống này trồng tại Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn vì 3 huyện này có thổ nhưỡng và khí hậu tương đối đa dạng, nhưng cơ bản có nét tương đồng với Gia Lai. Ông cũng dặn kỹ Sở NN-PTNT phải theo dõi sinh trưởng của cây hằng ngày, lập tức báo cáo nếu có vấn đề phát sinh, đồng thời đúc kết kinh nghiệm định kỳ và tiến tới ban hành một quy trình canh tác chuẩn, hướng dẫn bà con Sơn La nếu thấy phù hợp.

Bây giờ, ai cũng thừa nhận Sơn La là vùng chuyên canh cây ăn quả hàng đầu cả nước, trong đó có nhiều loại thế mạnh như nhãn, xoài, bơ… Nhưng vào thời điểm ông Thanh ra quyết sách về cây bơ, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh được xác định là cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và nghề rừng. Thời trước ông Thanh, Sơn La đặt ra mục tiêu 4 con số 1 vạn (1 vạn ha chè, 1 vạn ha cà phê, 1 vạn ha dâu tằm, 1 vạn con bò sữa). Có mục tiêu sau này thành công (như cà phê, bò sữa), cũng có mặt chưa thành công, nhưng thực sự thì chưa có định hướng nào trở thành “hiện tượng”.

So với vùng Tây Nguyên, chất lượng bơ Sơn La không hề thua kém. Ảnh: Văn Việt.

So với vùng Tây Nguyên, chất lượng bơ Sơn La không hề thua kém. Ảnh: Văn Việt.

Cây ăn quả là một câu chuyện khác. Loại cây này từ lâu đã được đưa vào cơ cấu cây trồng, nhưng chưa từng được coi là thế mạnh, là cây chủ lực hay cây đặc sản của tỉnh. Đến giai đoạn năm 2000, lúc cây bơ mới chạm chân đèo Mộc Châu, cả tỉnh Sơn La mới trồng chưa đầy 20.000ha, rồi  “đóng băng” cho đến năm 2015. Nói như vậy để thấy, thách thức của cây bơ khi leo dốc không chỉ là khí hậu, thổ nhưỡng, quy trình canh tác mà còn là nếp nghĩ, cách tư duy của đồng bào nơi đây. Họ vẫn quanh quẩn với sắn nương, ngô đồi và tăng gia thêm con lợn, con gà.

Cây bơ không phải cây tiên phong và đến giờ mới phát triển được đâu đó gần 2.000ha, ít hơn nhiều so với nhãn (20.000ha), xoài (20.000ha), hay mận (12.000ha). Nhưng đó lại là hiện thân cho sự vào cuộc đồng bộ, từ tư duy, chỉ đạo của người đứng đầu tỉnh cho đến sự xông pha, dám nghĩ, dám làm của người dân.

Ông Lường Minh Thít ở xã Mường Sang, người đầu tiên phát triển cây bơ trên đất Mộc Châu nhớ lại, rằng thuở mới tiếp nhận cây giống cũng “run lắm”. Bà con trong bản cũng lời ra tiếng vào. Nhưng khi được thực chứng những cây bơ giống lấy từ Gia Lai về, cộng thêm sức thuyết phục từ chất lượng sản phẩm, ông quyết định tin theo. Sau quãng 3 năm, được sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn và chính quyền địa phương, vườn bơ nhà ông Thít đã đơm hoa, bói quả. Trái bơ to, năng suất cao, phần thịt quả béo ngậy, ít xơ.

“Cây bơ rất dễ trồng, cây khỏe, lớn nhanh, chỉ cần lưu ý chống mối, kiến và xử lý triệt để là được”, ông Thít tâm sự. Từ những năm 2015, một số bà con hàng xóm cũng theo ông gây giống, trồng bơ. Đến nay đã ngót nghét 10 năm nhận trái ngọt mà cây vẫn chưa có biểu hiện già cỗi. Cũng từ sự phát triển không ngừng của cây bơ trên đất Mộc Châu mà nhiều kinh nghiệm được người dân rỉ tai nhau. Chẳng hạn, khi thu hoạch phải có kéo chuyên dụng để cắt, tránh để bơ tụt nõ cuống sẽ bị nhiễm khuẩn, hoặc phải để ý màu sắc khi thu hoạch bơ do hoa thường ra thành nhiều đợt. Thay vì hái luôn từ lúc quả bơ xanh bóng, bà con nên đợi một vài ngày, để phần vỏ nổi lớp giống như mụn cám lấm tấm, khi đó quả mới đủ dinh dưỡng và thơm ngon.

Ông Trần Văn Sơn thuộc thế hệ thứ 2 của những gia đình lên Sông Mã làm kinh tế mới. Ảnh: Đức Bình.

Ông Trần Văn Sơn thuộc thế hệ thứ 2 của những gia đình lên Sông Mã làm kinh tế mới. Ảnh: Đức Bình.

