Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam có lần thứ 2 liên tiếp vượt mốc 4 tỷ USD và đạt mức kỷ lục 4,24 tỷ USD. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục vượt mốc 4 tỷ USD và phá kỷ lục của năm 2023, với kim ngạch đạt 4,37 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD chỉ sau 3 quý.
Nguyên nhân chính giúp cho xuất khẩu cà phê sớm vượt mốc 4 tỷ USD và lập kỷ lục mới trong năm nay là nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt mức 3.897 USD/ tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá cà phê xuất khẩu bình quân ở mức 5.469 USD/tấn, tăng 65% so với tháng 9/2023.
Nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê vẫn xác lập kỷ lục mới trong bối cảnh lượng xuất khẩu giảm do sản lượng cà phê Robusta giảm. 9 tháng đầu năm nay, lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 1,12 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm khi chỉ đạt 65 nghìn tấn.
Sản lượng cà phê Robusta (loại cà phê xuất khẩu chính của Việt Nam) bị giảm thể hiện rõ qua cơ cấu các loại cà phê xuất khẩu. 8 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu cà phê Arabica tăng 59% về lượng thì lượng cà phê Robusta xuất khẩu lại giảm 17% (đạt 892 nghìn tấn). Vì vậy, trong cơ cấu cà phê xuất khẩu 8 tháng đầu năm, thị phần của cà phê Robusta giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, còn tỷ trọng của cà phê Arabica tăng lên.
Ngoài việc giảm sản lượng, một nguyên nhân khác khiến lượng cà phê Robusta xuất khẩu giảm khá nhiều trong năm nay là nhu cầu sử dụng cà phê trong nước đang ngày càng tăng cao. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến cà phê hòa tan ở Việt Nam, vì vậy, lượng cà phê Robusta được thu mua để chế biến ngày càng tăng, dẫn tới lượng cà phê nhân giành cho xuất khẩu giảm xuống. Việc xuất hiện hàng loạt chuỗi kinh doanh cà phê ở Việt Nam cũng góp phần không nhỏ trong việc làm tăng lượng cà phê tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Ở thời điểm này, Việt Nam đã bước vào niên vụ cà phê 2024/2025 (tháng 10/2024 đến tháng 9/2025). Trong những ngày đầu tháng 10, giá cà phê tại Tây Nguyên đang có xu hướng giảm so với cuối tháng 9.
Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích thị trường cà phê, giá cà phê giảm trong những ngày đầu tháng 10 có nguyên nhân chính là Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất hoãn một năm việc thực hiện quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến phá rừng (EUDR). Trong những tháng gần đây, vì lo ngại nhiều lô hàng cà phê không đáp ứng được EUDR, các nhà nhập khẩu EU đã đẩy mạnh thu mua cà phê từ các nước sản xuất trước thời điểm quy định này có hiệu lực (1/1/2025), khiến cho giá cà phê tăng mạnh. Vì vậy, việc hoãn thực hiện EUDR sẽ khiến cho áp lực giao hàng cà phê sang EU trong tháng 11 giảm xuống, dẫn tới giá cà phê trên các sàn giao dịch giảm và tác động tới giá cà phê ở các nước sản xuất chính, trong đó có Việt Nam.
Tuy đã giảm so với cuối tháng 9, nhưng giá cà phê hiện tại vẫn đang ở mức cao, gần 120 nghìn đồng/kg. So với đầu tháng 10/2023, giá cà phê hiện tại ở Tây Nguyên đang cao hơn gần 2 lần. Như vậy, đây là niên vụ cà phê đầu tiên ở Việt Nam mà giá đầu niên vụ ở mức hơn 100 nghìn đồng/kg. Với những dự báo về sản lượng cà phê tiếp tục giảm trong niên vụ 2024/2025, nhiều khả năng, giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong suốt niên vụ này.
Với kết quả xuất khẩu đã đạt được trong 9 tháng, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong cả năm nay đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD.