| Hotline: 0983.970.780

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Đôi điều với tác giả 'Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam'

Đôi điều với tác giả 'Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam'

Tôi chứng minh được người Chàm ở lại, họ ở lại thì họ phải nói tiếng Việt, và họ nói tiếng Việt thì không thể giống 100% người Việt được và nó ra giọng Quảng.

LTS: Báo NNVN vừa có bài phỏng vấn PGS.TS Andrea Hoa Pham, tác giả "Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam", cuốn sách đang thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp độc giả. Sau khi báo đăng, nhà văn Hồ Trung Tú đã gửi tới NNVN bài trao đổi.

Báo NNVN tôn trọng quan điểm cá nhân các tác giả. Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ học cùng bạn đọc.

Tôi không thể không có đôi lời khi ở bài phỏng vấn của Thái Hạo với PGS.TS Andrea Hoa Pham, tác giả của cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, đã nhắc đến tên tôi và cuốn sách của tôi: “Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử”.

 

Trước hết cần nói rõ rằng trong nghiên cứu khoa học, nhất là mảng lịch sử, và cụ thể ở đây là ngôn ngữ lịch sử ta sẽ hầu như không có sự thật hoặc chân lý cuối cùng, cũng như sẽ không có ai tuyệt đối đúng về một lĩnh vực này. Người sau kế thừa rồi phủ định những kết quả nghiên cứu hoặc những giả định của người đi trước và cứ thế khoa học tiến lên. Một câu chuyện diễn ra trước mắt nhưng hai người đã kể lại với hai nội dung khác nhau huống hồ là chuyện năm bảy trăm năm trước lúc hình thành giọng nói người Quảng Nam. Một khi mọi bằng chứng đã mất thì chính các giả thiết đã giúp ta hình dung được những gì đã xảy ra cho đến khi có một giả thuyết khác. Ngay mô hình nguyên tử đến giờ cũng vẫn là một giả thuyết kia mà!

Chính vì vậy, việc PGS.TS Andrea Hoa Pham “chê” tôi về phương pháp ngôn ngữ học tôi dùng để chứng minh là “thiếu chứng cứ” thật thiếu công bằng. Thật ra thì phải nói ở mảng ngôn ngữ trong chương “Giọng nói người Quảng Nam”, những ví dụ tôi đưa ra, và đã nói rõ trong sách, là để nhằm minh họa và nhắm đến đối tượng người đọc phổ thông nhất, thậm chí đó là các cụ già, các bà già trầu ở các làng quê luôn băn khoăn về tộc họ, đọc cũng hiểu được. Bằng chứng nếu dùng những thuật ngữ khoa học ngôn ngữ như chị Andrea Hoa Pham đã dùng thì nhiều người than là khó đọc, không hiểu được. Tôi nghĩ là tôi đã chọn đúng cách và việc nó phi phương pháp học của ngôn ngữ thì cũng đâu có gì sai?

 

Và bây giờ là đến chuyện chứng cứ. Khi đưa ra luận điểm rằng giọng nói người Quảng Nam chính là giọng nói của người Chàm xưa nói tiếng Việt theo cách của họ mà thành, tôi biết rằng trước sau gì cũng phải chứng minh luận điểm quan trọng này.

Thế nhưng khi nhờ đến cả các chuyên gia ngôn ngữ và cả những người Chăm nay, rằng liệu có hướng tiếp cận nào để có thể chứng minh điều đó không thì tất cả đều lắc đầu. Bởi vì đơn giản rằng, cho đến nay chúng ta không biết được vào lúc đó, thế kỷ 14, sau đám cưới công chúa Huyền Trân năm 1306, người Chàm lúc đó dùng ngôn ngữ gì và ngay cả người Việt cũng vậy, các nghiên cứu cho thấy tiếng Việt lúc đó không hoàn toàn giống như bây giờ. Chí ít ta có hai cộng đổng người Chăm lúc đó, một thuộc ngữ hệ Môn - Khmer và một thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Và người Việt vào đất Quảng Nam lúc đó là người Việt nào? Hiện ở Quảng Nam chưa có gia phả tộc họ nào nói rằng tổ tiên họ đã vào đất này trước đợt di dân lớn dưới thời nhà Hồ, tức 1306 đến 1400; nên chúng ta cũng không biết nhóm người mà “Đại Nam Thực Lục” triều Nguyễn gọi là “dân Kinh cựu” đó là người thuộc những tỉnh nào, nói giọng Thanh Nghệ hay Bắc bộ.

Ta không rõ A nào tương tác với B nào để ra C là giọng Quảng nay thì làm sao lấy dữ liệu để chứng minh đây? Là nhà ngôn ngữ học chị có cách gì không?