Những người nông dân đi mở đường

Năm 2015, tỉnh Sơn La bắt đầu có chủ trương tái cơ cấu, lựa chọn cây ăn quả để phát triển thay thế các cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc. Năm 2017, đề án được phê duyệt. Những vườn trồng bơ, nhãn, xoài đua nhau chạy khắp các triền đồi Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu…

Nhưng ít ai ngờ là trước đó từ rất lâu, cây nhãn đã bén rễ tại Sông Mã. Thứ đặc sản có gốc gác Hưng Yên theo chân bộ đội, những người dân làm kinh tế mới lên khai khẩn đất đai. Quãng thập niên 1960, trong một lần lên thăm bà con, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tặng mấy tạ nhãn cho người dân Sông Mã. Lúc đó, nhãn quả được chia đều cho các HTX, ăn xong thì lấy hạt ươm. Lên cây con thì chia nhau đem trồng và bố mẹ ông Trần Văn Sơn, có gốc gác huyện Tiên Lữ, nằm trong số này.

“Ngày còn bé, tôi nhớ bố mẹ nói đất ở đây tương đối tốt, đặc biệt là 2 bên bờ sông Mã. Thứ đất pha cát ấy, lại trên địa hình bằng phẳng thì không gì tốt bằng trồng nhãn. Độ vài ba năm là cây bắt đầu bói quả”, ông Sơn ôn lại kỷ niệm.

Ngày thế hệ đầu tiên lên Sông Mã, nhãn được trồng chủ yếu ở 3 xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong. Trải qua mấy chục năm, không ai nghĩ cây nhãn có thể mở rộng đến 8.000ha như bây giờ (gấp đôi diện tích trồng của cả tỉnh Hưng Yên). Thuở còn đi học, thỉnh thoảng ông Sơn vẫn được nghe về từng đội, từng nhóm vào khai khẩn thêm đất đai. Giống nhãn quê hương cũng hòa trong dòng chảy ấy, năm nay có khi còn đang ngấp nghé ở Chiềng Khương, đầu năm sau có khi đã tới Sốp Cộp. Sản lượng nhãn cứ thế tăng dần, kéo theo thương lái dưới xuôi lên hỏi mua ngày một nhiều. Ông Sơn nhớ rằng, quãng năm 2005, thương lái đã bắt đầu xin vào nhà ngủ nhờ.

Tuy nhiên, giống nhãn quê hương qua một thời gian trồng lại phát sinh những vấn đề mới, chất lượng, hiệu quả không như mong đợi, cây yếu và dễ sâu bệnh. Ngoài ra, việc mấy nghìn hecta nhãn chín cùng lúc khiến người dân nơi đây làm không xuể. Người thu hái đã cực, người xoáy long nhãn cũng than phiền chẳng kém vì quả nhỏ, ít thịt. Chế biến xong không biết tiêu thụ ở đâu?

Nhãn tại Sông Mã chủ yếu theo chân người dân Hưng Yên lên xây dựng kinh tế mới. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhãn tại Sông Mã chủ yếu theo chân người dân Hưng Yên lên xây dựng kinh tế mới. Ảnh: Bảo Thắng.

Cũng vào giai đoạn 2005 - 2010 đáng nhớ ấy, Sông Mã còn đón dòng người tái định cư từ huyện Mường La, sau khi nhà máy thủy điện Sơn La khởi công. Cái khó không bó được cái khôn. Người Sông Mã tự mày mò đi tìm lời giải. Nghe ở đâu có cách làm hay để cải tạo vườn nhãn là ông Sơn lại khăn gói lên đường. Gần thì xuống xã Lóng Phiêng (huyện Yên Châu), xa thì về tận quê Tiên Lữ. Lúc nào trên đường về, ông cũng lấy vài cân nhãn, vừa làm quà vừa để mọi người trong gia đình ăn thử, đánh giá. Bàn tính một hồi thì cũng chỉ có cách là cưa gốc và ghép với giống nhãn mới Miền Thiết.

Đến năm 2010, trong đợt khảo sát của Viện Nghiên cứu Rau quả trong việc khảo nghiệm giống nhãn T6 ở các tỉnh phía Bắc, ông Sơn cùng các hộ gia đình khác càng tin theo. Ngoài năng suất đã được kiểm chứng, giống nhãn T6 còn có chất lượng quả tốt, độ brix đạt 21,3 - 22,5%, tỷ lệ phần ăn được đạt 66,8 - 68,6%. Thời gian thu hoạch tập trung cũng thường sớm hơn nhãn chính vụ, giúp bà con dễ tiêu thụ hơn và bán được giá hơn.

Dù đã dặn lòng là, 1 cân nhãn mới bằng chục cân nhãn cũ, ông Sơn ban đầu chỉ “dám” cưa gốc một phần nhãn trong vườn, vì “chẳng may có vấn đề gì thì coi như mất 2 năm không công”. Kỹ thuật chiết cành được áp dụng, trên cả giống Miền Thiết và T6. Thậm chí, những cây đầu tiên, ông Sơn còn thuê luôn đồng hương dưới huyện Khoái Châu lên “hỗ trợ” để giảm rủi ro. Ăn uống no say, tiễn “cán bộ” về lại Hưng Yên, ông vẫn nửa mừng nửa lo chờ đến vụ sau.

