Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Tùy bút Trần Huy Quang: Ông hề là ông hề ơi

Tùy bút Trần Huy Quang: Ông hề là ông hề ơi

Ông hề hát trong bài điếm mà bài điếm thì Tết mới có. Mong mãi rồi Tết cũng đến, Tết như men rượu của làng, tự nhiên tươi rói, làm hồng đôi má thiếu nữ, làm tươi sắc áo của các đấng nam nhi.

 

Bọn con nít lau nhau lại được trầm trồ xem các o, các ả, các dì, các mự áo mớ bảy mớ ba, khăn lĩnh váy lụa xúng xính đi chơi Tết. Những đôi môi ăn trầu duyên như tô son. Ăn trầu có khi say, không như say rượu, say trầu môi má đỏ chon chót, mắt ướt long lanh, đẹp hơn cả khi chưa biết ăn trầu. Các chàng trai vỡ giọng lộc ngộc đi đâu thì cứ đi đôi, đi ba, các o con gái lần đầu yếm thắm, ai trêu tí đỏ mặt tía tai, đi đâu phải đi bốn đi năm, cứ ríu lại với nhau. Đám yếm đào đông nhất ở hội đu. Cây đu được làng dựng trên thửa ruộng gốc rạ đã ải, vừa trung tâm mà không bị che khuất, nơi đây hội tụ trai tân gái đẹp mộng mơ đầu đời lại chứa chan cảm hứng tung bay của bốn mảnh quần hồng bay phấp phới, của tinh thần quả cảm và sự giao duyên phập phồng bí ẩn lứa đôi.

Cờ lá chuối đủ màu được cắm từ hội đu theo đường làng ra đến hội Bài Điếm. Bài Điếm có năm chòi dựng ở chợ Mơ, bên cạnh chợ có cây gạo cao lắm, gốc xù xì nổi u to như cái thúng, cạnh đó là bãi vỏ ốc, ốc hương, ốc dui của nhà hàng ốc luộc, khách ăn rồi đổ vỏ ra đó. Ốc hương, ốc mỡ, ốc dui, ốc móng tay, ốc gai, sò ngao, vẹm thì thuyền đi lộng đi khơi đánh về, từng sọt hai người khiêng lên nhà hàng đón sẵn mua ngay tại bến. Nhưng ốc sắt đen sì là ốc bên bờ sông Mơ. Hai bên bờ tả ngạn hữu ngạn cây sú cây vẹt thuộc loại rừng ngập mặn, mọc ken dày như rừng. Dưới tán rừng xanh mướt của lá sú vẹt là bãi bùn non đỏ sẫm, nhúng chân xuống thì bùn ngập đến đầu gối. Không biết trong cái bóng âm u ấy và trong cái mùi bùn hăng hắc ấy lại tạo nên một loại ốc sắt ruột to và ngon lành đến vậy.

Những buổi tối trăng mờ, thời tiết cũng như người đều dịu dàng, cũng là lúc tấm vải vừa dệt xong, những lo toan cũng dẹp sang bên cho lắng lại, người ta ngồi tụm năm tụm mười trên cái sân rải chiếc chiếu hoa đã sờn, trầu được têm ra, nước chè vối được rót ra nhưng câu chuyện mãi vẫn như không phải của dân Kẻ Mơ, cho đến khi có cô bé nào đó nói, giá như có nồi ốc luộc mà mút thì tuyệt quá hầy. Chỉ thế thôi, một gợi mong manh của một cô bé không ai để ý đến nhưng nó gợi ra một niềm vui không ai có thể từ chối.

Xung quanh chợ là những vườn thị dài đến cả trượng dọc con đường eo cát. Hội Bài Điếm ít các thanh nữ, đông các dì, các o, các bà, nhiều các ông bốn mươi, năm mươi, cũng nhiều các cụ râu nhiều hơn tóc, có cụ râu dài đế ngực, bạc trắng, khoác áo dạ màu cứt ngựa. Xem đánh bài điếm phải biết đánh tổ tôm mới thấy hay. Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà mạn hảo xem nôm Thúy Kiều. Khi ông hề đưa quân bài xướng lên, tiếng trống ở các điếm gióng lên với nhiều sắc thái. Có điếm tùng tùng tùng, có điếm tùng tùng, có điếm tùng cắc, có điếm cắc, có điếm rền rung vào tang trống không dứt. Người xem ai hiểu được tiếng trống như nào là ù, tiếng nào là phỗng, tiếng nào là hỏi, tiếng nào là bỏ, điếm nào nghi binh, điếm nào chờ, điếm nào sai và điếm nào bị phạt mới thấy được cái hay, cái thú, cái lắt léo của cuộc chơi. Cao thấp cơ mưu lẫn với ngẫu nhiên may rủi, chiến thuật sách lược thắng thua bắt bẻ nhau trong ván bài hoàn toàn bằng tiếng trống, nó hay gần như tiếng trống chầu tom chát chốn thị thành.

Bài điếm gây mê, nhiều người quên cả Tết. Người chơi ngồi trên điếm, người biết chơi đứng dưới xem cũng say mê và người không biết chơi bài đến xem chỉ để nghe ông hề hát đưa quân cũng hào hứng thú vị không kém. Người làm hề không những có giọng hát mà còn phải có kiến văn. 120 quân bài tổ tôm thì cũng có 120 câu thơ lục bát hoặc nhiều hơn. Mỗi quân bài ứng với một câu, không thể lẫn. Khi đọc câu sáu thì người chơi đã biết ông hề đi quân gì. Người làm hề giỏi có thể cải biên câu tám hoặc ứng tác cả câu sáu tám mới mà người chơi trên các điếm vẫn hiểu là sắp đi quân gì.

