Chiều 11/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ và lãnh đạo các viện, trường trực thuộc để trao đổi, phát triển một số chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa hai đơn vị.
Từ năm 2015 đến nay, Đại học Cần Thơ có 20 dự án nghiên cứu khoa học, thông qua hợp tác với các tổ chức quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực: di truyền chọn giống; sinh lý sinh hóa; khoa học đất, cây trồng; bảo vệ thực vật; chăn nuôi; thú y; công nghệ sinh học và thực phẩm; công nghệ kỹ thuật và công nghệ thông tin trong nông nghiệp.
Thời gian tới, với định hướng xây dựng và phát triển Trường Đại học Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo và tri thức hóa người làm nông nghiệp chuyên nghiệp, Ban Giám hiệu trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, phát huy thế mạnh nghiên cứu chuyên sâu, tích hợp trong điều kiện hiện nay.
Kết hợp những thành tựu đạt được như trên, cùng với điều kiện thực tiễn của vùng, xu hướng phát triển khoa học công nghệ của khu vực và thế giới, Trường Đại học Cần Thơ đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện và giao nhiệm vụ để trường được tham gia các chương trình, dự án quốc tế và quốc gia trọng điểm.
Trong đó bao gồm thực hiện các nghiên cứu khoa học, phục vụ xây dựng chính sách, quy hoạch và phát triển lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Cần Thơ mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ, tạo điều kiện cho trường phát triển, trở thành trung tâm đào tạo, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao và bền vững vùng ĐBSCL, trung tâm đào tạo và tri thức hóa người làm nông chuyên nghiệp.
Mong muốn Đại học Cần Thơ là vệ tinh, kết nối, thông tin trong hệ thống cơ sở nông nghiệp của quốc gia và vùng, Ban Giám hiệu trường đề xuất thêm Bộ NN-PTNT định hướng, thúc đẩy cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp ĐBSCL.
Kể câu chuyện về đóng góp của Đại học Cần Thơ và các nhà khoa học từ trường cho hành trình nông nghiệp hàng chục năm qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn truyền tải thông điệp “Đại học Cần Thơ sẽ còn làm được nhiều hơn, đứng bên cạnh 18 triệu nông dân ĐBSCL để chuyển mình về nông nghiệp”.
Bộ trưởng đã gợi mở 3 vấn đề về công tác nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông nghiệp cho Đại học Cần Thơ.
Thứ nhất, nông nghiệp phù hợp và không thể tách rời với biến đổi khí hậu.
Thứ hai là nền nông nghiệp khan hiếm nước. Chắc chắn, đây thách thức đã và đang hiện hữu ở vùng ĐBSCL. Các nhà khoa học của trường không chỉ tập trung nghiên cứu về các giống cây trồng, vật nuôi mà các đối tượng đó phải phù hợp với điều kiện khan hiếm nước, thậm chí là xâm nhập mặn của vùng.
Cuối cùng là nông nghiệp giảm phát thải. Không chỉ riêng vấn đề giảm phát thải trên cây lúa thông qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi cũng cần có những nghiên cứu để hướng đến phải giảm phát thải.
Cần nhìn nhận rằng, hiện nay công tác nghiên cứu khoa học vẫn còn một khoảng trống giữa lý thuyết và cả tâm huyết của các nhà khoa học. Thực tế việc triển khai các nghiên cứu khoa học trong nông dân vẫn còn khá xa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại một lần nữa quan điểm "sản phẩm nghiên cứu khoa học là nông dân thụ hưởng". Do đó, mỗi lần đưa một giải pháp xuống bà con là “gói” luôn tri thức hóa. Không đơn thuần là đưa một giống hay quy trình chuyển giao, mà phải gợi mở để nông dân chấp nhận thay đổi.
“Nông dân vì sao phải làm, vì cuộc sống hàng ngày. Muốn làm nhanh, tiện và khỏe hơn phải sáng kiến ra máy móc để giải quyết cuộc sống. Như vậy, các sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng phải hướng đến nâng cao năng suất, giảm sức lao động cho nông dân. Thực hiện được điều này, Trường Đại học Cần Thơ sẽ tạo ra một hiệu ứng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Do đó, đi đôi với công tác nghiên cứu khoa học, việc tri thức hóa nông dân, nâng cao năng lực bằng mọi con đường là cần thiết.
Hiện nay, Đại học Cần Thơ đang đào tạo khoảng 19 chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.
Liên tục trong 10 năm qua, Trường Đại học Cần Thơ đã đào tạo trên 17.500 kỹ sư, cử nhân; gần 3.900 thạc sĩ và 131 tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Số lượng này chiếm trên 60% tổng số người học lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản các trường đại học toàn vùng ĐBSCL.