Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Yêu cầu của chứng cứ ngôn ngữ trong các giả thuyết về ngôn ngữ

Yêu cầu của chứng cứ ngôn ngữ trong các giả thuyết về ngôn ngữ

Bài này trả lời gọn từng điểm trong bài báo của tác giả Hồ Trung Tú ngày 10/08/2022, “Đôi điều với tác giả Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”.

Trả lời “Đôi điều với tác giả Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của tác giả Hồ Trung Tú.

Bài này trả lời gọn từng điểm trong bài báo của tác giả Hồ Trung Tú (HTT) đăng trên Nôngnghiep.vn ngày 10/08/2022, tựa đề “Đôi điều với tác giả Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”.

Bài liên quan

1.

 HTT viết “việc PGS.TS Andrea Hoa Pham “chê” tôi về phương pháp ngôn ngữ học tôi dùng để chứng minh là “thiếu chứng cứ” thật thiếu công bằng. Thật ra thì phải nói ở mảng ngôn ngữ trong chương “Giọng nói người Quảng Nam”, những ví dụ tôi đưa ra, và đã nói rõ trong sách, là để nhằm minh họa và nhắm đến đối tượng người đọc phổ thông nhất, thậm chí đó là các cụ già, các bà già trầu ở các làng quê luôn băn khoăn về tộc họ, đọc cũng hiểu được. Bằng chứng nếu dùng những thuật ngữ khoa học ngôn ngữ như chị Andrea Hoa Pham đã dùng thì nhiều người than là khó đọc, không hiểu được?”.

Thứ nhất, “ví dụ” và “thuật ngữ” không phải là “bằng chứng” hay “phương pháp ngôn ngữ”, và sách tôi ra sau sách tác giả HTT 14 năm, sao đã biết là người đọc “không hiểu được”? Thứ hai, tôi không phải các “bà già trầu”. Nếu tác giả muốn thuyết phục những người nghiên cứu ngôn ngữ như chúng tôi thì cần đưa ra chứng cứ khoa học. Trong khi đó, không có một bằng chứng ngôn ngữ nào trong cuốn Có 500 năm như thế cho thấy “vì người Chăm nói tiếng Việt mà nó thành ra giọng Quảng Nam”. Không một tác giả nào có thể ép bất kỳ ai phải tin vào giả thiết của anh ta. Một công trình nói về ngôn ngữ mà các độc giả tán đồng không bao gồm những người nghiên cứu ngôn ngữ, thì nên chăng cần xem lại giả thiết của mình?

 

2.

Vì sao HTT không đưa được chứng cớ để chứng minh? Vì nó không có! Đó là xác nhận của chính tác giả “Và bây giờ là đến chuyện chứng cứ. Khi đưa ra luận điểm rằng giọng nói người Quảng Nam chính là giọng nói của người Chàm xưa nói tiếng Việt theo cách của họ mà thành, tôi biết rằng trước sau gì cũng phải chứng minh luận điểm quan trọng này. Thế nhưng khi nhờ đến cả các chuyên gia ngôn ngữ và cả những người Chăm nay, rằng liệu có hướng tiếp cận nào để có thể chứng minh điều đó không thì tất cả đều lắc đầu”.

Khi viện đến các “chuyên gia ngôn ngữ và cả những người Chăm nay” nhưng “tất cả đều lắc đầu” không chứng minh được giả thiết do tác giả đưa ra, thì thật là thần kỳ, giả thiết ấy vẫn được cho là đúng, và chúng tôi phải tin. Chưa bao giờ tôi thấy một kiểu lý luận tương tự trong bất kỳ một công trình nghiên cứu nào.

3.

 Cách hiểu về logic theo tác giả HTT như sau: “tôi chứng minh được người Chàm ở lại, họ ở lại thì họ phải nói tiếng Việt, và họ nói tiếng Việt thì không thể giống 100% người Việt được và nó ra giọng Quảng. Suy luận như vậy là logic và nó tương đối thỏa mãn được câu hỏi lớn nhất là giọng Quảng từ đâu mà có”.