Khi chưa đủ cơ sở để chứng minh một cách trực tiếp như PGS.TS Andrea Hoa Pham yêu cầu thì không lẽ chúng ta bó gối ngồi nhìn và mãi chấp nhận đó là điều không thể hiểu hay sao? Tôi không chịu được như vậy và đã đi một con đường khác để tìm cách giải đáp những câu hỏi trước hết cho chính bản thân mình, cho chính giọng nói không giống với quê hương bản quán đất Bắc của mình: Mình là người Bắc vào sao mình không nói giọng Bắc?

Luận điểm “chính sự chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau của người Chàm mà nay ta có những vùng phương ngữ khác nhau từ Quảng Nam trở vào” của tôi mà PGS.TS Andrea Hoa Pham đã trả lời phỏng vấn rồi nhận xét: “Trong khi hoàn toàn không đưa ra một giải thích ngôn ngữ học nào cả về việc chuyển biến ấy”. Xin thưa rằng nhận định đó của tôi rút ra sau khi đã nỗ lực chứng minh rằng người Chàm ở lại là đông và nó nằm trong sự phân kỳ dựa trên những lát cắt đứt đoạn của dòng người Nam tiến đã tạo nên.

Người Quảng Nam là người Chàm nói tiếng Việt từ 1306 thì người Phú Yên chỉ nói tiếng Việt từ 1611. Họ chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn cách nhau 300 năm há không có khác nhau ư? Nếu người Quảng Nam là người Chàm tập nói tiếng Việt với một người Thanh Nghệ hoặc Hải Dương, Thái Bình (chưa biết được) thì người Bình Định, Phú Yên đã tập nói tiếng Việt với người Quảng Nam nên giọng nói người Quảng Nam đến Phú Yên khác nhau rất ít (chủ yếu ở nguyên âm a-oa-e) và các nhà ngôn ngữ đều xếp nó vào cùng một phương ngữ không phải là không có lý do. Huế rất gần Quảng Nam nhưng đó là phương ngữ khác nhau rất xa, thậm chí ở 30 năm cạnh nhau cũng không bắt chước giọng nhau được nên Huế và Quảng Nam là một câu chuyện khác về phương ngữ.

Ở Quảng Nam cũng có những ốc đảo giọng Quảng Ngãi hay Bình Định. Nhận định: “Chính sự chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau của người Chàm mà nay ta có những vùng phương ngữ khác nhau từ Quảng Nam trở vào” dù không thể chứng minh được bằng ngôn ngữ học (xin chờ các thế hệ sau) nhưng rõ ràng nó được hỗ trợ bởi lịch sử Nam tiến và sự phân kỳ (chính lát cắt 50 năm thuộc Minh rồi sau đó 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, không có bất cứ ai vượt được lũy Trường Dục) đã tạo điều kiện để Đàng Trong ổn định một giọng nói. 200 năm là 8 thế hệ, đủ để những thế hệ con cháu những “Kinh cựu” đó quên đi giọng nói cha ông mà chuyển sang nói giọng với bạn bè trẻ em Chàm quanh mình.

Hãy hình dung những đứa con cháu 8 đời sau của những gia đình sang Mỹ sẽ nhớ về giọng nói người Việt Nam như thế nào ta sẽ hình dung được chuyện gì xảy ra trong 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh đó. Người Chàm cũng trước sau tùy nơi mà chuyền dần sang nói tiếng Việt. Logic vấn đề là vậy. Khi không thể chứng minh thì ta có mô hình hoặc giả thuyết. Giọng nói Hai Bà Trưng, giọng nói người Đông Sơn, giọng nói người Lạc Việt (tìm kiếm sẽ thấy các chuyên gia đưa ra các giả thuyết)… cũng là những giả thuyết cả đấy chứ và đó cũng là những cuộc tìm kiếm không kết thúc, ít ra là đến thời điểm này.

Và giả thuyết này nó thỏa mãn được những câu hỏi thực tế, nếu thấy ở đâu đó có một ốc đảo ngôn ngữ, giọng nói khác lạ thì truy hỏi thế nào chúng ta cũng ra được vấn đề về dân tộc học. Tôi đã dùng cách này để mong muốn vẽ được bản đồ da báo các làng Chàm - Việt sống xen kẽ nhau vào khoảng 1602, năm Nguyễn Hoàng vào Nam hoặc trước khi Minh Mạng ra những sắc chỉ buộc người Chăm (Chàm) phải quên dần gốc gác.

Và chỉ có thể nói được bất cứ chuyện gì một khi chứng minh được người Chàm ở lại là đông chứ người Việt vào không phải là vào miền đất trống. Tôi nghĩ những bằng chứng tôi đưa ra là đủ thuyết phục.

