Những ngày này, cả nước đang sục sôi với việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.
Vấn đề chủ quyền biển đảo cũng được đưa vào trường học với nhiều cách thức như là một phần câu hỏi trong đề thi, là chủ đề của hoạt động ngoài giờ lên lớp chính khóa... nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước cũng như định hướng cho thế hệ trẻ cách ứng xử đúng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Giàn khoan trái phép làm “nóng” đề thi
Thông tin nóng ở Biển Đông đã liên tục xuất hiện trong các đề thi, nhất là đề thi thử vào đại học môn văn, ở các trường trung học phổ thông trên cả nước.
Tại Hà Nội, học sinh trường Trung học phổ thông Chu Văn An sục sôi với đề ôn luyện ngữ văn của tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết khi đề thi nêu vấn đề Trung Quôc Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) cùng nhiều tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu “anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.”
Theo tiến sỹ Tuyết, với đề thi này, cô muốn học sinh hiểu rằng mọi công dân Việt Nam đều không thể thờ ơ với vấn đề chủ quyền dân tộc. Đề không nêu ra định hướng tư tưởng nhưng cô đã rất ngạc nhiên khi thấy học trò của mình khẳng định mạnh mẽ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, bất bình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc đồng thời nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Đề thi ra vào ngày 12/5 và tất cả các thông tin liên quan đều được các em cập nhật đến ngày 11/5, cho thấy sự theo dõi sát sao vấn đề chủ quyền biển đảo của học sinh.
Tương tự, tại trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, đề thi thử đại học môn ngữ văn của hai khối C và D cũng đề cập đến vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam và yêu cầu “hãy viết bức thư gửi cho một bạn trẻ Trung Quốc để trình bày những chính kiến riêng của mình về sự kiện trên.”
Theo thầy Phan Thế Toàn, Tổ trưởng Tổ văn, trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh, đây là sự kiện được người dân cả nước quan tâm và học sinh cũng không ngoại lệ.
“Đề thi được ra theo hình thức viết thư cho người bạn Trung Quốc, vì chúng tôi nghĩ thế hệ trẻ có cách suy nghĩ và thể hiện riêng, và là người trẻ nói với người trẻ, các em sẽ dễ dàng bày tỏ những suy nghĩ của mình,” thầy Toàn chia sẻ.
Tại thành phố Huế, dù đề thi môn văn học kỳ 2, khối lớp 7, chỉ có câu hỏi chung: “Hãy viết bài văn nghị luận để làm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ: ‘Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ nhưng vấn đề Biển Đông vẫn nóng trong hàng loạt bài làm của học trò.
Thể hiện tình yêu đúng cách
Những đề thi đậm tính thời sự đã góp phần thổi bùng lên tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ. Khích lệ tinh thần đó, nhưng theo các giáo viên, một việc quan trọng không kém là phải định hướng cho học trò thể hiện tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc một cách đúng đắn.
“Trong những ngày vừa qua, có nhiều sự cố đáng tiếc xung quanh việc người dân bày tỏ thái độ yêu nước chưa đúng. Việc lồng ghép thông tin này đề thi vừa giúp học sinh giải tỏa cảm xúc của mình, vừa định hướng các em thể hiện tình cảm yêu nước cháy bỏng, nhưng ôn hòa, không để bị kích động,” thầy Toàn chia sẻ.
Cũng theo thầy Toàn, trường còn tổ chức các buổi tuyên truyền vừa để trang bị các kiến thức về chủ quyền biển đảo cho học sinh, vừa để các em hiểu được định hướng đấu tranh của Việt Nam.
Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp cho học sinh cũng là cách được nhiều trường lựa chọn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các trường Trung học phổ thông Tây Thạnh (quận Tân Phú), Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hồng Hà (quận Gò Vấp), học sinh được nhà trường phổ biến về tình hình Biển Đông.
Trường Trung học phổ thông Nam Hà (Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Trường phổ thông Chu Văn An, Trung học phổ thông chuyên Amsterdam (Hà Nội) phát động ủng hộ ngư dân và chiến sỹ Hoàng Sa...
Còn tại trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh đã soạn một bài giảng đặc biệt với chủ đề “Yêu nước - phẩm chất số một của người Việt Nam. Bài giảng với những thông tin và hình ảnh sinh động về công cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, với những hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu đã khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước trong học trò.
“Trước tinh thần dân tộc lên ngùn ngụt của học sinh sau bài giảng, chúng tôi đã nghĩ đến việc phải định hướng tư tưởng cho các em để không bị kẻ xấu lợi dụng,” cô Kim Anh nói.
Sáng ngày 16/5, toàn trường đã tham gia vào một chương trình đặc biệt với chủ đề “Chủ quyền biển đảo-Khát vọng hòa bình”, 1.200 học sinh cùng nhau xếp thành hình Tổ quốc trong tiếng nhạc hùng ca của bài Dòng máu lạc hồng, Quốc ca, Nơi đảo xa...
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, các em học sinh còn quá trẻ nên những buổi sinh hoạt này là hoạt động rất cần thiết, vừa là nơi để các em thể hiện tình yêu nước của mình, vừa để định hướng tư tưởng cho các em.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý, các trường cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên và cả cán bộ, công chức, viên chức, góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế, không nghe theo sự kích động của kẻ xấu, không có những hành vi manh động, vi phạm pháp luật, cùng nhau giữ gìn an ninh, trật tự trong nhà trường và ngoài xã hội.