Có thể logic này có lý đến đoạn “họ nói tiếng Việt thì không thể giống 100% người Việt được”, nhưng cái kết luận “và nó ra giọng Quảng” mới làm nhiều người chưng hửng. Không người nghiên cứu ngôn ngữ nào hiểu nổi cái “logic” này. Chắc chắn những người Chăm ở lại là một trong những nhân tố tác động và tạo ra những biến âm trong giọng Quảng Nam, nhưng nó không thể muốn ra giọng gì thì ra để phục vụ một giả thuyết nào đó. Cái logic người Chăm vì “nói tiếng Việt không thể giống 100% người Việt được và nó ra giọng Quảng” đã “nhảy cóc”, bỏ qua một đoạn cực kỳ quan trọng: chứng cớ.

Việc poupeé của tiếng Pháp được Việt hóa thành “búp bê”, hay tiếng Anh shipper người Việt nói thành “xíp bơ” có thể giải thích dễ dàng nếu chúng ta biết rằng những cách nói chệch đi ở các từ vay mượn này là để phù hợp với cấu trúc âm tiết và các sắp xếp âm trong tiếng Việt (phonotactics, những âm và những cách kết hợp âm cho phép xuất hiện trong một phương ngữ, ngôn ngữ nào đó). Hiện tượng như vậy xảy ra với từ vay mượn trong tất cả các ngôn ngữ. Nó là một phần trong nhánh nghiên cứu về việc học một ngôn ngữ thứ hai (L2 acquision) thuộc khoa Ngôn ngữ học. Ngoại lệ có nhưng không đáng kể, như đèn pile từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, có người nói đèn “bin”, có người nói đèn “pin”. Tiếng nói là một hệ thống hoạt động theo những quy luật nghiêm ngặt, không biến ra âm gì thì ra theo ý thích cá nhân hay cộng đồng. Không ai tự nhiên giải Nobel mà đi nói thành nô bét hay nít xì bo, v.v… gì cũng được.

Người ta chờ đợi một giải thích tương tự như vậy về trường hợp giọng Quảng Nam do người Chăm phát âm mà ra, nhưng mãi đến nay tác giả HTT vẫn không thể cung cấp được gì ngoài việc cố chứng minh là có nhiều người Chăm ở lại và vấn đề hòa huyết mạnh tới đâu.

Nhân tiện, HTT không phải là người đầu tiên nêu lên giả thiết giọng Quảng Nam do người Chăm nói mà ra. Đồng nghiệp tôi ở Sài Gòn cho biết nhiều người đã nghe về giả thiết này từ đầu những năm 2000, hàng chục năm trước khi cuốn sách Có 500 năm như thế ra đời. Họ nói đó chỉ là những câu chuyện kiểu bên bàn cà phê. Việc không một ai viết thành bài báo hay sách, nhất là các chuyên gia tiếng Chăm hoặc tiếng Việt, thiết nghĩ lý do cũng khá rõ.

 

4.

Tác giả HTT “Nói thật đến giờ, sau khi đọc sách chị nhiều lần tôi vẫn không hiểu chị kỳ công chứng minh giọng Quảng Nam có gốc Thanh Nghệ là để làm gì. Phần lớn gia phả Quảng Nam đã ghi rõ tổ tiên họ là người Thanh Nghệ rồi thì việc giọng nói người Quảng Nam có vài âm nào đó giống người Thanh Nghệ thì đâu có gì lạ?”.

Nếu HTT đã đọc sách tôi nhiều lần rồi mà vẫn không hiểu tôi kỳ công tìm cách chứng minh giọng Quảng nam có gốc Thanh Nghệ là “để làm gì”, thì vài chữ ở đây cũng chẳng làm gì khác được. Tuy nhiên, một cách ngắn gọn, tôi viết về nguồn gốc của di dân (chương ba) thứ nhất là để trình bày giả thuyết của tôi một cách có đầu có đuôi, vì một trong các chứng cớ cho luận điểm của tôi là các phong trào di dân. Thứ hai, để chúng ta thấy rõ hơn là vấn đề di dân trong lịch sử hầu như không được ghi chép hoặc nghiên cứu tỉ mỉ, vì số liệu hầu như không có. Trình bày lịch sử vấn đề mình nghiên cứu là một “luật chơi” mà một sinh viên nào cũng phải làm trước khi nói về luận điểm hoặc đóng góp riêng của họ.