Và thêm nữa, tôi chứng minh được người Chàm ở lại, họ ở lại thì họ phải nói tiếng Việt, và họ nói tiếng Việt thì không thể giống 100% người Việt được và nó ra giọng Quảng. Suy luận như vậy là logic và nó tương đối thỏa mãn được câu hỏi lớn nhất là giọng Quảng từ đâu mà có.

 

Nói thật đến giờ, sau khi đọc sách chị nhiều lần tôi vẫn không hiểu chị kỳ công chứng minh giọng Quảng Nam có gốc Thanh Nghệ là để làm gì. Phần lớn gia phả Quảng Nam đã ghi rõ tổ tiên họ là người Thanh Nghệ rồi thì việc giọng nói người Quảng Nam có vài âm nào đó giống người Thanh Nghệ thì đâu có gì lạ?

Theo chị nói thì “Ở Quảng Nam đầu thế kỷ thứ 16, người Chăm lớp bị giết, lớp bỏ chạy về Chiêm Thành, ai còn sót lại chắc hẳn phải dè dặt che giấu thân phận, và có lẽ sống quây quần khép kín trong cộng đồng của họ. Người Chiêm dân cư vốn đã thưa thớt, sau những cuộc tàn sát ấy thì lại càng ít đi. Cộng thêm những lệnh cấm đoán, con số ít ỏi còn lại đó liệu có mấy phần cơ hội để cộng cư thân mật? Trong hoàn cảnh đó, việc tiếp xúc với người Việt thường xuyên và cần thiết đến mức nào mà đến nỗi có thể thay đổi hẳn bộ mặt của giọng nói người Việt ở Quảng Nam? (tr 241). Tức người Thanh Nghệ vào rất đông, chiếm tuyệt đại đa số dân cư Quảng Nam lúc đó; vậy cho tôi hỏi: Đang yên, đang lành sao tự dưng những người Thanh Nghệ đó biến đổi giọng nói thành giọng Quảng Nam? Tôi chắc chắn chị sẽ không trả lời được câu hỏi này, trong khi sách tôi đã nói nhiều về chuyện này, chị có thể xem lại mặc dù nó không dùng công cụ ngôn ngữ như chị yêu cầu.

Trước tôi hầu như không ai nói người Chàm ở lại, tất cả đều là “khi người Việt đến thì người Chàm bỏ đi cả” hoặc “Tiền hiền khai hoang, hậu hiền khai canh; các ngài chiêu dân lập ấp…”.  Xin hỏi người nào ở sẵn đó cho các ngài chiêu dân? Có nghĩa rằng là chị cố công chứng minh bằng lịch sử, là mảng chị không chuyên ngành, là người Chàm đã bỏ đi cả là để phản biện tôi chứ không phải bất cứ ai cả. Thế mà chị vẫn không một dòng dẫn tham khảo sách tôi, trong khi chị dẫn rất nhiều những tư liệu bài viết lịch sử khác, thậm chí có những tư liệu như “Phủ tập Quảng Nam ký sự” là tư liệu chưa được kiểm chứng văn bản đầy đủ nhưng chị vẫn dùng như một tư liệu mới quan trọng.

Ở phần trả lời phỏng vấn của Thái Hạo chị nói hiện tượng a-oa ở người Quảng Nam đã được Vương Hữu Lễ đề cập năm 1974 và sau đó nhiều người cũng như chính chị đặt vấn đề trước đây. Theo tôi được biết thì bài viết về a-oa của Vương Hữu Lễ chưa công bố, các sách sau này ông viết cũng không trực tiếp nhấn mạnh hiện tượng a-oa. Nếu đúng của Vương Hữu Lễ thì cũng không thấy chị trích dẫn Vương Hữu Lễ về a-oa từ sách nào. Các nghiên cứu về sau như chị nói hy vọng chị có bằng chứng đưa ra để mọi người tin chắc rằng chị là người đầu tiên nói đến hiện tượng đặc biệt a-oa này.

Trên giấy trắng mực đen thì tôi nói chuyện a-oa này trong lần xuất bản đầu tiên năm 2011. Tôi gọi hiện tượng a-oa của người Quảng Nam (Choa ơi choa, anh boa ảnh câu con cóa con gòa hén en) là “tên đầu têu” tạo nên sự biến âm rất xa của các nguyên âm ở người Quảng Nam.

Lịch sử vấn đề và dẫn nguồn mọi đề cập có liên quan đến đề tài cho dù đó là những câu thơ hoặc vè dân gian, hoặc cho dù luận điểm sai đi nữa… là một yêu cầu tối thiểu và bắt buộc trong nghiên cứu khoa học.

Chúc chị khỏe và có những công trình mới về giọng nói người Quảng Nam hay hơn nữa.

Hồ Trung Tú
Xem thêm