Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Yên Thành - Nghệ An. Từ năm 1956, nhạc sĩ Hồng Đăng rời quê nhà ra Hà Nội học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam và gắn bó với Thủ đô đến tận bây giờ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng có nhiều ca khúc được công chúng yêu mến như “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”, “Ký ức đêm”, “Nắng về Tây Bắc”… Thế nhưng, đóng góp quan trọng để ban tổ chức "Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" quyết định vinh danh nhạc sĩ Hồng Đăng, chính là ca khúc “Hoa sữa” quen thuộc với đời sống văn hóa hơn 40 năm qua.
Ca khúc “Hoa sữa” được nhạc sĩ Hồng Đăng viết cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của nữ đạo diễn Đức Hoàn sản xuất năm 1978. Bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” không chỉ gây ấn tượng qua diễn xuất của Như Quỳnh và Trần Vân, mà còn tạo cảm xúc qua ca khúc “Hoa sữa”. Từ màn ảnh, ca khúc “Hoa sữa” bước ra thị trường âm nhạc và chinh phục những người yêu Hà Nội.
Không nhắc đến bất kỳ địa danh nào của Hà Nội, nhưng mỗi khi ca khúc “Hoa sữa” vang lên thì ai cũng thêm nhớ thêm thương mảnh đất ngàn năm văn hiến. Ca khúc “Hoa sữa” từng được rất nhiều ca sĩ biểu diễn và góp phần biến hoa sữa thành một biểu tượng của vẻ đẹp Hà Nội: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào em lại quên anh”.
“Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” được báo Thể Thao & Văn Hóa đăng cai từ năm 2009 đến nay. Qua 13 lần trao giải cho 13 nhân vật cống hiến cho vẻ đẹp tinh thần Hà Nội, chỉ mới có hai nhạc sĩ là nhạc sĩ Phú Quang năm ngoái và nhạc sĩ Hồng Đăng năm nay.
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Không chỉ có tài năng sáng tác, nhạc sĩ Hồng Đăng còn là một người quảng giao và có say mê nghiên cứu tử vi.
Nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Nhạc sĩ Hồng Đăng do tuổi cao sức yếu, không thể có mặt tại lễ vinh danh. Hiện nay, nhạc sĩ Hồng Đăng đang sống với người vợ thứ ba là kỹ sư xây dựng Lê Anh Thúy nhỏ hơn ông 26 tuổi.