Cái biến báo đó của ông hề mới chính là điều lôi cuốn thu hút được cả đám người không biết chơi tổ tôm mà không thể rời đi được, làm cho cuộc chơi lúc nào cũng đầy kịch tính. Ông hề tài năng không chỉ biến hóa trong giọng hát mà đôi khi hát lên những câu thơ mà người nghe phải giật mình nhớ mãi. Người quốc sắc kẻ mai cùn/ Chồng cao lại lấy vợ lùn sao đăng? Rõ ràng “cuốc” thì đối với “mai”, “sắc” đối với “cùn” cũng đã giỏi, nhưng ở đây người nghe có thể hiểu “Người quốc sắc” trong câu Kiều quen thuộc Người quốc sắc kẻ thiên hương mà “Người quốc sắc” lại đối với “Kẻ mai cùn” thì thật là độc đáo, ngược ngạo và gây cười. Hoặc khi ông hề đi quân Ông lão hát Lão già bắt lão cầm cờ, Lão cầm không được lão giơ lên trời, làm cho người nghe phải bật cười vì cái hóm khi nói về động tác cầm và giơ của ông già.

Cũng có khi người xem không chỉ cười vì câu hát hóm mà câu hát buộc ta phải ngẫm nghĩ về thân phận một tầng lớp người mà nghèo khổ không biết bao giờ mới thay đổi được. Chồng cu li vợ cũng cu li, Đẻ ra thằng bé đen sì kéo xe. Thế đó, đang hài hước trào lộng liền đã nhảy cóc sang thế sự chua chát của xã hội, sắc thái cuộc chơi đã thay đổi và nó luôn thay đổi, không chỉ ở kế sách quân bài trên tay mà cả ở trong lời ca của ông hề tưởng như hát cho vui lại thể hiện tâm thế đau đáu thế sự của người nông dân áo vải làng tôi vốn chân lấm tay bùn.

Bài điếm hay đánh đu, pháo đỏ bánh chưng xanh của những ngày tết đoàn viên  sau một năm làm lụng đầu tắt mặt tối, cũng chỉ náo nức, hào hứng, sảng khoái từ mồng một tết, mồng hai, mồng ba, sang mồng bốn nhạt dần cho đến mồng mười thì vãn, hoa héo, nụ cười đã pha chút lo toan, lẻ tẻ có người đã ra ruộng làm những con bù nhìn đầu đội nón mê, mặt là nồi đất đen vẽ hai con mắt trắng cho thật quái gở, hai bên hai cái roi tre giơ lên để đuổi lũ sáo sậu, chèo bẻo, ác là, quạ sà xuống ruộng từng đàn như giặc ăn mầm ngô, mầm lạc gieo trước tết nay lập xuân lên mầm. Cũng chỉ lác đác dăm ba người quá sốt ruột vì lũ chim, còn cả làng thì lại dồn vào việc giỗ họ.

Nhà nào cũng tính xem năm nay nhà mình thêm mấy đinh để chuẩn bị gạo nếp. Nhà ít đinh một mâm, nhà nhiều đinh hai ba mâm, xôi đơm lên đầy mâm, con gái ăn mặc thật đẹp đội xôi vào nhà thờ tổ tế họ cũng là một cách thể hiện lòng hiếu kính tổ tiên.

Những ngọn cờ vuông đỏ hoặc xanh xung quanh viền sóng tung bay trên nền mái ngói rêu phong các nhà thờ mãi qua tiết Thượng Nguyên rồi giỗ họ rồi các lễ hội nữa mới hạ xuống. Khắp làng tiếng trống tế đã nổi lên. Vang nhất là trống họ Hồ, họ Trần, lớn nhất làng, tế từ mồng 10 tháng giêng, họ Nguyễn, họ Phan, họ Hoàng… Họ Lê họ Bùi… tế vào sau rằm. Tứ tính triều cơ, các gia phả đều ghi có bốn họ là họ Hồ, họ Hồ Trọng, họ Hồ Diên và họ Trần về đầu tiên khai cơ lập nghiệp ở vùng Mơ này. Giỗ họ là dịp nhận họ nhận hàng của những người đi kháng chiến xa hoặc giặc dã phải tứ tán nay mới có dịp về tế tổ gặp nhau.

Năm nào cũng vậy, hết tết lại đến giỗ họ, vẫn áo lương khăn xếp cúng bái, trầu rượu mâm lên mâm xuống chúc tụng ngất ngây. Rồi chưa hết họ đã đến hội chạy Ói, đâu như từ 20 tháng giêng cho đến hết Vũ thủy. Nghe nói hội chạy Ói năm nay làm to lắm, Kẻ Mơ, Kẻ Càn là chính rồi, thêm làng Kẻ Úc cũng xin tham gia. Sau cách mạng rồi kháng chiến phải mất mấy năm các làng không tổ chức hội chạy Ói, chắc năm nay phải làm to lắm.

(Trích tùy bút "Nỗi nhớ xa xăm", chưa xuất bản)

Nhà văn Trần Huy Quang

Tin khác

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ5

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 14h trước
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21h trước
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?10

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Thổn thức cùng sông Nghèn

Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/05/2024
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/05/2024
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/05/2024
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/05/2024
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/04/2024
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024