Viện Toán học - Một góc Hà Nội bé nhỏ dịu dàng và bình yên

Phan Thị Hà Dương - Thứ Tư, 01/02/2023 , 06:02 (GMT+7)

Có lẽ không nhiều người gắn bó với Viện Toán từ thủa ấu thơ đến khi trưởng thành như tôi. Viện Toán với tôi là kỷ niệm, là hiện tại và cũng là tương lai.

Các cán bộ khoa học Toán học - Tin học. Hàng đứng đầu tiên, ở giữa GS Tạ Quang Bửu, GS Phan Đình Diệu, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy.

Tôi đã đến với Viện từ khi chỉ là một cô bé con học mẫu giáo, mẹ thường chở tôi lao qua cái dốc cao và trơn ở Núi bò. Trong ký ức mơ hồ của tôi, cái sân của Viện màu sang sáng, và hai cánh cổng hình như xanh của Viện hướng về phía trong chứ không hướng về phố Đội Cấn. Phía trong ấy nhìn sang bên trường mẫu giáo của tôi, còn phía sang đường Đội Cấn là một cái hẻm nhỏ và rất hẹp phải lách người để dắt xe qua.

Trong cái góc sân con con ấy, tôi đã chạy chơi với các bạn be bé như mình, cái Nga "vịt" con chú Trà Ân, cái Nga con bác Châu, thằng Trường Sơn con chú Cường. Bọn trẻ con chúng tôi thường được đi nghỉ hè với bố mẹ, dạo ấy mỗi mùa hè hay có một hội nghị ở biển, bố mẹ làm việc còn trẻ con chạy chơi trong sân nhà nghỉ.

Dạo ở Sầm Sơn, cô bé con chú Tuấn hái bông hoa dâm bụt đỏ và bọn trẻ con bị ong đốt. Trong khu nhà nghỉ ở Sầm Sơn ấy, chúng tôi còn được gặp cụ bà Hoàng Thị Thế - con gái rượu của cụ Đồ Thám, cụ bà xem tướng cho tôi và nói một điều làm tôi cứ ấp ủ mãi giấc mơ sau này thành nhà toán học.

Từ những mái nhà lúp xúp ở Núi bò ấy đến khi Viện Toán chuyển ra Nghĩa Đô là cả một sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Nhớ những lần mẹ đạp xe đèo tôi đến Viện, đi qua hồ Thủ Lệ, qua con đường Kim Mã rợp bóng cây như công viên, lao xuống dốc Cầu Giấy và mải miết theo con đường dài mãi dài mãi, qua những hàng hoa đầu phố rẽ vào Chùa Hà, qua những ao bèo hoa dâu, gặp chỗ trường Tuyên giáo rẽ phải đi tiếp, và lúc này đây là con đường vắng rộng mênh mông giữa những cánh đồng lúa thơm ngát. Tôi vẫn còn như thấy cảnh mẹ đạp xe thong dong giữa những cánh đồng, rồi bỗng hiện ra Viện Toán, một tòa nhà uy nghi giữa mênh mông xung quanh.

Ngày ấy, bố mẹ rất hay đưa ba chị em tôi lên Viện chơi đến nỗi tôi có cảm tưởng như bố cũng làm cùng cơ quan với mẹ. Có những khi mọi người nghe bọn trẻ con chúng tôi hát, và tôi đọc thơ cho các cô chú, các anh chị nghe. Sau đó, buổi trưa tôi nằm ngủ lên cái bàn dài trong văn phòng, hồi ấy ở tầng 1, là phòng 109 và mấy phòng bên cạnh bây giờ.

Văn phòng rộng mênh mông, tôi nhớ chú Cường ngồi gõ máy tính phía giữa phòng, bàn của chú kê sát bức tường. Tôi còn rất nhớ bác Khuyến, cô Côi, cô Cận, cô Gái, cô Dân, chị Hiền; nhớ bác Châu giọng nói miền Nam. Tất cả các cô bác ở Văn phòng rất thân thiết nhau, mùng 3 Tết khi đi làm ngày đầu tiên về mẹ tôi thường rủ các cô bác về nhà tôi nấu ăn ríu rít.

Một buổi seminar Toán - Tin, GS Lê Văn Thiêm đang trình bày, GS Phan Đình Diệu đang hút thuốc lá.

Mẹ tôi về nhà rất hay kể chuyện về Viện, trong đầu tôi bắt đầu hình thành ý niệm những người giỏi nhất sẽ về Viện Toán, các anh mới về Viện như anh Hào, anh Hoa, anh Dũng, anh Lâm, chị Hồng Minh vừa giỏi vừa xinh đẹp. Mẹ tôi kể về các anh nghiên cứu sinh rất vất vả nhưng say mê làm toán.

Nghĩ đến mơ ước của mình sau này được làm việc ở Viện, tôi cảm thấy thật xa vời, phải giỏi đến dường nào đây. Mơ ước ấy dần thành hình khi lên đại học, chúng tôi được học chú Nguyễn Tự Cường, được chú Ngô Việt Trung giúp đỡ, được gặp gỡ chú Hà Huy Khoái, chú Phạm Hữu Sách, chú Đỗ Long Vân, chú Trần Đức Vân. Sự gắn bó với Viện đã trở nên tự nhiên đối với tôi.

Một lần, dạo còn đang dạy học ở Pháp, tôi gọi điện thoại về cho bố mẹ, mẹ nói hôm nay bố mẹ vừa lên Viện họp, gặp các chú, chú Trung chú Cường bảo mẹ là “chị gọi cái Hà về đi, về Viện đi”. Tôi thấy thật vui làm sao.

