Rạng sáng 16/7, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin Tổng Cty dầu khí Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương 981 đang được di chuyển sau 73 ngày hoạt động.
Vì bão, hay toan tính khác?
Tin của Tân Hoa Xã nói nhiệm vụ khoan thăm dò "đã thành công". Thời gian hoạt động theo dự kiến của Trung Quốc là 100 ngày, nhưng sau 73 ngày nước này nói đã khoan thăm dò thành công "ở 2 vị trí khác nhau".
Tuyên bố của Tổng Cty dầu khí Trung Quốc nói các dữ liệu khoan thăm dò lần này sẽ được tập hợp lại trong Dự án Zhongjiannan và ngạo mạn tuyên bố "sẽ tiếp tục các bước tiếp theo".
Giàn khoan Hải Dương 981 đang dịch chuyển dần về hoạt động ở đảo Hải Nam của Trung Quốc trong khi nước này vẫn trắng trợn tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa.
Wang Zhen, Phó giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách của Tổng Cty dầu khí Trung Quốc thừa nhận nước này buộc phải rút giàn khoan do mùa bão đang tới.
Giàn khoan Trung Quốc dịch chuyển với tốc độ khoảng 4 hải lý/giờ
Tuy nhiên, đến chiều qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phủ nhận thông tin giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển do bão.
Hồng Lỗi nói việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 từ đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa sang đảo Hải Nam để "tiếp tục tác nghiệp".
Về hoạt động tiếp theo của Trung Quốc, Hồng Lỗi cho biết các cơ quan chức năng nước này đang "tính toán các phương án", nhưng không nói cụ thể là phương án nào.
Trong phát ngôn được các tờ báo Trung Quốc đăng tải hôm qua, Hồng Lỗi tiếp tục lu loa về cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi của Bắc Kinh với Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam)".
Tàu Trung Quốc vẫn dàn hàng chặn tàu Việt Nam
Trao đổi với phóng viên chiều 16/7, đại diện Cảnh sát biển Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, tàu Trung Quốc vẫn tỏ ra hung hăng, ngang ngược khi hộ tống giàn khoan Hải Dương 981.
Kể từ khi dịch chuyển lúc 23h đêm 15/7 với tốc độ khoảng 4 hải lý/giờ, các tàu Trung Quốc dàn hàng hình chữ V chặn tàu Việt Nam tiến vào tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: “Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn đang theo dõi chặt chẽ hành trình di chuyển của giàn khoan Trung Quốc”.
Thả tàu lặn, robot mini xuống biển
Trưa qua, Tân Hoa Xã loan tin Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tàu lặn Giao Long và robot mini Long Châu. Thông tin này được đăng tải gần như sau khi Trung Quốc xác nhận dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Hải Nam.
Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc
Tin cho biết tàu mẹ Hướng Dương Hồng 09 đã thả tàu lặn Giao Long xuống biển, nhưng không cho biết địa điểm thử nghiệm.
"Nhiệm vụ thử nghiệm" của tàu lặn Giao Long được nói là sẽ diễn ra từ năm nay đến hết năm sau, đây là lần thử đầu tiên.
Với các camera, máy ảnh gắn trên thân, nhiệm vụ lần này của Giao Long ngoài việc thích ứng với độ sâu khác nhau còn kèm thêm việc "thu thập mẫu vật dưới đáy biển, chụp ảnh địa hình đáy biển".
Tàu lặn Giao Long cũng thử nghiệm mang robot mini hoạt động dưới đáy biển, robot này được Trung Quốc gọi là ROV Long Châu. Bản tin của Tân Hoa Xã không tiết lộ thêm về các tính năng của Long Châu.
Tàu lặn Giao Long được thả xuống biển
Năm 2012, Trung Quốc từng tuyên bố thử nghiệm tàu lặn Giao Long ở Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc khi đó nói độ sâu tối đa mà Giao Long đạt được là 6.617m.
Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có 5 nước gồm Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Nhật chế tạo được tàu lặn có người điều khiển vượt qua ngưỡng sâu 3.500 m. Mỹ vẫn là nước giữ kỷ lục lặn sâu 11.000 m từ năm 1960 tại khu vực biển Mariannes, Thái Bình Dương.
Giao Long là tàu lặn có người lái do Cục Hàng hải Trung Quốc bắt đầu chế tạo từ năm 2002 và hoàn thành sau 6 năm theo Kế hoạch phát triển nghiên cứu kỹ thuật cao quốc gia.
Tàu dài 8,2m, rộng 3m, cao 3,4m, nặng 22 tấn, có thể chở nặng được 220 kg (chưa bao gồm trọng lượng của phi hành đoàn 3 người), thời gian lặn tối đa 12 tiếng, có lớp vỏ bọc bằng titanium.