Hai năm sau, những vườn nhãn mới của ông Sơn cho tín hiệu mừng. Quả không những to mà còn dày cùi, ngọt nước. Thương lái biết tin đến đặt hàng nhà ông nườm nượp. Không cần phải tự đi thu hoạch mấy hecta nữa, ông được trả thẳng giá 25.000 đồng/kg (một con số rất có giá trị gần 10 năm trước). Lúc ấy, ông tặc lưỡi “Biết thế làm nhiều hơn”, vì trừ hết chi phí cũng thu lời được gần trăm triệu.

Có lẽ trong bản ngã, những người nông dân như ông Sơn vẫn giữ phần nào bản tính chịu thương chịu khó của vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi luôn trong tình trạng “được mùa lúa, úa mùa cau”, “chớ thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng”. Chẳng thế mà họ không bao giờ bằng lòng với những gì đã có. Nhiều khi chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn còn đang soạn thảo tài liệu hướng dẫn hay chuẩn bị tổ chức hội thảo đầu bờ thì người dân Sông Mã nói riêng và Sơn La nói chung đã sẵn sàng khảo nghiệm diện hẹp, từng bước đưa những cây trồng, vật nuôi mới, tốt hơn, năng suất hơn vào thực tiễn sản xuất.

Lễ xuất hành nhãn Sông Mã đi tiêu thụ ở thị trường EU hồi năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lễ xuất hành nhãn Sông Mã đi tiêu thụ ở thị trường EU hồi năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nắm bắt được tinh thần ấy, ngành nông nghiệp Sơn La tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân, đặc biệt là tại những vùng khó khăn phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời đáp ứng hai định hướng lớn của tỉnh: Xuất khẩu và nâng cao tỷ trọng chế biến.

Ngoài các chính sách ban đầu về phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa, tiêu biểu như Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND. Từ chính sách này, nhiều vùng sản xuất nông sản được hỗ trợ hạ tầng, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu để phát triển sản xuất. Các cơ sở chế biến, chương trình phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương ngày càng mở rộng.

Vừa qua, một loạt doanh nghiệp lớn như Phúc Sinh, Minh Tiến, Doveco, Nafoods... đã tham khảo và đầu tư vào nông nghiệp Sơn La. Các doanh nghiệp này không những xây dựng nhà máy chế biến hiện đại mà còn hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây trồng, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tăng giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Các kênh liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp được đẩy mạnh, đặc biệt là phát triển mô hình HTX kiểu mới, giúp nguồn vốn ưu đãi và các chương trình, kế hoạch phân bổ giống cây trồng chất lượng cao sớm đến với người dân. Thay vì ngược xuôi, loay hoay tìm giải pháp cho cây nhãn như ông Sơn ngày trước, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh và UBND cấp huyện việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Cùng với đó, ngày càng nhiều mô hình điểm được xây dựng để hướng dẫn, tuyên truyền, giúp người dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu.

Cây ăn quả đã tiên phong trong việc xây dựng tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, đồng thời đặt dấu ấn đậm nét trong việc hình thành 13.000ha ghép cải tạo và 60.000ha trồng mới bằng giống năng suất cao, chất lượng tốt trên toàn tỉnh. Xoài, nhãn, mận, bơ, chanh leo… chứng tỏ được ưu thế và điều kiện phù hợp với canh tác đất dốc, được tỉnh ưu tiên phát triển.

Mấy chục năm cây ăn quả theo người dân thập phương leo đất dốc cũng là bằng ấy thời gian Sơn La thay da đổi thịt. Quốc lộ 4G từ TP Sơn La đi Sông Mã giờ được trải nhựa phẳng lì, 2 xe container tránh nhau thoải mái. Xe 5 tấn leo đến tận chân vườn. Dù vẫn còn những nghi ngại về suất đầu tư thâm canh lớn, nhất là nước tưới và giao thông nội vùng, vùng chuyên canh lớn tập trung còn phân tán, nhỏ lẻ, tỷ lệ nông sản chế biến chưa tương xứng… nhưng với ý chí, quyết tâm và nghị lực của những người như nguyên Bí thư Lê Bình Thanh hay nông dân Trần Văn Sơn, tin rằng không có rặng núi, ngọn đồi nào mà họ không thể vượt qua.

Người Sơn La thời ấy và bây giờ còn nhớ đến nguyên Bí thư Lê Bình Thanh không chỉ chuyện trái bơ, mà còn là việc đưa Sơn La trở thành tỉnh miền núi đầu tiên được xem trực tiếp World Cup Italy 1990.

Truyền hình về đến tận tỉnh là phương tiện vô cùng hữu ích để nâng cao dân trí, vì thời điểm ấy, có thế lực phản động xuyên tạc, lôi kéo dụ dỗ nhân dân Sơn La trồng cây thuốc phiện. Thông tin nông nghiệp chính thống là điều mà khi đó và bây giờ, người Sơn La đều cần.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm Đại học 2025

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang dự kiến sẽ bỏ xét tuyển sớm Đại học 2025.