Đấy là chưa kể tôi cũng không “kỳ công chứng minh” gì cả. Dựa vào tài liệu của các nhà nghiên cứu đi trước, tôi “miêu tả lại bối cảnh các sự kiện về di dân, đặt những câu hỏi gợi mở, và chia sẻ một số suy nghĩ về vấn đề này” (Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, 118).

Còn đối với những người làm nghiên cứu ngôn ngữ, đặc biệt là ngữ âm lịch sử, thì “vài âm nào đó giống nhau” mà HTT coi thường như dẫn ở trên, là những hạt vàng ròng.

Rồi cũng vì đọc sách nhiều lần “vẫn không hiểu” nên HTT mới có câu hỏi sau đây: “Ta không rõ A nào tương tác với B nào để ra C là giọng Quảng nay thì làm sao lấy dữ liệu để chứng minh đây? Là nhà ngôn ngữ học chị có cách gì không?”. Tôi có cách chứ, và đã trình bày rất kỹ trong sách (tôi đã viết về điều này trong bài phản biện bài báo của Nguyễn Khoa, đăng trên Nongnghiep.vn ngày 15/09/2022). Một ví dụ đơn giản là người ta có thể dựng lại được lịch sử phát triển thanh điệu tiếng Việt từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 12. Nếu nghi ngờ như HTT thì các chuyên gia tiếng Chăm đã lấy đâu ra dữ liệu để thử dựng lại những phát triển của các phương ngữ Chăm trong hai ngàn năm qua? (Thurgood 1999 From Ancient Cham to Modern Dialects: Two Thousand Years of Language Contact and Change: With an Appendix of Chamic Reconstructions and Loanwords, Oceanic Linguistics Special Publications (28), I-407).

Dựa vào lịch sử di dân và chứng cớ đồng đại, tôi hình dung ra các biến âm (có tính lịch đại) trong giọng Quảng Nam. Tôi giải thích rất kỹ một số quy luật và các biến âm ở các chương 2, 4 và 5. Đó là những chương khá chuyên sâu, cốt dành cho sinh viên ngành ngôn ngữ. Cho nên nếu chỉ chăm chú vào các chương về lịch sử di dân và giả thiết về cộng cư thì cũng không có gì ngạc nhiên khi tác giả HTT không hiểu luận điểm và chứng cớ tôi đưa ra, kết quả đưa đến các câu hỏi như “đang yên đang lành sao tự dưng những người Thanh Nghệ đó biến đổi giọng nói thành giọng Quảng Nam? Tôi chắc chắn chị sẽ không trả lời được câu hỏi này” (ở đây tôi cũng không hiểu vì sao một bài phản biện học thuật để tiến gần đến sự thật lại được viết với một giọng ngạo mạn và như thách đấu kiếm vậy?).

 

5.

Có nghĩa rằng là chị cố công chứng minh bằng lịch sử, là mảng chị không chuyên ngành, là người Chàm đã bỏ đi cả là để phản biện tôi chứ không phải bất cứ ai cả. Thế mà chị vẫn không một dòng dẫn tham khảo sách tôi”.

Cái này là một kiểu suy diễn quá chủ quan và kiêu ngạo, nhưng tôi vẫn trả lời và buộc phải nói thêm một chút ngoài chuyện học thuật.

Thứ nhất, vì không chuyên lịch sử nên tôi cố công tìm hiểu rất kỹ những trận đánh chiếm Champa, và nơi xuất phát của các đợt di dân trong các tài liệu lịch sử. Không hiểu sao việc làm cẩn thận này lại bị chê bai.

