| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng phát triển nông nghiệp du lịch ở ‘thiên đường’ Măng Đen

Thứ Ba 20/06/2023 , 15:20 (GMT+7)

Những năm gần đây, nông nghiệp kết hợp du lịch đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho vùng đất Măng Đen, nơi được mệnh danh là ‘thiên đường’ du lịch của Tây Nguyên.

Ông Đông đang thu hoạch cam theo các đơn đặt hàng qua mạng xã hội. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Đông đang thu hoạch cam theo các đơn đặt hàng qua mạng xã hội. Ảnh: Đăng Lâm.

Huyện Kon Plông là địa phương sở hữu hơn 210ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lớn nhất tỉnh Kon Tum. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi cung - cầu, ngành nông nghiệp huyện cũng xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với du lịch. Bởi, vài năm trở lại đây, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) là trung tâm du lịch của tỉnh Kon Tum với khả năng thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm.

Sức hút từ nông nghiệp kết hợp du lịch 

Với vườn cam rộng 10ha, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 200 tấn quả, những năm trước việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông Nguyễn Quang Đông, chủ trang trại nông nghiệp sinh thái Hai Đông (thị trấn Măng Đen) gặp khá nhiều khó khăn. Câu chuyện bắt đầu thay đổi từ vài năm trở lại đây khi khách du lịch biết đến vườn cam của gia đình ông Đông. Tuy trang trại nằm ở vị trí hẻo lánh, đường đi khó khăn, nhưng bù lại nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt, cam của trang trại được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, chất lượng quả với hương vị khá đặc biệt khiến đây trở thành điểm đến của nhiều du khách.

Anh Dư Văn Toán (du khách đến từ Gia Lai) cho biết: “Trước khi lên Măng Đen du lịch, tôi đã tìm hiểu kỹ vườn cam Hai Đông. Vườn cam này khá đặc biệt, được trồng ngay dưới những cây rừng cổ thụ, mà không bị ảnh hưởng gì đến diện tích rừng tự nhiên. Cảnh vật cũng rất đẹp, được hái cam và ăn tại vườn đúng là trải nghiệm rất thú vị. Cam ở đây rất ngon và thơm, khi thấy tôi chụp hình đăng facebook nhiều bạn bè, người thân đã nhờ mua về”.

Trang trại nông nghiệp sinh thái Hai Đông được cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam hữu cơ Măng Đen Hai Đông từ năm 2019. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, tổng doanh thu của trang trại bình quân không dưới 6 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Quang Đông, chủ trang trại nông nghiệp sinh thái Hai Đông cho biết, khách du lịch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cam Măng Đen. Khi du khách tới đây trải nghiệm, đăng hình ảnh của trang trại lên mạng xã hội thì sức lan tỏa rất mạnh.

Cũng theo ông Đông, cam nơi đây được trồng theo phương pháp organic, dưới tán rừng già sinh thái rất ít nơi có được, điều này giúp du khách háo hức đến với vườn cam. Chưa kể, khách hàng tại các siêu thị lớn cũng có được niềm tin hơn với thương hiệu cam Hai Đông.

“Tôi lấy ví dụ, An Phú Farm ở thành phố Đà Nẵng vào năm 2021 chỉ mua cam của chúng tôi 3 tấn/năm, song nhờ phản hồi tích cực của khách hàng cũng như sự lan tỏa trên mạng xã hội, năm 2023 đơn vị này đã mua 15 tấn cam. Cũng chính sức lan tỏa rất nhanh của mạng xã hội mà An Phú Farm bán rất đắt hàng, sản lượng tăng lên theo từng năm”, ông Nguyễn Quang Đông phân tích.

Các em nhỏ trải nghiệm hái dâu tây tại Niinuma Tomofarm. Ảnh: Đăng Lâm.

Các em nhỏ trải nghiệm hái dâu tây tại Niinuma Tomofarm. Ảnh: Đăng Lâm.

Với 2 nhà màng diện tích khoảng 4.000m2 tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, Công ty TNHH Niinuma Tomofarm Măng Đen đang trồng các loại cây chủ lực như dâu tây, bắp cải tí hon, cà chua bi Nhật, tầm bóp Nam Mỹ… Đây cũng là một trong những điểm đến ưa thích của các du khách, bởi không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà còn được trực tiếp thu hái những loại nông sản muốn mua tại vườn.

Chị Hồ Thanh Tâm, Quản lý sản xuất của Công ty TNHH Niinuma Tomofarm (thị trấn Măng Đen) cho biết, vào những mùa cao điểm về du lịch như Tết hay những kỳ nghỉ lễ, đơn vị đón hàng trăm du khách mỗi ngày, mang về khoản doanh thu trên 100 triệu/tháng.

“Doanh thu của Tomofarm đến từ khách du lịch rất cao. Khi du lịch phát triển, nhiều du khách biết đến Măng Đen với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Du khách không chỉ tham quan mà còn quảng bá cho mọi người biết đến các sản phẩm nông nghiệp ở đây, biết đến khu công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao được xem như là sản phẩm du lịch của Măng Đen”, chị Tâm chia sẻ.

Em Đặng Huyền Trang (học sinh lớp 10, thành phố Kon Tum) cho biết, vào mỗi dịp nghỉ lễ, em đều được bố mẹ đưa lên Măng Đen du lịch, trải nghiệm trực tiếp các hoạt động trồng, chăm sóc các loại rau, hoa quả.

“Đến với khu nông nghiệp công nghệ cao, em được thỏa sức tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách các cô chú, anh chị đa dạng phương thức trồng các loại nông sản. Điều này sẽ rất có ích cho quá trình học tập của em, không chỉ hiện tại mà còn cả sau này nữa”, em Trang chia sẻ.

Cần thêm giải pháp để phát triển

Thực tế cho thấy, nông nghiệp kết hợp du lịch mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Du khách mua những sản phẩm mình tự thu hoạch. Ảnh: Đăng Lâm.

Du khách mua những sản phẩm mình tự thu hoạch. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kon Plông cho biết, hiện có 11 doanh nghiệp, HTX, trang trại được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 15 tổ chức, cá nhân đã có mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có không ít các mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch, mang lại hiệu quả cao, tiềm năng phát triển lớn.

Có thể nói, huyện Kon Plông trong những năm gần đây đang dần khẳng định là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn một số bất cập như quản lý đất đai, hạ tầng, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn chưa chặt chẽ khiến mô hình này chỉ phát triển ở quy mô nhỏ. Đặc biệt, việc chưa có được chính sách tổng thể về phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch đã hạn chế các nguồn lực đầu tư.

Nông nghiệp công nghệ cao tại Măng Đen phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Đăng Lâm.

Nông nghiệp công nghệ cao tại Măng Đen phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Nguyễn Quang Đông cho rằng, vấn đề bây giờ, chính quyền địa phương phải có cơ chế mở, cho nông dân xây dựng các nhà ở lưu trú tại điểm sản xuất nông nghiệp như Đà Lạt đang làm. Ngoài ra, nếu được quan tâm về hạ tầng giao thông thì sự tiếp cận của khách du lịch sẽ dễ dàng hơn, như vậy nông nghiệp sẽ phát triển, du lịch bùng nổ.

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sẽ mang lại nguồn lợi về kinh tế tăng từ 10 - 25 lần so với thông thường. Với lợi thế sẵn có, Kon Plông rất phù hợp để phát triển loại hình này.

“Nếu Trung ương và UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sẽ rất phù hợp với huyện Kon Plông. Một số vùng đất tiềm năng có thể quy hoạch trở thành điểm kết hợp giữa nông nghiệp, trải nghiệm du lịch thì rất hiệu quả. Ngoài nâng cao giá trị về kinh tế, mô hình này còn giúp cho du khách, các em học sinh có những trải nghiệm thực tế để có thêm kiến thức về nông nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023 - 2028 của Hội Du lịch Măng Đen, ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông khẳng định, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, huyện sẽ chọn một số doanh nghiệp, hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp để làm các mô hình khai thác du lịch trên đất nông nghiệp. Đây là chủ trương lớn để đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển, gắn liền với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam doanh thu đạt đỉnh 3 năm liên tiếp

HÀ NỘI Năm 2024 đánh dấu 3 năm liên tiếp (từ 2022-2024) Vinachem đạt doanh thu cao kỷ lục, ước đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 3% so với kế hoạch và 1% so với 2023.