Trước đó, Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Trong kỳ này, Đại biểu Quốc hội được đề nghị bầu làm Chủ tịch nước lại trùng với nhân sự đang giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, muốn bầu Chủ tịch nước phải miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ trước.
Không thể bầu Chủ tịch nước chính là Thủ tướng, vì theo quy trình thì Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Như vậy, sẽ dẫn đến tình huống “Chủ tịch nước trình miễn nhiệm nhân sự là chính mình".
“Do đó, phương án đưa ra là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Miễn nhiệm Thủ tướng xong mới làm quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước rồi mới bầu Chủ tịch nước để tân Chủ tịch nước giới thiệu nhân sự bầu tân Thủ tướng”, Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu giải thích.
Tháng 1/2021, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; tại kỳ họp thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc vào Bộ Chính trị.
Ngày 18/3, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khối Chủ tịch nước.
Sau khi nghe tờ trình của Chủ tịch nước, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ được Quốc hội tiến hành vào sáng ngày 2/4 bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội cũng sẽ thông qua một nghị quyết riêng về việc miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi có kết quả kiểm phiếu.
Vào chiều 2/4, Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.
Theo dự kiến, nhân sự được giới thiệu bầu tân Chủ tịch nước chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng Chính phủ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.