Khi quyết định trở về Việt Nam, tôi về ngay Viện Toán như một lẽ tất yếu, tôi tưởng tượng mình sẽ trở về một nơi thân thuộc, chắc sẽ rất vui, cũng là niềm vui giống như khi mình trở về nhà mình hay trở về Hà Nội. Và đúng thật, các chú thân quen từ ngày tôi bé vẫn gọi tôi là cháu như con bé con, tôi vẫn có thể trêu đùa chú Trung, vẫn nghe chú Khoái kể bao nhiêu chuyện, tôi lại còn tranh luận với anh Hoa.

Một buổi gặp gỡ ở Viện Toán học năm 2022. Tác giả (thứ ba từ trái sang) và mẹ - bà Văn Xuân Hương cùng các đồng nghiệp viện Toán học.

Nói về chuyện tranh luận thì tôi còn nhớ một kỷ niệm. Hôm đầu tiên tham gia một cuộc họp, tôi thấy chú Phú đứng lên phát biểu gay gắt, rồi chú Phát cũng nói to. Lúc ấy tôi ngạc nhiên quá, tôi nghĩ bụng sao mọi người lại cãi nhau, mình tưởng mọi người thân thiết nhau lắm cơ mà. Nhưng sau cuộc họp tôi lại thấy các chú cười đùa với nhau.

Dần dần tôi đã quen với văn hóa của Viện, trong các cuộc họp nhiều người phát biểu rất thẳng thắn, không hề che đậy hay bóng gió, các tranh luận đều rất trực diện vào thẳng vấn đề. Có lần, một người bạn bảo tôi rằng Viện Toán mình là như vậy, hãy nhìn vào các cuộc bỏ phiếu, dù mọi người tranh luận và trái ý nhau thế nào thì kết quả đều rất chính xác, vì nó công bằng, vì mọi người không để tình cảm riêng xen vào lá phiếu.

Ừ, đúng rồi, vì công việc chung, nên những cuộc tranh luận không bao giờ gây ra những hiềm khích cá nhân, mà nó hướng đến một điều gì sáng rõ hơn, hợp lý hơn cho Viện. Dù các tranh luận có gay gắt đến đâu thì sau đó mọi người vẫn tôn trọng nhau và vẫn chân thành với nhau. Và đó chính là điều gắn kết mọi người lại với nhau.

Có những ngày Viện vắng cả hành lang dài tầng 2, tôi đứng một mình, thì may sao anh Yên đến kể chuyện, những lúc ấy dù anh kể chuyện thiền tôi vẫn thấy vui; cũng như tôi vui khi nghe chú Phú giảng giải về Bô xít hay tâm sự về những bài viết đầy tinh thần trách nhiệm với đất nước của chú.

Tôi vui những khi một chú nào đó từ đằng sau vỗ vai tôi nói: "Ô, tưởng là chị Hương", tôi vui khi nghe chú Khoái, chú Phú, chú Tân, nghe anh Hải, anh Phượng kể về bố tôi, kể về những lần bố tôi giảng toán ở Viện hay cả khi nói chuyện về văn thơ nữa. Tôi vui những trưa hè nắng gắt phóng xe từ Đại học Tổng hợp về, cảm thấy dịu mát khi mở cánh cửa tầng 1, thấy rộn ràng khi nghe mọi người hò reo bên bàn bóng bàn, thấy hồi hộp khi cá cược với anh Công trận anh Đại đấu với chị Hà.

Tôi vui những buổi ăn uống cùng Hoài An, Ngọc Anh, Thúy, Thảo, Hà, Khuyên, Ngọc, Yến bàn về những thứ phù phiếm như chụp ảnh đẹp, áo dài xinh - luôn luôn là một cảm giác nhẹ nhàng thư thái và chân thành.

Viện Toán là nơi tôi đã có những học trò đầu tiên của mình, đã có những nhóm làm việc, có những nỗi buồn, nỗi lo toan, nhưng rất nhiều niềm vui. Viện Toán là nơi tôi có những người đồng nghiệp trò chuyện với nhau thật nhiều về công việc, về thế sự, về cuộc sống.

Một góc Viện Toán.

Thấm thoát vậy mà đã 15 năm rồi tôi về Viện, từ cái mùa thu đầu tiên khi tôi chợt nghe một tiếng gọi: "Ơ Hà đấy à, em đã về Việt Nam từ bao giờ, bao nhiêu năm mà em chẳng khác gì cái hồi 9 tuổi lên Viện đọc thơ gì cả". 15 năm ấy, đã có nhiều chú bác về hưu, đã có thêm nhiều bạn trẻ; từ ngày Viện có rất ít bạn nữ, cho đến nay đã có nhiều cô gái xinh đẹp.

Cách đây hơn 10 năm, có một người bạn của tôi khi đi xa trở về đã viết rằng Hà Nội bây giờ quá khác xưa, ồn ào, vội vã và náo nhiệt; trở về Hà Nội thấy lòng xa lạ quá, biết tìm đâu ra một góc nhỏ bình yên. Khi ấy tôi đã trả lời: Bạn ơi, vẫn còn một góc nhỏ như thế là Viện Toán của mình.

Bao năm qua, hình ảnh của Viện trong tôi có thể thay đổi dần theo năm tháng, nhưng có một điều sâu xa nhất không thay đổi, đó là Viện luôn là một góc Hà Nội bé nhỏ nhưng dịu dàng và bình yên.

Phan Thị Hà Dương
Tin khác
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.