Sáng 16/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.
Tai cuộc họp, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vacxin hết hạn mà không tiêm được phân bổ đợt 2 từ nguồn vacxin tài trợ theo cơ chế COVAX. Việt Nam tiếp nhận 811.200 liều vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca theo cơ chế COVAX ngày 1/4 và phân bổ về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.
"Không được để bất cứ liều vacxin nào phải hủy do hết hạn sử dụng mà địa phương không tổ chức tiêm chủng. Địa phương nào không hoàn thành tiêm thì chúng tôi thu hồi vacxin. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ ngày hôm qua", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu đối với đợt 1 (vacxin của AstraZeneca nhập về qua hệ thống VNVC ngày 8/3/2021) phải hoàn thành tiêm chủng trong tháng 4/2021. Đối với đợt 2 (vacxin do nguồn tài trợ từ cơ chế COVAX) phải hoàn thành trước ngày 15/5, tức là hoàn thành kế hoạch tiêm chủng trước khi vacxin hết hạn nửa tháng.
Trước những lo ngại về vấn đề an toàn tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vacxin Covid-19 của AstraZeneca theo đúng kế hoạch. Hiện nay, Việt Nam đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người.
Theo Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Có thể thấy, mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Chưa ghi nhận ca tai biến rối loạn đông máu sau tiêm tại Việt Nam.
Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng được Bộ Y tế quyết định thành lập ngày 15/4, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.
Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm…
Các cơ sở tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như việc triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 và khẳng định vacxin là một trong những biện pháp phòng chống Covid- 19.
Những lợi ích mà vacxin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, vị đại diện cũng cho rằng, vacxin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm qua.