Tôi rà xét lại các chi tiết đã ghi trong các tài liệu mà tôi có được nói về cộng cư và về số người Chăm ở lại, và thấy viết không rõ ràng. Chẳng những thế, tài liệu về các vấn đề này rất thiếu sót. Tôi nêu câu hỏi để những người quan tâm cùng suy nghĩ. Dù có cho rằng người Chăm ở lại rất đông sau khi mất đất về tay Đại Việt, thậm chí hòa huyết với người Việt tới mức người Quảng Nam hiện nay 100% là người Chăm đi nữa, điều đó cũng không phải là “bằng chứng” cho luận điểm “người Chăm nói tiếng Việt nó thành ra giọng Quảng”. Nếu biến âm làm việc theo lý lẽ này, thì cũng có thể nói rằng trên đất Mỹ, ở những nơi người Việt chiếm đa số, tuy họ phải nói tiếng Anh nhưng với chất giọng Việt, làm “méo mó” tiếng Anh-Mỹ của người Mỹ ở đó. Rồi tùy các làn sóng người Việt đến Mỹ sớm hay muộn, “chịu” nói tiếng Anh sớm hay muộn, họ sẽ tạo ra các “phương ngữ” khác nhau của tiếng Anh trên đất Mỹ như cách HTT giải thích phương ngữ của tiếng Việt? (Chuyện tiếng Anh ở Mỹ hầu như có rất ít khác biệt vùng miền, nhưng không phải là vấn đề tôi muốn nói ở đây).

Thứ hai, về việc vì sao không dẫn cuốn Có 500 năm như thế, như tôi đã trả lời trong bài phỏng vấn của Thái Hạo, là vì cuốn sách ấy không phải là một tài liệu hay công trình ngôn ngữ học. Hơn nữa, tôi đã viết riêng một bài báo về cuốn sách đó đăng trên Tạp chí Ngôn Ngữ năm 2014 (“Ngôn ngữ biến đổi và số phận của nguyên âm /a/ trong giọng Quảng Nam”, số 6, 10-18). Trong bài báo ấy tôi chỉ dùng một nhận định ngôn ngữ sai cơ bản trong cuốn Có 500 năm như thế để trình bày cho sinh viên cách thiết kế và lấy tư liệu như thế nào, cách phân tích hệ thống âm vị của một ngôn ngữ hay phương ngữ ra sao.

Năm 2012, qua một người bạn chung, HTT đem một bản Có 500 năm như thế đến tận nhà gia đình tôi ở Đà Nẵng nơi tôi nghỉ, để gặp và nhờ giới thiệu cuốn sách. Tác giả chia sẻ rằng mãi mới tìm được nhà xuất bản chịu in sách, và không nhà ngữ học nào ở Việt Nam chịu giới thiệu. Vì chưa bao giờ làm điều đó, tôi nói không dám hứa trước, nhưng sau đó đã viết một bài trang trọng giới thiệu cuốn sách, vì tôi quý mến cái cách mạnh dạn đặt vấn đề, nhiệt huyết và tâm sức bỏ ra. Trong bài ấy tôi cũng nhận xét nhẹ nhàng rằng nhận định về ngôn ngữ trong sách cần phải được chứng minh. Tôi đã phân tích cụ thể nhận định ấy trong bài báo năm 2014. Tôi cho rằng nói về cuốn Có 500 năm như thế như vậy là đủ.

 
Bài liên quan

6.

Cuối cùng là chuyện “bản quyền” trong việc miêu tả “a” người Quảng Nam phát âm thành “oa” mà HTT không ngớt than phiền trên mạng xã hội mấy tháng nay và cũng phản ánh qua vài bài báo trên tờ Lao Động ký tên Thanh Hải. Tác giả HTT cho rằng mình là người đầu tiên miêu tả cách phát âm đặc biệt này trong giọng Quảng Nam và tôi đã lấy lại mà không nêu công anh. “Các nghiên cứu về sau như chị nói hy vọng chị có bằng chứng đưa ra để mọi người tin chắc rằng chị là người đầu tiên nói đến hiện tượng đặc biệt a-oa này. Trên giấy trắng mực đen thì tôi nói chuyện a-oa này trong lần xuất bản đầu tiên năm 2011”.

Trích luận văn thạc sĩ 'The coronal-velar relationship in Vietnamese dialects' của Andrea Hoa Pham.

Trích luận văn thạc sĩ “The coronal-velar relationship in Vietnamese dialects” của Andrea Hoa Pham.

Thứ nhất, khác với HTT, tôi chưa bao giờ khẳng định là người “đầu tiên” nói đến hiện tượng phát âm đặc biệt của nguyên âm a trong giọng Quảng Nam. Nếu đọc phần lịch sử vấn đề ở chương 2, HTT sẽ thấy tôi lần lượt dẫn các tài liệu ngôn ngữ nói về giọng Quảng Nam mà tôi có được. HTT trách tôi không dẫn tài liệu của Vương Hữu Lễ 1974 mà tôi nhắc đến trong bài phỏng vấn của Thái Hạo. Bởi vì mãi dịp tôi về nước ra mắt cuốn sách hôm tháng 7/2022, tôi mới nghe GS Hoàng Dũng nói về cuốn luận văn Thạc sĩ của GS Vương, nay đã thất lạc, nên chắc chắn tôi không thể nhắc đến nó trong cuốn sách. Tuy nhiên tôi đã dẫn bài của GS Vương Hữu Lễ năm 1998, và cuốn sách Ngữ âm tiếng Việt của Vương Hữu Lễ và Hoàng Dũng năm 1994. Hai tài liệu này đều miêu tả cách phát âm đặc biệt của người Quảng Nam với nguyên âm viết bằng a. Cả hai tài liệu này đã được in nhiều năm trước khi cuốn sách của HTT ra năm 2011. Tôi tự hỏi khi viết cuốn sách Có 500 năm như thế HTT có tra cứu kỹ tài liệu ngôn ngữ của các tác giả đi trước không để không ngộ nhận như vậy? Hay vì các bài báo ấy dùng toàn ký hiệu ngữ âm quốc tế IPA nên tác giả HTT cho qua?

Về “chứng cứ” trên giấy trắng mực đen mà tác giả HTT đòi hỏi thì tôi buộc phải đưa ra đây. Trong luận văn Thạc sĩ, để áp dụng và chứng minh một vấn đề lý thuyết, tôi đã nghiên cứu bốn phương ngữ chính của tiếng Việt bao gồm cả giọng Quảng Nam, và bảo vệ năm 1997 ở Canada, 13 năm trước khi HTT in cuốn sách Có 500 năm như thế. Tôi đã nói về điều này ngay ở lời nói đầu của cuốn sách. Kèm bài báo này là ảnh vài trang chụp cuốn luận văn Thạc sĩ đó. Ở cuối trang 74 tôi miêu tả nguyên âm viết bằng a là một nguyên âm thấp, dòng sau, không tròn môi, không thấy ở phương ngữ nào khác, vẫn là cách tôi miêu tả nguyên âm này trong cuốn sách “Nguồn gốc”. Trong ảnh chụp trang 74, tôi ghi bút chì các ví dụ bằng chữ Quốc ngữ để dễ đọc. Đầu trang 75 là các ví dụ cho nguyên âm viết bằng a trong âm tiết mở và khép. Ví dụ đầu tiên là từ (madame/grandmother) với hai biến thể, không tròn môi và môi hóa. Tôi cũng đưa các ví dụ cho thấy khi đứng trước phụ âm môi (p/m), nguyên âm này bị đồng hóa, nên xe đạp nói thành xe độp, làm nói thành lồm.

Đáng tiếc HTT đã không chịu tìm hiểu, để mất công than phiền về “đạo đức học thuật” của tôi suốt mấy tháng qua.

Cuối cùng, “a” nói thành “oa” này chỉ đơn giản là một hiện tượng mà ai đó đã nói rằng “nó nằm ngoài đường ai cũng nhặt được”. Nếu đọc cuốn sách của tôi, tác giả HTT sẽ thấy việc trả lời câu hỏi về bản chất ngữ âm, vài trò âm vị, xuất xứ và quá trình biến đổi của nó để trở thành một nguyên âm độc lập trong hệ thống âm vị giọng Quảng Nam mới là đóng góp của cuốn sách tôi viết.

Mà đó cũng chỉ là một trong hàng chục vấn đề về biến đổi âm thanh trong giọng Quảng Nam mà cuốn sách bàn đến.

Giọng Quảng Nam cũng chỉ là một phần trong toàn cảnh bức tranh biến âm trong tiếng Việt của các công trình mà tôi đã, đang và sẽ nghiên cứu tiếp, chứ không phải là những giả thiết ngoài ngôn ngữ.

Andrea Hoa Pham
Trương Khánh Thiện
A.H Pham
.

Tin khác

Mạch nha Thi Phổ

Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/12/2024
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/12/2024
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/12/2024
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 06/12/2024
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/12/2024
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/12/2024
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/12/2024
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/12/2024
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 29/11/2024
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/11/2024
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/11/2024
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 22/11/2024