Vạt lục bình Nam bộ vẫn trôi trong văn hóa Việt

Trần Mạnh Hảo - Thứ Năm, 15/08/2024 , 13:50 (GMT+7)

Vạt lục bình Nam bộ như bóng dáng nhà văn Sơn Nam, vẫn trổ hoa trong mưa gió và cứ trôi trên những trang văn về phía chân trời của cuộc sống.

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) qua nét vẽ của Lê Sa Long.

Vạt lục bình Nam bộ! Không hiểu sao, mỗi lần nhớ đến nhà văn Sơn Nam, tôi lại hình dung đến những vạt lục bình trên các kênh rạch, sông ngòi của miền Nam. Lục bình, loài hoa “vừa đi vừa nở”, như một bài thơ tôi viết thuở nào, là một thứ hoa quá bình thường, thậm chí quá tầm thường, do trời trồng, cứ phiêu dạt, cứ lang bạt kỳ hồ như mây bay gió thổi, như số phận và tâm hồn của người nghệ sĩ.

Lục bình vừa đi vừa sống, vừa đi vừa nở hoa, vừa đi vừa sinh sôi và tan rã. Nương trên sông nước, có lúc loài hoa xê dịch này chạy như bay về phía chân trời, chạy như đang bị nghìn thượng nguồn lũ lụt đuổi bắt, chạy như đang trôi tuột về phía hư vô, về phía không còn gì, để bấu víu và tồn tại…

Quả thực, Sơn Nam là loài lục bình chuyên đi bộ, trôi bộ trên những vỉa hè của Sài thành. Ông cứ tưng tửng như thế mà đi vào lòng người, mà đi vào văn học. Học theo phép trôi nổi, vô bờ bến của vạt lục bình, chừng như Sơn Nam cứ tưng tửng suốt hơn bảy mươi năm mà đi bộ trên những vỉa hè bụi bậm quanh co của con người. Đốm lục bình trên cạn này có cảm giác như trôi không nghỉ, vừa đi vừa ngậm cái sâu kèn bốc khói, thảng hoặc cười ruồi một cái rất bí hiểm, hoặc gật đầu chào một bóng mây, quờ tay lên khoảng không như tính vịn vào sự hụt hẫng của bước chân phận số.

Trên dòng đời trôi dạt, cuộn xoáy về vô định ấy, trong hoang sơ im lặng chợt trổ ra bông lục bình, đột ngột như tiếng khóc oa oa sơ sinh của mang mang thiên cổ, có lúc lại đầy đặn, ấm áp tươi vui như tiếng cười của trời đất. Nhìn lên trời, đám mây tưng tửng kia chợt như một dề lục bình của cao xanh, trôi đi muôn đời bí hiểm mà sao chưa học được phép nở hoa của bông lục bình hoang dã.

Gió kia thổi tưng tửng lên miệt vườn và Sơn Nam cứ thế mà đi tưng tửng đến mọi người. Ông có cái dáng cổ quái như người đã ở miệt vườn từ mấy trăm năm, từ độ ông bà mình đầu tiên mở đất Nam bộ. Ông giống như một tùy phái của Thoại Ngọc Hầu vừa thu nạp dân binh đi mở kinh Vinh Tế về, lội bộ qua vài ba trăm năm đến với chúng ta như lội qua vài ba công ruộng.

Sơn Nam đã ở đô thành hơn nửa thế kỷ mà cái dáng của ông vẫn như là dáng của dân miệt vườn chay. Ông chưa hề bị nhiễm chất thị thành, hệt như ông già Nam bộ này vừa theo mùa nước nổi bắt được mấy xâu chuột, kêu bạn bè kiếm vài chùm bông điên điển về nướng chuột nhậu chơi. Ông có cái dáng dân chài lưới của U Minh thượng, U Minh hạ hơn là cái dáng của dân làm văn, viết sử.

Sơn Nam là nhà văn của nông thôn, mà là nông thôn Nam bộ, một nông thôn thuần phác mà dữ dằn, chịu chơi mà nghĩa khí, nhân hậu mà ngang tàng. Cái miệt vườn trong văn chương của Sơn Nam là một miệt vườn xưa, nơi con người và cá sấu còn tranh giành nhau từng tấc đất, nơi cọp ngồi lù lù giữa buổi chợ chiều, nơi mũi lao thường biết cách dẫn đường con người bằng cách phóng đi như tên bắn về phía hoang vu, tăm tối và nỗi sợ trước một thiên nhiên được cấu tạo bằng nỗi niềm của người xa xứ.

Ông chính hiệu là nhà văn của buổi đầu mở đất, của những người bị phát vãng, bị lưu đầy từ miền Trung, miền Bắc vào, của dân trốn nợ, của kẻ thất tình quá mà bỏ xứ, của những anh hùng Lương Sơn Bạc, muốn tìm tự do nơi xứ cọp hơn là phải sống tù túng, sợ hãi trong sự áp bức của cõi người toàn quan ôn, chúa ác.

Sơn Nam là một nhà Nam bộ học, một cuốn từ điển của thời đầu mở đất Đồng Nai. Ông tiếp tục truyền thống văn chương của những Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ… Văn ông giản dị chừng nào, mộc mạc chừng nào lại sâu sắc mà hàm súc chừng ấy.

Đọc tác phẩm Sơn Nam, tôi cứ nhớ đến Tuốchghênhiép, một nhà văn phong tục của Nga ở thế kỷ mười chín với “bút ký người đi săn” nổi tiếng thế giới. Tuốchghênhiép là một biên niên sử của nông thôn Nga thời Sa hoàng, với những trang trại và những cỗ xe tam mã, những mệnh phụ phu nhân và những mối tình phù phiếm gió bay, những nông nô và số phận tẩm toàn nước mắt, những cánh rừng tai ga hư thực và những hươu nai chỉ lấy sự chạy làm vũ khí. Cũng như Tuốcghênhiép, Sơn Nam là một nhà văn phong tục của miền Nam, của những huyền thoại thời kỳ khai điền lập ấp.

Văn của Sơn Nam không ào ào như gió chướng, lại không trong veo như nước cất trong phòng thí nghiệm, mà nó là thứ chất lỏng hồng hào có tên là phù sa, chỉ cần vốc lên đã thấy mỡ màu cả bàn tay. Dưới ngòi bút của ông, những mảnh vụn bình thường nhất của thiên nhiên, những góc khuất nhất của hồn người chợt như được khoác lên một thứ ánh sáng mới, được bước ra sân khấu của ngôn từ với vẻ mặt trang trọng và cảm động. Những cảnh, những đời, những tâm sự của ông dù với tính cách hảo hớn, hào hùng nhất, sảng khoái và chịu chơi nhất bao giờ cũng pha một giọng kể trầm buồn, u hoài, xa vắng.

Ông già Nam bộ Sơn Nam qua hí họa của Chóe.

Nói cho cùng, Sơn Nam là nhà văn của nỗi buồn con người. Hình như nỗi buồn đau mới có khả năng tạo ra cái đẹp của nghệ thuật? Thế giới nguy hiểm hơn, dễ đổ vỡ hơn nếu chỉ tồn tại bằng tiếng cười, bằng sự hoan lạc. Những câu chuyện mà Sơn Nam kể cho chúng ta thường pha chất dân gian, pha chút tiếu lâm nguyên thủy miệt vườn, đôi khi cái cười đi qua còn lưu lại nước mắt. Làm cho người đọc cảm động, còn tác giả tuồng như vẫn tỉnh queo, vẫn lầm lũi đi tìm những mảnh đời khác, những câu chuyện khác, gom nhặt chất liệu như đi mót lúa.

Sơn Nam dáng dấp nhỏ con như núi của phương Nam nhưng rắn rỏi, gân guốc. Gương mặt ông khắc khổ, hun hút như được chạm khắc bởi nỗi niềm tù túng của lịch sử có nét hao hao gương mặt của tượng đá Phù Nam. Đôi mắt ông nhìn tôi vừa xuyên suốt, vừa u u minh minh, vừa sáng quắc vừa lờ đờ, hệt như là đôi mắt của quá khứ. Ông cười lành như cái cười của nghé, của bê. Đôi lúc đang ngồi cười nói, ông chợt im lặng như quên mất tiếng nói, thậm chí như thể ông đã để quên hai lỗ tai ở nhà. Và chợt thấy ông cười ruồi như cười với người trong mơ. Đôi khi ông thất thường như mưa nắng, song ông vẫn là người bình dị, chưa một lần tỏ ra kênh kiệu ta đây. Ông có khả năng chơi thượng vàng hạ cám. Lớp trẻ quý mến ông ở tấm lòng thành thật, cởi mở và chịu chơi, thậm chí lẹt xẹt, hề hề.

Thỉnh thoảng gặp ông lúc sinh thời, tôi lại thấy nhà văn Sơn Nam của chúng ta già đi một tí. Duy giọng nói ông còn hào sảng, tiếng cười hì hì của ông sao mà trẻ thơ dường vậy. Con người càng già đi, tâm hồn càng trở về thời thơ ấu. Với những tập truyện ngắn bút ký xuất sắc, với những tập biên khảo uyên thâm, với những phát hiện mới mẻ về chân dung tinh thần của người Nam bộ, Sơn Nam quả rất xứng đáng với ý nghĩa của tên tuổi mình.

Dòng sông đuổi bắt chân trời, chẳng có gì trên đời có gan bám theo dòng sông về vô tận ngoài chấm lục bình kia. Vạt lục bình như một biểu tượng sâu xa của kiếp người, vẫn trổ hoa trong mưa gió. Như một vạt lục bình văn học, tâm hồn Sơn Nam trôi trên những trang văn về phía chân trời của cuộc sống.

Trần Mạnh Hảo
Tin khác
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.