Dự án mới, cơ hội mới
Dự án “Hệ thống quản lý thông tin tài nguyên nước tổng hợp lưu vực sông Mã” được triển khai với mục tiêu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước tại lưu vực sông Mã. Dự án do Bộ NN-PTNT Việt Nam chủ trì, hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và được tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc.
Trọng tâm bao gồm phân tích khu vực mục tiêu, tạo cơ sở dữ liệu quản lý nước, trạm đo mới và kết quả mong đợi như quản lý xả lũ tốt hơn và cải thiện dịch vụ thủy lợi. Dự án có sự tham gia của tư vấn quản lý dự án Hàn Quốc, các công ty tư vấn trong nước và nhiều cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam.
Bà Kim Chorong (Viện KICT) - Tư vấn quản lý dự án Hàn Quốc, cho biết: “Chúng tôi đã dựa trên các tài liệu, dữ liệu được cung cấp để tiến hành đánh giá, phân tích mức độ ảnh hưởng về hạn hán, lũ lụt ở lưu vực sông Mã, tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó cũng phân tích hệ thống thông tin hóa tình hình thủy lợi ở Việt Nam”.
Dự án được triển khai với mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước tại lưu vực sông Mã, hướng đến sử dụng nước bền vững thông qua các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ khác nhau. Dự kiến sẽ cải thiện việc quản lý tài nguyên nước, giảm nhẹ lũ lụt và hạn hán cũng như nâng cao năng suất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống hỗ trợ ước tính nhu cầu nước và hệ thống cấp nước giúp chi tiết hóa việc thực hiện ước tính nhu cầu nước và phân tích cân bằng nước tại lưu vực sông Mã, miền Trung Việt Nam. Ngoài ra, khả năng phân tích lượng mưa - dòng chảy giúp mô tả việc thiết lập giai đoạn mô hình, phân tích sử dụng dữ liệu lượng mưa và sử dụng dữ liệu đầu vào của mô hình cân bằng nước.
Điều chỉnh nhỏ, thay đổi lớn
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, ông Lương Văn Anh cho biết: “Thủy lợi ở nước ta có vai trò quan trọng, đóng góp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Hệ thống thủy lợi trong thời gian vừa qua đã vận hành hiệu quả, tuy nhiên hệ thống thông tin chưa được vận hành với mức công nghệ hóa, hiện đại hóa, điều hành vận hành thông minh chưa đạt được hiệu quả cao. Vì vậy Bộ NN-PTNT đặc biệt coi trọng nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống quản lý thông tin tổng hợp tại lưu vực sông Mã…”.
Hệ thống quản lý thông tin thủy lợi đóng vai trò then chốt trong việc điều tiết và phân phối nước tưới hợp lý, đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra, chúng còn giúp phát triển bền vững nông nghiệp tại các khu vực trồng lúa rộng lớn như sông Mã, thậm chí các tỉnh thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cũng không phải là ngoại lệ.
Diện tích gieo cấy lúa của các tỉnh sử dụng nguồn nước thuộc hệ thống sông Hồng – Thái Bình có sự giảm nhẹ trong vụ mùa 2024 so với vụ đông xuân 2023-2024 từ 548,435 ha còn 525,112 ha. Điều này chỉ rõ không ít thách thức đối với công tác điều hành cấp nước mùa cạn. Hầu hết các sông đều xảy ra tình trạng bị hạ thấp lòng dẫn dẫn đến suy giảm mực nước. Lượng phù sa, bùn cát cũng có sự suy giảm đáng kể.
Lượng phù sa sông Hồng hàng năm đã giảm khoảng 90,4% (từ 115 triệu tấn còn 11 triệu tấn/năm trong 64 năm). Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, xâm ngập mặn cũng trở thành thách thức không nhỏ đối với công tác điều hành cấp nước.
Để giải quyết thực trạng này, công tác điều hành các đợt lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân đã được tính toán, xây dựng kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Xu thế biến động lòng dẫn, hạ thấp mực nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ biến động về nguồn nước, gia tăng xâm nhập mặn. Cơ sở vật chất về thiết bị đo đạc, điều hành công trình cũ, xuống cấp. Điều này đặt ra yêu cầu trong việc đầu tư cho công tác điều hành của cơ quan quản lý, năng lực của đơn vị tư vấn cần được nâng cao một cách đồng bộ và có hiệu quả.