Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến |
Những vấn đề nóng về chất lượng khám chữa bệnh, y đức, tuyến cơ sở y tế, trục lợi BHYT… lần lượt được Bộ trưởng thẳng thắn trả lời trước Quốc hội.
Trục lợi BHYT diễn ra khá phổ biến
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đặt vấn đề, tình trạng lạm dụng BHYT có xu hướng gia tăng, cơ sở y tế tiếp thị khám chữa bệnh, xuất hiện tình trạng nhiều người có bảo hiểm đi khám để lấy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh tăng các loại xét nghiệm cận lâm sàng làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh, gây quá tải và bội chi quỹ BHYT. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này?
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) |
Tiếp đó, nhiều ĐB khác cũng hỏi về tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT và biện pháp chống lạm dụng, chống vỡ quỹ BHYT của Bộ Y tế. Liên quan đến nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát thì thấy có tình trạng lạm dụng BHYT thật. Việc lạm dụng này theo Bộ trưởng là xuất phát từ 2 phía: cơ quan y tế và người dân.
Theo bà Tiến, do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng BHYT đã rộng hơn, và với chủ trương thông tuyến thì nhiều người đã lạm dụng. “Có những người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại tiếp tục khám từ bệnh viện này sang bệnh viện khác…”, Bộ trưởng Tiến thừa nhận.
Với các cơ sở y tế, cơ chế tự chủ bên cạnh mặt tích cực, cũng có hạn chế là lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật cần thiết nhưng vẫn yêu cầu nằm viện…, việc làm này theo Bộ trưởng là để tăng nguồn thu cho đơn vị.
“Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với BHXH có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, trước mắt là ở một số bệnh tuyến trung ương”, Bộ trưởng Y tế nói.
Cũng về vấn đề này, có nhiều ĐBQH chất vấn Bộ trưởng nhưng vì liên quan trực tiếp đến ngành bảo hiểm nên Chủ tọa kỳ họp đã mời bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đăng đàn.
TGĐ BHXH VN Nguyễn Thị Minh |
Bà Minh cho hay, quyền lợi được hưởng BHYT của ta hiện nay rất cao, nhất là đối tượng trẻ em, người già và học sinh sinh viên. Mỗi năm cả nước có 150 triệu lượt người đến các cơ sở y tế khám và chữa bệnh. Trong khi đó quỹ BHYT mức thu chưa đến 30 USD/người, mỗi năm huy động được 70 ngàn tỷ đồng.
Vấn đề giá biệt dược cao, đặc biệt các thuốc ung thư, tim mạch như các ĐB phản ánh, Bộ trưởng Tiến cho rằng là rất đúng vì biệt dược là độc quyền. Giải pháp của Bộ Y tế là điều chỉnh Thông tư 11 vì trong 700 thuốc biệt dược có bản quyền, hiện có 500 thuốc hết bản quyền. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang điều chỉnh Thông tư 11 đưa danh mục thuốc biệt dược gần hết bản quyền đấu thầu rộng rãi; còn với biệt dược chắc chắn họ độc quyền Bộ sẽ có hình thức đàm phán giá tốt nhất. Đây là hình thức mới thực hiện theo Luật đấu thầu, phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc. Trên thực tế thời gian qua, nói giá thuốc tăng nhưng thực chất theo báo cáo của BHXH – nơi quản lý thì nhờ phương thức quản lý chặt chẽ hơn nhiều, chi phí của Quỹ BHYT cho thuốc giảm trung bình 30%. Vấn đề lạm dụng xét nghiệm mà ĐB Kim Ngân ở Bắc Kạn nêu, Bộ trưởng Tiến cho biết đã có thông tư chặt chẽ hơn, đổi mới phương thức chi trả theo khoán định suất, theo ca bệnh. |
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận tình trạng trục lợi BHYT diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.
Vẫn còn nhiều bệnh viện lấy lý do khó khăn do chưa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh nên đã kéo dài ngày nằm viện của bệnh nhân, dẫn đến tăng chi quỹ bảo hiểm.
“Chẳng hạn mổ pha cô thì lẽ ra chỉ 2 ngày là xuất viện nhưng có bệnh viện để bệnh nhân nằm đến 7 ngày.
Hay như, giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết công suất nhưng nhiều tỉnh thành vẫn báo cáo là sử dụng hết 230% - 250% số giường. Như thế là không sát với thực tế”, bà Minh cho biết thêm.
Máy móc hỏng do sử dụng quá công suất?
Một nội dung khác cũng được nhiều ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế đó là chất lượng khám chữa bệnh, thái độ y đức, thu nhập của bác sỹ tuyến cơ sở, vùng sâu vùng xa và nhiều nội dung nóng cử tri quan tâm.
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng rằng, vẫn còn tình trạng giá thuốc Việt Nam cao hơn mặt bằng giá thuốc các nước trong khu vực, ngay cả các địa phương cũng có sự chênh lệch. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này. Có ĐB nêu vấn đề lãng phí trong đầu tư trang thiết bị của ngành y vì nhiều thiết bị mua về đắp chiếu?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời rằng, thị trường thuốc Việt Nam ổn định, trong CPI thuốc đứng thứ 10 tức là không tăng cao. Việt Nam cao hơn thế giới cần có đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế.
“Máy móc chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng do công suất sử dụng quá cao. Có những máy cần phải bảo hành bảo trì từ nước ngoài. Công suất sử dụng máy ở ta quá lớn, chênh lệch giá cao.
Vừa rồi Kiểm toán Nhà nước có kết luận nhưng các cơ sở y tế không đồng tình với kết luận này. Ví dụ kim cánh bướm tại bệnh viện Việt Đức là 6.500-7.500đ, bệnh viện Chợ Rẫy giá gấp 10 lần”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Các ĐB có nêu giá thuốc tại quầy thuốc có sự loạn giá. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để quản lý giá thuốc, Bộ đã ban hành các Thông tư để quản lý giá đối với các BV công lập, ngoài công lập và đặc biệt sử dụng ngân sách của quỹ bảo hiểm.
Đối với nhà thuốc BV, Bộ đã thực hiện Nghị định đấu thầu, thành lập trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, lên danh mục thuốc đấu thầu thuốc tập trung…
Hiện nay đang quản lý giá khá tốt, và Bộ đang điều chỉnh Thông tư 11 để giảm bớt giá. Bắt buộc giá thuốc ở quầy thuốc BV bằng với giá thuốc BV mua.
Còn với các quầy thuốc bán lẻ phải tuân theo quy luật thị trường có kê khai giá, công khai minh bạch. Với các quầy thuốc bán lẻ này tất nhiên có sự chênh lệch giá nhiều, tuy nhiên Bộ cũng có ban thanh tra kiểm tra liên ngành Bộ Y tế - Công thương - Tài chính, nếu vượt quá không kê khai sẽ bị phạt song lực lượng còn mỏng. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp địa bàn phòng y tế, trung tâm y tế huyện… để giải quyết.
Lấy ngân sách bù chi quỹ BHYT là trái luật Tổng giám đốc BHXH Việt Nam vừa dứt lời thì có khá nhiều ĐBQH giơ biển xin được tranh luận. ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng cách chi trả BHYT hiện nay quá thiệt thòi cho người bệnh. ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho biết, ngày 19/5/2017 BHXH có một công văn gửi các địa phương giao chỉ tiêu kinh phí, trong đó đề nghị ngân sách các tỉnh bù chi cho quỹ BHYT. Như thế là chưa đúng với pháp luật, vi phạm khoản 4 điều 35 Luật BHYT. Còn ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nói mục tiêu của chúng ta là phục vụ người dân. Song qua phát biểu của BHXH Việt Nam thì chỉ thấy nói nhiều về lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT. Ngay BHXH cũng chưa có một quy định để giám sát chặt chẽ vấn đề này. "Giám sát còn lỏng thì tiêu cực sẽ xảy ra thôi. Tất cả cũng từ cái nghèo mà ra. Thu ít nhưng chi nhiều thì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm là đúng”, ĐB Lan nói. Theo ĐB Lan,các bệnh viện rất bức xúc vì có tình trạng BHXH gọi điện, gửi email chỉ đạo cắt giảm chi BHYT. Trước tính mạng của người dân, bệnh viện không thể dừng được. Tôi đề nghị Bộ Y tế không vì các thông tư của BHXH mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi và tính mạng của người dân. Tương tự, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị có một bộ công cụ quy định để chấm dứt tình trạng giám định viên bảo hiểm cứ thích cắt kinh phí chi BHYT của ai thì cắt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị TGĐ BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh có trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề ĐBQH nêu ra để có trả lời bằng văn bản cho ĐBQH. |