Cuộc khảo sát lớn nhất từ trước đến nay do chính phủ Trung Quốc thực hiện đã thu thập được hơn 530.000 loại vật liệu di truyền nông nghiệp mới trong ba năm qua, khi Bắc Kinh tập trung vào vai trò then chốt của ngành hạt giống đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực.
Cuộc khảo sát, diễn ra hơn một thập kỷ sau lần khảo sát trước đó, cũng lần đầu tiên bổ sung nguồn gen thủy sản vào phạm vi thu thập ban đầu vốn chỉ có cây trồng và vật nuôi, tờ People’s Daily ngày 17/3 đưa tin.
Theo tờ báo, các phát hiện đã mở rộng sự đa dạng của nguồn gen cây trồng trong kho tài nguyên quốc gia thêm 21,4%, xác định chính xác 51 nguồn gen gia súc và gia cầm có giá trị sử dụng tiềm năng và xác định đặc điểm sinh học của 312 loài thủy sản quan trọng.
“Những nguồn tài nguyên mới được thu thập này có tiềm năng đáng kể để phát triển trên quy mô công nghiệp, với một số chứa gen xuất sắc và một số có đặc điểm khu vực riêng biệt”, Li Lihui, Phó Giám đốc Văn phòng Điều tra Tài nguyên Gen Nông nghiệp Quốc gia lần ba, cho biết.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc khảo sát trong việc đạt được khả năng tự chủ về công nghệ trong ngành hạt giống, cũng như giữ cho gen nông nghiệp của Trung Quốc “độc lập và có thể kiểm soát được”.
Trong quá trình khảo sát, Trung Quốc cũng đã xây dựng một hệ thống bảo vệ tương đối toàn diện đối với nguồn gen, có thể đáp ứng nhu cầu chiến lược của nước này trong 50 năm tới.
Những hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực hướng tới khả năng tự lực trong ngành giống cây trồng, vật nuôi, vốn được coi là “chiến lược và cơ bản” đối với nông nghiệp khi Trung Quốc tập trung bảo đảm an ninh lương thực.
“Cuộc khảo sát là bước đầu tiên trong việc bảo tồn và tận dụng nguồn gen, với mục tiêu cuối cùng là sử dụng chúng”, Li cho hay. “Điều bắt buộc cần làm là tăng tốc độ chuyển đổi các thế mạnh tài nguyên thành lợi thế công nghiệp và đổi mới”.
Sun Haoqin, thanh tra Cục Công nghiệp Hạt giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết trọng tâm sẽ nhấn mạnh vào việc xác định chính xác và sử dụng nguồn gen nông nghiệp để hỗ trợ an ninh lương thực quốc gia.
Ông đề xuất tăng cường xác định các gen ưu việt có thể được sử dụng cho mục đích nhân giống cũng như khuyến khích địa phương sử dụng nguồn gen chất lượng cao để phát triển các mặt hàng đặc sản.
“Nhiều nguồn gen mới được phát hiện đang ở trạng thái bấp bênh và cần được bảo vệ một cách hiệu quả nhằm ngăn ngừa mất mát”, Sun nói, thêm rằng nỗ lực bảo tồn khẩn cấp đang được tiến hành đối với 746 nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng.