| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc không nên "đánh giá thấp quyết tâm của Việt Nam"

Thứ Sáu 30/05/2014 , 13:45 (GMT+7)

"Trung Quốc đã biến một vùng biển không có tranh chấp thành một vùng biển có tranh chấp. Đó là điều không thể chấp nhận được", Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn kênh CNN./ "Trung Quốc đang biến Biển Đông thành nồi nước sôi”

Chiều 28/5, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường đã có cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp với phóng viên quốc tế của Đài truyền hình CNN Christiane Amanpour tại trụ sở của CNN ở thủ đô Washington.

Dưới đây là toàn văn trả lời phỏng vấn của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường.

Lời dẫn của phóng viên Amanpour: Trung Quốc có thống trị trên biển Đông hay không? Nhiều quốc gia đang băn khoăn liệu có gì có thể ngăn cản được Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình trong những tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam.

Căng thẳng gần đây nhất liên quan đến Việt Nam sau khi Trung Quốc hạ đặt và một giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa. Tuần này, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam gần khu vực giàn khoan này.

Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam đã khiến chính phủ Trung Quốc đưa hàng nghìn công nhân về nước. Liệu ở châu Á có sắp xảy ra chiến tranh không? Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Cường, sẽ có buổi phỏng vấn với tôi từ Washington D.C.

- Câu hỏi đầu tiên của tôi là gần đây, cả Trung Quốc và Việt Nam đều nói rằng quan hệ giữa hai nước đang tiến triển tốt. Điều gì đã xảy ra và mối quan hệ này có thể được cải thiện trở lại không?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tiến triển trong năm qua, nhưng đột nhiên, Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương-981 tới và sử dụng rất nhiều tàu để hộ tống giàn khoan đó vào vùng biển của Việt Nam.

Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.Việt Nam, không còn cách nào khác, là phản đối hành động đó một cách hòa bình, nhưng kiên quyết.

Ngay cả khi Việt Nam phản đối một cách hòa bình và kiên quyết như vậy, ông có lo ngại rằng một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Vâng, trước hết tôi muốn bàn về hành động của Trung Quốc. Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan và đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam. Hành động này không những xâm phạm vào chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cũng như những cam kết của chính phủ Trung Quốc đối với các nước ASEAN khi ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Tôi muốn ông xem một trích đoạn từ phỏng vấn tuần trước của tôi với Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, về vấn đề ở Biển Đông. Ông Thôi Thiên Khải đã nói như sau về giàn khoan và các đảo đang tranh chấp: "Chúng tôi không muốn có xung đột trong khu vực, nhưng điều này không phải do riêng chúng tôi quyết định. Các nước khác cũng phải có thái độ và sách lược mang tính xây dựng." Ông ấy còn nói rằng Trung Quốc chỉ có một giàn khoan trong vùng biển không có tranh chấp của họ, trong khi Việt Nam có đến 30 giàn khoan. Ông đáp lại tuyên bố đó như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Trung Quốc đã đưa ra những luận điểm không có căn cứ, họ đã làm sai lệch hiện trạng. Giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chứ không phải trong vùng biển có tranh chấp.

Trung Quốc đã biến một vùng biển không có tranh chấp thành một vùng biển có tranh chấp. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam đã diễn ra từ hàng chục năm nay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chứ không phải trong vùng biển có tranh chấp. 

Nhiều công ty nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam để thăm dò dầu khí. Bà có tin rằng họ sẽ hợp tác với Việt Nam nếu các vùng biển đó đang có tranh chấp? Tôi không nghĩ vậy. Năm 2012, Trung Quốc thậm chí còn mở thầu quốc tế để khai thác dầu trong thềm lục địa của Việt Nam, nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia đấu thầu.

Tôi hiểu. Thế ông có ý kiến như thế nào về những lời nói sau của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc năm 2010 khi ông này gặp Bộ trưởng Ngoại giao Singapore? Ông ấy nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Đó là một sự thật.” Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thời đó đã nói như vậy. Ông nghĩ gì với câu nói đó. Trung Quốc là nước lớn và Việt Nam là nước nhỏ hơn?

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Đó là một lập luận vô lý. Trong quan hệ quốc tế, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế. Không thể có việc nước nhỏ chèn ép nước lớn hay ngược lại. Mọi quốc gia đều bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền tại một số đảo đang tranh chấp với Nhật Bản, và có nhiều tranh chấp chủ quyền với Philippines. Hành động của Trung Quốc bị người dân Việt Nam phản đối mạnh mẽ, và đã có xô xát với công nhân Trung Quốc.

Đứng trước sự phản đối Trung Quốc như vậy, nhiều người Trung Quốc đã sơ tán khỏi Việt Nam. Vậy Việt Nam làm thế nào để nhận được sự bảo hộ (protection) của Trung Quốc? Bởi vì mặc dù Việt Nam và Mỹ có quan hệ tốt, Việt Nam không được Mỹ hậu thuẫn về an ninh tại khu vực này.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Việt Nam đang theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập. Chúng tôi muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và tất cả các quốc gia khác. Nhưng Việt Nam không chấp nhận áp bức (coercion) hay đe dọa từ bên ngoài. Khi có vấn đề liên quan tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền của mình. Không quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Tất cả người dân Việt Nam, dù đang sinh sống ở trong nước hay nước ngoài, đều tin rằng không có gì quý hơn độc lập tự do.

Chúng ta sẽ cùng theo dõi diễn biến tình hình. Cảm ơn ngài Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã đến với chương trình từ Washington D.C.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Cảm ơn bà.

Xem thêm
Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.